Ngày xuân, nhân có chuyện voi Tánh Linh về “nhà mới” ở vườn quốc gia Yok Đôn, xin kể cùng các bạn chuyện đấu voi và đấu hổ rất lý thú ngày xưa.
Theo Đại Việt sử ký bản kỷ chép: Khâm Từ Bảo Thánh Hoàng Thái Hậu là vợ Trần Thánh tông thượng hoàng. Thượng hoàng thích xem đấu hổ. Một hôm, ngồi trên vọng lâu, sai quân sĩ tổ chức thả hổ ra đấu với voi. Thái hậu cùng các phi tần ngồi xem cùng thượng hoàng. Cửa chuồng hổ mới mở, hổ bất ngờ nhảy lên vọng lâu. Các quan văn võ đều sợ hãi, bỏ chạy tán loạn, chỉ còn trơ Thượng hoàng và hoàng thái hậu. Thái hậu không biết làm cách nào, vội vàng lấy tấm chiếu lót dưới chân vua bao quanh che cho Thượng hoàng và mình. Hổ trèo lên lầu nhìn chung quanh không thấy ai, gầm thét dữ dội và lao xuống.
Thượng hoàng và thái hậu vô sự. Lại một lần Thượng hoàng Trần Thánh Thông ngồi trên điện Thiên An xem đấu voi. Hôm ấy, con voi hung tợn này chưa gặp được hổ, nhưng đã hăm hở rống lên và xông lên điện, quần thần tả hữu một phen mất vía. May có đội ngự vệ binh cầm giáo chĩa ra che chở nên voi rút lui, thượng hoàng và thái hậu bình an.
Ảnh minh họa (nguồn Internet) |
Đời hậu Lê, trường hổ quyền – đấu hổ - ở kinh đô Thăng Long, trước sân đấu võ. Các quan võ sợ hổ làm dữ có thể nguy hiểm đến tính mệnh mọi người và để bảo vệ loài voi quý có ích cho chiến trận nên cùng bàn với quan phủ liêu ngầm sai người dùng kìm cắt hết móng vuốt của hổ một tuần trước trận đấu. Vì vậy, chỉ đấu độ vài ba hiệp, hổ đã bị voi hạ đo ván ngay.
Đời Nguyễn, xuân thu nhị kỳ hàng năm có tổ chức hổ quyền. Những trận đấu không chỉ để vui xuân mà cốt huấn luyện cho voi tập dượt thêm can đảm khi lâm trận. Vì voi tuy có sức mạnh vô địch nhưng bản tính hiền lành và không hay sinh sự tấn công ai trước.
Ngày đấu, dân chúng kinh thành Huế mở hội, đặt hương án bày đồ bái vọng suốt từ bờ sông Hương đến tận đấu trường. Chung quanh sân hổ quyền cắm cờ ngũ sắc, bày nghi trượng. Một đội lính quân phục đỏ, đội nón sơn xanh, cầm giáo dài, đứng hai bên lối vào đấu trường. Mặt đường trải thảm chiếu hoa.
Giờ ngọ, vua đi thuyền rồng đến. Thuyền áp bờ sông, vua lên kiệu che bốn lọng vàng, tàn tía. Đi đầu là lính ngự lâm, thị vệ gươm tuốt sáng ngời. Quần thần nghênh tiếp, kế đến, đội hòa nhạc cử hành nhạc lễ rồi theo vua lên khán đài. Vua quan đã yên vị. Tiếng loa, tiếng trống thúc liên hồi làm hiệu. Trên đài cao, một viên võ quan mặc phẩm phục đánh ba tiếng trống lệnh, cửa chuồng hổ mở toang, một con hổ vằn loang lổ nhảy vọt ra, ngoảnh nhìn trừng trừng bốn phía rồi gầm lên vang dội. Bên kia, voi ngần ngại chần chừ chưa xông ra. Quân tượng phải lấy búa đánh thúc voi xông trận. Thấy voi, hổ hung hăng sấn lại, tung mình bấu vào cổ voi mà cấu xé.
Voi chạy quanh lựa thế, lấy vòi lôi hổ xuống, định đưa chân dẫm lên mình cọp. Nhưng càng đấu, hổ nhanh nhẹn tránh khỏi. Hai bên hăng máu hăm hở vật lộn nhau mãi. Voi khỏe, hổ nhanh, hai bên không bên nào chịu kém. Đấu gần hai tiếng đồng hồ, có khi kéo dài đến trưa, đợi khi hổ yếu dần, voi lừa thế ép hổ vào tường, đưa vòi quật hổ rồi tung hổ lên cao, đưa ngà đón hổ. Hổ rơi xuống, voi lấy chân đá hổ, rồi cả thân mình voi nặng như núi Ngự Bình dẫm lên đè nát hổ. Dân chúng hò reo hoan hỉ, vì nghĩ voi là con vật có công với nước, đã hạ được hổ thì vỗ tay reo mừng.
Theo Michel Chaigneau trong cuốn Souvenirs de Huế, trước khi đấu bao giờ cũng dũa móng vuốt của hổ hoặc bọc chân hổ trong những túi da dày để tránh nguy hại đến voi và khán giả.
Nhưng nếu một con hổ khỏe mạnh mới bị bắt ở rừng về còn hung hăng thì dẫu có bẻ răng cưa móng vẫn còn nguy hiểm. Chính Michel Chaigneau đã chứng kiến một tai họa xảy ra dưới thời Gia Long. Con hổ hôm ấy to lớn lạ thường. Hình như nó cho mình là chúa sơn lâm, không hề sợ con vật nào! Cửa chuồng vừa mở, nó đã vọt như một mũi tên ra xa, kề sát bên voi, quật ngã ngay quản tượng. Voi như mất phương hướng vì không có người điều khiển, quay đầu chạy đạp lên người quản tượng. Quan quân và dân chúng hoảng kinh kêu rú lên.
Một toán lính chạy ra ngăn cản và khiêng xác viên quản tượng bị đè bẹp ra ngoài. Và con voi thứ hai được đưa ra đấu trường. Lần này, trên lưng voi có mấy binh sĩ cầm khí giới bảo vệ voi và quản tượng. Hổ vờn vài hiệp, thấy thế cố xé rào tìm lối thoát. Ba bốn khán giả bị hổ vồ cấu xé bị thương. Viên võ quan chỉ huy thấy vậy, ra lệnh phóng giáo giết hổ. Các vệ binh kéo xác con hổ bị thương vào giữa đấu trường cho ba bốn con voi lấy vòi tung lên như quả bóng rồi dẫm nát.
Theo Lê Đình Chân trong cuốn “Cuộc đời oanh liệt của Tả quân Lê Văn Duyệt”: Khi Lê Văn Duyệt giữ chức tổng trấn thành Gia Định, một hôm, có sứ thần Xiêm La (Thái Lan bây giờ) ngồi trên vọng đài xem các võ sĩ ta đấu với hổ. Dân chúng thành Gia Định chen chúc nô nức đến xem. Lệnh của Tả quân là chỉ được bắt sống. Nhưng võ sĩ Lê Văn Khôi gặp con hổ dữ đã bị nó chồm lên và tát ngay vào gáy. Khôi né mình đánh một côn sắt vào hổ, hổ ngã lăn giãy giụa một lúc rồi chết. Sứ thần Xiêm La tấm tắc khen ngợi.
Nhưng Tả quân tức giận truyền cho quân sĩ bắt trói chịu tội. Lê Văn Khôi đến trước vọng đài cúi đầu xin tha tội vì đã giết lỡ hổ mà lệnh chỉ bắt sống. Võ sĩ xin đấu lại để chuộc tội, Tả quân đã bớt giận, truyền lính thả hổ khác cho Khôi bắt sống. Cuộc tỉ thí lần này thật hồi hộp, vờn nhau với hổ dữ, Khôi đã dùng miếng võ hiểm đá vào hàm dưới của hổ bất ngờ. Hổ đau quá, nằm lăn ra. Khôi lấy cuộn thừng giắt trong mình trói lại, trước khán đài xin chuộc tội.
Sứ thần không dứt lời khen dũng sĩ đấu với hổ. Tả quân Lê Văn Duyệt ung dung nói: “Bọn quân sĩ dưới trướng tôi đều như thế cả, có gì mà đại nhân phải ngợi ca”.
Đến cuối đời Tự Đức, hổ quyền mới bãi bỏ.
Đoàn Minh Tuấn