BÃI ĐÁ CỔ NẤM DẨN

BÃI ĐÁ CỔ NẤM DẨN




1. Tên di tích: Bãi đá cổ Nấm Dẩn
2. Loại công trình:  Thiên nhiên              
3. Loại di tích:  Di tích lịch sử - văn hóa
4. Quyết định: Đã xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia theo quyết định số:   03/QĐ-BVHTTDL ,ngày 21 tháng 2 năm 2008


 
5 . Địa chỉ di tích: Thôn Nấm Dẩn - Xã Nấm Dẩn - Huyện Xín Mần - Tỉnh Hà Giang  
6. Tóm lược thông tin về di tích:
        Nấm Dẩn cách thị trấn Cốc Pài 12Km về phía nam , nằm trên trục đường từ Xín Mần đi Quang Bình .Từ trung tâm xã đi khoảng 2 km đến khu vực Bãi đá cổ Nấm Dẩn . Con đường tới bãi đá cổ đã được trải bê tông thay cho con đường sỏi đá chông chênh . Khu di tích hiện lên trong làn sương mờ ảo có phần hoang sơ và thơ mộng . Bãi đá cổ Nấm Dẩn nằm giữa 2 dãy núi Tây Đản ở phía bắc và Nấm Dẩn ở phía nam ,có dòng suối Nậm Khòong  róc rách quanh năm.
        Bãi đá cổ Nấm Dẩn như tên gọi của nó là 1 quần thể di tích bao gồm rất nhiều tảng đá vơí những hình dáng , dấu tích và cách sắp xếp nhưng viên đá khác nhau . Di tích cự thạch Nấm Dẩn là loại hình di tích khảo cổ có niên đại khoảng 2000 năm rất hiếm ở Việt Nam . Quần thể di tích có thể phân ra làm 2 phần: những tảng đá có hiện tượng lạ và cự thạch . những tảng đá có hiện tượng lạ đó là ở trên bề mặt đá có hình giống như 1 chiếc bản đồ , hay có những tảng đá nhẵn bằng phẳng giống như là chiếc ghế khổng lồ...tất cả đều còn nguyên sơ không có sự can thiệp của con người ngày nay. Phần còn lại là di tích dấu vết của người cổ .
        Đó là những viên đá được xếp chồng lên nhau theo hình tam giác . Sự tác động trong sắp đặt cấu trúc các tảng đá theo chủ đích nhất định đã khiến nó phân biệt hẳn với các tảng đá tự nhiên khác . Đó có thể là di tích mộ của thủ lĩnh cộng đồng hoặc là khu đất thiêng , thờ cúng thần linh , tổ tiên và các nhân vật lỗi lạc của cộng đồng dân cư . Ngoài ra , di tích cự thạch Nấm Dẩn còn có khả năng liên quan tục thờ thần đá của các cư dân tiền sử ở đây .
        Vượt qua khu di tích cự thạch, đi thêm khoảng gần 500m đường mòn ven theo triền núi , du khách lên tới khu bãi đá có hình vẽ chạm khắc cổ ở ngay giữa bản người Mông và người Nùng thôn Nấm Dẩn người dân địa phương còn gọi là ‘ Nà Lai&; có nghĩa là ruộng nhiều chữ . Dựa vào sự so sánh tạo hình, mô-típ thể hiện với các di tích đồng dạng trong khu vực , các nhà nghiên cứu đã đi tới những kết luận ban đầu khi cho rằng hình vẽ trên đá ở Nấm Dẩn có niên đại khoảng hơn 1000 năm . Nhưng điều bí ẩn là những hình vẽ đó nói lên điều gì thì vẫn là một vấn đề chưa được giải mã . Ðã có nhiều ý kiến cho rằng , các hình vẽ này là sự ghi chép đồ họa , hình họa tương tự như bản đồ về một vấn đề gì đó của khu vực hoặc là những hình vẽ gắn với tín ngưỡng thờ mặt trời... Bãi đá có khoảng bảy phiến đá lớn và hai cự thạch (tảng đá cực lớn) . Trên các phiến đá khắc , vẽ 79 hình , gồm: sáu hình hồi văn hình vuông, hai hình hồi văn hình tròn , 40 hình tròn , một hình vuông , hai hình chữ nhật , sáu hình đục khắc song song giống bậc thang , năm hình biểu tượng sinh thực khí phụ nữ, còn lại là các hình bàn chân người với kích thước như thật có ngón chân khắc lõm sâu vào trong đá, hình người trong tư thế giơ hai tay, dạng hai chân... Ngoài 79 hình khắc vẽ, trên bề mặt tảng đá còn có khoảng 80 lỗ vũm , được khoét với đường kính trung bình năm đến sáu cm, sâu một đến hai cm . Các lỗ vũm phân bố chủ yếu ở đầu phía tây của tảng đá.
        Theo các nhà Khảo cổ học , các hình vẽ trên đá được tạo từ hơn 1.000 năm trước , khởi đầu sau công nguyên khi mà đồ sắt được sử dụng rộng rãi . Tương tự như bãi đá cổ Sa Pa, việc giải mã những hình khắc vẽ cổ trên đá ở Nấm Dẩn còn có nhiều ý kiến khác nhau . Một số ý kiến cho rằng, những hình khắc vẽ đó là những ghi chép bằng đồ họa, hình họa (tương tự như bản đồ) về một vấn đề nào đó trong khu vực . Ý kiến khác lại cho rằng , bãi đá cổ có thể là di tích mộ của thủ lĩnh cộng đồng hoặc là khu đất thiêng, thờ cúng mặt trời, tổ tiên và các nhân vật lỗi lạc của cộng đồng dân cư . Mỗi tảng đá trong bãi đá cổ Nấm Dẩn ẩn chứa nhiều điều bí ẩn, chờ được giải mã . Bởi vậy, bãi đá cổ Nấm Dẩn không chỉ thu hút du khách bằng vẻ đẹp nguyên sơ và bí ẩn mà còn bởi giá trị nghiên cứu về lịch sử, văn hóa và tín ngưỡng dân gian.
         Một trong những bí mật khác cũng chưa có lời giải đáp đang cần sự quan tâm của các nhà khoa học còn là mối liên hệ giữa chủ nhân các di tích cự thạch và chủ nhân các hình khắc vẽ cổ ở Nấm Dẩn.
         Có thể nói tiềm năng du lịch ở đây rất lớn đây là một địa điểm tham quan rất thú vị cho du khách , tuy nhiên điều quan trọng là các giá trị đặc biệt về văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng của di tích bãi đá cổ và sự quan tâm bảo vệ, phát huy những giá trị đó trong khai thác du lịch, thu hút khách đến với Xín Mần của các cơ quan chức năng.
         Tỉnh Hà Giang và huyện Xín Mần đã cho xây dựng tại đây một nhà sàn văn hóa làm nơi đón khách và có kế hoạch bảo vệ xung quanh di tích bãi đá cổ. Thời gian tới, đang có khá nhiều hãng lữ hành có ý định đưa di tích này vào là điểm đến trọng điểm trong chương trình du lịch đi bộ, thăm các bản làng ở Hà Giang.
7. Một số hoạt động của nhà trường chăm sóc khu di tích Bãi đá cổ Nấm Dẩn:
        Nếu ai muốn đi tới khu di tích bãi đá cổ thì chắc chắn bạn phải đi qua khuân viên của trường THCS xã Nấm Dẩn.Từ trường THCS Nấm Dẩn tới khu di tích khoảng 1km.Trường THCS Nấm Dẩn là trường cấp 2 của xã có hơn 200 học sinh các dân tộc khác nhau vẫn còn giữ gìn được những bản sắc văn hóa truyền thống hơn nữa còn rất  tích cực trong các hoạt động xã hội.
        Một trong những hoạt đông tiêu biểu của trường đó là chăm sóc khu di tích Bãi đá cổ Nấm Dẩn.Khoảng 1 tháng 1 lần ,trong hoạt động đội buổi chiều,các đội viên dưới sự hướng dẫn của cô Tổng phụ trách đội đã cùng nhau vào khu di tích.Em nhổ cỏ,em phát cây,em lau dọn khu nhà lưu niệm mỗi người 1 chân 1 tay chỉ 1 loáng khu di tích đã trở nên sạch sẽ,trang nghiêm.
       Trường THCS còn có đội xung kích đã được phân công bảo vệ khu di tích.Đó là những em học sinh chủ yếu có nhà ở thôn Nấm Dẩn ( trung tâm khu di tích ) và những thôn lân cận.Ngoài giờ lên lớp các em thường xuyên có mặt để trông coi và giữ gìn nguyên vẹn những dấu vết trên đá của khu di tích.Những việc làm của các em tuy nhỏ nhưng đã góp công không hề nhỏ bé vào việc chăm sóc di tích.
       Bên cạnh đó mỗi khi có đoàn khách du lịch muốn tham quan ,tìm hiểu về khu di tích thì giáo viên và các em học sinh đều tận tình chỉ đường hướng dẫn mọi người chi tiết cụ thể .Những em học sinh nói tiếng phổ thông còn ngọng ngịu nhưng với lòng nhiệt tình ,sự hồn nhiên trong sáng các em luôn làm haiì lòng những vị khách du lịch khó tính nhất.
      Trường ThCS Nấm Dẩn còn tổ chức nhiều hoạt động vui chơi,hoạt động ngoại khóa cho học sinh tham quan,tìm hiểu về di tích .Không chỉ vậy,đoàn khách nào đến trường đều được mời vào tham quan khu di tích như là 1 niềm tự hào chân chính với những di sản văn hóa của địa phương.










 
8. Đề xuất kiến nghị:
        Với mong muốn bảo tồn những giá trị văn hóa quý báu và lưu truyền những giá trị đó cho thế hệ sau,chúng tôi đang sinh sống và công tác tại xã Nấm Dẩn xin được đề xuất 1 số ý kiến sau :
        Thứ nhất, chúng tôi mong muốn tất cả mọi người trong xã nhất là các đồng bào dân tộc thiểu số hiểu rõ giá trị đích thực của khu di tích để tất cả công dân trong xã cùng nhau hợp lực phát huy thật nhiều giá trị  của khu di tích.Các cấp chính quyền nên tổ chức các cuộc thi tuyên truyền tìm hiểu về di tích cho tất cả các tầng lớp,lứa tuổi.
        Thứ hai, đây là 1 khu di tích lịch sử vừa có giá trị lịch sử lại có chiều sâu văn hóa của người Việt nên cần được bảo tồn,giữ gìn hơn nữa, tránh sự sói mòn ảnh hưởng của các hiện tượng tự nhiên và con người.Di tích cần tới tiếng nói quảng bá về du lịch,văn hóa để nhiều người có thể biết tới, nghiên cứu và tìm tòi.
       Thứ ba,cùng với việc bảo vệ phát huy giá trị của di tích cần có sự kết hợp ,khôi phục các lễ hội văn hóa truyền thống vừa tạo sức hút về du lịch vừa bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa quý báu.
        Thứ tư,khi những giá trị văn hóa của di tích được phát hiện và tìm hiểu đầy đủ thì mong muốn của tất cả nhân dân địa phương là bổ xung bãi đá cổ Nấm Dẩn vào chương trình Lịch sử địa phương - phát huy niềm tự hào sự hiểu biết về lịch sử văn hóa của những chủ nhân tương lai đất nước.
9. Thông tin về nhà trường:
Trường THCS Nấm Dẩn
-    Họ và tên hiệu trưởng:       Dương Tự Cường
      Chuyên ngành đào tạo : Hóa  - Sinh;  năm tốt nghiệp đại học/CĐ:  2005
      Điện thoại :  02193602008                    Di động : 0915064045
      Địa chỉ email: thcsnamdanxm@gmail.com
-    Họ và tên Tổng phụ trách Đội:      Đỗ Ngọc Bích
      Chuyên ngành đào tạo: Lịch sử - GDCD; năm tốt nghiệp đại học/CĐ : 2009
      Di động: 01654904502
      Địa chỉ email: ngoquangsong@gmail.com
-     Địa chỉ trườn : Trường THCS Nấm Dẩn -  Xã Nấm Dẩn - Huyện Xín Mần - Tỉnh  Hà Giang
      Điện thoại cố định của trường :   0219.3.603569