Chùa, tháp hay đài?
Đã từng có nhiều nhà khoa học nghiên cứu về chùa Một Cột. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn còn những tranh cãi, ý kiến trái chiều. Theo cố PGS. Chu Quang Trứ - chuyên gia nghiên cứu về kiến trúc cổ, chùa Một Cột và chùa Diên Hựu là hai chùa khác nhau. Kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng lại cho rằng đây chính là Nhất Trụ tự, GS. Hà Văn Tấn thì khẳng định, chùa Một Cột là một bộ phận tháp (Phật đài, Liên hoa đài) của chùa Diên Hựu cổ. Chính những sự thiếu nhất quán trên đã làm nảy sinh những tranh luận trong giới nghiên cứu nhiều năm nay, rằng chùa Một Cột là chùa, là tháp hay là đài. Đầu tiên, phải khẳng định, tên gọi chùa Một Cột là cách gọi dân dã, từ đời trước truyền lại mà thành nếp. Cái tên chùa Một Cột xuất hiện trong rất nhiều văn bản, thậm chí được đưa vào bản đồ, trở thành biểu tượng nghệ thuật đại diện cho nền văn hóa Thăng Long - Hà Nội nói riêng và của cả đất nước nói chung.
Tuy nhiên, trong một nghiên cứu mới đây, TS. Trần Trọng Dương (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) khẳng định, việc gọi tên chùa Một Cột (Nhất Trụ tự) là chưa chính xác. Trên cơ sở khai thác văn bản văn bia Sùng Thiện Diên Linh về cấu trúc Liên hoa đài của chùa Diên Hựu, TS. Trần Trọng Dương cho rằng, cách gọi này đã làm sai lệch đi bản chất của Liên hoa đài được đặt trong chùa Diên Hựu. Những nghiên cứu về lối kiến trúc một cột được sử dụng tại đây, cũng như theo những thư tịch cổ được lưu lại đã cho thấy rất nhiều khả năng đây là một kiến trúc Phật giáo rất được ưa chuộng ở nước ta vào thời Lý. Lịch sử đã ghi nhận, Phật giáo thời Lý được coi là quốc giáo, điều đó cũng phần nào lý giải việc những lối kiến trúc Phật giáo ảnh hưởng vào nước ta. Có thể kể ra một số công trình thời Lý được biết đến xây theo lối kiến trúc này như: Tháp Chiêu Ân ở chùa Linh Xứng nằm trên sườn núi Ngưỡng Sơn (nay thuộc xã Hà Ngọc, huyện Hà Trung, Thanh Hóa); Đài đèn Quảng Chiếu trong văn bia Đại Việt quốc Lý gia đệ tứ đế Sùng Thiện Diên Linh tháp bi, theo văn bia, Đài đèn Quảng Chiếu là một quần thể kiến trúc ở phía trước cổng Đoan Môn của Hoàng thành Thăng Long, bao gồm một đài đèn lớn, điện Phật, tháp tượng, lầu chuông một cột…
Như vậy có thể khẳng định, đài sen ngự trên đỉnh tháp là một kiểu kiến trúc phổ biến, là bản sắc văn hóa của triều Lý. Ông Dương cho rằng cái được gọi là “chùa Một Cột” thực chất không phải là chùa, mà là Liên hoa đài. Liên hoa đài là trung tâm của đàn tràng, còn đàn tràng lại là một bộ phận của chùa Diên Hựu. Bởi vậy cách gọi chùa Một Cột là khiên cưỡng, không phù hợp. Ông cho biết, sự nhận biết sai lầm đó đã phần nào dẫn đến những suy nghĩ lệch lạc của người dân, thậm chí chúng ta dường như đã phần nào công nhận cách gọi này thông qua những chú thích chỉ dẫn trên bản đồ cũng như qua nhiều phương tiện thông tin đại chúng.
Cần thêm những nghiên cứu thấu đáo
Đã từng có bài báo mặc nhiên công bố: “Bên chùa Một Cột từng có chùa Diên Hựu”, và khẳng định chùa Một Cột là một ngôi chùa tồn tại song song và độc lập với Đại già lam quốc tự thời Lý - chùa Diên Hựu. Chính những nhầm lẫn đó đã dẫn đến sự tuyên truyền quảng bá sai lệch. Như chúng ta đã biết trong kiến trúc Phật giáo mà chúng ta quen gọi là chùa Một Cột kia vẫn còn rất nhiều thư tịch chỉ ra rằng, đây chỉ là một phần trong tổng thể chùa Diên Hựu. Nếu những vị khách du lịch có thể đọc hiểu tiếng và am tường về Phật giáo sẽ thật khó có lời giải thích xác đáng cho việc gọi tên chùa Một Cột.
Hướng nghiên cứu này không mới, trước TS. Trần Trọng Dương đã có hai nhà khoa học nghiên cứu theo hướng này là GS. Ngô Văn Doanh và GS. Nguyễn Duy Hinh đã phác thảo sơ lược kiến trúc như sau: “Chính giữa ao Linh Chiêu dựng một cây cột, trên đó đặt Liên hoa đài, có cầu cong bắc qua”. Điều này cho thấy, hai vị giáo sư đã khẳng định kiến trúc Phật giáo chùa Một Cột nằm trong quần thể chùa Diên Hựu. Kế thừa và phát huy hướng nghiên cứu này, TS. Trần Trọng Dương đã hoàn thiện giả thuyết trên, theo đó: thực chất toàn bộ kiến trúc này nên gọi là Mandala Một Cột, một dạng đàn tràng. Tất cả được xây dựng theo đồ hình Mandala (thuật ngữ ngành kiến trúc Phật giáo), mô phỏng lại Phật giới. Ông Dương cho rằng, không nên dùng cái tên chùa Một Cột để tránh những nhận thức sai lầm. Thay vào đó, chúng ta có thể đặt chung trong tên gọi quần thể chùa Diên Hựu. Ông khẳng định: “Chúng tôi bước đầu nhận định rằng, đàn tràng này là một kiến trúc xây dựng theo đồ án Mandala, đó là một biểu tượng vũ trụ theo thế giới quan của Phật giáo. Và để có những kết luận mang tính khách quan và đúng đắn nhất, có lẽ còn cần thêm những nghiên cứu khảo cổ học để chúng ta có cơ sở phục dựng nguyên trạng”.
TS. Trần Trọng Dương phác thảo lại kiến trúc Mandala Một Cột chính giữa là đài sen nghìn cánh nằm trong ao Linh Chiêu. Bên ngoài ao Linh Chiêu lại có ao Bích Trì. Tất cả được xây dựng trong một tổng thể đăng đối chuẩn, từ bốn hướng có bốn cầu cong bắc vào. Trấn 4 phương là tứ Thiên Vương…
|