Bài và ảnh: Lam Linh
|
Với một người ngoại đạo về nghiên cứu như tôi, cách nhìn về những ngôi tháp Chăm có phần khác hẳn. Trong suốt cuộc hành trình qua hơn cụm 20 tháp lớn nhỏ, xa gần suốt dọc chiều dài gần 1.000km trên dải đất duyên hải miền Trung, tôi đặc biệt thích nhóm tháp Khương Mỹ. Thích không phải vì nó có giá trị lịch sử đặc biệt như Phật viện Đồng Dương (Quảng Nam), không phải vì nó nằm ở một vị trí đẹp mắt như tháp Bánh Ít (Bình Định), từ xa đã thấy lừng lững như người bảo vệ canh giữ trời xanh hay ở một nơi hẻo lánh khiến ta chạy xe mệt nhoài mới tìm thấy, đứng nấp mình giữa một rừng sắn, trong con đường đất đỏ gập ghềnh như tháp Thủ Thiện (Tây Sơn, Bình Định). Mà đơn giản thích chỉ bởi vì cụm tháp này vẫn còn giữ được khá nguyên vẹn “nhan sắc” như thủa sơ khai của nó từ hơn ngàn năm trước, chưa bị bàn tay con người đụng chạm hay sửa sang lại như hầu hết các cụm tháp khác, một vẻ đẹp thách thức với thời gian.
Trời lất phất mưa khi chúng tôi tìm đường vào cụm tháp Khương Mỹ. Mấy hôm nay, thờt tiết ở mảnh đất Quảng Nam này cứ thoắt mưa thoắt nắng như vậy, khiến cho việc đi thăm tháp của chúng tôi cũng gặp đôi chút trở ngại. May mắn đến tháp thì trời tạnh và hửng nắng lên đôi chút. Hơn 12h, người trông tháp đã nghỉ trưa, chỉ để lại một mẩu tin về số điện thoại nếu cần. Tranh thủ trong lúc chờ đợi bảo vệ đến mở cửa, tôi đi một vòng quanh chụp tháp từ bên ngoài trước.
Di tích tháp Chăm Khương Mỹ thuộc thôn 4, xã Tam Xuân I, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam được xây dựng vào cuối thế kỷ IX đầu thế kỷ X bao gồm ba tháp: tháp Bắc, tháp Giữa và tháp Nam và được công nhận là di tích quốc gia vào năm 1989. Cụm tháp đã được xây tường rào và nằm khá sát đường, vì thế đứng từ ngoài, tôi tuyệt nhiên không sao chụp được cả ba tháp mà không bị vướng cái hàng rào cùng một số dây điện xung quanh cản trở. Bên chân tháp ngổn ngang những gạch đá, cát vữa, có vẻ ngọn tháp này đã định được sang sửa lại nhưng công trình đã dừng lại từ khá lâu rồi.
Người bảo vệ đến mở cổng, thấy chúng tôi người ngoài Bắc, anh vui vẻ hẳn lên vì lâu lắm rồi mới lại có khách từ Bắc vào thăm tháp. Chỉ có một mình anh trông giữ tháp và được biết, ở đây cũng vắng khách. Có vẻ như với di sản thế giới Thánh địa Mỹ Sơn đã hút hết khách đến thăm quan tháp Chăm nên những ngọn tháp nhỏ lẻ bên ngoài kiểu Chiên Đàn, Khương Mỹ, Cánh Tiên, Thốc Lốc… nếu không phải dân nghiên cứu thì chắc cũng chẳng có mấy khách du lịch để ý tới.
|
Bước qua những thân cỏ rậm rạp và ướt đẫm nước mưa, tôi ghé thăm những ngọn tháp đang lấp lánh dưới ánh nắng mặt trời. Tôi vẫn nói với cô bạn tôi, tôi thích đi ngắm tháp Chăm dưới mưa hơn là dưới ánh nắng gay gắt của mặt trời. Trong nắng, vẻ đẹp của tháp được phô diễn một kiểu khác với màu gạch nung óng ả nổi bật giữa trời xanh. Nhưng trong mưa, tôi thấy những tháp cổ toát lên một vẻ đẹp trầm mặc, suy tư và u buồn. Hơn 1.000 năm, trải qua bao cuộc chiến tranh, bao cuộc xâm lăng, bao trận mưa bão, diệt vong, những ngọn tháp như những nhân chứng vẫn đứng vững với thời gian, trầm tư, cô độc, lặng lẽ và buồn. Trong mưa, tháp càng cô độc và buồn bã hơn.
Ba tháp được xếp theo trục Bắc - Nam, một kiểu tháp Chăm truyền thống với mặt bằng gần vuông, cửa ra vào ở hướng đông, mái tháp gồm 3 tầng, tầng trên là hình ảnh thu nhỏ của tầng dưới, trên cùng có chóp tháp bằng sa thạch. Các tháp nằm sát gần bên nhau nên các mặt bên của tháp, vốn là những mảng tường còn sót lại đẹp nhất, chưa bị mất đi nhiều chi tiết, nơi tôi đặc biệt chú ý bởi những hoa văn vẫn còn khá nguyên vẹn nhưng hơi khó chụp vì vị trí đứng không được thuận lợi. Trong lúc cô bạn tôi còn mải mê trò chuyện với người trông tháp về kiến trúc và các bước bảo tồn tháp trong suốt thời gian qua, tôi làm một vòng tỉ mẩn quanh ba ngọn tháp cổ.
Thật may mắn khi đã đi khá nhiều tháp bị trùng tu với gạch vữa lẫn màu, những tác phẩm điêu khắc làm tạm bợ để gá vào tháp cùng những khối gạch thường đã bị tróc lở theo thời gian, tôi lại được ngắm một ngọn tháp nguyên bản đến vậy. Tôi không rõ người ta phải tìm bao nhiêu cách trùng tu để giữ nguyên những ngọn tháp cả nghìn tuổi, nhưng nhìn những ngọn tháp đang bị hiện đại hóa và tự hỏng dần vì những lớp gạch mới do trùng tu mang lại không khỏi thấy đau lòng vì dường như những cố gắng sửa chữa đã khiến cho những ngọn tháp đã bị thất truyền về cách xây dựng này nhanh chóng bị hư hại hơn cả lúc không có bàn tay của các chuyên gia sờ vào!
Các cửa giả của các tầng tháp đều trang trí với những hình lá đề có chi tiết với những cành lá cách điệu hình ngọn lửa. Một số tác phẩm điêu khắc bằng chất liệu đất nung gắn vào thân tháp có hình chim thần Garuda, rắn Naga, người cưỡi voi, người cưỡi ngựa, các chiến sĩ bay... Một số phù điêu và trang trí góc bằng sa thạch đã được mang về Đà Nẵng, trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm, nay còn lại những ô trống lõm vào tường gạch xen kẽ với những mảng điêu khắc hoa lá trên gạch. Bên trong tháp trống trơn, chỉ có rêu xanh phủ đầy ở những nơi mà ánh sáng có thể lọt vào. Tại Khương Mỹ, lần đầu tiên trong kiến trúc Chăm xuất hiện một số mô-típ trong nghệ thuật Khmer được điêu khắc vô cùng tinh xảo trên những bức tường và cổng tháp như những hoa văn thảo mộc, cành lá uốn cong vểnh lên ở đầu, lá có rãnh sâu; các hình thoi nối tiếp nhau được tạo thành bởi những đường chéo và các đóa hoa cách điệu, kiểu hoa văn đặc trưng của nghệ thuật Khmer cuối thế kỷ IX đầu thế kỷ X.
Bức tường của tháp thứ 2 là cả một tác phẩm nghệ thuật đồ sộ vẫn còn được giữ khá nguyên vẹn. Từ dưới chân tháp đến đỉnh tháp là những hoa văn điêu khắc trực tiếp trên gạch với những nét uyển chuyển khó tin. Trải qua cả nghìn năm, những nét hoa văn vẫn duyên dáng lạ thường cùng với màu sắc thẫm sau mưa của gạch càng làm vẻ đẹp của bức tường thêm sắc sảo. Những mảng gạch lộ ra ngoài giúp ta có thể nhìn thấy được những viên gạch với mối nối đặc biệt. Cách xây dựng các tháp Chăm vẫn khiến các nhà khoa học đau đầu, người Chăm cổ đã xây dựng nên những tòa tháp bằng cách nào, bằng cách chập gạch tức là những viên gạch được mài phẳng rồi xếp lên nhau vừa khít, gắn mối nối bởi một loại keo kết dính đặc biệt hay họ đã đặt nguyên cả tòa tháp rồi nung lên? Câu hỏi cho đến nay vẫn chưa có lời giải đáp cụ thể.
Xung quanh chân tháp, tôi vô cùng thích thú với những bức điêu khắc dài hình các chú khỉ đáng yêu đang bận rộn, mỗi chú một việc. Những tượng khỉ này có lẽ liên quan đến trường ca Ramayana, một pho sử thi nổi tiếng của Ấn Độ mang đậm dấu ấn Bà La Môn giáo, truyền thống văn hóa có ảnh hưởng đến người Chăm. Vài chú khỉ đội hành lý trên đầu, có lẽ chúng đang lội nước (theo huyền thoại, muốn đến Sri Lanka đoàn quân khỉ phải vượt biển). Một cảnh khá tinh nghịch thể hiện chú khỉ bị một con rùa hoặc vích cắn vào hạ bộ, cạnh đó một chú khỉ đứng rụt cổ, tay trái gãi đầu, tay phải chỉ vào con rùa trông có vẻ hài hước.
Kế tiếp là mảng điêu khắc thể hiện cũng chú khỉ bị rùa cắn, thấp hơn là một chú khỉ con dường như đang tìm cách gở con rùa ra giùm. Một bức chạm khác thể hiện sự mệt mỏi của các chú khỉ: một chú lưng còng xuống, hai tay ôm bầu nước; chú ở giữa đưa hai tay nâng một vật gì đó; chú bên trái đang ngồi nghỉ trên tảng đá, tay chống cằm. Một bức chạm thể hiện 3 chú khỉ đang đánh trống và xập xõa, nhảy múa khá tưng bừng, có lẽ là mừng chiến thắng... Những tượng khỉ được thể hiện trên các mảng phù điêu này rất sinh động và ngộ nghĩnh, đáng chú ý là tất cả các chú khỉ đều được thể hiện bộ phận giới tính rất rõ ràng. Những cảnh chạm các chú khỉ trên phần trang trí chân tháp Khương Mỹ là một nét vô cùng độc đáo trong nghệ thuật Champa.
Tháp Chăm Khương Mỹ để lại cho tôi ấn tượng đặc biệt bởi những hoa văn điêu khắc tinh xảo còn sót lại. Khác với những tháp phía Bình Định trở vào Nam đã có phần nam tính, khỏe khoắn hơn, các tháp Chăm thuộc phía tỉnh Quảng Nam mềm mại và nữ tính với rất nhiều hoa văn. Tiếc là những tháp Chăm còn giữ lại những nét đẹp như thế này không nhiều, nếu không nói là ở Khương Mỹ đến hôm nay là còn duy nhất. Các cụm tháp Chăm khác đã bắt đầu được trùng tu theo nhiều cách thử nghiệm khác nhau như xây gạch mới, trát vôi vữa xi măng, làm những chân đế bằng xi măng, mài nhẵn mặt gạch cũ, công nghệ nano … vẫn chưa mang lại hiệu quả thích hợp. Có vẻ như cách giữ gìn tốt nhất lúc này là dựng những cột chống đỡ, thường xuyên cắt cỏ và làm sạch các bức tường vì hoa cỏ tuy làm tháp thêm đẹp nhưng lại cũng là những nhân tố tác động nhanh đến sự xói mòn của gạch. Đó chỉ là nhận định của riêng cá nhân tôi, còn cách giải quyết thuộc về nhiều yếu tố và nhiều cái đầu của các nhà khoa học trong lĩnh vực trùng tu và bảo tồn.
Rời tháp Chăm Khương Mỹ khi trời đã về chiều, tôi và cô bạn không khỏi tiếc nuối vì vẫn chưa “đã” với những ngọn tháp còn khá nguyên vẹn. Tháp Khương Mỹ đang bị xuống cấp nghiêm trọng và có nguy cơ bị đổ sụp bất cứ lúc nào. Tháp Nam đang là tháp bị hư hại nghiêm trọng nhất. Phía trên thân tháp nhiều mảng tường với các họa tiết chạm khắc có giá trị nghệ thuật độc đáo đã bị bong ra và đổ xuống chỉ còn trơ lại một màu gạch đỏ. Gạch lở ăn sâu vào thân tháp và xuất hiện nhiều vết nứt trên các cổng tháp. Đỉnh tháp dưới tác động trực tiếp của mưa nắng và cây cỏ dại nên bắt đầu xuất hiện hiện tượng gạch không còn kết dính nữa và rơi xuống.
Trước thực trạng trên, gần đây Ban quản lý khu di tích đã cho tiến hành phát dọn cỏ dại bám trên các tháp nhưng đó cũng chỉ là giải pháp “chữa cháy”chứ không thể ngăn chặn được sự xuống cấp của khu di tích. Trong thời gian tới, tháp Chăm Khương Mỹ sẽ được trùng tu nhưng chưa rõ bằng cách nào. Hy vọng những gì còn sót lại của một di sản ngàn năm sẽ được gìn giữ một cách tốt nhất.
Nguồn: Tạp chí Travellive
- • Điểm đến
- • Khám phá
- • Photo Travel
- • Tour lạ
- • Tours
- • Tư vấn du lịch
- • Nhân vật