Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 17/02/2016 11:38
Chùa Vua - di tích có ý nghĩa văn hóa độc đáo ở nước ta

Chùa Vua thuộc làng Thịnh Yên, nằm ở phường phố Huế, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Chùa được xây dựng từ thời nhà Lê (1428-1527), thờ vua cờ Đế Thích. Hàng năm tại chùa có 3 ngày lễ hội truyền thống 6 – 7 – 8 tháng Giêng và ngày mồng 9 là ngày các tay cao cờ tranh giải quán quân. Ở làng Thịnh Yên có tục lệ từ xa xưa, các cô gái lấy chồng xa và các chàng trai lấy vợ xa đều phải thu xếp về làng ăn tết và dự hội. Hội có phần lễ, rước xách và phần hội: các trò chơi như đấu vật, chọi gà và thi cờ tướng.

 
Chùa Vua là tên gọi chung của chùa Hưng Khánh, điện Thiên đế thờ Đế Thích, đền thờ Trần Hưng Đạo và điện mẫu ở làng Thịnh Yên, tổng Hậu Nghiệm, huyện Thọ Xương, nay chính là phố Thịnh Yên, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Chùa Vua đã được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử văn hóa đã được xem là di tích có ý nghĩa văn hóa độc đáo ở nước ta.
 
Vào thời Lê (1428 – 1527), khu vực chùa Vua là làng Thịnh Yên vốn là cung Thừa tướng. Nơi đây có chùa Hưng Khánh thờ Phật, có hồ bán nguyệt nước trong mát, cây thụ xanh tươi, râm mát. Làng Thịnh Yên vốn có truyền thống chơi cờ Tướng lâu đời. Đất này thờ vua Đế Thích nên môn cờ tướng được coi trọng đặc biệt. Một vị hoàng tử nhà Lê dựng điện thờ Đế Thích cạnh chùa và dùng chùa làm trung tâm đấu cờ tướng của Thăng Long. Từ đó đến nay chùa trở thành đấu trường cờ tướng danh tiếng bậc nhất Thăng Long. Chùa là một di tích trong Thăng Long tứ quán, còn có thể coi nó là một cờ miếu của Thăng Long bởi đây là nơi diễn ra các cuộc đấu cờ tướng đỉnh cao suốt mấy trăm năm nay.
 
Hội cờ làng Thịnh Yên thu hút nhiều danh kỳ và bà con hâm mộ cờ Tướng về dự hội cờ. Trong số đó có ông hoàng thời Lê là người giỏi cờ, đã đứng ra vận động nhân dân góp công góp của xây dựng một đền thờ Vua cờ Đế Thích ngay cạnh chùa Hưng Khánh – chùa Vua hiện nay.
 
Chùa thực ra bao gồm chùa Hưng Khánh thờ Phật và điện Thiên Đế (tức Đế Thích quán xưa) thờ Vua cờ Đế Thích. Chùa Vua là một quần thể kiến trúc trang nghiêm, đẹp đẽ và cầu kỳ. Cái độc đáo của quần thể kiến trúc là có chùa và đình, đền thờ Đế Thích. Ngay sau đấy là đền thờ Mẫu, một trong tứ bất tử và thân phụ đức Trần hưng Đạo. Nghĩa là Phật, Lão, Nho đồng lưu. Từ đời Lê, quần thể kiến trúc này gọi là điện Thừa Lương – nơi vua, các hoàng tử, đại thần, hoàng thân nghỉ lại để chuẩn bị tế Nam Giao. Đàn Nam Giao trước đây ở vào khu vực nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo. Xung quanh có Đình Ngang (nay thuộc phố Trần Cao Vân), chùa Bạch Liên (Liên Phái) là trường đại học Phật giáo đời Lý. Trước khi đến điện Thừa Lương các quan và tuỳ tùng gia nhân phải nộp hết binh khí. Những khí giới như đao, mác phải chất đống lại nên có tên là Đống Mác (ô Đống Mác ngày nay). Các quan tham dự lễ Nam Giao họp nhau lại thay quần áo, mặc lễ phục, đội mũ đeo đai và tập những bước đi và các điệu múa ở Hội Vũ. Khi lễ Nam Giao, vàng mã và các đồ vật bằng giấy được đem đốt ở Hoá Mã khu (nay là phố Hoà Mã).
 
Vào năm 1940, có một vị sư trụ trì chùa Vua tên là sư Điều, ông là Hoàng Đình Điều. Ông giỏi võ, ít nói và nổi tiếng nhân đức. Người ta tận mắt trông thấy ông nhảy qua tường và nhảy lên cả nóc chùa nhẹ như không mà chẳng làm vỡ một viên ngói. Ông dạy võ thuật cho một số người địa phương như các ông: Trụ, Bảng, Khoan, Tiểu Lăng… Các đệ tử của ông lại lập ra các lò luyện võ. Ông Điều là con đẻ của Hoàng Đình Kinh tức Cai Kinh đã khởi nghĩa chống Pháp, là cha nuôi đã có công nuôi dạy Trương Văn Thám. Cho đến khi ông Thám lên đến chức đề thì đổi họ theo họ cha nuôi thành Hoàng Hoa Thám. Nhà sư Hoàng Đình Điều là em nuôi ông Thám, cũng là một võ tướng của ông Thám từ lúc ông Thám khởi sự cho đến khi thất bại. Đến khi ông Thám bị hại thì ông Điều trốn về Hà Nội rồi trụ trì tại chùa Vua.
 
Tại chùa Vua, chính nơi đây, đồng chí Nguyễn Phong Sắc, Xứ uỷ Bắc kỳ đã sử dụng các vòm sau bệ tượng Đế Thích làm nơi đi về, hoạt động và ẩn náu. Hồi 6 giờ chiều ngày 10/4/1956, đồng chí Trần Danh Tuyên đưa Bác Hồ đến thăm chùa. Bác xem lại mấy hố vòm sau tượng rồi đi ra phía trước. Bác ốp chiếc mũ lên ngực rồi cúi đầu. Qua một chút yên lặng, bác bảo bà Lê Thị Hiển là người trông chùa rằng: “Bà trông giúp chùa cho cẩn thận, đừng để mất mát gì.”. Ngày 1 tháng 10 năm 2004, chùa được gắn biển di tích cách mạng kháng chiến vì chùa là nơi hoạt động bí mật của nhà cách mạng Nguyễn Phong Sắc, Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ.
 
Theo huyền thoại kể rằng, vua Đế Thích là nhân vật thứ hai sau Ngọc Hoàng. Ở Ấn Độ và Trung Quốc cũng thờ Đế Thích với cương vị như vậy. Theo huyền thoại của ta, vua Đế Thích còn có cả kiếp sau là Nguyễn Minh Không rồi thánh Trấn Võ. Đế Thích lại còn là vua cờ tướng. Nên từ xa xưa, đất chùa Vua đã có những lò cờ tướng hay nhất nước. Các danh kỳ mọi nơi đều phải kéo về chùa Vua để thi đấu và học tập.
 
Hiện nay, chùa Vua còn giữ được 14 pho tượng đẹp bằng gỗ hoàng đàn. Nổi bật nhất là pho tượng Đế Thích, cao khoảng 1,6 mét, một bức cửu long chạm trổ tinh vi, hai đỉnh đồng thời Nguyễn, một quả chuông nhỏ thời Cảnh Thịnh, hai quả chuông to thời Lê, hai choé lớn cao chừng 1,6 mét thời Lê. Một số vật này tạm phải cất giấu trong kho.
 
Khu vực chùa Vua, từ mái đình cổ kính đến những cây nhãn, ổi, cổ thụ, bức tượng, đôi choé, bia ký đến quả chuông… đều toả ra những lời vân vi khôn nguôi với hiện tại và tương lai.
 
Khắc Minh

Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)