Cái này là truyện giải trí, truyện dã sử, không phải tư liệu lịch sử Cơ mà thay đổi không khí chút cho topic thêm sinh động nhỉ
Những tiểu thuyết, truyện ngắn viết về nhà Triệu và nước Nam Việt
* Tiểu thuyết:
1. Người đẹp thành Phiên Ngung - Sơn Linh
2. Tử chiến Phiên Ngung thành/Lửa cháy thành Phiên Ngung - Sơn Linh
3. Hạnh Hoa thôn phục hận - Sơn Linh
* Truyện ngắn:
1. Kết cục hai kẻ theo Bắc triều - Manh Hung (thành viên HoangSa.Org)
18.06.2008 06:30
Thấy Tàu Bẩn đang tổ chức làm phim về nước Nam Việt . Trong đó chắc là sẽ có những nội dung bóp méo sự thật, hoặc bôi xấu VN vì thỉnh thoảng trong các phim cổ của Tàu bẩn vẫn thế ( Bao Công chẳng hạn) . Trong thời gian bộ phim này chưa ra mắt, mời các bác đọc truyện ngắn do tớ sáng tác cũng về Nam Việt ( dựa trên truyện có thật) để sau này so sánh truyện của tớ với phim của Tàu có thấy buồn cười không .
Thể loại: Truyện dựa trên câu truyện có thật ( xảy vào khoảng hơn 100 năm trước CN).
Lời nói đầu: Tớ vốn viết văn kém. Hồi học phổ thông điểm văn toàn 5 với 6 đổ xuống. Vì vậy mong bà con cô bác bỏ qua những chỗ câu chữ lủng củng, chỉ tập chung vào nội dung chính câu chuyện
BEGIN:
Trên thành Trường An của Hán Triều, trời nhiều mây, u ám. Đã đến giờ mão mà trên mặt đất sương vẫn chưa tan hết . Hơi sương thoang thoảng trên đất, lẫn trong các lùm cây, bụi cỏ. Đường phố Trường An đã tấp nập với những người mua kẻ bán, khách bộ hành đi đi lại lại. Thỉnh thoảng có những tiếng lừa kêu, ngựa hý xen lẫn tiếng nói chuyện ồn ào . Nhưng trên quảng trường nhỏ trước Hoàng thành thì không khí trái ngược hẳn : Thật vắng lặng. Lác đác đây đó những nhóm lính canh , tay phải thì cầm kích, tay trái thì chống nách đứng dạng 2 chân tỏ vẻ ngạo nghễ . Một tên mặc chiếc áo giáp màu vàng, quần áo chỉnh tề hơn những tên lính canh, tay cầm bảo đao, đi đi lại lại trước cổng thành. Không khó cũng có thể đoán ra đó là một tên đội trưởng nào đó, cấp trên của bọn lính canh kia.
Với ai đó thì buổi sáng hôm nay có thể là một buổi sáng mát mẻ, dễ chịu nhưng với tên quan tứ phẩm họ là An Quốc, tên là Thiếu Quý thì điều đó hoàn toàn chẳng đáng bận tâm. Trong đầu hắn lúc này đang căng lên với thắc mắc : “Không hiểu Hoàng đế triệu hắn-một viên quan cấp trung bình- vào cung có việc gì nhỉ ?” . Hắn luýnh quýnh bước theo tên thái giám dẫn đường, trời không nóng mà mồ hôi trên mặt hắn nhễ nhại.
***
Viên thái giám dẫn đường dẫn Thiếu Quý đến một cái đình nhỏ, xung quanh có hồ nước và lắm các loại cây cảnh, Thiếu Quý nhìn thấy Hán Vũ Đế đang ngồi đó chờ, xung quanh là mấy viên đại thần của Hán triều được Văn Đế tin tưởng
- Hạ thần là An Quốc Thiếu Quý xin bái yết Hoàng Thượng, Hoàng Thượng vạn tuế , vạn tuế vạn vạn tuế …<o:p>
- Bình thân ! – Hán Vũ Đế ra hiệu cho Thiếu Quý đứng dậy.
- Đội ơn Hoàng Thượng !
- Thiếu Quý …
- Dạ !
- Ta nghe nói đương kim Thái hậu Nam Việt trước đây đã từng có “quan hệ” với nhà ngươi phải không ?
- Ơ .. dạ … dạ..da...
- Hoàng thượng hỏi sao nhà ngươi không trả lời ngay đi, dạ dạ cái gì hả ? – Một viên quan lớn đứng canh Vũ Đế bực mình quát .
- Bẩm Hoàng Thượng, nói ra thật xấu hổ, đúng là hạ thần từng có quan hệ với đương kim Thái hậu hiện nay của Nam Việt ạ !
- Khà khà... Nhà ngươi không phải xấu hổ . Mau nói cho trẫm biết, quan hệ của ngươi với Cù thị ( Thái hậu Nam Việt mang họ là Cù ) là như thế nào ? Nhà ngươi cứ việc nói thật, không phải e ngại !
Thiếu Quý trong lòng vừa mừng vừa lo. Mừng vì xem thái độ nhẹ nhàng, hơi đùa cợt của Vũ Đế thì hôm nay Văn Đế triệu Thiếu Quý đến không phải để hỏi tội . Lo vì không hiểu sao Vũ Đế lại đem chuyện tình cảm thời trai trẻ của hắn ra hỏi ngay trước mặt các quan lớn triều đình như vậy .
- Muôn tâu Hoàng thượng, quả là ngày xưa thần từng có quan hệ tình cảm với Cù thị nhưng Cù thị vốn là kẻ đam mê quyền lực, danh vọng nên đã bỏ thần để lấy Anh Tề ( con Triệu Văn Vương, tức chắt của Triệu Đà ) khi Anh Tề sang làm con tin ở nước ta ạ !
***
Sau khi Lưu Bang đánh bại Hạng Vũ, đã lập ra nhà Hán . Sử cũ gọi đây là thời kì Tây Hán để phân biệt với thời Đông Hán-khi triều Hán bị Tào Tháo ép phải chuyển Kinh Đô sang phía đông. Sau khi Lưu Bang lấy được thiên hạ ( TQ ), nghe tin Triệu Đà ở phương nam cũng xưng đế liền cử xứ giả sang giả vờ hòa hảo đồng thời để tuyên truyền sức mạnh nhà Hán: “...đất rộng hàng muôn dặm, của nhiều người đông, quyền lực thống nhất tập trung trong tay nhà Hán, nếu không phải vì không muốn thiên hạ một phen chết chóc đau khổ thì chỉ cần một trận là Hán Đế sẽ nuốt gọn Nam Việt... “ . Mục đích để vừa xoa dịu, vừa răn đe Triệu Đà, chờ thời cơ thích hợp sẽ phát binh tiến đánh.
Nhưng Triệu Đà là một tay cáo già đâu dễ bị chơi xỏ . Một mặt Triệu Đà giả vờ giao hảo, coi Hán triều là anh em, cùng chung hưởng thái bình, đồng ý nhận chiếc ấn Nam Việt Vương mà Lưu Bang gửi; một mặt Triệu Đà tăng cường củng cố biên cương, xây thành đắp lũy, cắt cử quân tướng canh gác cẩn mật. Cho nên đến chết Lưu Bang vẫn chưa nuốt được Nam Việt.
( Hình vẽ: hình võ sĩ Nam Việt trên đồ cổ )
Sau khi Triệu Đà chết, cháu Triệu Đà là Triệu Hồ lên ngôi, xưng là Triệu Văn Vương. Để giữ hòa khí với Hán triều, Triệu Văn Vương cho con là Thái tử Anh Tề sang nhà Hán làm con tin. Trong thời gian sống tại đây, Triệu Anh Tề đã lấy Cù Thị làm vợ. Triệu Văn Vương mất, Anh Tề lên ngôi ( Triệu Minh Vương), Cù Thị nghiễm nhiên trở thành hoàng hậu. Mười hai năm sau, Minh Vương mất, con Cù Thị là Triệu Hưng được lên ngôi, xưng là Triệu Ai Vương. Cù Thị trở thành Thái hậu của Nam Việt.
Vì Triệu Ai vương còn nhỏ nên quyền lực bị Cù Thị-mẹ lấn át, việc lớn trong triều phần nhiều do Thái hậu quyết định.
Quay lại chuyện An Quốc Thiếu Quý được Hán Vũ Đế triệu đến.
- Thiếu Quý ! – Vũ Đế nói.
- Dạ !
- Hiện nay tình hình Nam Việt đang bất ổn . Triệu Minh Vương mới mất, Triệu Ai Vương lên nối ngôi nhưng tuổi đời còn trẻ, bản lĩnh không có, lòng người chưa định . Đây là cơ hội tốt để triều ta thu phục Nam Việt . Trẫm và các đại thần đã bàn và quyết định chọn ngươi làm sứ giả để sang Nam Việt. Hiện nay người nắm quyền thực sự ở Nam Việt là Thái hậu , nhà ngươi và Cù Thị từng có tình cảm với nhau, nếu ngươi sang Nam Việt chắc Cù Thị sẽ dễ dàng chấp thuận các yêu sách của Trẫm . Người thấy thể nào hả ?
- Hạ thần xin nguyện hết sức cố gắng ạ
Phái đoàn do An Quốc Thiếu Úy kéo sang Nam Việt rất đông và rẩm rộ. Văn thì có bọn biện sĩ ( chuyên đi tuyên truyền, thuyết phục) do quan Gián nghị Đại Phu Chung Quân cầm đầu . Võ thì Hán Triều cử quan Vệ Úy là Lộ Đức Bác dẫn một đạo quân đến Quế Dương để Yểm trợ từ xa. Theo lệnh của Hán Vũ Đế, Thiếu Quý sang Nam Việt chiêu dụ Cù Thị sang nhà Hán để chầu Hán Đế giống như các chư hầu trong nội địa Trung Quốc , thực chất tức là chấp nhận làm một quận của Hán triều .
Đúng như mong muốn của Hán triều, sau khi nhận được yêu sách do Thiếu Quý mang sang, Cù Thị đã chấp nhận và còn tiếp đãi Thiếu Quý rất nồng hậu . Cù thị tuy không còn trẻ nhưng nhan sắc vẫn còn mặn mà. Vốn có tình cảm từ xưa, nay gặp lại nên chẳng mấy chốc hai người lại tiếp tục “chuyện cũ”.
Cái kim trong bọc tất sẽ lòi ra, vải thưa không che được mắt thánh. Tin Thái hậu theo ngoại bang và làm chuyện dâm loạn không có cánh mà lan đi rõ nhanh. Dân Nam Việt khắp nơi bàn tán, nhiều người tỏ ý bất bình, không phục Thái hậu .
***
- Hoàng nhi và các quan tính thế nào ? Bây giờ bọn dân đen đâu đâu cũng nói xấu Ta và Hoàng nhi đó. Bây giờ bất cứ lúc nào chúng cũng có thể nổi loạn . Chi bằng bây giờ hãy đẩy nhanh việc xin nội thuộc vào nhà Hán để được nhà Hán che trở ?!
Triệu Ai Vương dùng dằng , chưa thật ủng hộ còn các quan trong triều nhiểu người trong lòng phản đối nhưng không dám công khai ra miệng. Thấy vậy Thái hậu liền tự ý nhờ Thiếu Quý dâng thư cho Hán Đế xin được theo lệ như các chư hầu nội hạt ( kiểu như vùng tự trị thời nay), cứ ba năm vào chầu một lần, triệt bỏ các cứ điểm canh phòng ở các cửa ải với nhà Hán. Việc này tất nhiên được nhà Hán bằng lòng vì nó nằm trong âm mưu, mong muốn của Hán triều. Để tỏ rõ sự thay đổi này, Hán đế ban cho Triệu Ai Vương quả ấn bằng bạc và các quả ấn mới khác cho các quan lại Nam Việt . Luật pháp của Nam Việt được thay thế bằng luật pháp của Hán triều, ... Đồng thời Hán đế sai nhiều sứ giả sang ở Nam Việt để lo “vỗ về dân chúng”.
***
Nay mới nói về nhân vật chính, đó là thừa tướng Lữ Gia của Nam Việt . Tuy tuổi đã cao, râu tóc bạc phơ nhưng ông vẫn tỏ ra khỏe mạnh, minh mẫn. Là vị quan trải qua ba triều : Văn Vương, Minh Vương và triều đình hiện nay , ông là người chính trực, có nhiều uy tín. Một người như ông sao có thể chấp nhận chuyện để cho gian sơn xã tắc lọt vào tay Hán triều một cách dễ dàng thế được, cho nên nhiều lần ông dâng sớ can Triệu Ai Vương đừng đem đất nước lệ thuộc vào nhà Hán . Triệu Ai Vương vốn chẳng có bản lĩnh cộng them bị mẹ là Thái hậu tác động, quyết theo Hán nên Triệu vương đã gạt bỏ những lời can ngăn của Lữ Gia. Vốn là vị quan rất trung thành nhưng thấy vua định đem cả giang sơn theo theo Hán , Lữ Gia bắt đầu đâm ra thù ghét vua và Thái hậu, ý đồ đảo chính bắt đầu sinh ra và lớn lên trong lòng ông.
***
- Xin thái hậu hãy liệu mà tìm cách trà khử Lữ Gia đi –Sứ giả Hán triều nói với Thái hậu - . Thằng già đó có họ hàng đông đúc hơn bảy chục người, con trai con gái hắn đều lấy người trong tôn thất, Tần Vương ở Thương Ngô cũng là thông gia với hắn. Uy tín của hắn bây giờ còn lớn hơn cả vua . Nhiều lần tại hạ đến thăm hắn nhưng đều bị hắn giả vờ cáo bệnh để khước từ. Rõ ràng là hắn có ý đồ chống lại Vua và Thái hậu, chống lại Thiên triều .
- Đâu phải ta không biết thằng giặc già đó có ý làm phản. Chỉ có điều hiện nay đâu đâu bọn dân đen cũng nói ta và Hoàng Nhi bán nước. Nhiều binh tướng tỏ ý không phục, nếu ra lệnh giết Lữ Gia e rằng chẳng có mấy người theo !
- Ha ha ... tưởng gì , việc đó quá đơn giản ! Xin Thái Hậu và hoàng thượng hãy mở tiệc rượu rồi mời các quan đại thần đến dự . Trong tiệc rượu hãy kiếm một cớ gì đó rồi giết hắn đi là xong ! Ha ha ..
- Đúng rồi ! Thế mà ta không nghĩ ra, ngài quả thật là cao tay ...
***
Tại phủ Tể tướng.
- Đại ca , nghe nói nhà vua mở tiệc rượu và mời các quan đến có phải không ? - Em trai tể tướng hỏi- Vua và thái hậu định đem cả giang sơn theo nhà Hán, nay bỗng dưng mời các quan đến dự tiệc, e là có chuyện chẳng lành. Vậy hãy để em mang theo quân lính hộ tống đại ca đến dự tiệc !
- Ừm ... Ta cũng nghĩ như vậy. – Lữ Gia nói.
***
Tại hoàng cung, các đại thần lục tục kéo đến. Tuy là đến để dự tiệc nhưng chẳng ai tỏ vẻ vui mừng, hớn hở. Vị thì vừa đi vừa cúi gằm, chỗ thì dăm ba vị quan túm tụm lại nói chuyện, chốc chốc lại thở dài tỏ vẻ ngao ngán. Sau khi để quân lính đóng ở ngoài cung, Lữ Gia bước vào dự tiệc.
Tiệc rượu vừa mới bắt đầu, Thái hậu đã dở giọng khiêu khích:
- Lữ Gia ! Nam Việt xin nội thuộc vào Hán triều là việc có ích cho nước nhà, giúp trăm họ tránh khỏi cảnh binh đao, tại sao tướng quân lại cho là bất tiện ?
Câu nói đó nhằm mục đích chọc tức Lữ Gia, nhằm mục đích khêu gợi Lữ Gia có hành động phạm thượng khi quân , lúc đó Thái hậu sẽ có cớ bắt Lữ Gia. Sứ giả Hán triều hôm đó cũng dự tiệc, hằm hè theo dõi xem thái độ phản ứng của Lữ Gia như thế nào. Là người từng trải, nhìn thái độ của thái hậu, sứ giả Hán triều và mọi người có vẻ khác thường, Lữ Gia hiểu ngay bản chất bữa tiệc này là gì. Trái với dự đoán của thái hậu, thay vì đứng giữa triều đình để đôi co với thái hậu, nêu ra những điều vô lý của việc xin làm một quận huyện của nhà Hán, Lữ Gia lập tức đứng dậy, bỏ ra ngoài. Bị Lữ Gia coi thường, thái hậu giật lấy ngọn dáo của một tên lính canh định đâm Lữ Gia nhưng Triệu Ai Vương đã kịp ngăn lại. Về nhà, anh em Lữ Gia chia quân canh gác cẩn thận và không chịu gặp vua và sứ giả Hán triều.
- Thừa tướng ! Ngày nay, vua còn nhỏ tuổi, Thái hậu chuyên quyền, làm chuyện dâm loạn với An Quốc Thiếu Quý-sứ giả của nhà Hán . Thật chẳng còn ra thể thống gì nữa.
- Thừa Tướng ! Nước ta từ thời Triệu Vũ Đế ( Triệu Đà) đến nay trải ngót trăm năm, đất đai kể cũng hàng ngàn dặm, người đông hàng chục vạn, đâu có nhỏ bé gì . Thế mà nay, chưa đánh với nhà Hán trận nào để so tài cao thấp, đã có kẻ hèn nhát, muốn chấp nhận làm tôi tớ nhà Hán. Lúc sinh thời , Văn Vương và Minh Vương đâu có đối xử tệ bạc với thừa tướng, xin thừa tướng hãy nghĩ đến giang sơn xã tắc, nghĩ đến công ơn của Văn Vương và Minh Vương mà ra tay trừ gian !
- Thừa tướng ! Đất nước lâm nguy, xin thừa tướng hãy đứng ra liên kết các văn quan, võ tướng trong nước đứng lên tiễu trừ nội phản.
- Thừa tướng ! Xin thừa tướng hãy ra lệnh . Lũ hạ quan xin được liều mình vì nước .
- Thừa tướng ! Xin hãy ra lệnh. Dù phải chết thuộc hạ cũng xin nguyện hết sức cố gắng.
....
Lúc này , những văn võ bá quan biết lo nghĩ tới vận mệnh nước Nam Việt ai cũng đều hướng về Lữ Gia, mong Lữ Gia liên kết mọi người nổi lên giết Vua và Thái hậu- hai kẻ muốn bán nước, chạy theo Hán triều. Tuy nhiên, vốn là kẻ ăn lộc lâu năm nhà họ Triệu, trung thành với nhà họ Triệu, dù biết vua và thái hậu là những kẻ xấu nhưng Lữ Gia vẫn còn chưa nỡ xuống tay.
- Giết vua , giết thái hậu là phạm tội đại nghịch, bất trung . Chúng ta hưởng bổng lộc nhà họ triệu thì phải lo phò tá nhà Triệu. Vả lại hôm dự tiệc nhà vua ngăn khong cho thái hậu cầm giáo đâm ta tức là nhà vua không muốn giết ta . Làm thế e rằng không ổn. – Lữ Gia phân trần.
- Thừa tướng ! Vua không ra vua thì thần sao có thể ra thần được . Thái hậu và cua quyết theo nhà Hán, đem mọi thứ châu báu của tiên vương dâng cho nhà Hán để nịnh bợ, bắt nhiều người mang đến Trường An để làm đầy tớ cho người ta, ... làm gì cũng chỉ nghĩ đến lợi ích riêng không chút xót thương gì tới nhân dân, xã tắc, chẳng hề lo kế lâu dài cho đất nước, loại như thế có đáng để trung thành không ?
- Đúng vậy ! Trừ khử bọn gian tà để bảo toàn đất nước, đó mới chính là trung thành với họ Triệu ! – Một vị khác phụ họa theo.
- Thôi được rồi , các vị để tôi suy nghĩ thêm đã – Lữ Gia trả lời.
Thế là tình thế Nam Việt bấy giờ tiếp tục ở thế giằng co. Thái hậu thì không đủ lực lượng ủng hộ để giết Lữ Gia. Còn Lữ Gia thì chưa muốn động binh làm phản.
***
Tin Lữ Gia không còn tuân lệnh vua Nam Việt, còn Thái hậu và vua bị cô lập, yếu ớt, không chế ngự được Lữ Gia chẳng mấy chốc bay đến Hán triều. Hán Vũ Đế liền tính chuyện phát binh sang Nam Việt để giết Lữ Gia.
- Trang Sâm – Văn đế hỏi một viên tướng Hán – Ta muốn cử ngươi mang hai ngàn tinh binh sang Nam Việt giết Lữ Gia, ngươi có thể đảm nhận việc này không ?
- Nếu lấy sự hòa hiếu mà sang thì chỉ cần vài người đi cùng cũng đủ, còn như lấy vũ lực mà sang thì ...-Trang Sâm chần trừ một lúc- .. thì hai ngàn tinh binh cũng chẳng làm được gì . Hạ thần không thể đảm nhận được ạ !
- Đồ khốn, việc cỏn con vậy mà cũng không làm được là sao hả ?- Vũ Đế giận dữ- Quân bay đâu, lôt mũ áo của Trang Sâm, đuổi hắn về quê !
Sau khi Trang Sâm bị tống khỏi triều, Vũ Đế hỏi tiếp:
- Các khanh, trong các khanh có ai có thể đảm nhận việc này chăng ?
- Một nước Việt cỏn con, trong thì đã có Vương và Thái hậu làm nội ứng, nay nếu cần trừng trị Thừa tướng Lữ Gia, tôi đây chỉ cần ba trăm dũng sĩ, thế nào cũng chém được đầu của Lữ Gia đem về !
Kẻ vừa to mồm giữa Hán triều là Hàn Thiên Thu, trước đây từng trấn giữ vùng biên giới phía Bắc-giữa nhà Hán với Hung Nô.
Nghe vậy Vũ Đế vui lắm, phong cho Hàn Thiên Thu làm tướng, mang hai ngàn quân tiến vào đất Việt.
***
Tin quân Hán tiến vào đất Việt bay đến Lữ Gia phủ . Lữ thừa tướng không thể chần chừ được nữa, vội cấp báo cho những văn quan, võ tướng ủng hộ giết Vua và Thái hậu đến họp bàn.
- Các chư vị, thám báo của ta ở biên cương vừa cấp báo: quân Hán đã tiến vào đất Việt . Tình thế hết sức cấp bách. Giang sơn nước Việt có vẹn toàn hay không chính là ở lúc này đây. Xin các vị hãy cùng ta tiến đánh Vua và Thái hậu, bảo toàn đất nước.
Các quan đồng thanh hô vang:
- Xin vâng lệnh thừa tướng.
Lữ thừa tướng thảo một tờ hịch kể tội vua và thái hậu bán nước cho giặc, đặt lợi ích riêng lên trên giang sơn xã tắc rồi sai quân gửi đi khắp các trấn trong nước . Xong liền kéo quân đến Hoàng thành đánh Vua , Thái hậu và bọn sứ giả của Hán Triều . Quân lính ở hoàng thành đa số đều bất phục Thái hậu và vua từ lâu nên thấy quân Lữ Gia kéo đến kẻ thì bỏ chạy, kẻ thì quy hàng. Đạo quân bảo vệ hoàng thành tan rã nhanh chóng .
Một viên tướng cưỡi ngựa dẫn một toán quân xông thẳng vào chính điện. Bằng vài đường gươm dũng mãnh, viên tướng đã loại bỏ mấy tên ngự lâm cản đường . Đến bậc thềm, viên tướng nhảy phốc xuống ngựa, xông thẳng vào trong. Tại đây, Thái hậu và Vua đang ngồi chờ đợi trong tuyệt vọng.
- Quân hỗn láo, ai cho chúng bay làm phản hả ? – Ở thế đường cùng, Cù Thị vẫn tỏ ra ngoan cố.
Không thèm trả lời , viên tướng hô to :
- Cù Thị, Triệu Hưng ! Chúng mày đem giang sơn xã tắc dâng cho giặc, tội chúng bay đáng chết !
Thanh gươm sáng vung lên đưa hai kẻ tội đồ về chầu Diêm vương.
Trong khi đó bọn sứ giả Hán triều bị quân lính dồn vào một góc sân. Biết kết cục sắp xảy ra, đứa nào đứa nấy kêu la thảm thiết. Thật khó hình dung mới hôm qua bọn chúng vẫn còn nghênh ngang khệnh khạng đi lại trên phố của kinh thành Phiên Ngung, ra vẻ ta đây là quan từ Thiên triều đến, nhìn dân Việt bằng nửa con mắt. Nhưng giờ đây chúng chỉ còn là đống thịt băm nhão nhoét.Tất cả đều bị giết sạch.
***
Nghe tin Vua , Thái hậu và bọn sứ giả đã bị giết, không còn lực lượng nội ứng nữa, đang đêm, quân của Hàn Thiên Thu nhổ trại, cuốn cờ im trống cút thẳng khỏi đất Việt .
Ngày hôm sau, Lữ Gia lập con trưởng của Triệu Minh Vương là Thuật Dương Hầu Triệu Kiến Đức lên làm vua, chấm dứt một phen sóng gió với nước Nam Việt .
END.
Manh Hung - Thành viên hoangsa.org.
2. Triệu Vũ Đế - Trương Thái Du
Tôi một mình đến Quảng Châu với mục đích duy nhất là thăm lăng mộ Triệu Văn Vương. Từ sân bay Bạch Vân tôi về thẳng nhà nghỉ trường đại học Kí Nam. Sáng hôm sau, lên xuống mấy lượt xe buýt và tàu điện ngầm, tôi đến cổng công viên Việt tú. Đi bộ một thôi dọc phố Giải Phóng Bắc, băng qua đường bằng hầm, tôi đứng trước bức tường mặt tiền cao ngất của viện bảo tàng.
Thật mỹ mãn. Người Việt Đông chăm sóc di tích lịch sử rất khoa học.
Đêm. Ngồi ghế đá trong khuôn viên rợp cây xanh trước nhà nghỉ, khoan khoái tận hưởng không khí trong lành, tôi tự hỏi “Hơn hai ngàn năm trước, đây cũng là lãnh thổ nước Việt ư?” Một ông lão râu tóc bạc phơ đi ngang, vừa cười vừa hỏi:
“Mai mi về nam, sao không tiện thể ghé ta chơi?”
“Thưa… Ông là…”
“Ta là ông nội của Văn Vương.”
“Nhà ngài… À không, lăng mộ của ngài gần đây ư?”
“Trường đại học này xây dựng bên triền địa danh Ngung sơn trong sách xưa.”
Thôi thúc có ma lực, hơn cả sự tò mò khiến tôi líu ríu theo bước Triệu Đà.
***
Lối vào mộ dốc và khá hẹp, dài tầm vài chục bước chân, vách đất dựng đứng. Theo lễ nhà Chu, chỉ thiên tử mới được làm đường khiêng quan tài vào mộ. Thời ấy ở Hoa Bắc, người ta đào mộ đạo rất rộng và sâu. Sau khi an táng, hai phần ba chiều cao mộ đạo được lấp cát và chèn đá hộc, một phần ba phía trên là đất nện. Nếu trộm viếng mộ, đào càng sâu thì chúng càng có nguy cơ tự chôn sống vì cát sụt lôi đá xuống. Thấy tôi quan sát khá kĩ, Triệu Đà quay lại bảo:
“Ở đây cao và xa sông suối, không tìm được cát. Ta cho đào ngang, hút sâu vào lòng núi. An toàn không kém. Hai thiên niên kỉ có hề hấn gì đâu. Cửa nhà ta suốt bốn mùa và suốt ngày đều có thể nhìn thấy mặt trời”
“Ngài năm nay bao nhiêu tuổi rồi?”
“Ta dọn về đây năm 137 trước công nguyên. Ta sinh năm 234 tại Chân Định, nước Triệu. Nay là huyện Chính Định, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc.”
“Sao Đại Việt sử kí toàn thư ghi nhận ngài thọ hơn trăm tuổi.”
“Mấy chú thư lại hậu sinh ấy nhầm khá nhiều. Sách sử sao đi sao lại, có người vì mục đích này nọ lại bịa thêm. Chỉ Sử kí chuẩn nhất, nhưng quá khúc chiết.”
“Ngài là phó tướng của Đồ Thư?”
“Bậy nào. Ta xuống Lĩnh Nam đợt hai, sau khi dân Tây Âu đã giết Đồ Thư. Tần Thủy Hoàng rất ghét nước Triệu, vì tuổi thơ ông khó nhọc tại Hàm Đan. Nhiều người Triệu bị bức ép đi xây Trường Thành và xung lính thú Lục Lương. Thuở bé ta con nhà tử tế, được học ít nhiều. Sẵn chí tiến thủ, sau vài năm chinh chiến ta thành huyện lệnh Long Xuyên…”
Bước qua hai cánh cửa đá to và nặng, Triệu Đà chỉ tôi ngồi xuống chiếc ghế cạnh một thạp đồng có hoa văn người chèo thuyền đặc trưng của đồ đồng Đông sơn.
“Chịu khó nhé. Nhà cửa chật hẹp vì mái lợp đá nguyên tảng, không thể dùng các tấm lớn hơn.”
Sau khi đưa cho tôi chén trà có ánh bạc, Triệu Đà yên vị vào chiếc yên ngựa bằng da nạm vàng, kê trên bó ngà voi rất to. Ông giới thiệu “nhà” mình:
“Đây là phòng khách. Phòng ngủ sát kề. Sau phòng ngủ là kho. Có 2 buồng chái tây và hai buồng chái đông. Ta đem theo hơn chục người tuẫn táng gồm lính gác, phục vụ, nấu bếp, nhạc công và mấy bà phi trẻ tuổi. Hơi dã man” Triệu Đà lắc đầu “Truyền thống nó thế…”
Gió nam mát rượi. Bộ quần áo ngọc may bằng chỉ tơ, treo trên móc áo gỗ chân đồng chạm khắc tinh xảo, hơi lao xao. Dàn chuông thở những tiếng âm u.
“Ban sáng, thăm mộ cháu ngài, tôi thấy chiếc ấn vàng “Văn Đế hành tỉ”, lại có ấn “Triệu Muội” và ấn “Thái tử”. Tư Mã Thiên ghi nhận Văn đế tên Hồ mà?”
“À, thằng này mẹ Việt, bà nội cũng người Việt. Ta đặt tên Hồ, nhưng trong hoàng gia hắn chỉ thích mọi người gọi hắn theo tiếng bản địa. Chữ Muội dùng để kí âm. Đấy là tên một vị anh hùng trong huyền thoại cổ xưa của người Việt.”
“Ông ta là con Trọng Thủy?”
“Ừ, nhưng không phải con Mỵ Châu đâu nhé. Thủy chết sớm. Hồ đĩnh ngộ, ta đúc cho ấn thái tử. Vì ấn thái tử cũ của Thủy là Kim li hổ ấn (ấn vàng núm hình con lân), nên đành cho Hồ dùng Kim qui ấn (ấn vàng núm hình con rùa) theo đúng trật tự long – lân – qui – phượng.”
“Vậy còn chuyện An Dương Vương và nỏ thần?”
“Hình tượng An Dương Vương trong hiến sử Việt Nam là một tổ hợp phức tạp những ghi chú có chủ ý của sách vở Hoa Hạ và lời truyền miệng dân gian.”
“Thế Tây Âu Lạc ở đâu?”
“Âu Lạc là kí âm Đất nước, Xứ sở của người Việt bằng Hán tự. Người Việt ở Phiên Ngung, người Việt dưới mé sông Hồng, hay người Việt tại đất Mân đều gọi nơi mình sống là Âu Lạc. Cũng có thể xem Âu Lạc là tên bằng tiếng Việt của nước Nam Việt. Khi Tư Mã Thiên viết Tây Âu Lạc, ông ta hàm ý phía tây Phiên Ngung, tức vùng Nam Ninh Quảng Tây gần cửa biển Hợp Phố.”
“Vậy ông chưa từng đặt chân đến sông Hồng?”
Triệu Đà đứng lên lấy chiếc hộp bạc tròn đựng thuốc của người Ả Rập cổ đưa cho tôi xem:
“Những thương nhân từ Ba Tư đi thuyền đến đây có kể ít nhiều về mảnh đất hoang vu bên con sông đỏ quạnh phù sa. Nơi ấy nhiều đầm lầy, ẩm thấp, dân thưa thớt, mùa mưa ngập lụt triền miên. Ta từ nước Triệu, chỉ quen cưỡi ngựa nên không có kinh nghiệm xây dựng đội thuyền viễn chinh.”
“Còn thành Cổ Loa nữa chứ.”
“Dịch Hu Tống chết, nhân dân Tây Âu Lạc không chịu làm nô lệ đã quật khởi kháng chiến và giết được Đồ Thư. Dạo Lữ Hậu chuyên quyền, ta bắt đầu dòm ngó sang hướng ấy nhằm mở rộng Nam Việt, sẵn sàng chống giặc. Trước nguy cơ bị thôn tính, quân trưởng An Dương Vương đã liên kết các bộ lạc Tây Âu Lạc, xưng vương và thành lập nhà nước sơ khai theo chế độ mẫu hệ. Lợi dụng địa thế núi non, An Dương Vương đắp thành đất, dựng lũy gỗ nhiều vòng men theo vách núi, nhìn xa như một con ốc biển khổng lồ. Đó phải chăng thành Cổ Loa? Quân ta nhiều lần điêu đứng với những mũi tên đồng này.” Triệu Đà chỉ vào bó tên màu vàng, cạnh chiếc nỏ dựng góc phòng. “Ta thu phục mãi không được. Hết nước, phải dùng kế li gián. Tay chân ông ta nhận của cải đút lót, đuổi đánh chủ. Vị thủ lĩnh kiêu hùng thất thế lên thuyền chạy ra biển, đem theo nhóm quí tộc thân cận.”
“Ý ông là, họ đến Đông Anh, Hà Nội ngày nay, đắp đê ngăn nước và sinh sống?”
“Có lẽ thế. Họ đem theo câu chuyện về Cổ Loa và những cuộc đụng độ với ta. Thời gian xóa nhòa tất cả. Sau này con cháu họ lầm tưởng vết tích Kiển Thành mà Mã Viện xây trên thân đê là Cổ Loa bên Quảng Tây.”
“Ông sáng tác kịch bản này nhằm biện minh hành động xâm lược?”
“Ngươi xem, trong nhà ta có chiếc trống đồng chiến lợi phẩm nào đâu. Vị vương mới ở Tây Âu Lạc cũng ít chịu nghe lệnh ta. Năm 111 Phiên Ngung thất thủ, ông ta định chống nhà Hán. Hoàng Đồng là người Phiên Ngung cử qua giám sát Tây Âu Lạc. Sử kí viết “Tả tướng cũ của Âu Lạc chém Tây Vu Vương.” Tây Vu nghĩa là vùng phía tây (Phiên Ngung), chứ không phải địa danh. Tây Vu và Tây Âu Lạc là một. Chữ Tây này vẫn tồn tại đến hôm nay trong tên gọi Quảng Tây, một tỉnh giáp ranh phía bắc Việt Nam.”
***
Một thiếu phụ mặc áo lụa, tay diện vòng bạc, khắp người lấp lánh ngọc trai, ngọc bội, trâm vàng, bước ra từ buồng ngang phòng khách phía đông. Không nhìn tôi, bà cúi xuống nói gì đó với Triệu Đà. Tôi đọc được dòng chữ “Hữu phu nhân tỉ” trên chiếc ấn vàng bà đeo giữa ngực.
Người nhà đã chuẩn bị xong mọi thứ, đến giờ Triệu Đà ăn tối và xem vũ – nhạc, ông ngỏ ý mời tôi cùng thưởng thức. Cẩn thận bước đi giữa rất nhiều đồ tùy táng, tôi theo ông vào phòng lớn phía Tây.
Nhóm nhạc công nhỏ bé gần như bị lèn chặt bằng rất nhiều loại nhạc cụ: Khánh đá, chuông đồng đủ kiểu, tù và ngọc thạch, đàn tranh cổ nước Tần…
Cung tơ dìu dặt, bước chân ngựa thong thả trên bình nguyên hoàng thổ. Bất ngờ tiếng tù và xung trận rúc lên. Chuyển động khẩn trương, dồn dập. Binh khí chạm nhau. Ngựa hí… Thanh âm chuông móc câu loang trên mặt cỏ. Mùi máu tanh… Tiết tấu rệu rã, sinh lực dũng sĩ đã hết. Nhạc nhỏ dần, nhỏ dần để chuyển điệu.
Róc rách nước chảy khe suối. Dàn khánh đá lung linh dưới ánh sáng của khay đèn mỡ cá bằng đồng. Chim hót, vượn hú, rừng rậm thâm u. Chiếc lẫy nỏ bật đánh tách một cái. Mũi tên cảnh báo xé không khí mà đi. Thấp thoáng sau lùm cây dại là những chiến binh mặc khố, đầu cắm lông trĩ ngũ sắc… Ngựa sụp hố chông rống thảm thiết.
Âm thanh dạt ra như đồng cỏ lau ngút ngàn có người rón rén băng ngang. Việt điệu rộn rã ngày càng đến gần tai người nghe. Lớp lớp chân trần dậm đất thậm thình quanh đống lửa. Nhiều phụ nữ mặc khố hoa, ngực căng cong vút tựa sừng trâu, chẳng thèm che đậy màu da nhuộm nắng. Ánh mắt trai gái đều hiền hòa bao dung, pha chút say đắm thật thà, thiết tha mời gọi. Chinh nhân ném bỏ gươm sắt, cởi giáp hòa vào đám đông.
Một gia nhân ôm vò rượu gạo có viết bốn chữ “Trường Lạc cung khí” đến rót vào chén ngọc cho tôi.
Hương từ đỉnh trầm len qua những khe trang trí hình kỉ hà quyện vào tà lụa hai vũ công. Nhân ảnh nhòe nhoẹt, chỉ còn lại đôi chim quấn quít với nhau trên bãi phù sa lúc thủy triều xuống.
Thỉnh thoảng để thay đổi góc nhìn, tôi lại hướng mắt vào hàng chục chiếc gương đồng bóng loáng treo trên vách đá. Một chiếc gương khá lớn nằm che gần hết lưỡi qua đồng bén ngọt. Thấp thoáng dòng chữ “Trương Nghi”. Chiếc qua này chắc hẳn đúc ở công xưởng binh khí nước Tần, thế kỉ thứ 4 trước công nguyên.
Con rùa to lật ngửa đã chín trên vỉ nướng. Triệu Đà dùng que xiên tách mai rùa, giơ ra trước đèn. Vết nứt trên mai rùa phảng phất thể hiện một dòng giáp cốt văn “Nam Việt độc lập”.
***
“Ngài tự nhận mình là người Triệu, người Tần, người Hán hay người Việt?”
“Ta với Lưu Bang, chí chẳng khác nhau, địa lợi khập khiễng mới thành kẻ bắc người nam, kẻ mạnh người yếu. Ta xưng vương ngoại giao cho qua chuyện binh đao, sao gọi là người Hán được. Tần cường bạo dùng lửa để dập lửa, giết người cầu hiếu sinh, đốt thi thư nhằm ngu dân an bang, hạ sách lắm. Phần lớn đời ta uống nước Việt, ăn gạo Việt, nói tiếng Việt nhưng vẫn nhớ nơi chôn nhau cắt rốn. Tim, óc ai chẻ ra cân đong đo đếm bao giờ.”
“Còn văn hóa Việt thì sao?”
“Ta chưa bao giờ phủ nhận người Việt, văn hóa Việt. Phải khẳng định văn minh “chính phủ”, tổ chức chính quyền, công thức xã hội phương Bắc nảy nở trên nền tảng phụ quyền có lí do tồn tại và cắm rễ nơi này, xúc tác tăng tốc chu trình tiến hóa. Thực sự có những thứ ta đem đến đây rất hữu dụng, và ít nhiều vẫn chưa biến hình hoàn toàn cho đến thế kỉ 21 sau công nguyên.”
“Như ngài nói, ngài đâu đã đặt chân đến đồng bằng sông Hồng.”
“Hán Vũ Đế xâm lăng Nam Việt, bọn Việt gian Tô Hoằng cùng quan lang Đô Kê phản phúc chặn bắt Kiến Đức, Lữ Gia. Còn bao nhiêu quí tộc, thân vương theo thuyền buôn, thuyền cá dong buồn về biển Nam ngươi không tính ư. Làn sóng tị nạn ấy đã đem tinh hoa nước Nam Việt đến bến bờ tự do bên dòng sông Hồng.”
“Biên giới Nam Việt, tức nước Âu Lạc của người Việt bao gồm Quảng Đông, Quảng Tây và Bắc Việt Nam?”
“Phía nam Ngũ Lĩnh, văn hóa tương giao, chủng tộc gần gũi, các bộ lạc rải rác, quân trưởng độc lập, chế độ mẫu hệ chủ đạo nên không có biên giới. Đừng đem một khái niệm mới đè lên thời trước. Những chuẩn mực chính trị ta xây dựng ở Nam Việt cắm rễ vững chắc vào nền chính trị Việt Nam. Lý Bí xưng Nam Việt Đế. Triệu Quang Phục giương cờ Việt Vương. Sau đó nào là Đại Cồ Việt, Đại Việt, Đại Nam, Việt Nam… Quanh đi quẩn lại cũng từ hai chữ Nam và Việt mà ra. Cách ta hành xử với Bắc phương được thực hành tới lui hàng ngàn năm mà có lỗi thời đâu. Nên lưu ý, nhà Hán hai lần phải qua tận nơi khuyên dụ, phong vương cho ta. Nhóm hậu sinh thì luôn vội vã tuyển sứ, tải đồ quốc bảo cống nộp cầu cạnh. Họ học hành chẳng đến nơi đến chốn.”
“Miếu thờ, tên đường phố dính dáng đến ngài ở Việt Nam giờ này người ta xóa sổ hết rồi. Thậm chí Bình Ngô đại cáo Nguyễn Trãi viết cũng bị biên tập, bỏ nhà Triệu, hoặc giải thích đó là quan điểm thiếu tiến bộ của văn hào, cần xét lại.”
“Khoa học lịch sử là gương mặt, là tư duy, là trình độ phát triển, là thước đo vận động (tiến hoặc lùi) của chính thời đại dung dưỡng nó. Ta mặc nhiên là quá khứ. Văn minh loài người chỉ mới mấy ngàn năm, tuổi ta bằng nửa số ấy. Ngành khảo cổ Trung Quốc gọi mộ Triệu Hồ là Tây Hán Nam Việt vương mộ Bác vật quán. Họ muốn đánh đồng triều đại độc lập ta dựng lên nằm trong kỉ Tây Hán, thời Tây Hán, kiểu Tây Hán và thuộc về nhà Tây Hán. Những chiếc đế tỉ biết nói đấy. Bản thân mi cũng có công nhận thế đâu. Chúng ta chỉ nên quan trọng thực chất mà thôi.”
***
Nắng phương nam chói chang. Cô tiếp viên hàng không mở màn che cửa sổ và nhắc nhở mọi người kiểm tra dây an toàn trước khi máy bay hạ cánh. Giấc chiêm bao thật ý vị. Tất cả những đồ vật tôi đã tận mắt chiêm ngắm nơi lăng mộ Văn Vương đều được tái hiện trong mơ, xung quanh Triệu Đà và những người tuẫn táng. Có thể đây là cách làm việc vô thức của một kẻ tìm hiểu lịch sử nghiệp dư, nhằm điểm duyệt và ghi nhớ phút giây xúc động khi đi thực tế.
Nguồn: http://music.vietfun.com/trview.php?ID=6415&cat=13
3. Đêm trắng của Nam Việt Vương - Đặng Thân
Giữa sân rồng không nói một lời. Bản tính Vương vẫn vậy mỗi khi thiết triều nhưng sao lần này ai cũng khiếp vì ai cũng biết có một sự kiện sinh tử sắp xảy ra. Hai hàng văn võ im thin thít trong sợ hãi và ưu tư. Phương Bắc đã cử Lục Giả cùng cả đoàn tinh binh "đi sứ" sang Nam Việt hỏi tội Đại vương. Một: Vì sao dám xâm phạm quận Trường Sa của Đại Hán. Hai: Cớ sao dám tự xưng "Đế" mà không trình báo Thiên triều. Ba: Tại sao không cống nạp như một chư hầu biết thuần phục. Nghị án: Phải đi Trung Nguyên chịu tội trước Thiên tử.
Từ quán khách Lục Đại phu cho người báo sẽ đến hội kiến với Vương vào giờ Thìn ngày Canh Tuất. Thế nhưng Vương cùng triều thần chờ đợi đã lâu mà vẫn chưa thấy có biểu hiện gì là Lục Giả đã đến. Cho tả hữu đi thám thính thì được báo sứ giả vẫn chưa tỉnh "giấc hồ điệp". Có lẽ cái nắng phương Nam đã làm Đại phu ê ẩm cả mình mẩy, nhất là sau một đêm chè rượu ẩm tửu các loại đặc sản và nghe các cung nhi tuyệt sắc ca xướng nhảy múa. Vương sai quan Thái bốc gieo một quẻ đoán cát hung. Mặt biến sắc Thái bốc bẩm:
- "Thưa Đại Vương, quẻ xấu. Lục xung... tương hình... cực hung. Sẽ có tranh tụng khủng khiếp."
- "Điều đó quá rõ. Thế còn quẻ biến?" Vương lừ lừ hỏi.
- "Quẻ biến có khác, nhưng chủ khí vào giờ Thìn này thì gặp mộ địa..."
- "Được rồi quân bay. Tất cả nghe đây ! Đóng cửa thật chặt ! Cấm mở trước Ngọ ! Chờ lệnh của ta!" Vương thét lớn. Vương vẫn thường nói mỗi câu bốn tiếng nghe như sấm động.
Tất cả triều thần toát mồ hôi lạnh trong căng thẳng tột độ.
Trời oi nồng hầm hập.
Mặt trời từ từ vượt lên ngọn cây đa.
Cây đa tương truyền đã ngàn tuổi vẫn đứng sừng sững bao đời nay chứng kiến mọi đổi thay và can qua trên mảnh đất này. Nghe đồn cây đa rất thiêng nên khi lập vương phủ gần đấy Vương đã không dám đốn lại còn cho lập đền thờ. Mỗi ngày sóc vọng Vương vẫn đích thân đến viếng ở đền và làm lễ ngay bên gốc đa này. Người ta nói đã không biết bao nhiêu mà kể người vong vì đã giáng búa vào cây. Đã biết bao lễ tế thần đã được cử hành nơi đây, và từ gốc cây này cả một nền dân ca dân vũ đặc sắc đã trỗi dậy. Mỗi kỳ lễ đều có những màn hát múa suốt ngày đêm. Trên nền dàn nhạc ôn nhu như tiếng tre gỗ chạm nhau một giọng đàn bầu thánh thót ngân lên những âm điệu nghe như tiếng người kể chuyện huyền sử. Lời huyền sử ngân nga làm thảy đều chìm đắm trong những giấc mơ. Có nhiều người còn ngủ mơ giữa đám hội nhưng chẳng ai đánh thức họ làm gì. Hãy để họ được mơ trong những cơn mơ ấy. Vì không mơ thì người ta sống làm sao được. Nhiều đứa bé nghe những lời vọng về từ xa xưa ấy bỗng hôm sau thấy lớn như thổi. Nhiều thiếu nữ da tươi mắt sáng nghe rồi thấy lòng cảm động bỗng thụ thai. Sau ai hỏi thì bảo tại dẫm phải vết chân to bên bờ sông. Trong đám nhảy múa trai gái bên nhau tha thiết. Các chàng đều cài lông chim lạc và đóng khố cởi trần, vạt khố lắc lư. Các nàng đều mặc áo quây và váy ngắn. Tư nơi đây trai gái đã cùng nhau chế ra bao nhiêu điệu lý. Luật lệ không cho phép trai gái tụ tập hẹn hò. Nhưng, bảo ra gốc đa hát lý thì không sao. Vì đến để hát cho thần linh nghe thấu lời phàm thì là điều nên làm. Từ gốc đa cả một dân tộc đã sinh ra đàn đàn lớp lớp.
Mặt trời đã len lén vượt ngọn đa.
Đầu năm nay nhân thấy thời tiết đẹp, mùa đông trước tuyết lại rơi nhiều trên một số vùng cực bắc hùng vĩ của đất nước, nên có mấy nhà thơ nữ rủ tôi Bắc du một chuyến theo "con đường tơ lụa" nổi tiếng lịch sử Trung Hoa. Thật là một ý kiến vĩ đại ! Anh bạn người Anh của tôi đã thốt lên như vậy, và khăng khăng giục tôi đi để cho anh được ké. Đến Tây mà còn vậy lại thêm được các nữ sỹ nước nhà rủ rê trong nỗi khát khao to lớn thì cái máu du hý của tôi tưởng đã bị đàn áp dã man đến thui chột từ ngày lập gia đình nay lại bừng lên.
Chúng tôi – ba Việt, một Anh, một Ấn (có cô vợ Việt cùng đi), một Việt gốc Hoa, người cứ gọi cả đoàn là "lục súc" – cứ đi như Tây ba-lô vậy. Thật khó mà có bút sách nào tả xiết được cái con đường dài hơn 8.000 cây số băng qua những dạng địa hình khắc nghiệt nhất quả đất kéo dài suốt từ La Mã qua Tây Á, Tân Cương và bao địa danh trên đất Trung Hoa bao la hùng mỹ tới tận Shilla ở Hàn Quốc và sang cả xứ Phù Tang. Mọi người chúng tôi từ tận Cố đô hay Hòn ngọc Viễn Đông cùng tụ ở Thăng Long thành cứ nhu mỳ nhằm hướng Tân Cương mà tiến. Tôi thì tràn trề hy vọng được qua những nơi của bao thời sử sách những Tiên Tần, Tiền Hán, Hậu Hán trong những trang tuyệt bút từng được cả tỷ người đọc. Chuyến đi kỳ vĩ đã cho tôi cơ hội viết được một cuốn nhật ký để đời, nhưng tôi nhất quyết chỉ cho nó được xuất bản sau khi tôi qua đời, vì không muốn chia sẻ những điều tuyệt vời nhất đời ấy với người khác một khi còn sống. Dám mong không ai cho là quá vị kỷ. Chúng tôi đi qua Trung Hoa bao la với dòng Hoàng Hà dài hơn 3.500 dặm cung cấp nước cho hơn 120 triệu người và tạo ra một nền văn minh lừng lẫy; thành Trường An; rồi Vạn Lý Trường Thành dài hơn 6000 cây số là biểu tượng của đất nước Trung Hoa cũng là nơi duy nhất trên hành tinh này có thể nhìn thấy được từ mặt trăng; sa mạc Taklamakan giáp ranh Trung Hoa đại lục và vùng Tây Á được khách văn chương biết đến nhiều qua những nhân vật tà giáo Tây Vực trong tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung; rồi Hàng Châu, "Trên trời có thiên đường, dưới đất có Tô, Hàng" là câu nói truyền kỳ từ thế kỷ này sang thế kỷ khác để ca ngợi vẻ đẹp của nó.
Bén giờ Ngọ có tin báo sứ giả đã đến.
Nam Việt Vương đưa mắt nhìn Thái bốc xem thần sắc. Thái bốc ngước nhanh nhìn Vương rồi nhẹ gật đầu. Vương đưa tay bấm đốt suy ngẫm. Lúc lâu sau Vương xuất lệnh mở cửa nghênh đón.
Lục Giả đi vào, theo sau là một đội quân giáp kích chói lóa "tiền hô hậu nặc". Thật đúng là quan Đại phu của Thiên triều ! Họ Lục "diện như quan ngọc", mi thanh, mục tú, mắt phượng, mày ngài, mũi chữ "cổn", miệng chữ "tứ", mặt chữ "điền". Cả một đoàn người phương Bắc xông vào ngông ngạo, chỉ riêng quan Đại phu là vẫn thanh thản ung dung, trông thần thái vẫn phong dao như chẳng hề hấn gì sau một đêm hoan lạc giữa những da tươi thịt thắm uốn éo làn môi khóe mắt đường tơ nét ngọc. Chắc hắn có phép thuật gì chăng, Vương nghĩ bụng. Ta đã từng nghe người Trung Nguyên có Tố nữ Kinh dạy người ta đi tìm trường sinh bằng tửu sắc nhưng chỉ có các bậc vua chúa mới được quyền thụ đắc.
Vương ra tận cửa đón Lục Giả vào. Họ Lục nghiêng mình cung tay thi lễ. Vương bình thản chìa tay: "Xin mời Đại phu !"
Sau khi an tọa, rượu thịt lại được bày ra, giữa hai hàng quạt lông hoạt động hết tốc lực nhưng vẫn không thể xua đi được sự ngán ngẩm. Đã ba tuần rượu mà vẫn chưa thấy ai phát biểu gì trước. Đúng chính Ngọ Lục Giả chậm rãi và đạo mạo hỏi:
- "Ngài đã có câu trả lời rồi chứ?"
- "Đại phu nói sao?" Vương lạnh lùng.
- "Ngài đã biết tội của mình rồi chứ?" Lục Giả nghiêm nghị.
- "Tội là tội gì?" Vương hắng giọng kim. Mẹ cái thằng trói gà không chặt này, ông mà gặp mày giữa đường chỉ chỉ một cước là mày toi chứ còn tinh tướng làm sao được. Cái loại nho nhe đạo đức giả này cứ thấy mặt là ta muốn chém. Đồ thâm hiểm hôi thối.
- "Đến giờ mà Ngài vẫn có thái độ như vậy sao? Nho phong quốc lễ Ngài để đâu cả rồi?" Lục Giả vẫn điềm đạm.
- "Đại phu thân mến! Ta buồn cho Ngài. Ngài là đại quan, tri thức uyên thâm, quyền cao lộc trọng, kinh bang tế thế, sao nệ hình thức?"
- "Ngài cũng đọc sách Trung Nguyên mà còn hỏi như vậy sao?" Họ Lục ôn tồn.
- "Ngài đừng dậy khôn! Sách vở chó gì, Ngài thôi đi cho. Ta hỏi Ngài đây: Ngài đã học Dịch, quẻ nào cốt yếu... đối với con người?" tiếng Vương sang sảng.
- "Xin Ngài cứ dạy cho bỉ chức này được rõ", Lục Giả ngỡ ngàng.
- "Đấy là quẻ Nhu. Ăn uống là Nhu; vinh phì bởi Nhu; quyền thế nhờ Nhu; mâu thuẫn vì Nhu; chém giết hòng Nhu; phá gia do Nhu; tranh đất tại Nhu; cướp nước cũng Nhu. Không biết là ngu cớ sao lên mặt? Vì Thủy Thiên Nhu mà Thiên Thủy Tụng, Tụng để mà Nhu... Ngay cái chữ “nhu”... và cái chữ “nhân”... hợp lại thành “nho” ngươi có biết chứ? Cho nên nho sỹ như Lục Đại phu... cũng chỉ hằng mong có người dùng tới... để cầu chữ Nhu, chứ tiên thánh gì!" Vương hùng biện.
Lục Giả nghe những lời ngang phũ trong bụng ức lắm cụt hứng vô cùng, nhưng vẫn giả lả:
- "Xin đội ơn Ngài đã chỉ giáo. Bỉ chức cũng từng nghĩ man mác như thế nhưng chưa nói được thành lời. Chẳng ngờ giờ lại được nghe những lời vàng ngọc như vậy ở cái xứ man di khỉ ho cò gáy này".
- "Hủ nho chó chết. Ngươi cậy Nho phong, mượn vía Thiên triều ra giọng cao đạo, khinh ta man di. Ngươi chỉ biết ngọn mà không biết gốc. Có chưa biết rõ thì mở mắt nhìn. Rõ mặt ta chưa? Nếu bố mày đây... làm vua Trung Nguyên, thì cái thá mày... là đồ vứt đi!"
Họ Lục điếng lặng, mặt chuyển mầu thâm xậm xịt, "diện như xỉ phẩn". Một khắc sau Đại phu cất giọng sằn sặt:
- "Nam Việt phải làm đại lễ tạ tội quy thuận Hán triều và triều cống tất cả người tài cùng quý vật, đặc sản không để sót bất cứ thứ gì. Nếu không, đại quân hai mươi vạn tinh binh đang áp sát biên ải sẽ nhập Việt tức thời nghiền nát Nam Việt, bắt ngươi cùng gia quyến đem về Trung Nguyên bêu đầu lên cọc để làm gương cho chư hầu. Nay hẹn sau đúng 12 canh giờ phải tấu đáp."
Trong thoại sử Việt Nam và các sử ký bên Tàu vẫn tồn lưu những câu chuyện về hành tích của Nam Việt Vương cùng một bản tấu thần sầu nào đó, nhưng chưa đâu có được cái tư liệu quý hiếm ấy. Có nguồn cho rằng sau khi Lục Giả đọc xong bản tấu của Nam Việt Vương, cái mặt ngời ngời của Đại phu bất nhiên tối sầm như trời bỗng có nhật thực và thét lớn (điều mà chưa ai từng nghe về nhân cách đại sỹ của họ Lục):
- "Tửu hà ma một lũ thần phục giả vờ! Bao nhiêu văn hoá tuyệt học Trung Nguyên về tay chúng nó nay đã bị cải tiến thành những trò tiểu xảo. Cứ cái nết ấy thì cái xứ này mấy ngàn năm nữa cũng chẳng khá hơn. Chúng cứ hành xử kiểu hâm hâm khó chơi không chịu được. Muốn hưng chúng chẳng đặng, muốn phế chúng chẳng xong. Nhưng cái giọng lưỡi cú diều này cũng thật khó bắt bẻ, Đại vương ta lại vốn là người đại lược nên cũng rất dễ mà buông tha. Vậy thì chuyến Nam du này của ta dễ trắng tay sao?!"
Trong tiếng nấc nghẽn phẫn chí bất lực, Lục Đại phu thổ ra một đống huyết to như mả bố thằng ăn mày rồi thác như Chu Du.
Nam Việt Vương đi đi lại lại trong vương thất ngập trong ánh đèn dầu nóng bỏng. Cái đầu của Vương hắt bóng loang loáng loang loáng chập chờn sáng tối như trong một thước phim sử dụng kỹ xảo ánh sáng đặc biệt. Ba nếp nhăn tạo thành hình chữ "vương" như hằn sâu hoắm xuống vầng trán gồ ghề như tảng đá. Đường vương cốt phục tê chạy dài từ đỉnh đầu xuống ấn đường như thể càng nổi cao lên, vắt ngang như dải Hoành Sơn. Đôi mắt lồi dường như càng lồi ra to hơn lúc lúc lại hắt lên những ánh nhìn đốt cháy. Cái cằm Vương bạnh ra cùng bộ lưỡng quyền căng ra như cánh nỏ làm cho cái mũi trông như hình một mũi tên đồng to tướng sắp bắn vụt ra về phía trước. Cái yết hầu của Vương giật giật nổi u lên như núi Hoàng Liên. Thật đúng là một bậc mãnh vương. Rõ là Tạo Hóa đã sinh ra Ngài để làm vua. Nhưng nếu mà gặp Ngài trong rừng trong quần áo thường dân thì người ta chắc phải chết khiếp mấy kiếp vì nghĩ Ngài ắt là một tên cường đạo. Cái đầu "ngũ lộ" quý tướng của Vương đầy ấn tượng đến mức các nhà làm phim Hollywood mà nhỡ trông thấy thì sẵn sàng trả cát-sê cao nhất cho vai chính của một bộ phim đắt giá.
Chỉ còn năm canh giờ nữa.
Vương thất treo đầy vũ khí cùng rất nhiều những kệ chất đầy thẻ tre. Cuộc đời Vương là gươm đàn một gánh. Đã bấy năm lao tâm khổ xác "liếm mật nằm gai" cho giang sơn một cõi này. Phương Nam gai góc, phương Nam ngọt ngào của ta ơi, sao mà ta yêu người đến vậy. Nhất là nắng. Cái nắng ở đây thật dữ mà cũng thật miên man, ấm áp, làm cho lòng người ra đi khó dứt. Trời bao la. Đất mênh mông. Người mông muội, những con ve sầu đâu biết có mùa đông. Nhưng trời sinh ra ta là để làm vua. Làm vua cũng tức là chẳng được làm người. Nếu được chọn kiếp sống của mình thì chắc ta muốn làm cây tùng. Hiên ngang đứng thẳng giữa trời xanh, vui vẻ réo rắt; không phải mang cái mặt u ám; không phải lo chén cơm manh áo; không đìu hiu vì phải suy tư; không phải "nhập thế"; không phải mưu mẹo liên miên; không phải lo đối nội đối ngoại; không phải luy cái "thằng quỷ một mắt" lúc nào cũng nhâng nháo... Hay làm con ruồi trâu? Vừa mới sinh ra là đã không cần tư tưởng; không cần tu luyện, học hành; không cần phấn đấu; không cần dấn thân; không cần cạnh tranh "lành mạnh"; không cần đoàn thể; chỉ cần một cái vòi, chỉ một cái vòi Tạo Hóa ban cho; chỉ mới nứt mắt ra là ta đã biết hút máu, hút máu và hút máu; hả hê, thỏa thuê. Nhưng...
Chúng tôi cứ thế mải mê đi miết say sưa thưởng lãm như không biết ngày về, tưởng sang Tây Trúc đến nơi. Trên đường sắp tới Tân Cương chúng tôi được dân bản xứ cho biết về một cái hang có tên Hoang Động mới được phát hiện. Trong hang có hàng vạn bản thảo, bức vẽ, đồ tạo tác được tập hợp về đây từ những hang động, đình, chùa trên "con đường tơ lụa" hay những bản sách tuyệt mật từ các "thạch thất" (nơi giữ kinh sách của các Hoàng đế không ai được bén mảng tới) thoát ra ngoài trong những cuộc can qua. Trong số đó có hàng trăm bản vẽ trên lụa và hàng chục nghìn bản thảo viết bằng hơn 15 thứ tiếng. Say sưa trong kho tư liệu quý chúng tôi như bơi trong bể tri thức vô giá từ trên trời rơi xuống. Như đã nói, trong đoàn có một chị người Việt gốc Hoa cho nên chúng tôi đã được nghe những lời dịch tuyệt vời.
Một hôm tôi trông thấy một văn bản rất cổ viết trên thẻ tre, mốc mếch cũ mòn và có nhiều vết khô đậm nhạt như là vết máu. Mặc dù chữ rất khó nhìn nhưng không hiểu sao tôi cứ muốn biết nội dung có gì. Lòng thấy nao nao tôi năn nỉ nhờ chị phiên dịch. Chị bảo cái loại văn bản này thì phải mắt ma ngàn tuổi mới đọc hết được. Qua những cố gắng to lớn của chị, những từ ngữ đứt đoạn như lời kẻ hấp hối đã được chắp nối thành một văn bản...
Chỉ còn bốn canh giờ.
Ta sinh ra với một khối mâu thuẫn lớn. Làm gì cho đời hay làm gì cho mình? Sau này ta hiểu khối mâu thuẫn ấy thực ra rất thống nhất: ta muốn làm vua. Mà ai muốn làm vua thì cứ về với đất phương Nam này. Đất Mân Việt chỉ vẻn vẹn nghìn người, cũng xưng hiệu là "vương"; Âu Lạc dân chưa biết ăn mặc, cũng xưng là "vương". Ta nhớ đến nao lòng những ngày xưa. Ôn văn. Luyện võ. Tứ thư, ngũ kinh. Bách gia chư tử. Thập bát ban võ nghệ. Binh pháp họ Tôn. Nhâm, cầm, độn, số. Cha ta không tiếc cả núi vàng cho ta ăn học chỉ hòng mong ta được nên công nghiệp. Ấy thế mà... Đã có thời ta bị tư tưởng của Bách gia lôi đi như mộng du. Ta đã từng vào núi ba năm để tìm đường giải thoát, để được "xuất thế". Nhưng ta thấy con đường giải thoát này thật xa vời. Ta "ngộ" ra rằng những chân trời siêu hình đó không thể có ngay chỗ chứa cho cái thể xác hữu hình của ta. Một thể xác cố theo đòi "ngũ giới" mà lúc nào cũng xúi dục ta đi tìm "tứ khoái". Tuy nhiên trong những năm sơn dã ấy ta đã được gặp những con người thật trác tuyệt, ai cũng như tiên như thần cả. Tại sao những con người kiệt xuất lại cứ muốn bỏ thế gian này mà đi hết cả như vậy? Chính trong quãng đời này ta đã biết cái tuyệt đích của Dịch Học với "nhất Âm nhất Dương chi vị Đạo" hay "Vật sinh ư Hữu, Hữu sinh ư Vô" cùng cái lẽ huyền diệu của Sắc Không:
Không chuyển luân hồi mênh mang sắc?
Sắc có hữu hình hay sắc không?
Sắc tình dẫu có mà không,
Sắc tâm đâu phải là không hữu tình.
Càn khôn đâu hối đâu minh,
Còn ta “viết hữu” hay mình “viết vô”...
Ta vô ngã hay là ta quá ngã?
Nhân vị kỷ hay là nhân vị tha?
Tam tài bao buổi can qua,
Nhân tình đắp đổi như là bão giông.
Dục tình quá có sang không,
Âm dương lưỡng khí cõng bồng dọc ngang.
Đất trời khi thuở hỗn mang,
Ghẹo trêu bao kẻ nghênh ngang chi tài.
Trần ai... ai khéo đặt danh,
Thiên quân đâu dễ tìm quanh cuộc đời!
Tâm can bao buổi rối bời,
Tu thân nan khó tựa trời tự tu.
Trời kia... như có như không...
Người đây sao đặng có không “thất thường”;
Vòng vèo trong chốn nhu cương,
Hãy tìm lấy một chữ “thường” mà an!
Ta thấy cái giọng lục bát thật hợp với người và cảnh phương Nam này. Không biết con người nơi đây đã sinh ra lục bát hay lục bát đã sinh ra con người nơi đây... Nếu kiếp này ta không làm vua thì ta sẽ chỉ mong được làm thi sỹ. Làm thi sỹ tức là làm sáng tạo, mà công việc sáng tạo rất gần với Tạo Hóa.
Bọn chó già khốn nạn.
Có lẽ ta là một kẻ cô đơn nhất trên đời này. Cô đơn cũng có lẽ là nỗi đau lớn nhất trong mọi nỗi đau thể xác và tinh thần. Ta đã cất bước giang hồ. Ta đã qua bao nước đời dâu bể. Ta đã đi qua hàng chục nước. Ta đã theo hàng chục môn phái. Ta đã phải khuất thân bao lần với bọn giáo điều ngu xuẩn và bọn cơ hội. Ta đã thạo bao nhiêu thứ tiếng, mà sao ta chưa nghĩ được một câu thần chú cỡ "vừng ơi mở ra" cho đại nghiệp? Một câu như lập ngôn âm vang mãi cùng sông núi. Chẳng lẽ đời ta làm gì cũng rẽ lối sang ngang, nửa đàng đứt gánh sao? Đang học ở một trường cao sang bậc nhất ta chợt thấy chữ nghĩa vô duyên. Đang thịnh phát ở Ngô ta bỗng khoái về đất Việt. Đang ở lầu son gác tía ta bỗng thích đời du mục. Rõ lênh phênh. Nhưng...
Ta đã tung hoành ngang dọc: coi cường thù như rác, coi huynh đệ đều là thuộc cấp (nhiều tên mưu sâu kế hiểm mà mới trông thấy ta đã vãi ra quần), coi Thiên tử chả ra gì. Nhưng mà ức lắm, quân phương Bắc. Chúng thối tha như phân bắc vậy. Từ ngày Hán Cao Tổ lấy được thiên hạ lập nên nhà Hán ta đã thấy chán ngấy bọn mặt người dạ chó ấy. Cả một lũ sâu mọt đê tiện sau này tụ tập quanh Lã Hậu khuynh đảo thiên hạ làm bách tính lầm than khiến bao kẻ phải chạy dạt về phương Nam. Trong dòng người đi tìm cuộc sống mới ở miền nhiệt đới này có đủ hạng: tù tội, trộm cướp, thổ phỉ, nho sỹ bất đắc chí, con cái các dòng họ thất sủng, bọn buôn người, buôn đặc sản các miền, tất cả đều mang trong lòng một niềm cay hận. Chính nơi đay ta cùng với họ và dân man di bản địa đã lập nên cả một nhà nước, rồi bành trướng lãnh thổ. Thế nhưng sau khi ta đánh phạt quận Trường Sa và tự lập làm Đế thì cơn giận của nhà Hán là không kiểm soát được nữa, bọn chúng cương quyết trừng phạt ta. Giờ biết tính sao đây.
Ôi nước Nam Việt từ ngày ta mang trên vai... Hoàng tử lại khóc rồi. Mọi ngày con không bao giờ khóc thừa một tiếng mà sao đêm nay con gắt lên từng quãng dài như vậy? Con cũng đang thức lo lắng cùng cha đó sao? Trước sinh tử tồn vong của vận mệnh đất nước bậc anh hùng không có tuổi. Khi con ra đời nhìn khuôn mặt rạng ánh hào quang cha đã lấy làm mừng cho tương lai dòng tộc. Một đất nước tăm tối thì không thể có một vì vua sáng. Thế mà bây giờ tất cả đang ngàn cân treo sợi tóc, cả cha con ta, cả vương quốc này. Chỉ còn một bình minh nữa thôi là tất cả sẽ vụt tắt tối tăm hết cả sao? Nhưng không hiểu sao cha vẫn luôn thấy tin tưởng nơi con. Tất cả toát ra từ đôi mắt tuyệt vời, mà cái kiểu vừa mới sinh ra đã nhìn đời hấp háy bằng một bên mắt như thế thì cha tin không có kẻ thù nào mà ta không chiến thắng. Giang sơn sẽ trường tồn. Nhưng đến giờ này mà cha vẫn chưa tìm ra kế sách gì cả. Nhìn đời hấp háy bằng nửa con mắt... Con đang muốn mách bảo gì cha sao? Hấp háy ngó đời bằng một bên mắt... Hấp háy... Một con mắt... Trời! Trí tuệ của con còn hơn cả ngàn thằng quân sư quạt mo vô dụng. Tinh anh trời đất Nam Việt này đã tụ ở nơi con đây rồi!
Tức thì Vương ngồi xuống án thư và từng lời vàng ngọc đã hiện ra như một bản Tuyên ngôn Độc lập độc đáo và kỳ khôi nhất trong lịch sử nhân loài.
Khi Vương viết xong cũng là lúc bình minh chiếu khắp nhân gian. Một ngày mới đã đến. Không biết có phải vì nắng sớm hay do thức trắng một đêm nghĩ ngợi toan tính gì mà mái đầu của Nam Việt Vương bạc trắng như vôi.
Tương truyền rằng sau khi bản tấu này được dâng lên Hiếu Văn Đế, nhà vua xem xong cả cười bảo tả hữu rằng trí tuệ và khí phách của dân Nam Việt cũng kinh, chớ khinh nhờn chúng là man di mà manh động. Rõ là một dân tộc như cây tre, trông dặt dẹo nhưng không dễ gì bẻ gẫy được. Hình như có nhà thuật số giang hồ còn phán rằng thế nước Nam Việt có tượng con giao long, thế thì ắt là một mình một cõi trong bốn biển.
Chị phiên dịch bảo cái loại văn bản này thì phải mắt ma ngàn tuổi mới đọc hết được. Qua những cố gắng to lớn của chị, những từ ngữ đứt đoạn như lời kẻ hấp hối đã được chắp nối thành một văn bản quê kệch như sau:
"... một kẻ già ở man di ... Hậu ... bỏ Nam Việt ... trộm ngờ Trường Sa Vương ... dèm pha ...”
Tôi giật mình thảng thốt. Những chữ "man di", "Nam Việt", "trộm ngờ", "dèm pha"... như những khóa mật mã siêu phàm để mở cửa hồn dân tộc trong tôi. Thấy tôi như bị điện giật, như mất hồn, như nhập đồng, chị phiên dịch cũng thất thần hỏi có chuyện gì. Tôi ú ớ không nói được nữa nhưng vẫn đủ tỉnh táo khoát tay báo rằng chị cứ dịch tiếp:
“Lại nghe đồn Cao ... giết họ hàng ... mồ mả, đốt hài cốt cha ông thần. Vì thế ... liều mạng xâm phạm biên ... quận Trường Sa. Vả lại ... nam đất thấp, ẩm, ... Man Di ở ... giữa. Ở ... đông có đất Mân Việt, ... vẻn vẹn nghìn người, ... xưng hiệu ... "vương"; ... phía tây ... Âu Lạc ... nước trần truồng, cũng xưng ... "vương". Lão thần trộm dùng bậy danh hiệu "đế" chỉ để tự vui, ... đâu dám để nói đến tai bệ hạ..."
Ôi những "nghe đồn", "liều mạng", "vả lại", "trộm dùng bậy", "để tự vui"! Xin chớ coi thường những hư từ, rườm ngữ và ngoa ngôn đặc sản phương Nam, nghe tuy nhà quê mách qué nhưng cái diệu dụng của nó quả là không kể xiết.
Nam Việt Vương đi đi lại lại
Nguồn: http://4phuong.net/ebook/43825307/de...iet-vuong.html
Bookmarks