Triệu Sơn, Thanh Hóa:
Di tích cấp quốc gia sắp thành phế tích
Cập nhật: 13/10/2011 09:38
(Thanh tra)- Khu di tích cấp quốc gia quần thể lăng mộ Lê Thì Hiến tại xã Thọ Phú (huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa) đang phải “oằn mình” dãi nắng, dầm sương vì không có nhà che chắn. Thậm chí, nhiều hiện vật bị mất cắp, số còn lại mọc rêu, hư hỏng, nứt toác, nguy cơ trở thành phế tích vì không được trùng tu, tôn tạo.
Nhiều chân tảng vứt la liệt trong di tích lăng mộ vua Lê Thì Hiến
Một vị tướng tài thời xưa
Từ TP Thanh Hóa ngược theo quốc lộ 47 đến ngã tư Giắt gặp đường 15 rẽ phải là đến xã Thọ Phú, huyện Triệu Sơn.
Cách trụ sở UBND xã Thọ Phú không xa có quần thể lăng mộ Lê Thì Hiến được Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) ký Quyết định số 201 ngày 16/2/1993 công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Theo lịch sử ghi lại, Lê Thì Hiến (SN 1610) trong một gia đình dòng dõi thế phiệt công huân. Khi còn nhỏ ông là người thông minh, học giỏi, tinh thông sử lược. Lớn lên, ông có tài thao lược, giỏi cung kiếm, nắm vững võ thuật và là một vị tướng tài trong thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh. Lê Thì Hiến từng cầm quân đánh Đông, dẹp Bắc, thắng nhiều trận và được nhà vua phong cho chức Hào Quận Công hay còn gọi là Lê Tướng Công. Ngoài là tướng tài, dũng mãnh, mưu lược trong triều đình, Lê Thì Hiến còn là người giàu lòng nhân ái, vị tha, ai đói thì cho ăn, ai rét thì cho mặc, nghèo thì phát chẩn, túng thiếu thì cứu bần. Người trong làng, ngoài tổng ai cũng khâm phục, biết ơn muôn đời vì ông đã mang lại nhiều điều nhân đức cho nhân dân.
Khi Lê Thì Hiến mất năm 1675, thọ 66 tuổi, ông được nhà vua phong chức Thái Tề, cho xây dựng quần thể lăng mộ tại địa phương với diện tích khoảng 5.000m2, chiều dài 800m. Người dân ở xã Thọ Phú luôn tôn thờ, coi ông là một vị thần linh thiêng phù hộ cho nhân dân tai qua nạn khỏi, làm ăn phát đạt, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.
Quần thể di tích lăng mộ Lê Thì Hiến được đặt ở vị trí sơn thủy hữu tình, bởi nó được con sông Nhà Lê ôm gọn vào lòng. Trước đây, muốn sang khu di tích phải đi bằng thuyền, bè, sau đó có cầu làm bằng tre. Mới đây, địa phương đã làm cầu bê tông để người dân có thể đi xe máy, xe đạp qua vãn cảnh, thắp hương, cầu lộc, cầu tài.
Di tích hay phế tích?
Quần thể di tích Lê Thì Hiến trước đây có 18 pho tượng quận công được làm bằng đá khối, đường nét chạm khắc tinh xảo, voi đá, ngựa đá ngồi chầu, bia đá khắc chữ Hán Nôm. Thế nhưng, theo quan sát thực tế của PV, hiện ở quần thể di tích cấp quốc gia chỉ còn 2 con voi đá, 2 con ngựa đá ngồi chầu, các bệ thờ nằm phơi nắng, phơi sương cả ngày lẫn đêm mọc rêu xanh, xuống cấp nghiêm trọng. Bia đá khắc chữ Hán Nôm bị rạn nứt, các chân tảng bằng đá vứt ngổn ngang. Một số hộ dân không hiểu biết đã “mượn” các chân tảng về sử dụng. Trong khuôn viên của quần thể di tích, bò được thả rông gặm cỏ, phóng uế bừa bãi, người dân đến thắp hương lộn xộn không tuân theo quy định nào. Hai pho tượng quận công còn lại thì bị cụt đầu do bị kẻ xấu cưa trộm nên phải cất kín trong nhà bảo vệ...
Trao đổi với PV Báo Thanh tra, ông Phạm Như Hoàn, Chủ tịch UBND xã Thọ Phú cho biết: Là địa phương thuần nông, nguồn ngân sách ít không có để đầu tư tôn tạo. Hiện, di tích Lê Thì Hiến đã xuống cấp nghiêm trọng, 16 pho tượng đá quận công bị kẻ trộm lấy cắp, 2 pho tượng còn lại nhiều lần bị lấy trộm nhưng địa phương phát hiện và giữ lại được. Địa phương đã đổ bê tông gắn 2 pho tượng xuống đất nhưng kẻ xấu vẫn rình mò vào cưa cụt mất đầu. Vì thế, thân của 2 pho tượng quận công được đưa vào nhà bảo vệ cất mấy năm nay. Ngoài ra, một số hiện vật khác trước đây bị người địa phương lấy trộm về nhà nung vôi… “Đã nhiều lần địa phương làm đơn kiến nghị đến các ban, ngành chức năng xin được đầu tư vốn trùng tu, tôn tạo, nhưng đến nay vẫn không thấy hồi âm gì. Nếu cứ để dãi nắng, dầm mưa thêm một thời gian nữa, chắc chắn di tích này sẽ sớm trở thành phế tích”, ông Hoàn nói.
Còn, bà Lê Thị Tú, Hiệu trưởng Trường THCS Thọ Phú nói: “Từ năm 2008 đến nay, thực hiện phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, trong đó có phần chăm sóc di tích lịch sử ở địa phương, hằng tháng vào ngày 14 và 30 Âm lịch, nhà trường huy động học sinh vào di tích dọn dẹp vệ sinh để du khách thập phương đến cúng bái, tín ngưỡng. Chúng tôi mong muốn Nhà nước quan tâm đầu tư một nhà che chắn, tôn tạo di tích cho xứng với những công lao của tướng công Lê Thì Hiến đã đóng góp cho triều đình”.
Với sự việc nêu trên, UBND tỉnh Thanh Hóa nên sớm kiểm tra thực trạng để bố trí nguồn vốn đầu tư, tôn tạo quần thể di tích Lê Thì Hiến xứng tầm với một di tích cấp quốc gia khi chưa quá muộn.
Một số hình ảnh PV ghi lại được tại khu di tích:
Bò được chăn thả trong quần thể di tích Lê Thì Hiến
Các hiện vật ở di tích Lê Thì Hiến đang dãi nắng, dầm sương
Người dân đến tín ngưỡng vứt xe đạp la liệt khắp nơi
Văn Thanh