Bao đời nay, làng gốm ở thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp (Bắc Bình) không những gắn liền với đời sống sinh hoạt và giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, mà còn bảo tồn nét văn hóa độc đáo vốn có của người Chăm.
Nằm dọc tuyến quốc lộ 1A, cách trung tâm TP.Phan Thiết trên 60km về hướng Bắc, làng gốm Bình Đức hay còn gọi là làng Gọ khá có tiếng. Gốm là nghề truyền thống của người Chăm Bình Đức, làng có hơn 200 hộ theo nghề. Với đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân nắn nót, tạo dáng cho từng sản phẩm gốm đã cuốn hút chúng tôi quên cả cơn mưa nặng hạt vào đầu tháng 9 trên vùng đất Phan Hiệp. Trong căn nhà nhỏ của chị Trần Thị Hương, người gắn bó nhiều năm với làng gốm Bình Đức, từ sân trước đến phía sau nhà nơi đâu cũng nhìn thấy đồ gốm. Màu ngói đỏ, lấm chấm một ít màu đen như màu đất nung bị quá lửa làm cho sản phẩm gốm Bình Đức có nét độc đáo riêng. Chị Hương chia sẻ: “Được mẹ truyền nghề lại khi mới 15 tuổi với nghệ thuật làm những sản phẩm truyền thống. Để cải tiến mẫu mã, hợp với thị hiếu khách hàng, chị đã đi học hỏi thêm cách làm của các nghệ nhân ở tỉnh Ninh Thuận. Mặc dù thời buổi này, nhiều sản phẩm hiện đại làm từ những chất liệu tốt, tiện lợi nhưng đồ gốm vẫn được người dân tìm mua sử dụng, vì có sức hút riêng. Tuy không hiện đại, nhưng sản phẩm làm từ gốm ít độc hại, khi sản phẩm sử dụng sẽ phục vụ bếp núc cho ra món ăn ngon hơn. Gần đây, không chỉ khách du lịch ở các khu vực lân cận mua về sử dụng mà một số nhà hàng, khách sạn ở TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương cũng ra tận làng gốm đặt hàng với số lượng lớn”.
Gốm Chăm. Ảnh: Ngọc Lân |
Cũng theo chị Hương, nguyên liệu làm gốm là đất sét mịn, có độ dẻo cao được làm
sạch, đập nhuyễn, ngâm nước, sau đó nhồi với cát trắng hạt nhỏ theo tỷ lệ nhất
định. Phần lớn gốm Bình Đức được sản xuất bằng đất sét sông Quao. Loại đất sét
này được đánh giá cao về chất lượng, độ dẻo và mịn, thích hợp để làm đồ gốm và
cho ra những sản phẩm đẹp hơn những loại đất sét khác. Đặc biệt, với sản phẩm
gốm của đồng bào Chăm, các nghệ nhân không dùng bàn xoay mà dùng đôi bàn tay
khéo léo của mình để nặn ra những sản phẩm gốm phong phú, đẹp mắt. Tùy sản phẩm
mà có những nét hoa văn khác nhau, mỗi nét hoa văn thể hiện nền văn hóa truyền
thống của đồng bào Chăm. Dù không có nhiều nét cầu kỳ hoa văn, họa tiết, nhưng
mang nét dân dã và đặc trưng riêng trên từng sản phẩm qua bàn tay khéo léo của
người Chăm.
Nghề gốm ở thôn Bình Đức đã xuất hiện khá lâu đời, kể từ khi có những cư dân đầu
tiên đến khai khẩn vùng đất này. Tuy nhiên, nghề gốm gần như bị mai một suốt một
thời gian dài khi đời sống gặp khó khăn. Gần đây, làng gốm Bình Đức đã được vực
dậy nhờ sự đổi mới mẫu mã, cung ứng những mặt hàng mới, “đánh” trúng thị hiếu
khách hàng... Hiện nay, làng gốm Bình Đức có trên 100 mẫu gồm các mẫu gốm phong
thủy, tượng áp phù điêu, đèn đất... bán rất chạy trên thị trường. Tuy nhiên,
nghề gốm đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ, khéo léo nên đa phần người làm nghề là phụ
nữ. Ở tuổi 65, nhưng bà Thông Thị Sanh đã có trên 30 năm tuổi nghề. Bà Sanh cho
biết: 17 tuổi, bà được mẹ truyền nghề và tự tay mình nhào nặn nên những chiếc lò
đất đầu tiên. Kể từ đó cho đến nay, bà đã tự nuôi sống bản thân mình bằng nghề
“nắn đất kiếm tiền”. Hằng ngày, bà kiếm được 50 – 60 ngàn đồng nhờ làm gia công
cho các cơ sở gốm ở địa phương. “Các em gái trẻ ngày nay thường không thích làm
gốm bởi nhọc công nhưng thu nhập thấp. Tuy nhiên, thu nhập từ nghề này phần nào
trang trải được chi phí gia đình, lo lắng cho con cái học hành trong thời gian
nhàn rỗi”, bà Sanh cho biết thêm.
Sản phẩm gốm Bình Đức ở đây chủ yếu dùng trong sinh hoạt gia đình, như nồi cơm,
nồi kho cá, bình cắm hoa, bình phong thủy, lò… Vì đây là nghề làm thủ công nên
lợi nhuận không cao, sản phẩm trong mỗi thời điểm đều có nét đặc trưng riêng để
lôi cuốn, giữ chân được khách hàng và lưu giữ nét văn hóa riêng. Cho dù thế hệ
trẻ ngày nay có công ăn việc làm, thu nhập cao ở các công ty, xí nghiệp, nhưng
trong mỗi gia đình đều có truyền nghề lại cho một thành viên để lưu truyền lại
nét văn hóa cho thế hệ kế tiếp.
Thu Hà