Nghiên cứu Hán Nôm >> Tác giả >> T >> Lưu Đình Tăng
Lưu Đình Tăng
37. Bia chùa Hồng Phúc (TBHNH 1996)

Cập nhật lúc 21h45, ngày 17/12/2007

BIA CHÙA HỒNG PHÚC

LƯU ĐÌNH TĂNG

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Chùa Hồng Phúc là một danh lam nổi tiếng Kinh thành Thăng Long, xưa kia được xây dựng trên đất phố Hòe Nhai nên dân gọi là chùa Hòe Nhai (hoặc Hòe Giai), nay cửa chùa trông ra phố Hàng Than quận Ba Đình Hà Nội. Tương truyền chùa được xây dựng từ rất sớm, nhiều bậc Cao tăng đã trụ trì ở đây. Về sau có vị tổ đời thứ hai của phái Tào Động đến trụ trì ở đây, khiến cho cảnh chùa càng thêm trang nghiêm hưng thịnh. Trải mấy đời truyền tăng kế nối, chốn tổ Hồng Phúc trở thành một danh lam bậc nhất ở Kinh Kỳ. Nơi đây còn là trung tâm in ấn kinh Phật thời bấy giờ. Hiện nay trong chùa còn giữ được mấy chục bộ ván kinh. Đến tháng 6 năm Bính Ngọ (1786), các thế lực họ Trịnh, họ Lê tranh giành quyền bính, kinh đô Thăng Long bị binh hỏa thiêu cháy, và chùa Hồng Phúc cũng không tránh khỏi tai họa. Tấm bia ghi việc trùng tu chùa năm Gia Long thứ 10 (1811) đã ghi rõ việc đó, và cho thấy cảnh chùa cổ kính thời xưa đến lúc đó chỉ còn đống tro tàn, may nhờ có nhà sư Khoan Nhân đứng ra lo liệu tu sửa lại, nên cảnh chùa mới được khôi phục. Ngày nay phố xá mọc lên, cảnh chùa đã hoàn toàn đổi khác, song quy mô của chùa cách đây gần 200 năm đã được đệ tử của nhà sư Khoan Nhân là Tì Khưu Giác Lâm ghi lại trong bia đá. Tấm bia ghi việc xây dựng chùa Hồng Phúc hiện nay vẫn còn. Để giúp các bạn nhìn lại chốn danh lam đệ nhất của kinh kỳ thời xưa, chúng tôi xin giới thiệu toàn bộ bài văn bia đó.

SÙNG TU HỒNG PHÚC TỰ BI

Lê triều kinh đô Hòe Giai chi Hồng Phúc tự, thị tự dã, chẩm Nhị Hà nhi khâm Trúc Bạch, tiền Quan Thánh nhi tả Huyền Thiên. Tam Đảo lai tông, vạn lí sơn xuyên chung tú khí; nhất hồ Tịnh độ, ức niên cảnh trí lệ phong quang. Việt tự ngao phân, dĩ hữu sư tọa. Quốc kỳ dân đảo, nẫm hữu linh yên. Cái vị tinh sương lịch duyệt, phong vũ hám chàng. Tuy trang nghiêm tủng khởi ư nhân công; nhiên thành hoại nan du ư lí số. Tứ hoàn đống vũ, truyền kiếm khuynh đồi. Đương thử Viên Giao Tào Động đệ nhị Tổ sư phụng luân âm ba hạ trinh thoa, chẩn diệu lực trùng tu cam mã. Nhất thời doanh lí, tứ cố hoán luân. Thụ thụ chi gian, di lịch tứ thế tổ hĩ. Đái chi thời đinh Bính Ngọ, nguyệt thích Ất Mùi. Thiên hạ chi Bắc đẩu vân lung, nhân gian chi trung nguyên trọc loạn. Hồng Phúc nhất thiên vi chi tảo địa tận hĩ. Truật kỳ quang phục, cái tâm ư đại lực yên. Thời hữu kế đăng Tôn giả pháp hiệu Khoan Nhân, niệm Tổ sư phiệt duyệt trụ trì, khởi cam tâm tọa quan dẫn diệt. Do thị phát kim cương tâm, triển bát nhã trí. Hóa thốn tâm ư bát biểu, hội vạn thiện vu nhất đường. Phương huynh chi lai, kỳ tân hễ ngõa mộc chi mãi kỳ tể tể hề; Kinh chi, doanh chi, tốt tuết thành chi. Như điểu chi cách, như thúy chi phi, hoán khởi nhất thiên, thị tiền độ tương mâu yên nhĩ. Dục tuyền cửu viễn, mệnh bút nhi minh chi vân, ủy phó đệ tử tự Giác Lâm.

Minh viết:

Kinh đô biên cương,

Hồng Phúc thượng phương,

Tiền khâm Trúc Bạch,

Hậu chẩm Nhị Giang,

Sơn xuyên vạn lí,

Chung dục nhất đường.

Việt tòng tạo thiết,

Dĩ lịch tinh sương.

Quốc kỳ dân đảo,

Lũ kiến trạc dương.

Lâu nhi phục đột,

Ám nhi phục quang.

Nhất hồ cam vũ,

Ức tải đạo tràng.

Liên đăng tục diệm,

Địa cửu thiên trường.

Hoàng triều Gia Long thập niên nhất nguyệt cốc nhật.

Phụng đặc tứ Đạo nguyên Tăng thống Thanh Lãng Tì khiêu tự Khoan Dục soạn ký.

BÀI KÝ TRÊN BIA SÙNG TU CHÙA HỒNG PHÚC

Chùa Hồng Phúc phố Hòe Nhai ở vùng Kinh đô triều Lê. Chùa coi sông Nhị Hà như chiếc gối, xem hồ Trúc Bạch như cái vạt áo. Phía trước là đền Quan Thánh, bên trái là đền Huyền Thiên, ba phía đến nay vẫn còn lưu dấu vết. Non sông muôn dặm, hun đúc khí thiêng; Tịnh độ một bầu, ngàn năm vẫn đẹp. Xét thấy từ khi trời đất sinh ra đã có chùa này. Nước cầu dân đảo đều thấy kinh thiêng. Có lẽ cũng là vì trải qua sương nắng, gió mưa vùi dập. Tuy công sức của con người có làm nên trang nghiêm, nhưng xét về lí số việc thành bại khó mà tránh khỏi. Do vậy mà cảnh chùa khắp bốn xung quanh đều đổ nát. Bây giờ có vị Tổ sư đời thứ hai của phái Tào Động vâng theo chỉ dụ vua ban giúp cho tiền của để tu sửa lại chùa. Một phen ra tay tu tạo, bốn bề liền thấy phong quang. Kế đăng truyền nối đã qua bốn đời tổ rồi. Bấy giờ vào tháng Ất Mùi (tháng 6) năm Bính Ngọ (1786) sao Bắc đẩu ở trên trời bị mây mù bao phủ, đất Trung nguyên ở dưới nhân gian loạn lạc. Cảnh chùa Hồng Phúc vì thế mà bị thiêu hủy sạch không. Những muốn khôi phục lại công quả cũ ắt phải đợi đến người có công đức lớn. Bấy giờ có vị Kế đăng Tôn giả pháp hiệu Khoan Nhân nhớ đến công lao của Tổ sư khai sáng trụ trì, há lại cam tâm chịu ngồi nhìn cảnh chùa hoang phế, do vậy bèn mở lòng kim cương, khai trí bát nhã. Đem tấc thành xây tòa bát biểu; dùng muôn thiện dựng cảnh thiền đường. Tiền tài cung tiến mỗi lúc một nhiều, ngói gỗ mua về ngổn ngang chất chứa. Đem ra xây dựng, cuối năm hoàn hành. Như chim cất cánh như diều bay cao, làm đổi thay thành một khoảng trời mới lạ, so với xưa thì khác xa nhiều lắm. Nay muốn truyền lại lâu dài, liền sai viết bài minh, giao cho đệ tử Giác Lâm.

Bài minh:

Kinh đô biên cương,

Có chùa Hồng Phúc,

Trước hồ Trúc Bạch,

Sau dòng Nhị giang,

Non sông muôn dặm,

Tạo cảnh thiền đường.

Từ ngày xây dựng,

Trải mấy nắng sương,

Quốc cầu dân đảo,

Thấy rất linh thiêng.

Tàn rồi lại mọc

Ám rồi lại quang,

Một miền đất Phật,

Muôn thuở đạo tràng,

Kế đăng truyền nối,

Thiên địa cửu trường.

Ngày tốt tháng 11 năm Gia Long thứ 10 (1811) Đặc tứ Đạo nguyên Tăng thống Thanh Lãng Tì khiêu tự là Khoan Dực soạn.

Thông báo Hán Nôm học 1996 ( tr. 362-366)

In
Lượt truy cập: