Bà Chúa Tàm Tang Xứ Quảng

28/05/2014, 17:57
Chia sẻ cùng bạn bè

Bà Đoàn Quý Phi, Bà chúa Tàm tang xứ Quảng là những tên gọi do nhân dân dành cho bà Đoàn Thị Ngọc, vợ Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan, người sau này được triều nhà Nguyễn truy phong Hiếu Chiêu Hoàng đế, và bà Đoàn Thị Ngọc được truy phong là Hiếu Chiêu Hoàng hậu.

Danh xưng Bà chúa Tàm tang xứ Quảng không biết đã có từ bao giờ, chỉ biết thời gian gần đây có hai sự kiện chính thức sử dụng danh xưng này.

Sự kiện thứ nhất là vào năm 2003, Ủy ban nhân dân huyện Duy Xuyên và Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Đà Nẵng tổ chức hội thảo khoa học về bà tại huyện Duy Xuyên. Sau hội thảo, những bài viết được in thành tập sách “Bà chúa Tàm tang xứ Quảng” do nhà xuất bản Đà Nẵng phát hành năm 2003.

Năm 2006, xã Duy Trinh tổ chức một sự kiện lấy tên “Lễ hội Bà chúa Tàm tang xứ Quảng” nhằm quảng bá cho loại hình du lịch làng nghề. Lễ hội có hoạt cảnh tái hiện lại cảnh công tử Nguyễn Phước Lan gặp cô thôn nữ hái dâu họ Đoàn ở Đông Yên vào một đêm trăng trên dòng sông Thu Bồn thơ mộng.

Đoàn Quý phi cũng là danh xưng do người dân quê hương dành cho bà Đoàn Thị Ngọc. Trong các tôn hiệu các đời chúa Nguyễn và sau này các vua nhà Nguyễn truy phong cho bà đều không có tước hiệu Quý phi.

Năm 1558, Chúa Nguyễn Hoàng được vua Lê cho vào trấn thủ Thuận Hóa, đến năm 1570 cho kiêm quản trấn thủ Quảng Nam. Các đời chúa Nguyễn vẫn xem mình là bầy tôi của vua Lê, vẫn lấy danh nghĩa “phù Lê diệt Mạc”. Sau khi nhà Mạc bị đánh bại, họ Nguyễn đối đầu với họ Trịnh, khẩu hiệu lúc này đổi lại là “phù Lê diệt Trịnh”. Tuy đối đầu với Đàng Ngoài, họ Nguyễn vẫn giữ niên hiệu nhà Lê và lấy tước hiệu vua Lê. Tước hiệu cao nhất vua Lê dành cho các chúa Nguyễn là tước Công. Chúa Tiên Nguyễn Hoàng được phong là Thái úy Đoan Quốc Công, khi mất được truy tặng là Cần Nghĩa Công. Chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên được phong Thụy Quận Công. Chúa Thượng Nguyễn Phước Lan được phong là Nhân Quận Công. Chúa Hiền Nguyễn Phước Tần được phong là Dũng Quận Công…Năm 1744, chúa Nguyễn Phước Khoát xưng vương theo yêu cầu của quần thần, tuy nhiên vẫn dùng niên hiệu vua Lê là Thái Phó Quốc Công, chỉ xưng với các thuộc quốc là Thiên Vương.

Các đời chúa trước vì chưa xưng vương nên vợ các chúa gọi là Phu Nhân, vợ Đoan Quốc Công Nguyễn Hoàng họ Nguyễn gọi là Đoan Quốc Phu Nhân…, dưới tước hiệu Phu Nhân là Cung Tần. Vì vậy không có tài liệu chính sử nào gọi vợ chúa là Quý Phi, và bà Đoàn Thị Ngọc được gọi là Đoàn Quý Phi cả.

Dưới thời chúa Nguyễn Phước Khoát (1738 - 1765), do đã xưng vương nên đã truy tôn cho các đời trước: Chúa được tôn là Vương, vợ chúa được tôn là Phi.

Chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên được truy tôn là Hiếu Văn Vương, vợ chúa là bà Mạc Thị Giai được truy tôn là Thuận Phi (tên đầy đủ là Huy Cung Từ Thuận Phi, sau thêm hai chữ Ôn Thục).

Chúa Thượng Nguyễn Phước Lan được truy tôn Hiếu Chiêu Vương, bà Đoàn Thị Ngọc là vợ chúa được truy phong là Huệ Phi (tên đầy đủ Trinh Thục Từ Tỉnh Huệ Phi, sau thêm hai chữ Mẫn Duệ). Như vậy bà Đoàn Thị Ngọc được phong là Huệ Phi sau khi đã qua đời hơn 80 năm.

Năm Bính Dần (1806), sau năm năm cầm quyền, Nguyễn Phước Ánh chính thức lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Gia Long. Vua Gia Long truy phong các triều trước: Vương tôn thành Đế, Phi tôn thành Hậu.

Triều Nguyễn có quy định ba không: không hoàng hậu, không phò mã, không trạng nguyên (trừ trường hợp ngoại lệ do Bảo Đại, vị hoàng đế cuối cùng phong cho vợ là Nam Phương Hoàng hậu). Hoàng hậu chỉ được phong khi đã qua đời.

Hiếu Văn Vương Nguyễn Phước Nguyên tôn thành Hiếu Văn Hoàng Đế, Thuận Phi Mạc Thị Giai được truy tôn Hiếu Văn Hoàng Hậu.

Hiếu Chiêu Vương Nguyễn Phước Lan tôn thành Hiếu Chiêu Hoàng Đế, Huệ Phi Đoàn Thị Ngọc truy tôn Hiếu Chiêu Hoàng Hậu. Sách văn dâng lên Hiếu Chiêu Hoàng Hậu có đoạn: “Kính nghĩ, Trinh thục Từ tĩnh Mẫn Duệ Đoàn Huệ phi điện hạ: sáng thơm tú mỵ, phép tốt trinh thuần. Khôn nguyên hợp đức, phong hóa gây từ đinh vi, cảm động kết thai, phúc trạch truyền cho xã tắc. Để phúc yên tốt nối đời vô cùng. Nay, trên nhờ phúc thiêng, lại dựng nghiệp cả. Kính dâng huy chương, để tôn nền tốt. Cẩn tiến sách vàng dâng tôn hiệu là: Trinh thục Từ tĩnh Mẫn duệ Huệ Kính Hiếu Chiêu hoàng hậu”[1].

Hiếu Chiêu Hoàng Hậu người họ Đoàn ở làng Đông Yên xã Duy Trinh, thời chúa Nguyễn nơi đây gọi là Hoa Châu thuộc, Thăng Hoa phủ, Quảng Nam dinh[2]. Chắc có sự nhầm lẫn nên có một số tài liệu chép rằng quê bà ở làng Chiêm Sơn, tổng Mông Lĩnh, huyện Diên Khánh. Chiêm Sơn chỉ là nơi bà yên nghỉ, nơi đây hiện có lăng mộ của bà.

Ông nội là Đoàn Công Huyền từ Hải Dương theo dòng người vào Đàng Trong lập nghiệp. Cha bà là ông Đoàn Công Nhạn và mẹ là Võ Thị Ngọc Thành, người cùng làng. Tộc Đoàn và tộc Võ là hai tộc lớn ở Đông Yên, thủy tổ là những người đến định cư ở nơi đây từ rất sớm. Theo gia phả tộc Võ, ngài thủy tổ là Vũ Văn Mẫu từ Thanh Hóa vào định cư tại làng Đông Châu, nay là Đông Yên xã Duy Trinh khoảng trước năm 1580, cùng đi có hai người con: Võ Khắc Khoan và Võ Thị Ngọc Thành. Bà Võ Thị Ngọc Thành là vợ sau của ông Đoàn Công Nhạn.

Bà Đoàn Thị Ngọc không rõ sinh vào năm nào, nhưng căn cứ vào sự kiện ghi trong Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên thì năm 15 tuổi, đang hái dâu bên sông trong một đêm trăng thì gặp công tử Nguyễn Phước Lan theo hộ giá cha đáp thuyền đi chơi trăng. Chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên trước trấn thủ Quảng Nam, về Thuận Hóa nhận ngôi chúa từ năm 1613, sau vài năm ổn định việc triều chính, chúa mới có thể đi tuần du các nơi, quan sát tình hình, phủ dụ dân chúng. Như vậy có thể dự đoán ngài đến Quảng Nam khoảng năm 1615, kết hợp sự kiện năm 15 tuổi bà Đoàn Thị Ngọc gặp thuyền rồng của nhà Chúa, có thể năm sinh của bà là 1601.

Con đường vào cung của Hiếu Chiêu Hoàng Hậu bắt đầu bằng câu chuyện tình lãng mạn và thi vị.

Sách "Đại Nam Liệt truyện Tiền biên” của triều Nguyễn đã viết về người thôn nữ đó và mối tình thơ mộng của mình: "Bà là con gái thứ ba của Thạch quận công Đoàn Công Nhạn. Mẹ là phu nhân Vũ thị. Bà là người minh mẫn thông sáng. Năm mười lăm tuổi, đêm hái dâu ở bãi, trông trăng mà hát. Bấy giờ Hi Tông Hoàng Đế ta (tức Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên) đi chơi Quảng Nam, Thần Tông Hoàng Đế ta (tức Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan) theo đi hộ giá. Đêm đáp thuyền chơi trăng, đỗ thuyền ở gành Điện Châu (bây giờ là bãi Ân Phú Tây) câu cá, nghe tiếng hát lấy làm lạ, sai người đến hỏi, biết là con gái họ Đoàn, cho tiến vào hầu Chúa ở tiềm để, được yêu chiều lắm”[3].

Người dân xứ Quảng còn mãi lưu truyền câu chuyện tình thi vị rằng vào một đêm trăng đẹp năm 1615, Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên trong một chuyến tuần du Quảng Nam đã cùng Hoàng tử thứ hai lúc đó khoảng 15 tuổi là Nguyễn Phúc Lan, dạo thuyền trên sông Thu Bồn. Khi thuyền rồng ngược dòng sông từ Dinh trấn Thanh Chiêm đến làng Đông Yên, xã Duy Trinh thì nghe một giọng hát của một người con gái ở bãi dâu bên bờ sông vọng tới:

Tai nghe chúa ngự thuyền rồng

Cảm thương phận thiếp má hồng nắng mưa

Tiếng hát làm rung động trái tim chàng công tử đang tuổi trăng tròn. Đang thả hồn theo câu hát vừa dứt thì tiếng hát tiếp tục lên làm cho trái tim chàng công tử càng thêm xao xuyến:

Thuyền rồng gác phượng nơi đâu

Thiếp thương phận thiếp hái dâu một mình

Xin phép phụ thân, công tử cho thuyền men theo triền sông đi tìm tiếng hát. Khi lên bờ, bên bãi dâu nhuộm ánh trăng vàng, chàng trai phủ chúa đã đem lòng say đắm người con gái hái dâu Đoàn Thị Ngọc, ái nữ của hào trưởng Đoàn Công Nhạn. Cuộc tình của họ quả là duyên kỳ ngộ, đã được sắp xếp bởi bàn tay của ông Tơ bà Nguyệt. Hai năm sau (1617), công tử Nguyễn Phước Lan và cô thôn nữ Đoàn Thị Ngọc kết duyên, ban đầu họ chung sống cùng nhau tại dinh trấn Thanh Chiêm.

Nguyễn Phước Lan là con thứ hai của chúa Nguyễn Phước Nguyên và bà Mạc Thị Giai (sau được cải là họ Nguyễn), đã được phong là phó tướng Nhân Lộc Hầu. Năm 1631, công tử cả là Nguyễn Phước Kỳ mất, Nguyễn Phước Lan được lập làm Thế tử, mở dinh Thuận Nghĩa.

Chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên băng hà năm 1635, thế tử Nhân Quận Công nối ngôi, các quan tôn là Tiết chế thủy bộ chư dinh kiêm Tổng Bình chương quân quốc trọng sự Thái Bảo Nhân quận công, gọi là chúa Thượng, lúc này ông đã 35 tuổi. Sau khi lên ngôi, chúa cho dời phủ về Phú Xuân, phu nhân Đoàn Thị Ngọc về sống cùng chúa tại đó.

Bà Đoàn Thị Ngọc sinh được ba người con trai và một con gái. Người con trai đầu là Nguyễn Phước Võ và con trai thứ ba Nguyễn Phước Quỳnh đều mất sớm, Người con trai thứ hai là Nguyễn Phước Tần, sinh năm 1620, được phong làm thế tử Dũng lễ hầu. Năm 1648, chúa Thượng Nguyễn Phước Lan qua đời, thế tử Dũng lễ hầu Nguyễn Phước Tần lên nối ngôi chúa, gọi là chúa Hiền. Người con gái út, thường được gọi là Nguyễn Phước Ngọc, sau này gọi là Ngọc Dung công chúa.

Cuộc tình của người thôn nữ hái dâu họ Đoàn và chàng công tử Nguyễn Phước Lan đã mang đến cho bà cuộc hôn nhân hạnh phúc: chồng ở ngôi cao quyền lực xứ Đàng Trong, bà trở thành đệ nhất phu nhân, con trai trở thành thế tử…Hạnh phúc sẽ là viên mãn nếu không có người thứ ba xen vào cuộc hôn nhân giữa hai người.

Thế tử Nguyễn Phước Kỳ là anh của công tử Nguyễn Phước Lan, làm trấn thủ Quảng Nam, người sẽ nối nghiệp khi chúa cha Nguyễn Phước Nguyên qua đời. Chẳng may Nguyễn Phước Kỳ mất sớm, để lại người vợ xinh đẹp và đa đoan là Tống Thị và ba người con.

Nguyễn Phước Kỳ mất sớm, Nhân quận công Nguyễn Phước Lan được lập làm thế tử và lên ngôi nối nghiệp chúa năm 1635. Tống Thị cho rằng con trai mình phải được lập làm thế tử nối nghiệp cha và sau đó là nối ngôi chúa, nên bà đã thực hiện nhiều âm mưu, trong đó có việc mê hoặc trái tim người em chồng, lúc này đang là chúa Thượng, người đang là chồng của phu nhân Đoàn Thị Ngọc.

“Cha Tống Thị Tống Phước Thông làm chức cai cơ. Sau khi trấn thủ Kỳ mất, theo chúa Trịnh, chỉ Tống Thị ở lại. Tống Thị xinh đẹp, tính tình lẳng lơ, ăn nói khéo léo, thật là một người đàn bà kỳ quái. Không chỉ y thị đã làm mê hoặc được hai em chồng là chúa Thượng và Chưởng cơ Nguyễn Phước Trung mà còn gián tiếp làm cảm động được lòng Trịnh Tráng nữa. Vì chúa Nguyễn Phước lan say mê y thị mà nhân dân Thuận Hóa phải khốn khổ một thời gian, vì y thị xúi giục họ Trịnh lại đem binh đánh họ Nguyễn”[4].

Cuộc chiến tranh lần thứ tư (1648) giữa hai miền chính là do sự xúi giục của Tống Thị. Quân Trịnh bị quân họ Nguyễn do Dũng lễ hầu Nguyễn Phước Tần làm chỉ huy đánh bại tại Nhật Lệ, quân Nguyễn bắt sống ba vạn tù binh đưa vào an tháp ở miền trong, trong đó có một số được đưa vào Duy Trinh, quê hương của bà Đoàn Thị Ngọc và là quê ngoại của Nguyễn Phước Tần [5].

Từ các sự kiện lịch sử đã nêu, chúng ta có thể hiểu rằng cuộc hôn nhân của bà Đoàn Thị Ngọc chỉ hạnh phúc được khoảng 20 năm. Sở dĩ có mốc thời gian này, xin đọc qua đoạn trích sau đây “Nhân quận công lên ngôi rồi, mấy năm đầu cư xử xứng đáng. Nhưng từ khi phá được Nguyễn Khắc Loát, tưởng rằng biên giới không có việc đáng lo nữa, lại bị Tống Thị mê hoặc, chúa đổi tính tình. Ban đầu y thị nhân vào phủ chúa, tỏ vẻ quyến luyến chúa, rồi kết một xâu hoa trăm thứ đem dâng, chúa ngửi mùi thơm, trong lòng thấy động tình thương. Từ năm Kỷ mão (1639), chúa cho y thị ra vào cung cấm, rất yêu dấu, y thị nói gì chúa cũng nghe theo”[6]. Mối quan hệ em chồng chị dâu này vẫn được duy trì, bất kể lời can gián của các cận thần. Mãi đến năm 1648, chúa Thượng thân chinh cầm quân đánh nhau với quân Trịnh, trên đường rút quân về đến phá Tam Giang thì qua đời trên thuyền, có nghi vấn cho rằng chúa qua đời bởi do sự đầu độc của Tống Thị. Âm mưu nội phản của Tống Thị đến lúc này vẫn được giữ kín, bà vẫn tiếp tục khuynh đảo triều chính, mãi đến năm 1654 mới bại lộ, bị chúa Hiền ra lệnh tử hình, tịch thu tài sản cấp phát cho quân dân.

Cuối đời, bà Đoàn Thị Ngọc rời phủ chúa ở Phú Xuân về sống ở dinh trấn Thanh Chiêm nhưng không rõ vào năm nào. Thời gian và nguyên nhân bà rời phủ chúa, có người cho rằng bởi bà không muốn chứng kiến cảnh quan hệ chị dâu em chồng tai tiếng và người chồng phụ bạc. Ý kiến khác lại cho rằng bà muốn về quê cũ, sống lại thời dân dã bên người thân và chăm sóc phần mộ những người con mất sớm được chôn cất tại nơi đây.

Con đường vào phủ chúa của cô thôn nữ hái dâu làng Đông Yên ly kỳ như một huyền thoại. Trong các bà vợ chúa Nguyễn không có ai quê ở Quảng Nam, không có ai là không thông qua sự tiến cử và cũng không có ai xuất thân từ tầng lớp bình dân như bà. Mẹ chồng của bà là Mạc Thị Giai, con của Khiêm vương Mạc Kính Điển, cháu gọi Mạc Cảnh Huống bằng chú ruột, được bà Nguyễn Ngọc Dương là vợ chú tiến cử làm vợ Nguyễn Phước Nguyên. Bà Nguyễn Ngọc Dương là dì ruột của Nguyễn Phước Nguyên. Từ đời chúa Nguyễn Phước Tần trở về sau, trải qua 6 đời chúa, vợ các chúa đều là người huyện Tống Sơn, Thanh Hóa, là nơi phát tích của chúa Nguyễn, gọi là “Quý huyện”. Tất cả đều xuất thân từ con nhà quyền quý. Vua Gia Long cũng cưới vợ là một người Tống Sơn Thanh Hóa là Tống Thị Lan, sinh ra Hoàng tử Cảnh. Bà Lan sau này được tấn phong Thừa Thiên Cao Hoàng hậu. Kể từ bà Đoàn Thị Ngọc, hai trăm năm sau mới có một người con gái Quảng Nam được tiến vào hậu cung là vợ thứ 9 trong số 21 người vợ vua Gia Long, đó là bà Dương Thị Sự, con của Tuyên úy Tướng quân Dương Trung, người huyện Duy Xuyên.

Có ý kiến cho rằng hôn nhân giữa bà Đoàn Thị Ngọc và công tử Nguyễn Phước Lan thực chất là cuộc hôn nhân chính trị, phù hợp với ý đồ chiến lược của chúa Nguyễn Phước Nguyên. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân sưu tầm được bài viết “Cung yết lăng hai bà hoàng hậu ở núi Chiêm Sơn” do nhà báo Henri Le Grauclaude viết nhân chuyến vua Bảo Đại đi hành hương lăng mộ hai bà hoàng hậu ở Chiêm Sơn đầu năm 1933. Phần đầu nội dung bài báo viết rằng chúa Hy Tông đi tuần du phía nam với mục đích giao thiệp với các tay hào trưởng trong xứ chưa chịu quy phục. Đức Thần Tông (công tử Nguyễn Phước Lan) cùng tháp tùng trong chuyến đi đó. Nhân đêm trăng, nghe tiếng hát bên bãi dâu chàng đi tìm và gặp người con gái hái dâu con của hào trưởng Đoàn Công Nhạn, một người chưa có ý quy phục chúa Hy Tông “Trên đường tình ái, chẳng bao giờ có thể ngăn cản ai được! Từ khi gặp cô gái xứ Quảng, Đức Thần Tông sinh lòng say mê. Ngài cầu khẩn mãi với đức Hy Tông xin lấy người kia làm vợ. Lúc đầu thấy trở ngại nhưng sau cũng ưng thuận. Trước phụ vương không bằng lòng, nhưng sau có lẽ Ngài nghĩ rằng: làm thông gia với nhà hào trưởng trong miền là một việc hay”[7].

Trở lại lịch sử xứ Đàng Trong dưới thời chúa Nguyễn Hoàng: “Quân dân hai xứ thân yêu tín phục, cảm nhân mến đức, dời đổi phong tục, chợ không bán hai giá, người không ai trộm cướp, cửa ngoài không phải đóng, thuyền buôn ngoại quốc thường đến mua bán, đổi chác phải giá, quân lệnh nghiêm trang, ai cũng cố gắng, trong cõi đều an cư lạc nghiệp”[8]. Nói như Lê Quý Đôn thì xứ Đàng Trong thời đó quả là thái bình thịnh trị. Nguyễn Hoàng trấn thủ Quảng Nam 43 năm (1570 - 1613), trước khi băng hà, chúa triệu công tử thứ 6 đến trước giường dặn dò “Đất Thuận, Quảng phía bắc có núi Hoành Sơn, sông Linh Giang hiểm trở, phía nam có núi Hải Vân, núi Thạch Bi vững bền; núi sinh vàng, sắt, biển có cá, muối, thật là đất dung võ của những kẻ anh hùng. Nếu biết dạy dân, luyện binh dể chống chọi với họ Trịnh thì đủ xây dựng sự nghiệp muôn đời: nếu thế lực không địch được thì cố giữ đất đai để đợi thời cơ, chứ đừng bỏ hỏng lời dặn của ta”[9].

Nguyễn Phước Nguyên lên nối ngôi cha từ năm 1613, được các quan tôn làm Thống lĩnh thủy, bộ chư dinh, kiêm Tổng nội ngoại Bình chương quân quốc trọng sự, Thái bảo Thụy quận công, năm ấy ông đã 51 tuổi. “Thụy quận công chăm lo việc phòng thủ, sửa thành lũy, đặt quan ải, vỗ về quân dân, trong ngoài mến phục, nên gọi là chúa Phật, hoặc chúa Sãi, hoặc Sãi vương”[10]. Lúc này thế và lực của Đàng Trong còn nhiều mặt thua kém xa so với Đàng Ngoài. Để đủ sức đương đầu với họ Trịnh, chúa phải tăng cường tiềm lực quốc phòng, đẩy mạnh ngoại thương để có tiền mua vũ khí trang bị cho quân đội. “Ngoài thương nghiệp, không gì khác có thể giúp họ Nguyễn xây dựng một cách nhanh chóng vùng đất ít nhân lực này để có thể đương đầu nổi với một vùng đất có số tiềm lực nhiều gấp đôi, gấp ba Đàng Trong về mọi mặt. Đối với các nước Đông Nam châu Á, vấn đề ngoại thương có thể chỉ là vấn đề làm giàu, nhưng đối với Đàng Trong vào buổi đầu, đây là vấn đề sống chết”[11].

Các thương gia Nhật Bản đến buôn bán ở Đàng Trong từ rất sớm, hàng hóa xuất khẩu chủ yếu thời kỳ này là tơ lụa từ hai phủ Điện Bàn và Thăng Hoa. “Người Nhật tới Đàng Trong thoạt tiên là vì tơ lụa. Họ có thể mua tơ lụa ở đây dễ dàng hơn ở các nơi khác vì tại cảng chính là Hội An có một số người Nhật sinh sống và những người Nhật này có thể thu gom tơ sống trước khi tàu của họ tới”[12].

Đối chiếu với bối cảnh lịch sử nêu trên, ý kiến của nhà báo Pháp Henri Le Grauclaude cho rằng một số hào trưởng trong vùng, trong đó có ông Đoàn Công Nhạn không chịu quy phục là thiếu thuyết phục.

Cho dù mục đích Chúa đáp thuyền đến xứ dâu tằm Đông Yên để vãn cảnh hay để giao thiệp với các tay hào trưởng chưa chịu quy phục gì chăng nữa thì chuyện chàng công tử gặp cô thôn nữ hái dâu là có thật. Nhưng cuộc tình của họ cho dù có lãng mạn và thi vị đến đâu cũng khó đi đến một cuộc hôn nhân hạnh phúc bởi rào cản “môn đăng hộ đối”. May mắn là họ đã “sinh phùng thời” trong thời buổi Đàng Trong đang đẩy mạnh ngoại thương, mà sản phẩm xuất khẩu chủ lực là tơ lụa. Loại bỏ suy nghĩ cho rằng Sãi vương gật đầu vì muốn thu phục một vị hào trưởng, vậy phải chăng Sãi vương muốn thực hiện chính sách “vỗ về quân dân”, chấp nhận cho một cô gái làm nghề tàm tang vào phủ chúa để giúp nhà chồng mở mang sự nghiệp.

Chúa Tiên Nguyễn Hoàng là người nhập cuộc đầu tiên vào con đường ngoại thương ở Đàng Trong, duy trì các mối quan hệ với Nhật Bản, thậm chí ông còn nhận một thương gia người Nhật, vừa là phái viên đầu tiên của chính quyền Tokugawa tới Đàng Trong làm con nuôi . Đến thời Sãi vương, mối quan hệ này còn được đẩy đi xa hơn nữa, vào năm 1619 chúa gả một người con gái cho một thương gia người Nhật tên là Araki Sotaoa, người con rể này lấy tên Việt Nam và trở thành hoàng thân ở Đàng Trong. Li Tana viết rằng vào thời gian này, các nhà lãnh đạo họ Nguyễn cũng đích thân lao vào công việc buôn bán, năm 1635 chúa Sãi gởi cho thương gia Toba 300 lạng tơ thô (11.340 gr) và nhờ ông này mua hàng ở Nhật cho ông theo giá trị của số tơ này[13].

Các chúa đã nhận con nuôi và gả con gái cho thương gia ngoại quốc vì mục tiêu thương mại, thì việc nhận một người con dâu xứ tơ lụa nhằm khuyến khích phát triển nghề tàm tang ở vùng đất có sản lượng tơ lụa lớn nhất Đàng Trong cũng là điều dễ hiểu. Nếu bãi dâu xanh bên bờ sông Thu Bồn là nơi họ gặp gỡ và phải lòng nhau, thì con tằm cái kén ở những làng quê như Đông Yên, Phú Bông, Thi Lai, Bảo An, Hà Mật của xứ Quảng Nam đã xe cho họ mối lương duyên, giúp họ vượt qua được rào cản khắc khe môn đăng hộ đối giữa hai nhà.

Là con một thường dân, sớm khuya chăn tằm dệt lụa, nhờ cơ duyên được tuyển vào phủ chúa. Với địa vị đệ nhất phu nhân của mình, bà Đoàn Thị Ngọc chắc là đã có những đóng góp không nhỏ vào việc khuyến khích dân chúng phát triển ngành nghề ở cả hai miền Thuận Hóa - Quảng Nam, giúp nhà chồng thực hiện chiến lược ngoại thương, mang lại thịnh vượng cho cả xứ Đàng Trong.

Trong lịch sử Việt Nam, trước bà đã có hai người đàn bà từng giúp chồng phát triển nghề tơ lụa. Đầu tiên là bà Lã Thị Nga, vợ Tiết độ sứ Cao Biền thời nhà Đường đô hộ nước ta (618 - 907). Bà Lã Thị Nga là người có nhan sắc, lại giỏi nghề dệt, được Cao Biền khi ấy là Tiết độ sứ sang nước ta xây thành Đại La lấy bà làm vợ lẽ, đồng thời giao phó bà trông nom khu vực phường cửi trong thành. Người thứ hai là Ỷ Lan Phu Nhân, vợ vua Lý Thánh Tông. Giống như bà Đoàn Thị Ngọc, bà là cô gái hái dâu, do cơ duyên gặp vua và được tuyển vào cung. Ỷ Lan phu nhân là người có tài trị nước, vốn là con nhà nghèo nên bà rất thấu hiểu nỗi khổ của người dân, giúp dân phát triển mạnh mẽ nghề trồng dâu nuôi tằm ở quê hương và khắp nước.

Bà Đoàn Thị Ngọc không phải là người khai sinh ra nghề tàm tang trên đất Quảng; trước đó hàng ngàn năm, những người dân Chăm ở đây với những đồng ruộng và những cây dâu cao lớn của mình đã làm nên mỗi năm “lúa hai mùa, tằm tám lứa”. Về tơ lụa, khi chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Quảng Nam thì tơ lụa cũng đã rất nổi tiếng, hàng năm chúa vẫn thường chọn lụa ở Thăng Hoa, Điện Bàn để làm cống phẩm ra Bắc và làm quà cho các quan của vua Lê vào kiểm tra tình hình Thuận – Quảng.

Mặc dù chưa tìm thấy tài liệu lịch sử nào có dẫn chứng cụ thể về công lao của bà đã làm cho ngành tơ lụa Quảng Nam phát triển thịnh vượng. Nhưng từ khi bà được về phủ chúa năm 1617 cho đến lúc qua đời năm 1661 là 44 năm, suốt thời gian đó nghề tơ lụa ở Quảng Nam phát triển cực thịnh, thương nhân các nước Nhật, Trung quốc, Bồ Đào Nha …tranh nhau để mua, thậm chí thương nhân người Nhật còn đến tận các làng ươm tơ ở phủ Thăng Hoa, Điện Bàn để mua tận gốc. Vì vậy, người dân quê yêu mến gọi bà Đoàn Thị Ngọc là Đoàn Quý Phi, tôn vinh là Bà chúa Tàm tang xứ Quảng cũng bởi từ sự thịnh vượng mang lại từ nghề này.

Thời gian bà sống ở phủ chúa tại Phú Xuân, dấu ấn của bà để lại ở nơi đây được Lê Quý Đôn viết cụ thể “Huyện Hương Trà có phường làm nghề dệt hàng tơ ở sau Phủ Cam, phía Đông Nam sông Phú Xuân, về địa phận ba xã Sơn Điền, Dương Xuân, Vạn Xuân, chia làm ba ấp, mỗi ấp mười nhà, mỗi nhà 15 người thợ dệt. Tổ xa đời của họ Nguyễn là người dinh Quảng Nam phủ Thăng Hoa, học dệt ở người Bắc khách, đời truyền nghề cho nhau”.

Thời điểm Lê Quý Đôn viết sách năm 1776, cách sự kiện bà về phủ chúa là 160 năm, trải qua 7 đời chúa; trong số các bà vợ chúa chỉ duy nhất có bà là người Quảng Nam, vậy “Tổ xa đời họ Nguyễn” chính là bà Đoàn Thị Ngọc người phủ Thăng Hoa. Thì ra thời gian ở Phú Xuân bà đã khuyến khích phát triển nghề dệt lụa ở đây.

Bà Đoàn Thị Ngọc qua đời vào mùa hạ năm 1661, di hài của bà được đem táng ở gò Cốc Hùng trên núi Chiêm Sơn, gần đó có lăng mộ mẹ chồng của bà là Mạc Thị Giai và con gái của bà là quận chúa Ngọc Dung. Đây là những lăng mộ của hoàng tộc nhà Nguyễn an táng ngoài kinh đô Huế.

Ngay sau khi vừa thu phục giang sơn, năm 1802 vua Gia Long đã bổ dụng người coi giữ tông lăng ở Chiêm Sơn. Năm 1806, sau khi làm lễ đăng quang, Gia Long truy tôn các chúa Nguyễn làm Hoàng đế và vợ của họ làm Hoàng hậu. Chúa Nguyễn Phước Nguyên được truy tôn làm Hiếu Văn Hoàng đế, bà Mạc Thị Giai làm Hiếu Văn Hoàng hậu. Chúa Nguyễn Phước Lan được truy tôn Hiếu Chiêu Hoàng đế, bà Đoàn Thị Ngọc làm Hiếu Chiêu Hoàng hậu.

Năm 1808, vua Gia Long dâng tên hiệu các lăng cho các của các vua và các hậu đời trước. Lăng các vua lấy chữ Trường, lăng các hậu lấy chữ Vĩnh. Vì vậy lăng của của Hiếu Văn Hoàng hậu là lăng Vĩnh Diễn, lăng của Hiếu Chiêu Hoàng hậu là lăng Vĩnh Diên.

Năm 1809, lấy dân ở dinh Quảng Nam đặt làm hai đội giữ lăng, mỗi đội 30 người. Đến năm 1836 rút hai đội này về kinh, trích lấy 50 người dân xã Chiêm Sơn, đặt làm thủ hộ coi giữ hai lăng.

Chuông đồng chùa Vĩnh An

Năm 1824, vua Minh Mạng cho xây chùa Vĩnh An trên nền một phế tích của người Chăm, thường gọi là chùa Vua, nằm giữa hai lăng Vĩnh Diễn và Vĩnh Diên để thỉnh an tâm linh hai bà Hoàng hậu. Ngôi chùa này đã bị chiến tranh tàn phá, nay chỉ còn lại chiếc chuông đồng trước đây bị thất lạc, vừa được tìm thấy ở chùa Nghĩa Trũng, thị trấn Vĩnh Điện. Trên quả chuông này có khắc ba dòng chữ : Vĩnh Diễn lăng, Vĩnh An tự. Minh Mạng ngũ niên bát nguyệt chế tạo nguyên trọng nhất bách bát thập nhất cân. Tự Đức nhị thập lục niên ngũ nguyệt nhật cải chú trọng nhị bách tam thập tứ cân bát lượng. Tạm dịch: Lăng Vĩnh Diễn, chùa Vĩnh An. Minh Mạng năm thứ năm (1824) tháng 8 chế tạo trọng lượng 181 cân. Tự Đức năm thứ 26 (1872) đúc lại trọng lượng 234 cân 8 lạng[14].

Chiêm Sơn là đất có tôn lăng hoàng tộc, có chùa dành riêng để an thỉnh tâm linh hai bà hoàng hậu, nên đất đai ở đây được lập mốc giới cấm. Ở bờ nam sông Thu Bồn thuộc địa phận làng Chiêm Sơn có bến Giá Ngự, chỉ dành riêng cho vua và hoàng tộc ngự giá mỗi lần đến tế lễ lăng mộ. “Năm 1839, Minh Mạng có dụ: Các tôn lăng liệt thánh đế hậu bản triều phần nhiều ở gần sông. Lâu nay thuyền bè công tư đi qua tự ý hò hét xét đến nghĩa “kính kỳ sở tôn” (kính người mình phải tôn trọng) thì thực sai trái. Nay ra lệnh cho các quan chức có trách nhiệm kính xét các tôn lăng nơi nào gần bến sông thì đều đắp ở bến sông 2 cột trụ hoa biểu để tiện ghi nhận. Lại ban sắc: “Việc đặt cột hoa biểu cho các tôn lăng gần bến sông là chỉ làm các nơi hướng ra sông để người ta biết mình mà tránh, cũng như qua các cửa quan thì xuống ngựa, qua miếu thì rảo bước, ra lệnh xét lăng nào hướng ra sông tuy bến sông còn cách xa, cũng đều dựng hai cột biểu để người ở xa trông thấy biết mà kính tránh”[15].

Dân làng Chiêm Sơn được giao việc canh giữ lăng mộ hai bà hoàng hậu, hàng năm tham gia vào việc thực hiện các nghi lế tế tự. Theo địa bạ thời Gia Long, làng Chiêm Sơn có tên Chiêm Sơn phụ lũy xã, không biết có phải vì dân làng Chiêm Sơn được vinh dự thực hiện nhiệm vụ của hoàng tộc nên tên làng có thêm tên phụ lũy (tham khảo thêm nội dung về phụ lũy xã ở chương bốn).

Ở Duy Trinh và các địa phương khác thời trước có nhiều đình làng, tấm bình phong trước đình người ta thường đắp những con vật trong tứ linh: long, lân, quy, phụng. Hình tượng phổ biến là con lân mã hay con hổ. Có phải vì làng Chiêm Sơn, nơi có lăng mộ hai bà hoàng hậu và một nàng công chúa nên riêng trên bình phong đình làng Chiêm Sơn người ta đắp con chim phượng, là một biểu tượng quyền quý của phái đẹp.

Không biết thời đó bến Giá Ngự ở Chiêm Sơn có đặt các cột hoa biểu như chỉ dụ của vua hay không, nhưng tên bến Giá Ngự thì đến nay vẫn còn. Đến nay nhân dân vùng Gò Nổi vẫn còn nhớ câu ca nhắc nhở việc đua ghe thời trước:

Muốn đua sông trước thì đua

Sông sau có miếu thờ vua xin đừng[16]


HỒ TRƯỜNG

(Trích từ bản thảo tác phẩm "Đất và người Duy Trinh những thế kỷ trước")



[1] Đại Nam liệt truyện tiền biên, NXB Thuận Hóa – Huế 1993,tr 23

[3] Đại Nam liệt truyện tiền biên, NXB Thuận Hóa – Huế 1993,tr 22

[4] Phan Khoang – Việt sử xứ Đàng Trong, tr 147

[5] Tham khảo thêm nội dung các chương ba và bốn.

[6] Phan Khoang – Việt sử xứ Đàng Trong, tr 148

[7] Bà Chúa Tàm tang xứ Quảng, tr 104

[8] PBTL, tr 62

[9] Phan Khoang – Việt sử xứ Đàng Trong, tr 127

[10] Phan Khoang – Việt sử xứ Đàng Trong, tr 128

[11] Li Tana – Xứ Đàng Trong, tr 85.

[12] Li Tana – Xứ Đàng Trong, tr 92

[13] Li Tana – Xứ Đàng Trong, tr 92

[14] Nguyễn Thị Tuyết – Vài nét chấm phá về người con gái họ Đoàn ở đất Đông châu Duy Xuyên, in trong tập Bà chúa Tàm tang xứ Quảng, tr 113

[15] Châu Yến Loan – Hiếu Chiêu Hoàng Hậu, tr 126

[16] Ngô Văn Minh – Về hai khu lăng mộ Vĩnh Diên và Vĩnh Diễn in trong tập sách Bà chúa Tàm tang xứ Quảng, tr 79