| 230 lần xem |

Nhân ngày Hội Xuân làng Châu Khê, 19 tháng Giêng:

PHẠM SĨ  – hiệu HUYỀN DU

Danh Tướng thời Trần thế kỷ XIII

 

           Tướng quân Phạm Sĩ là danh tướng thời Nhà Trần, thế kỷ XIII. Ông là người làng Châu Khê, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.

            I- Làng cổ Châu khê:

    Theo Châu Khê Thần Tích Sự Trạng:

    Châu Khê, xưa là Chu Xá Trang, một làng cổ ra đời từ thế kỷ XII (1190). Người tạo lập ra làng là Chu Tam Sương. Ông là một vị quan có vương tước trong Triều đình nhà Lý, người có công dẹp giặc bảo vệ nhà Vua, được ban thưởng tìm đất khai khẩn lập nghiệp. Vì thế Ông đã cùng em gái húy danh Chu Thị Liệt tới đây, vùng dất tỉnh Đông xưa đang còn được biển Đông bồi lấp để có Chu Xá Trang (Châu Khê nay) và chỉ cách một cánh đồng chim bay khoảng 500m là Chu Liệt Trang (Tráng Liệt nay). Ngay từ lúc đầu Xá Trang đã hình thành một qui hoạch, tạo cảnh, tạo cuộc sống vật chất tinh thần tốt đẹp.

    Làng ở có cấu trúc như bàn cờ, có bốn cổng vuông 4 góc. Giữa làng có sân chơi rộng với hai hòn đá Đại ngồi hóng mát, Cột đồng Hồ, Nhà Bảng, Cột đèn. Hai đầu làng có 2 giếng nước xây, quanh năm nước trong mát nuôi cả làng. Tuy dân cư lúc đầu rất ít chỉ đại diện cho 12 dòng Họ (gọi là Thập nhị gia tiên).

    Trong Vũ Trung tùy bút của Phạm Đình Hổ (1768-1830, danh sĩ người làng Đan Loan-Phủ Bình) có ghi: “Về đời Trần khoảng năm Xương Phù (niên hiệu Trần Phế Đế, 1377-1388) Chu xá Trang là nơi tụ họp đông đúc về sau nhân đinh càng nhiều nên thiết lập làm một xã, gọi là xã Châu Khê đã hình thành nhà Làng (Cầu Ba), nhà hàng giáp:  Giáp Nhất, Giáp Nhì, Giáp Trung, Giáp Đông, Giáp Tây Xuyên (Giáp Nhất là của Họ Phạm lớn nhât và hiện nay Họ Phạm vẫn đông nhât có 10 chi). Làng còn có Nhà Nghè, Văn chỉ nơi luyện văn võ cho con dân trong làng và có Bia kí ghi công của các Thầy giáo theo Khổng Tử giáo.

     Châu Khê thời Trần thuộc Hồng Lộ, thời Lê-Nguyễn là một xã thuộc Tổng Tông Chanh, huyện Đường An, tỉnh Hải Dương, ở đây như Thần phả viết: “Châu Khê có địa thế huyệt chân long nổi, uốn khúc hình con rồng. Thế đất như 2 mắt rồng mở, dân ở dựa vào thân rồng, phía Nam ngựa hướng chiếu vào, phía Bắc phượng hoàng múa cánh,…địa thế xung quanh bằng phẳng được xem là một quý địa”. Xét về phong thủy: Châu Khê chỉ cách Phù Ủng bởi con sông Cửu An, cách Ấp Khả Mộ (Làng Trằm-Mộ Trạch, lò Tiến sĩ xứ Đông) một cánh đồng. Nhiều người làng Châu Khê nghĩ rằng cũng nhờ mạch đất phong thủy như vậy nên phát cả đường Văn-Võ-Nghiệp…

- đường Võ có Phạm Sĩ, Chu Tam Sương…

- đường Văn có 7 tiến sỹ khoa bảng các thời…

- đường nghiệp là quê hương của những nghệ nhân vàng bạc nổi tiếng đất nước có từ thế kỷ XV thời Lê Thánh Tông do Thượng thư bộ Lại Lưu Xuân Tín khỏi xướng dẫn dắt. Ông được phong là “Nghệ Công Bạc Vàng” và là Tổ nghề Vàng Bạc Châu Khê nay. Hiện nay Làng nghề có 98,56% hộ gia đình làm nghề với 1000 tay thợ kim hoàn, đã được phong tặng 23 nghệ nhân, “Thương hiệu Vàng Bạc Châu Khê đang chiếm lĩnh thị trường cả nước”

      Làng Châu Khê còn có Chùa và Đình được Nhà nước công nhận là Cụm Di tích Lịch sử-Văn hóa cấp Quốc gia – QĐ 154/QĐ/BVHTT, ngày 25-01-1991:

    – Chùa được lập ngay sau khi lập làng vào thế kỷ XII, có tên chữ là “Liên Hoa Tự”, đến năm Hoằng Định nguyên niên (1601) tái tạo đổi tên thành “Sùng Ân Tự”, năm Bảo Đại lục niên (1931) trùng tu lại bề thế có 36 gian, có nhà Mẫu, 2 nhà hành gian, có Tam quan Chuông và quả Chuông đồng lớn trên một tấn, tiếng chuông đã đi vào thành ngữ “Chuông Châu -Trống Ủng -Mõ Đầu”. Nhưng chuông Chùa Châu Khê thời kháng chiến chống Pháp đã bị dỡ : một nửa bán cấp cứu đói cho dân tản cư, một nửa ủng hộ công binh xưởng đúc vũ khí đánh giặc được Bác Hồ gửi thư khen. Ngày nay năm 2001 và 2012 nhà chùa cùng toàn dân đã đúc lại 2 quả nặng 800kg và 1560kg. Đặc biệt nơi đây còn có 2 cây Doi đã có tuổi hơn 200 năm. Năm 2008 Hội sinh vật cảnh tỉnh điều tra và Sở KH-CN-MT Hải Dương nghiệm thu đưa vào Danh sách cây cổ di tích kháng chiến để gìn giữ, vì chính hốc 2 cây doi là lỗ thông hơi của hầm bí mật của Việt Minh thời kháng chiến chống Pháp; lính lê dương Pháp từ bốt Sặt tới càn quét, rắn đã cất đầu bổ lính làm lính khiếp sợ, nên có câu:   

      “Lê dương càn quét về đây

       Rắn Thần bắt lính giơ tay đầu hàng”.

Ở đây đã có vị sư Bác gác áo cà sa theo Việt Minh trở thành Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Giang thời kỳ 1947-1975, cán bộ lão thành cách mạng.

       - Đình Châu Khê có tên chữ “Đại Vương Từ” vừa rộng lại vừa cao trên mảnh đất thiêng (Hách-Trạc Anh-Linh) ở phia Nam trước làng.thờ Tướng Quân Phạm Sĩ và các Danh nhân trí sĩ của làng. Đình chính hình chữ đinh, cùng với 2 nhà giải vũ 2 bên thành hình chữ U, có nhà Tam quan 3 cửa và đôi ngưạ đá cao 1,3m. Trong Đình có 3 pho tượng của Phạm Sỹ-Chu Tam Sương-Lưu Xuân Tín. Nơi đây đã là nơi lưu truyền nếp sống văn hóa và truyền thống của làng: hàng năm đầu xuân, nhằm ngày 19 tháng Giêng Âm lịch làng mở “Hội Xuân-Giỗ Tổ Nghề Vàng Bạc truyền thống”. và cuối năm trước đó là ngày Giỗ Thánh Phạm Sĩ, ngày 01 Tháng Chạp Âm Lịch.

             II- Thân thế, Sự nghiệp, Công trạng tướng quân PHẠM SĨ

  1- Theo “Châu Khê thần tích sự trạng, nguyên bản chữ Hán Nôm” :

Phạm Sĩ là con Pham Tuyên người làng Lôi Nham, Thanh Hóa. Ông làm quan ở Vũ Văn- Sơn Nam, năm 40 tuổi về hưu sống ở làng Hậu Bổng, Gia Lộc. Phạm Sĩ là người thông minh ham học tài kiêm Văn Võ. Sau khi cha mẹ qua đời Ông về Chu Xá Trang mở trường dạy học được dân quý trọng.

Bấy giờ vào giữa thế kỷ XIII. Một hôm Phạm Ngũ Lão về thăm quê tại làng Phù Ủng, huyện Ân Thi một làng quê văn hiến cách Châu Khê một con sông nhỏ phía Tây. Nhân dịp này Phạm Sĩ sang thăm và tặng Phạm Ngũ Lão cuốnTạp Văn. Đây là một tập thơ đầy khảng khái của một người có chí khí và tài năng mong muốn được tham gia Quân đội đánh giặc giữ nước Phạm Ngũ Lão cảm phục và đã tiến cử lên Trần Hưng Đạo, qua Trần Hưng Đạo Ông được tiến cử với Vua Trần, được Vua ưng thuận rồi Phạm Sĩđược giao chức “Binh Đạo Bình Nguyên Đại Tướng Quân”. Trong kháng chiến chống giặc Ông lập công lớn, cùng Tham Tán Phạm Ngũ Lão và Hưng Đạo Vương 2 lần chiến thắng quân Nguyên-Mông(1285-1288), sau đó Ông được tặng phong “Dực hổ hầu Hải Dương đạo bình nguyên Đại Tướng Quân” và về nghỉ tại Chu Xá. Ông đã tạ thế “Ngày Một tháng Chạp năm Canh Dần (1290)”. Sau khi Ông mất, Vua Trần về và cho xây Lăng Mộ-Miếu thờ. Di tích này nay còn nguyên vẹn tại phía Tây làng Châu Khê bên bờ sông Cửu An.

      2- Sau đây là Văn Bia kí khái lược về Tiểu sử Phạm Sĩ

  (Soạn năm Bảo Đại ngũ niên-1930)-  Theo Bản Hán Nôm Châu Khê Thần tích sự trạng.

        ĐƯỢC DỊCH NGHĨA LÀ:

            Thường nghe rằng:

            Thánh Thần Thượng Đẳng, công đức sự nghiệp vượt qua bình thường, mà sau đó trời cao giao cho nhiệm vụ Chủ Tể  và dân chúng cũng nhờ được sự che chở.

            Kính nghĩ rằng tôn thần:

             Là cây đại tùng hóa thân,  là con hoàng long ứng thế

             Động Lôi Nham hun đúc, thần La Hán giáng sinh

            Lúc thiếu thời:

- Ngài:  Bẩm chất thông minh

 Thiên tư hiếu thảo. Học xuyên Khổng Mạnh cung đường

 Tài giỏi Tôn Ngô thao lược. Thật là Văn-Võ toàn năng

            Khi lớn lên:

Văn chương uyên bác, Phạm Thái Bảo kiến tri

Tài nghệ thông minh, Hưng Đạo Vương tiến cử

Vua khen kỳ tài liền được trọng dụng:

“Tham nghị trong Triều-Tuần tra phong hóa”

Nghiễm nhiên là khuôn mẫu đại thần

Đương khi nhà Trần,  nước Nhà gặp nạn ngoại xâm:  Ô Mã Nhi đem100 vạn hùng binh, tiến vào Cao Bằng, Thái Nguyên lãnh thổ, khí thế dũng mãnh như roi quất đứt dòng, định nuốt trôi một dải Hồng Hà.

Tình hình khẩn cấp nguy nan như chẻ sợi tóc, liền Đại Vương tiết chế một đạo Hải Dương ung dung một vị tướng nho quắc thước, trọng thần biên khổn. Ngài đã cùng Thượng Tướng quân Hưng Đạo Vương và Tham Tán Phạm Ngũ Lão chung sức đánh giặc Nguyên- lẫy lừng như sấm vang chớp giật:  Trong trận Vân Đồn, Bạch Đằng Giang phá tan quân Nguyên bắt được tướng giặc, một xe không thoát, một ngựa không còn. Dẹp xong giặc Nguyên Mông giữ gìn giang sơn Nhà Trần yên như Thái sơn bàn thạch.

 Về sau nhờ sự uy linh:

            Thần kiếm đến Chu Xá,  Thái úy cầu đảo mà giúp diệt Mạc.

            Than ơi! Mưu lược bao la, Công cao to lớn

            Lịch sử còn ghi, Khói hương nghi ngút

            Nơi đây cung đình Chu Xá

            Trăng nước Châu Giang

            Ánh trăng lồng lộng ngựa đá kêu vang

            Dòng nước nao nao cờ bay khắp chốn

            Anh linh hiển hách.

             Đại Vương vang danh vạn cổ (1)

 (Văn bia này do Nhà nho Lê Xuân Hòa -Viện Hán Nôm dịch – được in trong “Di tích-Lịch sử- Nghệ thuật Châu Khê (Phạm Minh Tiến soạn-2008). (Theo“Hải Dương Di tích  và Danh thắng” trang 74).                         

III-Phần kết:

      Tất cả những di chỉ vật thể phi vật thể quí giá có được của Châu Khê hầu như đều về Ngài Danh Tướng Phạm Sĩ, đó là cơ sở để thôn Châu Khê, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương :

- Được Nhà nước xếp hạng Cụm Di tích-Văn hóa-Lịch sử cấp Quốc gia, theo quyết định số 154/QĐ-BVHTT, ngày 25-01-1991.

- UBND tỉnh Hải Dương công nhận Làng Văn hóa-1998.

- Bằng Làng nghề Vàng Bạc thủ công truyền thống-2004.

- Công nhận Bằng làng sức khỏe-2008

- Bằng Làng nghề thủ công vàng bạc có bàn tay tinh hoa-2009.

- Làng là điểm Du lịch làng nghề và đang được chọn xây dựng Nông thôn mới 2012-2013.

       Ngưỡng mộ công ơn Tướng quân Phạm Sĩ, Nhà giáo Nhân dân, Nhà thơ VŨ ĐÌNH LIÊN, người con của Châu Khê đã đề Bài thơ truyền tụng:

                        Ái Châu một thuở trời sinh ra

                        Phạm Sĩ danh nhân đất Bắc Hà

                        Chu Xá-Châu khê đi cứu nước

                        Thăng long-Đông Các dựng xây nhà

                        Vân Đồn-Vạn Kiếp cầm ngang giáo

                        Đông Bộ-Bạch Đằng chỉ thẳng qua

                        Tiên tổ còn lưu danh trí dũng

                        Cháu con truyền mãi nghĩa nhân ca.   

                                           

Phạm Minh Tiến- Họ Phạm Mai-Châu Khê

 Nguyên Trưởng Ban Quản lý Cum Di tích Châu Khê

Đình làng Châu Khê, nơi thờ Tướng quân Phạm Sĩ

Lễ hội làng Châu Khê

 

You must be logged in to post a comment Login

Bài viết cùng từ khóa:

  • Không tìm được bài nào liên quan cùng từ khóa

Ý kiến trao đổi:

Đăng ký nhận tin mới qua email

Bạn vui lòng điền vào E-mail:

Bài viết lưu trữ theo tháng

Thống kê truy cập

  • 230Xem bài này:
  • 1237717Tổng số lượng truy cập trang web:
  • 563Số lượng truy cập hôm nay :
  • 3885Trung bình số người xem hàng tháng:
  • 307Trung bình số người xem mỗi ngày:
  • 2012/01/22Counter starts on:

Bạn đọc gần xa