Độc đáo tượng thú đá ở Ngải Sơn lăng
Ngải Sơn lăng (còn có tên gọi An lăng) ở thôn Trại Lốc 2, xã An Sinh (huyện Đông Triều), là lăng vua Trần Hiến Tông (1319-1341), vị vua thứ 6 của nhà Trần. Ông là con thứ tư của vua Trần Minh Tông với bà Minh Từ Hoàng thái phi Lê Thị, làm vua từ năm 10 tuổi, ở ngôi 13 năm và mất ngày 11-6-1341, táng ở An lăng.
Theo sách Đại Nam nhất thống chí ghi: “Lăng Trần Hiến Tông ở dưới núi xã Yên Sinh, người đá và voi đá, ngựa đá, hổ đá, dê đá, trâu đá nay vẫn còn. Gồm công trình lăng tẩm và miếu thờ, được xây dựng năm 1381, nơi an táng vua Trần Hiến Tông, sau khi được chuyển từ Kiến Xương, Thái Bình về đây năm 1381”. Còn theo sách Đại Việt sử ký toàn thư: “Năm 1341, mùa Hạ, tháng 6, ngày 11, vua băng ở chính tẩm, tạm quàn ở cung Kiến Xương, miếu hiệu là Hiến Tông... Năm 1344, mùa Thu, tháng 8, ngày 15, an táng Hiến Tông vào An lăng ở Kiến Xương. Năm 1381, tháng 6, rước Thần tượng các lăng ở Quắc Hương, Thái Đường, Long Hưng, Kiến Xương đưa về lăng lớn Yên Sinh để tránh nạn người Chiêm Thành vào cướp”.
Khách tham quan tượng ngựa đá ở Ngải Sơn lăng. |
Tại Ngải Sơn lăng, bên cạnh 2 tượng quan hầu được tạo tác bằng chất liệu đá xanh trong thế đứng chầu, hai tay chắp trước ngực, còn có tượng các loại thú cùng chất liệu đá xanh, đều được tạc ở dạng phủ phục. Bộ tượng đá ở đây không chỉ được đánh giá là một bộ sưu tập quý của nghệ thuật điêu khắc thời Trần, mà còn là những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc có giá trị mẫu mực trong điêu khắc truyền thống. Điều quan trọng nữa là, qua bộ tượng này, các nhà nghiên cứu khảo cổ xác định được trong cấu trúc Thần đạo lăng tẩm thời Trần bởi hai bên có tượng quan hầu đá và tượng thú đá đứng chầu.
Nghệ thuật điêu khắc của thời Trần thế kỷ XIII-XIV ở Ngải Sơn lăng được thể hiện ở hàng thú đá cùng với 2 rùa đá đỡ bia. Rùa đá, một con to còn tương đối nguyên vẹn, có kích thước lớn, dài 1,57m, rộng 0,94m, dày 0,34m, trên lưng rùa còn có một hộc để đỡ chân bia và một con nhỏ hơn dài 0,64m, rộng 0,6m, dày 0,2m không còn nguyên vẹn, đầu mất, thân gãy đôi, trên lưng cũng có hộc đỡ chân bia. Các con vật và bệ đều là một khối đá xanh liền. Tất cả các di vật cổ bằng đá tại Ngải Sơn lăng gồm tượng chó đá, ngựa đá, voi đá, trâu đá… không còn nguyên vẹn, song đều là những tác phẩm nghệ thuật tài hoa của các nghệ nhân xưa với những nét rất đặc trưng thời Trần còn tồn tại khá ít trên cả nước. Các con thú đều được chạm bằng khối đá nguyên, thể hiện trong tư thế nằm, mình to, dáng khoẻ. Các nghệ nhân xưa tạc thú đá hoàn toàn sử dụng các khối dày, căng, nhằm mô tả thần thái con vật và ít sa vào chi tiết tỉ mỉ. Đây là cơ sở để các nhà nghiên cứu khảo cổ có căn cứ đánh giá những giá trị lịch sử, văn hoá và điêu khắc của thời Trần.
Để bảo tồn và phát huy giá trị của di tích Ngải Sơn lăng và phục vụ cho xu hướng phát triển du lịch văn hoá, tâm linh tại Khu di tích lịch sử nhà Trần ở Đông Triều, Ban Quản lý các di tích trọng điểm tỉnh đã phục chế các di vật tượng đá để trưng bày tại lăng vua Trần Hiến Tông. Cổ vật được trưng bày trong khu vườn vải thiều cạnh lăng, được xây bệ đặt lên và có chú thích. Bên cạnh đó, còn trưng bày những viên gạch hình chữ nhật 0,2x0,4m và hình vuông 0,4x0,4m, các mảnh trang trí kiến trúc tháp hình cánh sen có trang trí hoạ tiết cúc dây; đặc biệt là loại gạch hình chữ nhật, có ghi nổi chữ “Vĩnh Ninh Trường” (gạch Vĩnh Ninh) và tấm bia lăng mộ chí ghi “Sắc tạo - Trần triều Hiến Tông Hoàng đế lăng - Minh Mệnh nhị thập nhất niên cửu nhật sơ lục nhật phụng” cao 0,9m, rộng 0,5m, dày 0,2m, bia đã bị gãy mất phần trán.
Trong những chất liệu tạo nên di vật Phật giáo ở nước ta, hai thứ được coi là có linh khí là đá và đồng. Bộ tượng thú đá Ngải Sơn lăng là sức sống bền bỉ của nghệ thuật đá Việt Nam trong Khu di tích lịch sử nhà Trần ở Đông Triều - Di tích quốc gia đặc biệt.
Nguyễn Xuân (CTV)