Theo tài liệu điền giã dân gian, gia phả họ Nguyễn và các nguồn sử liệu, các sách: “văn hoá làng Nguyễn” của Nguyễn Huy Hồng và sách “nữ thần và thánh mẫu Thái Bình” của Phạm Minh Đức và Bùi Duy Lan…đều nhắc đến nhân vật Nguyễn Thị Tần ( thường gọi là bà cụ Đại), thời Lê - là thuỷ tổ của nghề làm bánh cáy.
Nguyễn Thị Tần sinh ngày 13/1/1725 trong một gia đình quyền quý, quê làng Nguyễn. Cha là Nguyễn Đoan Tước, thi đỗ đầu tam trường, làm quan trong triều, hàm quân công tước phúc đình hầu. Từ nhỏ bà đã nết na, hiền thục, khéo tay hay làm, được dân làng yêu quý. Năm 16 tuổi, bà theo cha vào kinh, vua Lê Hiển Tông thấy bà đàn ngọt, hát hay, công dung ngôn hạnh đều giỏi, liền cho vào cung dạy bảo cho công chúa và các phi tần, làm nhũ mẫu thái tử Lê Duy Vỹ, chế biến các đồ ngự dâng vua…
Do sự hiềm khích giữa Trịnh Sâm và Thái tử, tháng 3 năm kỷ sửu (1769), Trịnh Sâm vu oan cho Thái Tử và bắt Duy Vỹ hạ ngục. Trong thời gian ở ngục, chỉ có nhũ mẫu Nguyễn Thị Tần được ra vào hầu hạ. Thấy cơm trong ngục Duy Vỹ không thể ăn được, bà đã dùng cách làm chè lam ở quê hương cộng thêm hương liệu, gia vị đồ ngự của vua để làm ra thứ bánh đem vào cho thái tử (tiền thân của bánh cáy), thái tử ăn khen ngon. Chuyện bại lộ, bà bị tống ngục. Năm 1782 Trịnh Cán đổ, Trịnh Tông lên thay, bà mới thoát tội. Khi Lê Duy Kỳ, con trai Thái tử Duy Vỹ lên vua. Nhớ công ơn xưa phong cho bà làm “kiệt tiết công thần, bảo mẫu đại vương”. Sau đó bà về quê, đem kỹ thuật chế biến chả phượng, nem công, cách làm bánh cáy (như dân thường gọi) truyền dạy cho dân, phát triển thành món đặc sản. Sau khi bà mất, nhiều làng thờ bà là thành hoàng làng và hiện ở làng Nguyễn có từ đường và phần mộ để nhân dân địa phương vầ khách thập phương đến thắp hương tế lễ.