Cở chữ: 06:27 PM,01/01/2012
Cầu Kè đón nhận bằng công nhận nhà cổ Huỳnh Kỳ di tích cấp tỉnh

         Huyện Cầu Kè vừa tổ chức lễ đón nhận bằng công nhận nhà cổ Huỳnh Kỳ là di tích cấp tỉnh, thành phố. Đến dự có đồng chí Thạch Suône, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Trà Vinh, đồng chí Thạch Phân, Phó Chủ tịch UBND huyện Cầu Kè, lãnh đạo Phòng văn hóa và thông tin huyện

                                                  Ngôi nhà chính của nhà cổ Huỳnh Kỳ được xây dựng từ đầu thập niên của thế kỉ XX (1924)        

          Trong thập niên này, ngoài ngôi nhà cổ của Hội đồng Trạch (thân sinh công tử Bạc Liêu, Trần Trinh Huy) còn giữ được cái vẽ đồ sộ (đồ thờ tự và trang trí nội thất vô cùng quí hiếm) thì Ngôi nhà cổ Huỳnh Kỳ ở huyện Cầu Kè là 01 trong 05 công trình nhà cổ còn giữ nguyên kiến trúc khá tốt ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

          Công trình được xây dựng gồm: Ngôi nhà chính và một số công trình phụ như: cổng rào, nhà sau và nhà kho.

          Ngôi nhà chính là hình chữ nhật theo hướng Bắc Nam có chiều dài 20,2 mét, rộng 18 mét, diện tích 318 m2, nền nhà cao gần một mét so với sân vườn, bó vĩa bằng đá xanh ken nhau dạng nền “Kim Quy”, lớp trên cùng viền quanh nhà lát một lớp gạch thẻ dựng đứng ngoài rài, nền lát gạch bông 20 x 20 cm với nhiều loại hoa văn khác nhau, tường nhà xây bằng gạch dày 40 cm để cùng chịu lực và ngăn nhiệt xâm nhập, mái nhà lợp ngói vẩy cá với 02 mái theo kiểu bắt vần, trên nóc mái bao quanh ngôi nhà và con lươn xây gạch trang trí bằng nhiều loại phù điêu khác nhau.

         Riêng phần mặt tiền có nhiều dãy băng trang trí. Ngay chính diện phía trên cùng là hình tượng song mã chầu hoa, hai bên là hai lục bình. Dãy băng ghế tiếp bên dưới có khắc dòng chữ trên tấm đá cẩm thạch là Huỳnh Kỳ - Prorielaire - Cầu Kè, hai bên là hai bông hoa với chóp nhọn phía trên, dưới nữa là hàng chữ số 1924 và  ba chữ Huỳnh Hòa Cung bằng chữ Hán, bên phải là Giáp Tý niên cũng bằng chữ Hán. Trần sảnh đón là 02 bức họa vẻ trên đồ án nhất long trong hình bầu dục với 05 vòng: trắng, xanh dương, xanh lá, xanh lục, xanh lơ.

         Các vách tường là các bức họa cảnh núi sông, nhà cửa, ghe thuyền. Hai bên sảnh đón là hai lối vào nhà thiết kế hình vòng cung với bậc tam cấp và hành lang trang trí những trụ lục bình mỗi bênh 22 trụ, cửa chính vào nhà có 04 cánh với 02 lớp cửa sắt theo kiểu Pháp đầu thế kỉ XX, bên ngoài cửa gổ lá sách bên trong chia hai phần gồm: phần bên duới hình chữ nhật, phần bên trên hình vòng cung.

         Mặt tiền của ngôi nhà còn có hai cửa sổ hình chữ nhật hai bên cửa chính. Vào nhà còn có hai cửa hông hai bên cũng theo kiểu cửa chính hình chữ nhật ở dưới, hình vòng cung ở trên, đặc biệt vào nhà theo 02 cửa hông còn phải qua hai bên có bức bình phong bằng gổ.

       Nội thất ngôi nhà gồm 05 gian được chia làm 02 phần trước và sau theo kiểu ngoại khách nội lưu (tức là bên ngoài là phòng khách bên trong là phòng nghỉ). Phần trước ngôi nhà không xây vách chia thành 02 gian mà chỉ xây lan can cột giả để ngăn cách thành 05 gian với 02 gian giữa rộng mỗi gian (4m x 7m), hai gian hai bên (3m x 4m), chiều cao trần 3,6 m. Nội thất bên trong ngôi nhà có 04 cột chính và 06 cột phụ, cột chính vuông, cột phụ tròn, trên các đầu cột, cửa, giáp mí giữa vách với trần đều được đắp các phù điêu hoa lá kiểu Châu Âu của những năm đầu thế kỉ XX, trên vách trên trần thì vẽ, đắp nổi tranh, trần giữa là bức tranh đề tài hoa lá, cảnh vật. Bên trái, bên phải tranh hóa lá dây, bức tranh bên trái ghi Ba Phú PEIN TRE Cần Thơ - 1938, bên phải ghi 02 chữ Mậu Dần bằng chữ Hán, các vách tường cũng vẽ mô tiếp tranh hoa lá dây nhưng lớn hơn trên trần.

       Đây là ngôi nhà có đường nét cổ kính, mang phong cách trang trí tiêu biểu cho kiến trúc Pháp đầu thế kỉ XX, ngoài giá trị về mặt kiến trúc, ngôi nhà cổ Huỳnh Kỳ còn là 01 công trình kiến trúc đặc sắc về điêu khắc và hội họa, các tượng, phù điêu trên mái, đầu cột và các vách trần nhà đều được điêu khắc các bức họa và nhiều loại hoa văn, họa tiết mang nét văn hóa đông tây (kinh- khmer- hoa) độc đáo riêng.

      Ngôi nhà là một chứng tích lịch sử cho một giai đoạn lịch sử của vùng đất Cầu Kè, Trà Vinh nói riêng và Nam Bộ nói chung trong những thập niên đầu của thế kỷ XX, nó đánh dấu một giai đoạn giai cấp địa chủ nắm gần toàn bộ tư liệu sản xuất cơ bản nông nghiệp, trong thời kỳ nông nghiệp đóng vai trò chủ đạo phần lớn toàn bộ nền kinh tế và đây còn là minh chứng lịch sử góp phần phản ánh 01 chế độ áp bức bóc lột, hà khắc của bọn thực dân phong kiến, tai sai, địa chủ ở đầu thế kỉ XX. Qua gần 01 thế kỷ xây dựng đến nay công trình kiến trúc nhà cổ Huỳnh Kỳ vẫn còn giữ nguyên được kiểu dáng kiến trúc ban đầu và còn lưu giữ hơn 30 hiện vật nội thất có giá trị cổ xưa.

      Với những đặc trưng hình dáng kiến trúc và các hiện vật cổ xưa, UBND tỉnh Trà Vinh đã ra quyết định công nhận nhà cổ Huỳnh Kỳ là di tích cấp tỉnh, thành phố theo luật di sản Việt Nam.

    Lễ trao bằng công nhận di tích

       Đây sẽ là nơi dừng chân lý tưởng để mỗi khi các du khách khắp nơi khi có dịp đặt chân đến thăm, tham quan du lịch trên quê hương Cầu Kè nói riêng và tỉnh Trà Vinh nói chung./.

                             Bài, ảnh: NGUYỄN HỪNG

                                            ĐÀI TT CẦU KÈ

 

In bài

Bản đồ hành chính

Tổng số người truy cập