Được các nhà nghiên cứu di sản đánh giá là cây cầu đá cổ độc đáo còn nguyên vẹn chưa từng thấy ở bất cứ làng cổ nào của Đồng bằng sông Hồng. Đó là cầu Nôm. Hưng Yên còn có cây cầu đá cổ nữa là cầu Hồng, tuy không còn nguyên vẹn, nhưng niên đại còn sớm hơn cả cầu Nôm…
Cầu Nôm
Không chỉ mang giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc độc đáo, chiếc cầu đá cổ hơn 200 năm tuổi của làng Nôm, xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, được các nhà nghiên cứu di sản đánh giá là một công trình độc đáo còn nguyên vẹn chưa từng thấy ở bất cứ làng cổ nào của Đồng bằng sông Hồng.
|
Cầu Nôm, xã Đại Đồng (Văn Lâm) |
Đi qua chiếc cổng làng rêu phong, cổ kính uy nghi như cổng một tòa thành chúng tôi đến cầu Nôm bắc ngang dòng sông Nguyệt Đức. Nằm giữa quần thể di tích cổ kính làng Nôm, cầu Nôm là điểm nhấn độc đáo mang lại sức hút đặc biệt cho không gian văn hóa thuần Việt của làng.
Cầu được làm hoàn toàn bằng đá. Mặt cầu rộng gần 2m, làm bằng đá xanh nguyên khối, gắn khít nhau. Những phiến đá lớn được các nghệ nhân dân gian đục đẽo rất công phu. Cầu xây 9 nhịp, theo quan niệm của người xưa số 9 tượng trưng cho sự may mắn…
Dầm cầu hình chữ nhật. Mặc dù bị rêu mốc và cây leo bám, nhưng những nét văn hoa cổ tinh tế của cầu vẫn rất dễ quan sát. Hai bên thành cầu còn hầu như nguyên vẹn các mỏm đá dầm cầu được chạm trổ vân mây cách điệu, một họa tiết thường sử dụng trang trí trong kiến trúc cổ, được tạo tác công phu, nghệ thuật, rất xảo diệu và cầu kỳ, trông như những cái đầu rồng của những thuyền rồng mà vua chúa ngày xưa hay dùng để đi du ngoạn vậy.
Chân cầu là những cột đá hình trụ, không đều nhau được đẽo thô để gác dầm cầu, đã bị xói mòn bởi thời gian, trở nên rêu phong, cổ kính.
Điểm đặc biệt của cây cầu còn là tính bền vững về kết cấu. Mặc dù mặt cầu, mố cầu và chân cầu chỉ gác lên nhau chứ không có vật liệu liên kết, nhưng trải qua thời gian hơn 200 năm mặt cầu vẫn phẳng, chắc chắn và vững chãi. Điều đó cho thấy trình độ thiết kế, gia công vật liệu và thi công cầu của những người thợ ngày xưa rất đáng nể phục.
Các cụ cao niên của làng kể rằng, khi xưa cầu được làm bằng gỗ lim nhưng để thuận tiện cho giao thương vào chợ Nôm, sau cầu được xây dựng lại bằng đá. Trước đây còn có một cây gạo cổ to đẹp ở đầu cầu phía bên chùa Nôm, nhưng nay bị cụt ngọn vì gió bão, dù dân làng đã cố cứu nhưng cây chẳng còn nguyên vẹn…
Hơn hai thế kỷ đã qua, trải bao vật đổi sao dời, cây cầu vẫn vững chãi nối nhịp giao thương cho làng nghề đồng nát vang tiếng một thời và chứng kiến bao đổi thay của làng quê.
Cây cầu đá cổ còn gắn với câu chuyện về một trong người chiến sỹ cách mạng đầu tiên của làng Nôm, liệt sỹ Phùng Văn Thực, người đã không ngại hiểm nguy đứng ra bảo vệ sự tồn tại của cây cầu khi cầu bị bọn giặc tìm cách cài mìn đánh sập. Câu chuyện ấy giờ đây vẫn được người làng xúc động kể lại với niềm kính trọng và tự hào.
Cây cầu đá cổ là sự khác biệt trong kiến trúc của làng Nôm và cũng là một biểu tượng của ngôi làng cổ khi tên làng, tên cầu hòa làm một, đi vào câu ca dân gian.
Ai về cầu đá làng Nôm
Mà xem phong cảnh nước non hữu tình
Hoặc: Đồng nát thì về cầu Nôm
Con gái nỏ mồm về ở với cha…
Cầu Hồng
Lâu nay, người dân trong và ngoài tỉnh mới chỉ biết đến cây cầu đá cổ làng Nôm chứ ít người biết ở thôn Tống Xá, xã Tống Phan, huyện Phù Cừ cũng có cây cầu đá cổ “Hồng kiều” giống như cầu Nôm nhưng có niên đại sớm hơn. Trong khi cầu Nôm vẫn được giữ gìn hầu như nguyên vẹn thì cầu Hồng rất cần sự quan tâm bảo tồn của các ngành chức năng.
|
Cầu Hồng, xã Tống Phan (Phù Cừ) |
Cây cầu đá cổ này nằm ẩn mình giữa khu cỏ dại um tùm cách khu dân cư thôn Tống Xá khoảng 500m, phải phát quang khu vực xung quanh và bới một lớp đất mỏng, cây cầu đá cổ đó mới hiện ra.
Theo các cụ cao niên địa phương kể lại, trước đây cây cầu là nhịp cầu nối con đường chính dẫn vào làng, nhưng nay con đường và con sông mà cây cầu đó bắc qua không còn tồn tại.
Gần cây cầu có hai tấm bia cổ, thỉnh thoảng lại có một số nhà nghiên cứu di sản trong nước đến tìm hiểu qua những tấm bia này.
Bia được viết bằng chữ Hán, do sự bào mòn của thời gian nên những dòng chữ cổ trên hai tấm bia không được rõ nét vì vậy kết quả nghiên cứu của họ không được như mong muốn. Tuy nhiên những phần chữ lớn trên bia thì vẫn còn khá rõ; một tấm bia có ghi tiêu đề là “Hưng công hồng kiều tạo bi ký” có nghĩa là bia ghi công đức của nhân dân trong việc xây dựng cầu Hồng.
Niên đại của “Hồng kiều” vào khoảng thế kỷ XV, XVI. Chiếc cầu này được ghép từ nhiều phiến đá, những phiến đá được các nghệ nhân dân gian đục đẽo rất công phu. Chân cầu cũng là những cột đá hình trụ, những phiến đá ở mép cầu được chạm trổ hoa văn hình mây. Cây cầu hiện tại còn 5 nhịp, các đầu nhịp được chạm khắc hình rồng độc đáo…
Các cụ cao niên ở địa phương kể lại, cây cầu đá cổ của làng Tống Xá đã chứng kiến bao sự kiện lịch sử, nhất là trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Trận Phan Tống Xá lẫy lừng của đảng bộ và nhân dân xã Tống Phan anh hùng vẫn còn sống mãi trong ký ức nhân dân, cây cầu khi đó là giao điểm của các trận đánh giữa quân và dân ta với giặc Pháp. Một số mảng vỡ do đạn pháo của Pháp và của ta bắn vào thành cầu là minh chứng sống động cho những ngày tháng hào hùng đó.
Hiện tại “Hồng kiều” và các tấm bia cổ nằm tại khu vực hẻo lánh ngoài cánh đồng của thôn Tống Xá. Do không có người đi lại và bảo vệ nên cây cầu nay đã bị thất lạc hai đầu đường dẫn và những phiến đá mặt cầu đã bị xê dịch không theo thứ tự. Đặc biệt một số đoạn đã bị vỡ, người dân nơi đây cũng rất lo lắng không biết số phận “hồng kiều”, một di sản văn hóa quý của quê hương mai sau sẽ ra sao vì các cơ quan chức năng chưa có phương án bảo tồn…
Trí Dũng – Minh Huệ
(http://baohungyen.vn)