WEBSITE CÁC ĐƠN VỊ


 
 
 
 
 
 

 

 

 
 
 
 
 
 
 


    Di tích kinh thành Sư Tử (Simhapura) nằm ở làng Trà Kiệu, tổng Mậu Hòa, phủ Duy Xuyên, nay là xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng 30km về phía nam, nằm bên cạnh tỉnh lộ 610.
   
    Theo sách Thủy kinh chú thì “Kinh thành nằm ở phía tây con sông, kinh đô của nước Lâm Ấp (tên gọi của vương quốc Chămpa từ thế kỷ thứ VI về trước), gọi là Điền Xung, cách bờ biển 40 hải lý, núi non bao bọc ở phía tây nam, phía đông bắc nhìn ra sông.
   
    Kinh thành đã nhiều lần bị tàn phá do chiến tranh với Trung Hoa, như cuộc chiến tranh năm 446 (cũng theo sử Trung Hoa), Đàn Hòa Chi đem quân đánh thành Simhapura thu được vô số vật báu, riêng vàng được nấu chảy từ các tượng được 100.000 cân (con số này có lẽ được phóng đại); năm 605, tướng nhà Tùy là Lưu Phương đánh vào kinh thành Simhapura, bắt nhiều người Lâm Ấp làm tù binh, vua Phạm Chí bỏ thành chạy ra biển. Lưu Phương tịch thu 18 tượng thần chủ bằng vàng thờ trong các đền miếu (tức 18 đời vua), khắc đá để ghi công rồi rút quân về. Lưu Phương sau đó bị ốm chết trên đường về(1).

    Các nhà khoa học đã xác định được thủ đô Lâm Ấp bị Lưu Phương đánh chiếm năm 605 chính là Simhapura(2).

    Những tác phẩm điêu khắc được phát hiện ở đây vào đầu thế kỷ gồm nhiều tượng, vật trang trí kiến trúc, đài thờ linga-yoni, nhạc công và vũ nữ… đã hình thành nên một phong cách nghệ thuật riêng: phong cách Trà Kiệu nổi tiếng. Ngoài tượng người, tượng động vật cũng đóng một vai trò đáng kể trong nghệ thuật Chămpa của giai đoạn Trà Kiệu. Đó là chim thần Garuda, rắn thần Naga, voi, sư tử… trong đó voi được thể hiện sinh động nhất.

    Từ năm 1985-1990, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã có nhiều cuộc đào thám sát và khai quật các di tích ở Trà Kiệu. Kết quả thu được ở khu vực đồi Bửu Châu nhiều hiện vật như gạch, ngói ống có trang trí mặt người, mặt kala, ngói móc hình chữ nhật có đầu nhọn tam giác cân, nhiều loại gốm Sa Huỳnh, Trung Hoa, đồ trang sức bằng đồng, thủy tinh, kim loại…Những hiện vật thu được cho thấy đã có sự giao lưu văn hóa rõ nét giữa Chămpa với các nước Ấn Độ và Trung Hoa ở giai đoạn này.

    Từ năm 1992-2002, các nhà khảo cổ Anh, Nhật Bản cùng với các nhà khảo cổ Việt Nam đã tiếp tục nghiên cứu khu vực kinh thành cổ Trà Kiệu và đã thu lượm được thêm nhiều kết quả khả quan.


(1) Đại Việt sử ký toàn thư, tập I, sđd, tr. 127-128.
(2) R.A. Stein, Le Lin- Y, Bulletin du C.E.S, vol 2, Pékin, 1947, p. 197, dẫn lại Ngô Văn Doanh, Văn hóa cổ Chămpa, Nxb. Văn hóa dân tộc, H., 2002, tr.63.

(05/12/2011)
 


 
 
 
 
 
 

LƯỢT TRUY CẬP
3304410
 
 
 
 

 
Bản quyền của Ủy ban nhân dân Thành phố Đà Nẵng
Giấy phép:số 113/GP-BC do Cục Báo chí, Bộ Văn hóa - Thông tin cấp ngày 03/8/2005.
Chịu trách nhiệm chính:Nguyễn Văn Cán - Chánh Văn Phòng UBND thành phố Đà Nẵng.
Trụ sở:Văn phòng UBND thành phố Đà Nẵng - 42, Bạch Đằng, Đà Nẵng, Việt Nam.
Điện thoại:(84.511) 3840237, Fax: (84.511) 3825321.
E-mail:website@danang.gov.vn, hotrokythuat@danang.gov.vn.
Designed by Da Nang ICCO