Ðình làng Quảng Bá
Đình làng Quảng Bá, còn gọi là Quảng Bố – một trong những phường cổ của Thăng Long, thờ Phùng Hưng, anh hùng khởi nghĩa từ đất Đường Lâm (Sơn Tây) đem quân về vây hãm Tống Bình. Ông có đóng quân ở đây, nên sau khi lên làm vua được 7 năm thì mất, dân làng tôn làm thành hoàng. Đình có bia đá tạc năm 1841 ghi lại sự tích vua Phùng Hưng vào thế kỷ 8, nhân dân quen gọi là bia Bố Cái.
Ðình Quảng Bá được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH,TT&DL) công nhận Di tích lịch sử và văn hóa cấp Quốc gia năm 1994. Hằng năm, lễ hội ở Quảng Bá được tổ chức vào trung tuần tháng hai và tháng tám âm lịch.
Ðình làng Quảng Bá - Ảnh: panoramio
Vùng Quảng Bá xinh đẹp soi bóng xuống Hồ Tây, níu chân du khách, từ thế kỷ thứ 8 đã từng là địa điểm tập kết của nghĩa quân Phùng Hưng để tấn công vào thành Ðại La, tiêu diệt quan quân đô hộ nhà Ðường. Nơi đây vẫn còn lưu giữ một số địa danh cổ như: Gò Lá Cờ là nơi cắm cờ của các tướng chỉ huy; bến Trùm là nơi nghĩa quân xuống tắm sau những giờ luyện tập; hồ Thủy sứ là nơi neo đậu thuyền chiến.
Tả diện đình - Ảnh: panoramio
Ghi nhớ công lao của Phùng Hưng, dân làng dựng đình, tôn ông làm Thành Hoàng làng. Ban đầu, đình được xây dựng trên gò con xà, gần chùa Quảng Bá; đến thời Lê, đình được chuyển về địa điểm hiện nay. Năm 1936, đình được trùng tu và kiến trúc theo kiểu chữ Nhị (ngoài đại bái, trong cung), hai đầu hồi theo kiểu dốc mái chảy. Năm 1999-2000, nhân dịp kỷ niệm 990 năm Thăng Long, đình được đại trùng tu.
- Ảnh: panoramio
Trong số các hiện vật còn lưu giữ được, đáng kể nhất là 16 đạo sắc phong của các đời vua, các bức hoành phi và ba đôi câu đối, ca ngợi Phùng Hưng và các tướng sĩ:
Chính điện - Ảnh: panoramio
Xem thêm: Các khách sạn giá ưu đãi tại Hà Nội
Long chủng triệu Nam Bang, bào noãn tinh anh, quy tthủy hậu linh phân trị hóa
Hổ quan kinh Bắc khấu, lê nguyên ái đối, phối thiên huy hiệu hợp sinh hô
Dịch nghĩa:
Giống Rồng khởi dựng nước Nam, bọc trứng sinh các bậc anh tài, tỏa ra các vùng sông nước, tỏ rõ sự linh thiêng, cùng nhau mở mang đất nước
Mũ hổ làm giặc Bắc phải kinh hoàng, dân chúng vô cùng mến phục, công lao to lớn sánh với đất trời, thật xứng với tên gọi rạng rỡ muôn đời.
Nêu gương tiên liệt, vua Trần Nhân Tông phong Phùng Hưng là Phù hựu Ðại Vương, sau đó gia tặng ông là Trương Tín Ðại Vương. Vua Trần Anh Tông gia tặng ông là Sùng nghĩa Ðại Vương.
Tưởng nhớ Hồ Chí Minh - Ảnh: panoramio
Xem thêm: Các tour du lịch Hà Nội
Nhưng giá trị nhất, đặc sắc nhất trong số hiện vật cổ là tấm bia đá. Số phận của tấm bia này cũng lận đận như một số tấm bia cổ khác của ngoại thành bị lưu lạc ở bờ ruộng hoặc bờ ao những năm 1960-1980 của thế kỷ trước.
Nhân một chuyến lên Quảng Bá, nhà sử học Trần Bá Chí đã phát hiện ra tấm bia cổ ở bờ ao gần đình. Trong số các làng thờ Phùng Hưng làm Thành Hoàng (Ðường Lâm-Hà Tây; Kim Mã, Triều Khúc-Hà Nội), Quảng Bá là nơi duy nhất lập thần phả ghi lại gốc tích dòng họ và cuộc khởi nghĩa của Phùng Hưng còn lưu giữ được bản thần phả. Nhờ có bản thần phả khắc trên bia đá được dịch từ những năm 80 của thế kỷ trước mà mọi người mới biết rõ họ tộc, ông cha Phùng Hưng đều là hào trưởng yêu nước trên quê hương Ðường Lâm; cuộc khởi nghĩa của ba anh em Phùng Hưng từ đó tấn công về thành Ðại La chống quân xâm lược nhà Ðường.
Ðó là giá trị độc nhất vô nhị của bản thần phả ở đình Quảng Bá. Cùng theo bản dịch mà chúng ta biết được bản thần phả vốn được chép trên giấy dó niên hiệu Chính Hòa thứ 2 (1678). Năm Gia Long thứ 9 (1811), thần phả được các sinh đồ sao chép lại để lưu sự tích khởi nghĩa Phùng Hưng.
Năm Thiệu Trị thứ nhất (1841), thần phả mới được khắc trên bia đá. Các cụ cao niên trong Ban quản lý đình cho biết, tấm bia quý giá này đã được Bộ Văn hóa - Thông tin lưu giữ. Còn tấm bia mạ chữ vàng hiện nay để trong đình là do dân công đức dựng năm 2003, sao chép nguyên bản tấm bia cũ.
Quảng Bá đã vinh dự đón Bác về thăm. Người căn dặn cán bộ và nhân dân phát triển kinh tế văn hóa, làm cho Quảng Bá ngày càng giàu đẹp. Ðể ghi nhớ lời dạy của Người, giáo dục cho các thế hệ con cháu, Quảng Bá đã dựng tấm bia đá khắc chữ vàng trang trọng ở trước đình.
Hằng năm, lễ hội ở Quảng Bá được tổ chức vào trung tuần tháng hai và tháng tám âm lịch. Theo truyền thống kết huynh đệ từ xa xưa, nhân dân Kim Mã (thuộc quận Ba Ðình), nơi còn giữ được lăng mộ Phùng Hưng cử một đoàn lên đình Quảng Bá tế lễ và tham gia lễ hội. Sau nghi lễ tế trang trọng là các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc diễn ra vui tươi và náo nhiệt.
Mytour.vn - Nguồn: tổng hợp