Đó là khẳng định của nhà “Hà Tiên học” Trương Minh Đạt. Theo ông thì đây là sự lầm lẫn đáng tiếc xảy ra do các tác giả Đông Hồ và Mộng Tuyết, và điều này ông đã có bài viết đăng trên Tạp chí Nghiên cứu lịch sử hồi năm 1999.
Châu Nham ở Bãi Ớt
Ông Đạt đưa ra các nguồn tài liệu để chứng minh cho ý kiến của mình là sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, Đại Nam thực lục chính biên của Quốc sử quán triều Nguyễn, Nam kỳ lục tỉnh dư địa chí của Duy Minh Thị... Và gần nhất là Địa chí Hà Tiên in năm 1901 của người Pháp.
Đặc biệt, Gia Định thành thông chí mô tả khá chi tiết: “Châu Nham tục danh là Bãi Ớt, cách phía đông trấn 22 dặm rưỡi, đỉnh núi tròn xoe, sườn đá chênh vênh chạy thẳng đến bờ biển, có những ghềnh rạng gồ ghề, vũng sâu bùn cát bao bọc hai bên tả hữu. Trong vũng có đá tinh quang, ở dưới có nhiều con sò sọc đỏ. Tương truyền khi Mạc Cửu còn nhỏ đi đến dưới nham ấy bắt được ngọc châu kính thốn quý báu vô giá. Cửu đem dâng cho vua...”. Địa chí Hà Tiên ghi vắn tắt “Đồi Châu Nham trong cụm núi Bãi Ớt, xưa che giấu một viên ngọc trai quý vô giá”.
Vào thời Minh Mạng ở đó có lập một đồn binh, cử ra 50 người đi xuống khu vực Bình An - Hòn Chông để mở rộng sản xuất, cung cấp lương thực cho đồn Châu Nham. Sách Đại Nam thực lục chính biên có ghi lại việc Trần Chấn chọn được vùng thôn Bình An, gần đồn Châu Nham có đất bỏ không, có thể cày cấy được, bèn liệu định thế rộng hẹp, xin 50 người giữ đồn Châu Nham, 100 người đến đó cày cấy, lập đồn điền Bình An, nay thuộc khu vực xã (Bình An) và Dương Hòa. Đây đích thực là Châu Nham trong bài thơ Châu Nham lạc lộ của Mạc Thiên Tích.
Núi Thạch Động - Ảnh: H.P
|
Cũng theo ông Trương Minh Đạt thì trong sách Minh Mạng chính yếu có một câu ý nói Châu Nham ở núi Đá Dựng. Ý đó khiến người đời sau làm căn cứ khẳng định Châu Nham là Đá Dựng. Sự lầm lẫn này kéo dài rồi tiếp tục được củng cố bởi các bài báo trong những năm đầu thế kỷ 20. Chẳng hạn trong bài ký Chơi Châu Nham của Đông Hồ, đăng trên Đông Pháp thời báo năm 1926, có đoạn mở đầu rằng Châu Nham lạc lộ tục gọi là núi Đá Dựng, là một cảnh trong Hà Tiên thập cảnh vịnh của Mạc Thiên Tích. Bài viết này có nhiều sai lạc cả về vị trí của núi Đá Dựng và ý nghĩa của hai chữ Châu Nham.
Bài báo trên sau đó được đăng lại trên Nam Phong tạp chí tháng 9.1930. Thời gian sau nhà thơ Đông Hồ và Mộng Tuyết ra quyển sách Hà Tiên thập cảnh - Đường vào Hà Tiên, một dạng sách bỏ túi giới thiệu du lịch do Nhà xuất bản Bốn Phương ấn hành năm 1960. Rồi năm 1970, bộ giáo trình Văn học miền Nam - Văn học Hà Tiên được Nhà xuất bản Quỳnh Lâm, Sài Gòn in, cùng một số bài viết trên các báo ở miền Nam thời đó đều ghi theo những điều mà nhà thơ Đông Hồ viết Châu Nham là núi Đá Dựng , tiếp tục quảng bá sự sai lầm đó cho đến ngày nay.
Trận đánh Châu Nham
Đồn Châu Nham xưa do Trần Chấn thiết lập vào năm Minh Mạng thứ 16 (1835) tại khu Bãi Ớt, xã Dương Hòa. Căn cứ thư tịch thì đồn Châu Nham thời Nguyễn quân số không đông, chỉ khoảng độ vài trăm người, trong đó hai phần ba quân số phải làm nhiệm vụ sản xuất lương thực. Chốt giữ đồn thường trực có khoảng 50 lính. Tuy nhiên, đây là địa đầu thường xuyên phải đối phó với giặc cướp, bọn thổ phỉ và xâm lược.
Theo nhà nghiên cứu Trương Minh Đạt, khi lập đồn điền đầu tiên tại Hà Tiên, đồn Châu Nham có khoảng 100 lính người Phiên (Khmer) trấn giữ. Đến khi thổ phỉ các nơi nổi lên, người Phiên làm phản, chiếm đồn Châu Nham làm cứ điểm chống lại triều đình. Đại Nam thực lục ghi chép sự kiện này như sau: “Năm Minh Mệnh thứ 21 (Canh Tý, 1840), bọn thổ phỉ ở Hà Tiên có hơn 2.000 tên, đánh vây đồn Châu Nham rồi đốt đài Hỏa Phong ở núi Lộc Tỵ (Mũi Nai), đánh trống reo hò tiến sát đến lũy dài. Giặc chiếm giữ đồn Chu (Châu - PV) Nham”.
Bấy giờ, quyền thự Tổng đốc An-Hà là Dương Văn Phong, đem binh chia đường đánh dẹp. Phó vệ úy thủ vệ Định Tường Nguyễn Văn Điệp; Cai đội thủy vệ An Giang Ngô Thiên Tường và biền binh tất cả hơn 70 người bị chết trận, súng nhỏ súng lớn bị thất lạc nhiều. Tháng 10 cùng năm, Dương Văn Phong đã thu lại đồn Châu Nham. Bọn giặc từ sau khi vòng vây ở Quảng Biên bị tan vỡ, đều đến đấy tụ họp đến 3.000 người. Phong bắt phá chằm rậm/rừng hoang, bắc cầu, rồi đích thân chỉ huy 900 binh dũng, chia đường đồng loạt tiến quân. Giặc dựa chỗ hiểm chống cự lại, quân ta không tránh gươm giáo, tranh nhau lên trước lũy. Hương dũng là Nguyễn Văn Tuấn xông pha trong trận, chém được thủ cấp tên đầu sỏ giặc là Nha Tiên. Bọn giặc khiếp sợ, quan binh thừa thế, hoặc lấy dao chém, hoặc lấy giáo đâm, giết chết và đâm bị thương vô kể, giặc bỏ đồn chạy tan, thu được súng và khí giới rất nhiều.
Năm Thiệu Trị thứ nhất (Tân Sửu, 1841), vào tháng 3, bọn thổ phỉ ở Hà Tiên lại vây đánh đồn Châu Nham, quân có đến hàng nghìn. Án sát Huỳnh Mẫn Đạt cho Lãnh binh Nguyễn Văn Thai và Phó quản cơ Dương Văn Thuận đem quân đến hiệp sức giữ đồn rồi sai người phi báo cho thành Trấn Tây phái thêm quân tiếp viện...
Sau những trận đánh liên miên, tháng 11 năm Tân Sửu (1841), Lĩnh tuần phủ tỉnh An Giang là Nguyễn Công Trứ tâu với triều đình xin bố trí lại lực lượng biên phòng: “Hà Tiên là đất xung yếu, phía đông giáp với Đông Hồ, đông nam tiếp giáp với biển, có thể dựa vào thế hiểm trở thiên nhiên ấy được, duy hai mặt tây, bắc, đường bộ đi thông ba ngả, mà đồn Châu Nham cách tỉnh vài chục trượng, chỗ lũy đất đặt súng cùng đối diện nhau, bắn ra không tiện. Xin cho đặt vài ba cỗ súng lớn trên núi Bình Sơn trong lũy để khống chế mặt tây, bắc. Trên núi Tô Châu xin dựng một vọng lâu, đặt 2 cỗ súng lớn để khống chế mặt đông nam. Và triệt bỏ đồn Chu Nham để cho đỡ bớt binh lực”. Vua nghe theo lời tâu ấy.
Hà Tiên có 2 Thạch Động, một Thạch Động nằm cạnh đường lên cửa khẩu Xà Xía và hai là núi Đá Dựng. Núi Đá Dựng có nhiều hang động, xưa có một nhà sư trụ trì chùa Tiên Sơn đã liên tưởng các hang động và hình thù cây đàn đá rồi gán ghép vào câu chuyện Thạch Sanh - Lý Thông cho ra một dị bản “Thạch Sanh chém chằn”, hấp dẫn không kém bản Thạch Sanh - Lý Thông ở các tỉnh phía bắc.
|
Hoàng Phương - Ngọc Phan
>> Kiểm tra tổng thể các núi đá ở Thất Sơn