Notice: Undefined index: HTTP_USER_AGENT in /home/phunu/public_html/libraries/fsmobile.php on line 12 Hoàng hậu Từ Dũ và những câu chuyện dạy con làm vua

Tìm kiếm

Hoàng hậu Từ Dũ và những câu chuyện dạy con làm vua

Cập nhật lúc: 06:26 17/05/2012
Hoàng hậu Từ Dũ và những câu chuyện dạy con làm vua

(Khám phá) - Cũng chính nhờ có sự dạy dỗ của bà mà sau này vua Tự Đức trở thành vị vua tốt, là người ham học, hiểu biết nhiều và đặc biệt rất yêu thích thơ văn – được mệnh danh là vị vua hay chữ nhất triều Nguyễn.

Thái hậu Từ Dũ là vợ vua Thiệu Trị và là mẹ vua Tự Đức. Bà không chỉ nổi tiếng là người thông minh, xinh đẹp, đức hạnh, biết yêu quí nhân dân mà còn được biết đến như một người mẹ rất giỏi trong việc nuôi cái.

Cũng chính nhờ có sự dạy dỗ của bà mà sau này vua Tự Đức trở thành vị vua tốt, là người ham học, hiểu biết nhiều và đặc biệt rất yêu thích thơ văn – được mệnh danh là vị vua hay chữ nhất triều Nguyễn.

Thái hậu Từ Dụ tên thật là Phạm Thị Hằng, tên tự Nguyệt, Thường hoặc Hào. Bà sinh ngày 20/6/1810 tại Sơn Quy, làng Gò Công, huyện Tân Hòa, tỉnh Gia Định.

Thái hậu Từ Dũ là trưởng nữ của Quốc công Phạm Đăng Hưng với bà Phạm Thị Vị. Ngay từ thuở nhỏ, thái hậu Từ Dũ đã nổi tiếng thông minh, xinh đẹp, hiếu thuận, ham đọc sách.

Năm lên 14 tuổi, bà được Thuận Thiên Cao Hoàng Hậu Trần Thị Đang, vợ kế của vua Gia Long, tuyển triệu vào hầu Hoàng trưởng tử Nguyễn Phúc Miên Tông, con vua Minh Mạng.

Đến năm 15 tuổi, bà sinh con gái đầu lòng là Diên Phúc công chúa Nguyễn Phúc Tĩnh Hảo. Năm sau, bà lại sinh cô công chúa thứ 2 là công chúa Nguyễn Phúc Uyên Ý.

Ngày 22/9/1829, bà sinh người con thứ 3 là trai, đặt tên là Nguyễn Phúc Thì tức Nguyễn Phúc Hồng Nhậm, chính là vua Tự Đức sau này.

Năm 1841, Miên Tông lên ngôi, đặt niên hiệu là Thiệu Trị, bà trở thành Cung tần, được giữ chức Thượng nghi để coi sóc lục thượng. Hai năm sau, bà được phong Thần phi. Qua đầu năm Thiệu Trị thứ 6, tức là năm 1846, bà được phong làm Giai phi, rồi Nhất giai phi.

Đến năm 1847, vua Thiệu Trị mất, con bà là Hồng Nhậm được chọn nối nghiệp, tức vua Tự Đức.

Lên ngôi vua, Tự Đức nhiều lần ngỏ ý định tấn tôn cho mẹ, nhưng bà nhất định chối từ.

Mãi đến ngày 15 tháng 4 năm Tự Đức thứ 2, tức 7/5/1849, nhân dịp khánh thành cung Gia Thọ, bà mới thuận nhận Kim bảo và tôn hiệu là Hoàng Thái hậu.

Tháng 6/1883, vua Tự Đức mất, để di chiếu tôn bà làm Từ Dụ Thái hoàng Thái hậu. Nhưng vì việc nước lắm rối ren nên mãi đến năm 1885, vua Hàm Nghi mới có thể làm lễ tấn tôn cho bà theo di chiếu.

Cũng ngay năm đó, sau lễ tấn tôn trên, Kinh thành Huế thất thủ, bà cùng với hai bà vợ vua Tự Đức là Hoàng Thái hậu và Hoàng Thái phi, theo vua Hàm Nghi chạy ra đến Quảng Trị. Sau lời tâu xin của nhà vua, bà và hai người con dâu mới trở lại Huế.

Năm 1887, nhà vua tấn tôn mỹ hiệu cho bà là Từ Dụ Bát huệ Thái hoàng Thái hậu.

Năm 1889, Thành Thái nguyên niên, nhân dịp mừng bà thọ 80 tuổi, bà được dâng tôn hiệu là Từ Dụ Bát huệ Khang thọ Thái thái hoàng Thái hậu.

Hoàng Thái hậu Từ Dũ có tính tình đoan chính, nhàn nhã, cử chỉ khiêm cung lễ độ, ở trong cung ai cũng cảm mến và quý trọng đức độ. Khi vua Thiệu Trị rảnh việc, đọc sách đến nửa đêm chưa ngủ, bà vẫn thức hầu không biết mỏi mệt.

Mỗi lần vua Tự Đức vào hầu, bà thường khuyên dạy và nhà vua ghi lại những lời nói ấy trong sách “Từ Huấn Lục”.

Trong cuộc sống hằng ngày, bà rất tiết kiệm và nghiêm khắc đối với sự lãng phí, xa hoa. Bà thẳng thắn phê phán tệ tham ô chức quyền trong triều chính và các địa hạt.

Bà nói: “Từ xưa đến nay, quan lại chỉ một chữ tham mà chưa trừ được. Mọt nước hại dân cũng từ đó mà ra. Làm quan mấy năm vị nào cũng giầu có gấp bội. Của ấy không lấy của dân thì lấy ? Nên phải quyết trừ”.

 Rồi bà lại khuyên triều thần: “Một sợi tơ, một hột gạo cũng đều là máu mỡ của dân, cho nên lãng phí đã không ích gì, mà lại đáng tiếc lắm vậy, chi bằng cất vào kho để dùng vào việc nước”.

Từ Dũ hoàng hậu
Từ Dũ hoàng hậu


Bà phê phán gắt gao kẻ dựa vào quyền thế gia tộc của bà để cầu vinh, hoặc che chở kẻ phạm pháp.

Hoàng hậu Từ Dũ cũng bảo vua Tự Đức rằng: “Người trong dòng họ chớ lo việc không được làm quan, phải chuyên cần học hỏi, thi đậu vẻ vang gia tộc, chỉ lo là bất tài mà thôi. Ngoài ra, kẻ làm điều trái phép, Hoàng đế nên triệu về kinh, nghiêm trị để làm gương cho người ta biết”.

Cùng với đó, thái hậu Từ Dũ cũng rất trân trọng các quan trung thần, muốn có nhiều người như Võ Trọng Bình thanh liêm, Phạm Phú Thứ thẳng thắn và Nguyễn Tri Phương công trung cần cán không từ việc mệt nhọc.

Bà thường nói nếu được nhiều người như vậy, đặt ra mỗi tỉnh một người thì việc nước, việc dân được bổ ích rất nhiều, mà vua cũng khỏi lo nhọc ngày đêm, ngặt vì còn có những tham quan bóc lột của dân không chán, mà lại không biết hối cải.

Những của bất nghĩa không được tồn tại, được vài đời đã khánh tận, sau con cháu cùng khổ, thiên hạ chê cười, chi bằng làm điều nhân nghĩa, lưu truyền phước trạch lâu dài.

Cho đến nay, sử sách vẫn còn ghi chép lại nhiều công lao cũng như đức tính tốt đẹp của Từ Dũ thái hậu.

Sách “Việt Nam sử lược” của Trần Trọng Kim có chép rằng: “Đức Từ Dụ thuộc sử sách đã nhiều mà biết việc đời cũng rộng. Khi Đức Từ Dụ ban câu chi hay, thì ngài biên ngay vào một quyển giấy gọi là Từ Huấn Lục”.
Hay như ở Gò Công hiện còn lưu truyền mấy câu thơ ca ngợi đức tính tốt đẹp của bà và nhắc việc bà được tiến cung:

“Trời xanh quốc mẫu nết na hiền,
Thuở tuổi mười hai đã tự nhiên.
Giồng lệ thủy tượng trưng thánh chúa,
Gò Sơn Qui triệu ứng thiên duyên”

Trong số những công lao của bà Từ Dũ, phải nhắc đến công lao bà đã nuôi dạy vua Tự Đức để ông trở thành một trong những ông vua giỏi thơ văn, hay chữ bậc nhất trong lịch sử các vị vua phong kiến ở nước ta.

Ngày nay, trong dân gian và lịch sử còn lưu truyền những giai thoại dạy con của bà Từ Dũ. Trong cuốn “Thành ngữ điển tích danh nhân từ điển” cũng có chuyện kể về đức tốt của Thái hậu Từ Dũ.

Chuyện kể rằng nhân lễ ngũ tuần, vua Tự Đức cùng đình thần dâng sớ khẩn thỉnh tấn tôn mỹ hiệu, bà dụ rằng: “Ta đã được thiên hạ phụng sự, thì nên lo những việc thiên hạ đương lo. Năm nay chưa đặng mùa, nhân dân đều chưa được vui sướng, chính lúc Hoàng đế phải chăm lo, lòng ta nào nỡ thản nhiên.

Vả lại tính ta vốn kiệm ước chẳng chuộng phù hoa, không ngờ ngày nay hưởng được tôn vinh, ta thường e sợ, tu tỉnh chẳng rồi, huống chi còn gia thêm cho hư danh để ta còn nặng cái lỗi thất đức hay sao?

Vậy thì sớ thỉnh ấy nên bãi đi, chỉ nguyện chư công và quần thần lo giúp chính trị, giáo dục thế nào cho ta được thấy thanh trị thái bình, thì không chi vui bằng”.

Lo lắng đến cuộc sống nhân dân, bà thường hỏi vua Tự Đức về việc đắt thất và dạy bảo những điều thiết thực về chính trị.

Năm 1874, khi hay tin Pháp xâm chiếm toàn cõi Nam Kỳ và buộc triều đình Huế ký hòa ước nhượng địa, bà bỏ cả ăn uống, mặt ủ mày chau theo vận nước khuynh nguy.

Hay như trong bài “Tượng đài sông Hương: Thái hậu Từ Dũ”, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã viết: “Bà là người con gái đất Gò Công, lúc ban đầu vào Huế làm cung nữ hầu vua Thiệu Trị.

 Nhà vua ngự giá Bắc tuần, nàng theo giúp việc hàn mặc, nổi tiếng thông minh và linh hoạt... Nghe nói bà Từ Dũ còn là người đưa giống cá thác lát từ quê nhà ở Nam Bộ ra gây giống ở thành phố Huế. Cá sinh sôi đến ngày nay đầy hồ đầy sông.

Ở Huế bà nổi tiếng là một bà thái hậu rất thương dân. Hằng năm đến lễ mừng thăng cấp, mừng thọ của bà, bà đều tìm cách thoái thác hoặc trì hoãn, thực chất là sợ khổ dân.

Hồi ấy người Pháp cho bắc lại cây cầu Trường Tiền bằng sắt và bắt dân phải nộp thêm thuế, nói là lấy kinh phí làm cầu.

Bà Từ Dũ tự nguyện thay mặt cho dân viết một lá đơn xin quan Tây miễn thuế”. Vậy nên, người dân Huế đã có bài vè “Bà Từ Dũ xin thuế cho dân”.

Chính vì những đức tính tốt cũng như sự giáo dưỡng nghiêm khắc mà bà đã dành cho vua Tự Đức mà vua Tự Đức luôn luôn rất coi trọng ý kiến của Từ Dũ Thái hậu. Khi mắc lỗi thì vua Tự Đức ngay lập tức xin lỗi bà.
Chuyện kể rằng, nhân một hôm rảnh việc nước, vua ngự bắn tại rừng Thuận Trực, gặp phải khi nước lụt. Còn hai ngày nữa thì có kị đức Hiến Tổ, mà vua chưa ngự về. Đức Từ Dũ nóng ruột, sai quan đại thần là Nguyễn Tri Phương đi rước.

Nguyễn Tri Phương đi được nửa đường, vừa gặp thuyền ngự đương chèo lên, mà nước thì chảy mạnh, thuyền không đi mau được.

Gần tối thuyền ngự mới tới bến. Khi ấy trời đang mưa, mà vua vội vàng lên kiệu trần đi thẳng sang cung, lạy xin chịu tội. Đức Từ Dũ ngồi xoay mặt vào màn, chẳng nói chẳng rằng chi cả.

Vua Tự Đức bèn lấy một cây roi mây, dâng lên để trên ghế trát kỷ rồi ngài nằm xuống xin chịu đòn. Cách một hồi lâu, đức Từ Dũ xoay mặt ra lấy tay hất cái roi mà ban rằng: “Thôi, tha cho! Đi chơi để cho quan quân cực khổ thì phải ban thưởng cho người ta, rồi sớm mai đi hầu kị”.

Vua Tự Đức lạy tạ lui về. Nội đêm đó, vua Tự Đức phê thưởng cho các quan quân đi hầu ngự...

Làng Từ Dũ
Làng Từ Dũ


Thái hậu Từ Dũ mất ngày 12/5/1902, thọ 92 tuổi. Bà được dâng tên thụy là Nghi thiên tán thành, Từ Dụ Bác huệ trai túc tuệ đạt thọ đức nhân công Chương hoàng hậu, gọi tắt là Từ Dụ Nghi thiên Chương hoàng hậu.

Ngày 20/5/1902, triều đình cử hành đại lễ an táng bà gần phía sau bên trái Xương Lăng – lăng của vua Thiệu Trị và có tên là Lăng Xương Thọ.

Hiện nay, toàn thể khu lăng này tọa lạc tại chân một dãy núi Thuận Đạo, thuộc làng Cư Chánh, xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy, Huế, cách Kinh thành Huế chừng 8 km.

 Lễ xong, bài vị của bà được thờ ở Bửu Ðức điện trong Xương Lăng, được thờ ở Thế Miếu trong Hoàng thành Huế. Và cũng bởi những đức tính tốt đẹp của bà, người ta đã chọn tên bà để đặt tên cho một bệnh viện: bệnh viện Từ Dũ tại 284, Cống Quỳnh, Quận nhất, Thành phố Hồ Chí Minh.

  • Đinh Minh


[links()]

Theo Nguoiduatin





Chịu trách nhiệm nội dung:
Lương Thúy Hà

Giấy phép số: 1450/GP do Sở TTTT Hà Nội cấp ngày 21/5/2014.
Bản quyền và phát triển bởi Công ty cổ phần Truyền thông Kết Nối Sáng Tạo.
Địa chỉ: P3005, Toà nhà 34T, Hoàng Đạo Thuý, Cầu Giấy, Hà Nội.
Đường dây nóng: 0915151975 - 0976791616 - Email: tkts@phunutoday.vn.
Liên hệ Quảng cáo: 0963 888 883

2.00015 sec| 1816.391 kb