Truy tìm mộ “bá hộ Tam Xường”

by nguyenhoangthuyan

Tương truyền rằng thời Pháp thuộc, đất Sài Gòn nổi danh 4 vị “tứ đại phú” bao gồm “Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Định”. Trong dân gian vẫn còn lưu truyền nhiều giai thoại về sự giàu có của 4 vị đại phú này. Năm 2010, báo Thanh Niên đã cho đăng một loạt bài nhiều kỳ với những chi tiết cụ thể được tiết lộ về thân thế của cả 4 người. Tuy nhiên, hình ảnh và thông tin về bá hộ Tam Xường không nhiều, ngoài dòng địa chỉ “khu phố 1 Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, TpHCM”, gần khu di tích Phú Thọ Hòa.

Hỏi Google: tìm mộ nơi đâu?

Với từ khóa “mộ bá hộ Tam Xường”, Google cho tôi tổng cộng 12,500,000 kết quả. Ngay trang 1, chỉ có 2 bài viết đăng trên báo Thanh Niên cung cấp thông tin đúng nhất, còn lại các kết quả chủ yếu xoay quanh những giai thoại về sự nghiệp và gia sản của cụ bá hộ Xường. Theo đó, báo Thanh Niên ngày 16/9/2010 viết “Ông Lý Thanh Liêm (hậu duệ đời thứ 5 của ông Lý Tường Quang – tức Bá hộ Xường, một trong bốn người giàu nhất Sài Gòn xưa) cho biết: mộ phần ông Lý Tường Quang và phu nhân tên Nguyễn Thị Lâu hiện vẫn được dòng họ, con cháu chăm sóc, thờ cúng chu đáo tại số 79/30 Phú Thọ Hòa (Q.Tân Phú, TP.HCM)”. Trong khi đó, trên trang “Người đưa tin” với bài đăng nhằm ngày 27/12/2012 lại cung cấp thông tin “Trước năm 1975, mộ của ông vẫn còn ở Gò Vấp, nhưng nay không tìm ra dấu tích. Chúng tôi tìm đến nơi, thấy dấu tích còn lại là khu nhà mồ cổ khá kiên cố do tôn tử tương tề đồng tâm xây dựng vào tháng 12/1896, hiện ở gần di tích địa đạo Phú Thọ Hòa, Tân Bình, TP.HCM hiện nay”.

Trong khi đó, trên website chính thức của quận Tân Phú, một bài giới thiệu khá chi tiết trích từ “Lý Lịch di tích kiến trúc nghệ thuật Mộ cổ Ông Lý Tường Quang và Bà Nguyễn Thị Lâu của Sở Văn Hóa, Thể thao và Du lịch TP.HCM” cũng cung cấp những thông tin quan trọng về tình trạng của di tích khu mộ bá hộ Xường.

Tuy nhiên, khi chọn phép tìm kiếm hình ảnh thì hoàn toàn không có một hình ảnh nào tương ứng với những bài viết đã mô tả về khu mộ. 

Hành trình truy tìm mộ

Tôi xuất phát bắt đầu từ trục đường Hai Bà Trưng – Nguyễn Thi Minh Khai để ra thẳng Cách Mạng Tháng 8 và cứ thế nhắm hướng Ngã tư Bảy Hiền đi thẳng. Đến Ngã tư Bảy Hiền, quẹo trái Lý Thường Kiệt nối dài với Lạc Long Quân. Đây luon là điểm nút giao thông với lượng lớn phương tiện giao thông. Dọc theo tuyến đường Lạc Long Quân này, phía bên tay phải luôn có bảng chỉ dẫn hướng dẫn quẹo vào những con hẻm nhỏ nhằm dẫn ra tuyến đường lớn hơn “Hồng Lạc”. Xe máy di chuyển đan vào nhau như mắc cửi trong 1 khu vực chợ tự phát, đặc biệt trong giờ tan tầm. Tuy nhiên khi vượt qua khỏi đoạn đường có khu chợ thì không gian cũng trở nên thoáng đãng hơn. Từ đây, tôi đã vào đến địa phận quận Tân Phú. Quận Tân Phú là một đơn vị hành chính mới được thành lập từ năm 2003 với cơ sở đường sá hạ tầng khá tốt. Dân cư tại đây chủ yếu là dân nhập cư làm ở nhiều nhà máy và khu công nghiệp.

Có 2 cách để tìm được con đường Phú Thọ Hòa: theo tuyến đường Thoại Ngọc Hầu hoặc Lũy Bán Bích. Tại vòng xoay Thoại Ngọc Hầu giao Lũy Bán Bích (hay còn gọi là Ngã 3 Phú Thọ Hòa), đi về phía tay phải 500m tính từ cổng môt trường THCS sẽ thấy 1 “con hẻm” khá rộng, chính là đường Phú Thọ Hòa. Chạy thẳng mãi cho đến khi nhìn thấy một khu đất rợp bong tre, tôi chính thức định vị được “khu di tích Phù Thọ Hòa”.

Trong chuyến đi đầu tiên, khởi hành lúc 4 giờ chiều, tôi đến nơi đã 6 giờ tối. Hỏi thăm chung quanh thì người dân hầu như không ai biết chính xác “bá hộ Xường” là ai, nên lại càng không thể hướng dẫn tôi đường đến khu mộ này. Trong khi đó, khu đất thuộc “di tích Phú Thọ Hòa” đã trở thành một sân bong đá “phủi” cho những chân sút nghiệp dư mỗi buổi chiều tà. Lần thứ hai, tôi cố gắng đi sơm hơn từ 2 giờ chiều, may mắn gặp được bác Trung làm tại khu di tích. Bác cho tôi biết rằng phải liên hệ với Phòng Văn hóa Thông Tin phường Phú Thọ Hòa. Tuy nhiên lúc ấy đã hết giờ hành chính nên bác đã dặn tôi cố gắng đi sớm hơn. Nghe lời bác, lần tiếp theo tôi đã được một anh  cán bộ trẻ người cũng đang phụ trách khu di tích dẫn đường đến gặp người liên quan tại Ủy ban Nhân dân phường. Lần này, chị cán bộ yêu cầu tôi xuất trình “giấy tờ”, “giấy giới thiệu”. Tôi lấy làm lo lắng vì không chắc phải làm cách nào. Bí thế, tôi chỉ còn nước cười cầu hòa năn nỉ với lý do “tìm tài liệu cho bài tiểu luận”. Có lẽ biểu hiện của tôi cũng đủ chân thành và…tội nghiệp nên cuối cùng tôi cũng được toại nguyện. Tôi được biết gia đình họ Lý giao chìa khóa khu mộ cho hàng xóm giữ nên sẽ có 2 cán bộ phụ trách cùng đi với tôi. Chưa kịp vui mừng, tôi lại đón nhận thêm tin vui khác: tham khảo tài liệu chính thức về khu di tích nhà mộ Lý Tường Quan – bá hộ Xường.

Theo sau 2 chị cán bộ phụ trách, tôi đi qua nhiều cung đường vòng, hẻm nhỏ cho đến khi được tận mắt chứng kiến khu nhà mộ. Dù đã đọc trước thông tin trên Internet tôi vẫn cảm thấy vô cùng “ấn tượng” khi trước mặt mình là khu nhà mộ xây dựng kiên cố với nhiều điểm nhấn kiến trúc nổi bật và ấn tượng. Tuy nhiên, tôi chỉ có thể ngăm nhìn phía bên ngoài cửa sắt vì vị hàng xóm đã không còn giữ trong tay chìa khóa khu mộ. Họ cho biết người gia đình họ Lý đã lấy lại chìa khóa từ lâu. Trong lòng tôi có cảm giác chút tiếc nuối nhưng tôi vẫn nghĩ mình sẽ vào được vì chắc chắn tôi sẽ tìm gặp người nhà họ Lý theo địa chỉ của ngô nhà từ đường tọa lạc tại số trên đường Hải Thượng Lãn Ông. 

Kiến trúc khu mộ

Theo dòng thời gian, 118 năm đã trôi qua, khu mộ của vị đại phú này đã được công nhận là Công trình di tích cấp Thành phố theo Quyết định số 3131/QĐ-UBND ngày 25 tháng 6 năm 2009 của Ủy ban nhân dân thành phố.

Image

<Chứng nhận di tích>

Bá hộ Xường tên thật là Lý Tường Quan, là con trai thứ 3 trong gia đình của thầy thuốc Nam là ông Lý Xáng Ái – người Hoa lập nghiệp ở Sài Gòn những năm cuối thế kỷ 17. Nhờ thông minh  chăm chỉ, lại có uy tín và đức độ nên Lý Tường Quan từng được làm Bang trưởng của 7 Bang người Hoa và thông dịch viên. Sau đó, ông xin nghỉ việc, từ đó chuyển qua làm thầu xây dựng công trình. Nhờ vậy, gia đình ông bắt đầu trở nên giàu có với nhiều đất đai, nhà cửa. Với gia sản của bá hộ Xường, ngoài phần mộ của ông ở bên tả, còn có phần mộ của vợ  bên hữu – bà Nguyễn Thị Lâu. Cả 2 phần mộ của cụ ông cụ bà đều được xây dựng rất công phu và con cháu nhà họ Lý cũng góp phần bảo trì khu mộ rất tốt.

Được xây dựng bằng đá xanh tạo hình, khu nhà mộ này còn lưu giữ trên 600 chữ Hán Việt ghi rõ thân thế, sự nghiệp của người trong mộ, người lập mộ, người viết nội dung bia. Kiến trúc mộ của cụ ông Lý Tường Quan theo lối Nhà mộ với các công trình liên hoàn bao gồm: tường bao phía trước và cổng mộ; sân trước nhà mộ; nấm mộ; phía trước có gắn bia mộ, phía sau có bình phong và văn bia ghi tiểu sử. Mộ cụ bà nằm song song với mộ cụ ông và ở vị trí bên trái. Kiến trúc gồm: sân tế, bàn, ghế, bình phong trước mộ, mộ và bình phong sau mộ và tường bao ngoài đều theo phong cách mộ cổ người Việt cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.

Image

 

< Khu mộ cụ ông> 

 

Image

< Khu mộ cụ bà>

Ngay khi vừa bước qua khỏi cổng khu nhà mộ cụ ông, cách chừng 1m sẽ thấy 2 tượng người hầu bằng đá đang trong tư thế đứng. Bên trái là tượng đàn ông Lương Phước Thắng to lớn vạm vỡ mặc áo dài, chân đi giày, đầu đội nón và tay nâng 2 chiếc hộp. Nhìn đối diện là tượng đàn bà Kiều Thoại Hương có vẻ mặt dịu hiền, cũng mặc áo dài, chân đi giày và tay nâng tách nước. Giữa 2 tượng người bằng đá là bệ thờ. Bia trước mộ hình chữ nhật, phía dưới chân bia giáp bệ thờ, phía sau giáp mộ. Phần mộ chính dài 3,64m – rộng 2,45m và cao 0,77m. Các trụ cột 4 góc cũng được đẽo gọt rất tỉ mỉ công phu. Đặc biệt, phần trên đầu trụ cột là hình dĩa quả với những loại trái cây xoài, mãng cầu, thơm…vốn rất quen thuộc ở đất Gia Định. 

Image

< Mộ chính cụ ông> 

Image

< Mộ chính cụ bà>

Có thể thấy khu mộ của ông Lý Tường Quan và bà Nguyễn Thị Lâu chủ yếu làm bằng chất liệu đá với những hình ảnh điêu khắc rất sống động tạo nên giá trị thẩm mỹ cao. Đây cũng chính là yếu tố làm nên giá trị kiến trúc, đã thể hiện được vẻ đẹp của nghệ thuật điêu khắc đá truyền thống của Việt Nam. Mặc dù phần kiến trúc nhà mộ theo phong cách kiến trúc Châu Âu với hệ thống cột vuông tạo gờ, khấc, chỉ và trang trí hoa văn đầu cột; cửa nhà mộ, cửa sổ vách tường nhà mộ, trần nhà mộ hình vòm, mái lợp ngói, bờ nóc mái có hoa văn, 4 góc mái có tượng chim đại bàng canh giữ; phần mộ chính của 2 cụ ông cụ bà vẫn lưu giữ nét đẹp thiết kế theo phong cách mộ truyền thống của người Việt phương Nam, đồng thời cũng phản ánh giá trị văn hóa cộng đồng Việt – Hoa.

23/3/2014 – An Nguyễn

*Tất cả ảnh trong bài viết đều thuộc bản quyền An Nguyễn