• Adv01
  • Adv01
  • Adv03
  • Adv04
  • Adv02
  • Adv01
  • Adv02

Đình Thanh Lũng

Saturday, 11/09/2010, 07:39:54 AM

Tên thường gọi là đình Thanh Lũng, thuộc xã Tiền Phong, huyện Ba Vì.

Đình Thanh Lũng. Ảnh tư liệu
Đình Thanh Lũng. Ảnh tư liệu
Quy mô hiện nay của đình gồm Nghi môn, Tả hữu mạc, Đại đình. Nghi môn và Tả mạc là những công trình kiến trúc mới được khôi phục lại gần đây. Tả mạc là dãy nhà 3 gian, có kiến trúc tường hồi bít đốc đơn giản, khung nhà gỗ bào trơn đóng bén. Nghi môn làm theo kiểu cột trụ biểu cùng tường bao quanh di tích.

Đại đình xây dựng kiểu chữ “nhất” (-) với quy mô đồ sộ trên một nền rộng 24x13m.  Đình gồm 3 gian 2 trái, với 4 lá mái to chảy rộng. Những dấu tích hiện còn cho biết, đình Thanh Lũng có quy mô ra đời sớm, thời Lê Trung Hưng. Những trụ đấu đỡ hai vì kèo ở phía trái và các con kìm, đầu dư chạm đầu rồng có niên đại tạo tác sớm. Hai vì bên phải làm kiểu “thượng giá chiêng rường cụt, hạ kẻ bẩy hiên”. Hai bộ vì bên trái lại được làm “thượng kèo cánh ác, hạ kẻ bẩy hiên” trên mặt bằng 6 hàng chân cột. Từ 4 góc mái có 4 kẻ suốt từ thượng lương tới cột góc. Lòng nhà Đại đình để trống thoáng. Toàn bộ hệ thống sàn gỗ lan can, cửa bức bàn, các khối tượng tròn trên các đầu dư đình đã bị giặc Pháp phá huỷ trong những năm kháng chiến.

Các mảng chạm khắc trang trí trên những lớp kiến trúc của đình khá phong phú, với kỹ thuật chạm lộng, chạm bong kênh và chạm nổi theo các đề tài: độc long, lân hổ hoặc các đám mây cụm cách điệu, các hoa lá, đao mác. Phần lớn những mảng chạm trên cốn, rường, thân kẻ, bẩy… mang những đặc trưng của phong cách nghệ thuật ở thế kỷ XVII. Một số mảng chạm khác có niên đại tạo tác ở thời Nguyễn và gần đây.

Đình Thanh Lũng, cũng như nhiều ngôi đình khác ở quanh chân núi Ba Vì, thờ Tản Viên sơn thánh, đệ nhất phúc thần trong tâm thức văn hoá dân gian Việt Nam. Tản viên là biểu tượng cho sức mạnh và truyền thống đấu tranh anh dũng, bền bỉ trong quá trình chinh phục thiên nhiên và bảo vệ chủ quyền dân tộc. Được ra đời do khí thiêng sông núi, qua hai chiến công chống thuỷ tai và giặc phương Bắc xâm lược, thần Tản Viên đã đi vào thế giới huyền thoại để trở thành anh hùng văn hoá, mở đầu sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Theo Di tích Hà Tây, Sở Văn hóa thông tin Hà Tây, 1999