Giàu có về sông nước, nổi tiếng với di sản văn hóa trống đồng Hoàng Hạ (11 bảo vật quốc gia được Thủ tướng Chính phủ quyết định vinh danh ngày 1/10/2012), di chỉ khảo cổ Đường Cồ (Khai Thái), khu Mộ cổ Châu Can (8 ngôi mộ thuyền cổ thời Hùng Vương), làng Khoa bảng Phượng Vũ (Phượng Dực), làng cổ Cựu (Vân Từ), bà Ả Lanh liệt nữ của Hai Bà Trưng, Phạm Nguyễn Anh Vũ (con trai của Nguyễn Trãi) ở Thụy Phú…
Đến với Phú Xuyên là đến vùng đất đậm đặc những dấu tích lịch sử như: đình Nam Quất thờ Chu Thịnh tướng của Hùng Vương có công giúp Thánh Gióng đánh giặc Ân; đình Phú Nhiêu thờ Trung Thành phổ tế Đại Vương mệnh danh là thủy thần của người Lạc Việt nơi diễn ra lễ hội “Múa Bài Bông – Hò Cửa Đình”; quần thể di tích Quang lãng thờ Lục vị Đại Vương có công giúp vua Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân... Ẩm thực dân gian có “Rượu Vân Trai, giai Bất Nạo, gạo Đồng Bồ, xôi khô Tạ Xá, cá Đồng Vinh” và cháo hến chợ Giẽ, cá Rô đầm Sét, cá chép Mang Giang, chả nhái làng Trào… đặc biệt nhiều vùng xuất hiện “Kẻ chợ” là những trung tâm mậu dịch thương mai “trên bến, dưới thuyền”, buôn bán, giao dịch, trao đổi hàng hóa cổ xưa như: Kẻ Chảy, kẻ Sổ, kẻ Trê, kẻ Trể, kẻ Mè, kẻ Sộp, kẻ Quán, kẻ Dũi, kẻ Khang, kẻ Dực, kẻ Lựu, kẻ Vác, kẻ Kiều, kẻ Nàng, kẻ Đình, kẻ Nguyễn, kẻ Chuôn, kẻ Leo, kẻ Bặt, kẻ Dìm… Với hệ thống mạng lưới chợ khá phong phú như: Chợ Lịm, chợ Chảy, chợ Phú Minh, chợ Phú Túc, chợ Đồng Vàng, chợ Chuôn, chợ Tre, chợ Giẽ… Có thể nói người Phú Xuyên là hỗn chủng da vàng và da đen ở xung quanh vùng ngã ba Ba Sa với khu đền Mẫu và đức thánh Quảng Bác Đại Vương cách đây trên 2500 năm, là quá trình biển lùi và sự bồi đắp của phù sa sông Hồng từ hàng vạn năm trước trong quá trình kiến tạo vùng Châu thổ Bắc Bộ ngày nay.
Vùng đất trăm nghề nổi trội 39 làng nghề truyền thống: Tò he Xuân La Phượng Dực, sơn khảm Chuyên Mỹ, cỏ tế Phú Túc, may mặc Vân Từ, giày da Phú Yên, thêu ren Đại Đồng, lưới chã Thao Ngoại, mộc cao cấp Văn Nhân, mộc gia dụng Tân Dân, giấy gió Hồng Minh, nón Tri Trung… Văn hóa phi vật thể có: “Lễ hội Chạy Lợn thờ” Duyên Yết (Đề án Bộ VHTTDL công nhận); Hò Cửa Đình Múa Bài Bông Phú Nhiêu (Địa chỉ văn hoá dân gian quốc gia); hát Ca Trù Chanh Thôn (di sản gốc UNESCO khẩn cấp cần được bảo vệ); hát trống quân Đông Đoài; chèo Tri Trung; hội vật cầu, đánh gậy ở Thượng Liễu (Tân Dân) và Thao Chính (thị trấn Phú Xuyên); hội rước nước ở Cát Bi (Thuỵ Phú); những trò diễn lạ “trải Leo, chèo Bối, rối Lường”, “chuông Trào, trống Chảy, mõ Cổ Châu”, “nhất Đọi, nhì Đa, thứ ba chùa Thần”… với những diễn xướng dân gian độc đáo qua “Tục ngữ - ca dao Phú Xuyên xưa và nay”, “Văn hoá dân gian Phú Xuyên” thể hiện rõ những khó khăn “Phú Xuyên đồng trắng nước trong - Thóc gạo thì ít, rêu rong thì nhiều”, nhưng: “Thiêng liêng hai tiếng Phú Xuyên/ Cho ta nguồn cội làm nên tình người”. 101 di tích lịch sử văn hóa đặc sắc kiến trúc nghệ thuật thời “Trần - Lê - Nguyễn, tiêu biểu dạng đình có Giẽ Hạ, Giẽ Thượng, Tri chỉ, Nam Quất, Đa Chất; dạng chùa có Đa Bảo, Giáng, Thần Quy, Sảo Thượng, Cát Bi; dạng đền có Bà Ả Lanh, Thanh Xuyên; dang miếu có Miếu Đông, Nam Quất…
Phú xuyên còn là đất hiếu học như làng khoa bảng Phượng Vũ, làng Ứng Thiên (Phúc Tiến) với câu cao dao “Em là con gái ứng Thiên/ Bán rau mua bút, mua nghiên cho chồng/ Bao giờ chiếm được Bảng rồng/ Bõ công gánh nước vun trồng cho râu”; làng Giẽ hạ (Phú Yên) là “Làng 18 Quận công”; tướng lĩnh có Thượng tướng Phùng Thế Tài, Trung tướng Nguyễn Phúc Thanh, Anh hùng LLVTND Trung tướng Nguyễn Đức Soát, Anh hùng LLVTND lái xe tăng Phạm Văn Cán; Anh hùng LLVTND trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ có 6 xã: Hồng Thái, Quang Lãng, Châu Can, Phú Yên, Đại Xuyên, Quang Trung; Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới xã Châu Can và Nguyễn Đắc Hải. Có 4.029 người con ưu tú đã hy sinh trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, 178 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng. Các nhà văn, nhà thơ xưa có Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Nhược Pháp, Phạm Duy Tốn, nay Phượng Vũ, Lại Hồng Khánh, Kim Quốc Hoa, Đặng Hiển. Danh nhân làng Phượng Vũ (Phượng Dực) có 230 người thi đỗ hương cống và sinh đồ ở các khoa thư toán, y khoa cho đến thi Hương, thi Hội như Bùi Tông Đình, Bùi Tông Tuyên, Dương Trí Trạch đỗ Giải Nguyên, Bùi Lôi Phủ - Bùi Doàn Hiệp - Bùi Chí Vĩnh ở Đào Xá thị trấn Phú Xuyên - Ngô Nho ở Tri Chỉ (Tri Trung) đỗ đồng Tiến sỹ, Phạm Nguyễn Anh Vũ (Cảnh Hiên tiên sinh, người con trai duy nhất của Ức Trai Nguyễn Trãi và Phạm Thị Mẫn) đỗ Tiến sỹ, Trần Tán Bình ở làng Chảy (Do Lễ) đỗ Phó bảng (1895), Nguyễn Ngạn ở An Khoái (Phúc Tiến) đỗ Hoàng giáp (1502), Đào Bảo ở Tân Dân đỗ Tiến sỹ (1463), Vũ Duy Vĩ ở Nghĩa Lập (Châu Can) đỗ Phó bảng (1869), Nguyễn Tựu (Phượng Dực) đỗ ông Nghè (1541)…
Hiện nay có 122/158 làng đạt danh hiệu Làng văn hóa, 48.230 hộ gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa; 18 xã đăng ký xây dựng Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; 10/28 xã, thị trấn in và thực hiện Quy ước xây dựng nông thôn mới… huyện có 15 Câu lạc bộ gia đình văn hóa được thành lập (Câu lạc bộ Gia đình văn hóa thôn Cổ Trai là Câu lạc bộ Gia đình văn hóa vùng nông thôn chỉ đạo điểm đầu tiên của Hà Tây năm 1996 nhận được tiền hỗ trợ tài chính của Bộ Văn hóa -Thông tin; cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hóa trong các cơ quan, doanh nghiệp đã có 133 đơn vị đạt chuẩn văn hóa.
Năm 1996 được vinh danh huyện Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, năm 2001 được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất. Năm 2012 chỉ đạo đưa cơ giới hóa vào sản xuất thí điểm ở 9 xã với diện tích 77,5 ha; đến vụ xuân 2014, hầu hết các xã, HTX trong huyện đã đưa cơ giới hóa gieo mạ khay, cấy lúa bằng máy vào sản xuất với diện tích trên 1000 ha, năng suất lúa đạt 133 tạ/ha, tổng sản lượng lương thực 117.000 tấn, trên 4000 trâu bò, 65.000 con lợn, 830.000 con gia thủy cầm, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 750 tỷ đồng, có 17 xã xây dựng mô hình nông thôn mới, tỷ trọng (công nghiệp-TTCN-XD) 40% nông nghiệp 26%, thương mại dịch vụ 34%; có 215 dự án với trên 310 tỷ đồng; công tác giáo dực không ngừng mở rộng nâng cao chất lượng; hệ thống chính trị được củng cố, tăng cường, giữ vững ổn định, an ninh trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; liên tục hàng năm được nhận cờ Thi đua của Thủ tướng Chính phủ và chủ động giữ vững huyện Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới. Xứng danh là điểm sáng đô thị công nghiệp vệ tinh - một địa chỉ văn hoá của Thủ đô Hà Nội.
Phùng Quang Trung