Khu di tích Phủ Giầy
14:42' 3/8/2006
(vhnd.thitruongnamdinh.com)

Từ thành phố Nam Định đi theo đường lộ 10 tới núi Gôi, rẽ phải 3 km là tới khu di tích Phủ Giầy



Phủ Giầy là tên gọi chung cho các di tích thờ bà Chúa Liễu Hạnh thuộc xã Kim Thái, huyện Vụ Bản. Đây là quần thể di tích được xây dựng trong một khu vực địa lý có nhiều dấu vết văn hoá của cư dân Việt xưa và nay. Cách đó không xa có núi Lê, núi Gôi, với các hang động nơi cư trú của Người tiền sử. Với những di vật văn hoá thời kỳ đồ đá: Rìu đá, cuốc đá... là những dấu vết văn hoá, chứng tỏ sự xuất hiện khá sớm của con người trên mảnh đất này! Điều này, dễ dàng giải thích cho việc bảo lưu những dấu vết văn hoá bản địa, những tín ngưỡng dân gian thuần Việt, Phủ Giầy là một hiện tượng tín ngưỡng dân gian thuần Việt, tồn tại và có sức hấp dẫn khách hành hương hàng vài ba thế kỷ nay.

Khách hành hương đến với Phủ Giầy, trước hết, hãy vượt hàng trăm bậc đá, lên đỉnh núi Tiên Hương thăm đền Thượng (còn gọi là đền Mẫu Thượng Ngàn). Năm 1857, tiến sĩ Lê Hi Vĩnh đã viết đôi câu đối:

"Thái tông thiệu bình nguyên niên, Phạm Gia Khải thánh"
Thế tông Quang Hưng sơ thế Thái lĩnh lập từ

Tạm dịch:

Đời Thái Tông niên hiệu Thiệu Bình, năm đầu họ Phạm Sinh ra bậc thánh (1434)
Đời Thế Tông, niên hiệu Quang Hưng năm đầu, dựng đền ở núi Thái (1578)

Như vậy, núi Tiên Hương còn có tên gọi là núi An Thái.

Phía Nam đền Thượng, trên một quả đồi nhỏ có ngôi chùa cổ, ở đó có cây hương đá (khắc bài kinh cúng phật) từ đầu thế kỷ XVIII và cây tháp 14 tầng, phong cách kiến trúc thời Nguyễn...

Gần núi Tiên Hương còn có đền thờ Thiền Sư Không Lộ, nhân dân thường gọi là đình ông Khổng, và một số khu di tích khác có liên quan đến khu di tích Phủ Giầy.

Khu di tích Phủ Giầy từ bao đời nay thu hút khách du lịch hành hương trên khắp mọi nẻo đường về đây, ngoài yếu tố tín ngưỡng, di tích này còn có giá trị rất cao về kiến trúc, nghệ thuật thực sự còn được coi là tài sản văn hoá của dân tộc nói chung và Nam Hà nói riêng.

Nguyên xưa kia, hai thôn Vân Cát và Tiên Hương là một. Ngôi phủ thờ "Tam toà thánh mẫu" ở An Thái, huyện Thiên Bản còn đơn sơ, được xây dựng từ thời Lê Cảnh Trị (1663 - 1671). Sang đầu thời Nguyễn (1806) mới tách thành hai thôn Vân Cát và Tiên Hương và cũng từ đó hai thôn đều xây phủ thờ bà Chúa Liễu Hạnh.

Trước hết là Phủ Tiên Hương!

Phủ Tiên Hương được xây dựng từ thời Lê Cảnh Trị (1663 - 1671), nhưng qua nhiều lần tu tạo đến 1914, dưới thời Nguyễn Duy Tân, Tổng đốc Nam Định Đoàn Triển về hưng công, nên công trình còn lại đến nay có quy mô bề thế hơn xưa rất nhiều.

Phủ Tiên Hương có 19 toà với 81 gian lớn nhỏ, mặt Phủ quay phía Tây Nam nhìn về dãy núi Tiên Hương. Trước phủ có hồ và một sân rộng, có ba toà nhà giàn hàng ngang hai tầng, tách mái. Đây là Phương Du nơi đón khách tới hành hương, Phương Du có cấu trúc cân đối, các mảng trạm khắc trên các cấu kiện rất hài hoà, thanh thoát thể hiện hình rồng, hình phượng (hai trong bốn con vật tứ linh). Liền đó là hồ bán nguyệt ghép bằng đá lục lăng, có đường kính dài 26m, hệ thống lan can bao quanh hồ được xây dựng rất mỹ thuật, hai cầu nước được trạm khắc hình con rồng, với móng vuốt sắc nhọn tinh sảo.

Phủ có 4 lớp thờ (4 cung): đệ nhất, đệ nhị, đệ tam, đệ tứ. Cung đệ tứ được tập trung các nghệ thuật trạm khắc tinh vi, thể hiện các đề tài: hổ phù, lân hí cầu và rồng phượng, vân ám, các bức cốn, mê nách được trạm khắc theo các chủ đề "ngũ phúc", "tứ linh", "tứ quí".

Ngoài ra những bức cửa võng, những cuốn thư, câu đối, đại từ... của các tiến sĩ, đốc học bái tiến cũng có ít nhiều giá trị về sử học, văn học và mỹ thuật, như: "Thiên hạ mẫu nghi" hoặc "Thiên bản nhất kỳ".

Điều đáng chú ý là bài trâm trên cuốn thư của đốc học Ngô Giáp Đậu:

"... Nhà ở An Thái nơi đất thiêng liêng
Còn nhớ hiển thánh từ niên hiệu Dương Hoà (1642)
Kinh sách đã lặng lẽ thấu suốt những bí quyết tam muội
Ánh sáng của lòng từ rộng khắp vào nhang khói của vạn nhà.
Tiếng tăm nước cũ tôn sùng vị vương mẫu"
(Dương Văn Vượng dịch)

Cung đệ nhị cũng được trang hoàng lộng lẫy. Đây là nơi thờ "Khải sinh thánh phụ Trần Quý Công", "Khải sinh thánh mẫu Trần Môn Chính Thất" và Trần Đào Lang (là bố, mẹ và chồng của Bà Chúa Liễu Hạnh).

Cung đệ nhất (chính cung) có 1 khám thờ, khảm trai, bề thế và tinh sảo. Bên trong có 5 toà Long cung sơn son thiếp vàng rực rỡ. Đây là nơi đặt năm pho tượng có giá trị mỹ thuật của thế kỷ XIX. Đó là tượng "Thánh phụ thánh mẫu" và "Tam toà thánh mẫu".

Ngoài ra còn một số công trình phụ như nhà bia, nhà khách, nhà kho... tạo thành lối "nội trùng thiêm ngoại chữ quốc" bề thế và ngoạn mục.

Phủ Vân Cát một công trình kiến trúc qui mô, được xây dựng trên khu đất rộng ước chừng gần 1 ha, đứng biệt lập, nhưng cũng thuận lợi về giao thông, do vậy khách hành hương không thể không đến Phủ Vân.

Phủ Vân quay về hướng Tây Bắc, trước mặt là cánh đồng lúa bạt ngàn, cũng kiến trúc theo phong cách "Nội trùng thiêm, ngoại chữ quốc" (các toà nhà chính bên trong song song chung thềm, hai bên có hành lang nhà ngang, mặt trước có ngọ môn khép kín).

Tuy bị hư hỏng nhiều, nhưng Phủ Vân Cát vẫn còn 7 toà với 30 gian lớn nhỏ. Cung đệ tứ, mái cong, làm theo lối chồng diêm tám mái, các cấu kiện như bẩy, kẻ, được gia công trạm khắc long hoá, soi chỉ rất công phu, con rồng uyển chuyển nhẹ bay trên xà, trên bẩy, đan xen có những con phượng, vờn múa theo nhiều kiểu dáng, con "qui" ẩn hiện nơi ao sen, bầy "ly" vui đùa uốn lượn ở góc xà, đầu bẩy rất sinh động, đây là đề tài "tứ linh" được thể hiện "ẩn hiện" (hư thực) rất uyển chuyển.

Hệ thống cửa "Ngọ môn" xây dựng theo kiểu chồng diêm ba tầng, với hàng chục cột trụ, 5 gác lâu, tường hoa bao quanh nhiều văn bia đặt dưới cổng Ngọ môn ghi chép về việc Bà Chúa Liễu giáng sinh, và sự đóng góp tiền của xây dựng công trình đền, Phủ Vân qua năm, tháng của nhân dân.

Phía ngoài ngọ môn có hồ bán nguyệt, giữa hồ là nhà Thuỷ lâu, ba gian, mái cong. Công trình này được gia công rất công phu, từ viên đá "Cẩn qui" ghép móng, hệ thống lan can với các hoạ tiết "tứ linh, tứ quí" đến hai cầu đá bắc qua hai đầu hồ vào thuỷ lâu cung thể hiện tài nghệ của các nghệ nhân xưa. Phủ Vân còn có hệ thống cánh võng chạm khắc, và sơn son thiếp vàng công phu thể hiện đề tài hoa lá cách điệu

Điều đáng quan tâm là bức đại tự ở gian giữa tiền đường đề rõ: "Tiên nhân cựu quán" (quê cũ của người tiên) (Bảo Đại mùa đông năm Đinh Sửu).

Hoặc đôi câu đối:

"Tự hữu quốc gia dĩ lai, gia phục mẫu nghi, quốc phong vương tước
Mạc vi thần tiên chi đảo, tiên cư thiên thượng, thần tại nhân gian"
(Hàn lâm viện thi đọc, lĩnh Vụ Bản tri huyện Phạm Quang Phúc bái tiến)
(Từ khi có quốc gia đến nay, nhà thì tôn là nghi thức người mẹ, mà nước thì phong tước Vương
Đừng bảo thần tiên là quái đản, tiên trên thượng giới, thần ở nhân gian)
(Dương Văn Vượng dịch)

Phủ Vân cũng có 4 lớp thờ tự (4 cung) như ở Phủ chính Tiên Hương. Cung đệ nhất nơi thờ tượng "Tam toà thánh mẫu" cũng uy nghi đường bệ, phong cách tượng bên Phủ Vân nền nã và dịu dàng hơn. Nhìn chung đó là những pho tượng đẹp, thể hiện người phụ nữ Việt Nam (đa thần linh hoá) nhưng vẫn giữ được những nét dịu hiền, đoan chính, nhưng cũng có cái gì đó oai nghiêm, sắc sảo...

Một công trình văn hoá trong quần thể di tích Phủ Giầy đáng kể nữa là lăng Bà Chúa Liễu, được xây dựng vào năm 1938, theo lời kể của người già, thì lăng Bà Chúa được xây dựng do Nam Phương Hoàng Hậu hưng công. Lăng được thiết kế xây dựng bằng đá xanh, trên bình diện 625 m2, gồm 5 vòng đường kính vuông, mỗi cạnh dài 24m. Mỗi vòng đường đều để 4 cửa vào lăng theo 4 hướng: Đông - Tây - Nam - Bắc. Các cửa đều có trụ cổng, trên đặt bông sen chúm chím nở. Năm vòng đường có 5 độ cao khác nhau, để tạo những mảng sân bậc thang bao quanh lấy phần mộ. các vòng tường bao được trạm khắc công phu theo từng chủ đề, từng vị trí thích hợp như: Chấn song con tiện, chữ thọ, cẩm qui, chữ Vạn nổi...

Lăng mộ ở vị trí trên cùng hình bát giác, có đường chỉ viền chạy xung quanh, lại tạo thành 88 núm "vú" như 88 bông hoa chạy viền quanh mộ, mà tương truyền đây là hình tượng "bầu sữa mẹ".

Toàn lăng có 60 búp sen hồng trông xa dáng như một hồ sen cạn. Cũng trong khu lăng còn có hai toà phương đăng bằng đá xanh được xây dựng rất công phu. Đây là nơi đặt bàn thờ Công chúa và văn bia ca ngợi công đức của Bà.

"Tiên lương linh tích muôn đời
Trường xuân phúc quá thảnh thơi lâu dài"

Có thể nói toàn bộ khu di tích Phủ Giầy có giá trị rất cao về trình độ kiến trúc nghệ thuật cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Đến với Phủ Giầy là đến với một di tích hoàn chỉnh yếu tố tín ngưỡng dân gian thuần Việt. Và, cũng là thăm một di sản văn hoá đã được nhà nước Việt Nam thừa nhận, theo quyết định số 09 VH - QĐ, năm 1975.

Năm tháng qua đi cùng với lớp bụi thời gian các công trình này đã bị thiên nhiên làm hư hại. Được sự h trợ và lòng hảo tâm của các qúi khách trong ngoài nước, các di tích trong quần thể di sản Phủ Giầy đang được tu sửa lại như thuở ban đầu, đáp ứng lòng mến mộ của khách hành hương bốn phương đến với Bà Chúa Liễu./.

 

Các tin tiếp
Lăng mộ Thánh Mẫu    (31/10/2006)
Cột cờ Thành Nam    (16/11/2006)
Tòa giám mục Bùi Chu    (8/10/2007)