Lược Sử
Giáo Phận Bùi Chu
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
A. Lược Sử Giáo Phận Bùi Chu
Bùi Chu cho đến bây giờ vẫn được coi là nơi đầu tiên đón nhận Tin Mừng tại Việt Nam:
"Gia-tô, dã lục, Lê Trang Tông, Nguyên Hòa nguyên niên, tam nguyệt nhật, Dương nhân danh Y-nê-xu tiềm lai Nam Chân chi Ninh Cường, Quần Anh, Giao Thuỷ chi Trà Lũ âm dĩ Gia-tô tả đạo truyền giáo --- Tháng 3 năm Nguyên Hòa thứ nhất (1533), đời Lê Trang Tông, ngươì Tây Dương tên là Ynêxu lén lút đến làng Trà Lũ huyện Giao Thuỷ, ngấm ngầm truyền tả đạo Giatô" (Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm Ðịnh Việt Sử Thông Giám Cương Mục, quyển XXXIII, tờ 5-6, cf. quyển XLI, tờ 24-25).
Những dòng lịch sử tuy vắn gọn, nhưng lại là lời mở đầu rất đẹp cho dòng lịch sử Giáo hội Việt Nam và đặc biệt Giáo phận Bùi Chu.
Thêm vào trang sử của Giáo hội Việt Nam, trong số 117 vị thánh chứng nhân Việt Nam: có 26 vị sinh quán tại Bùi Chu và 18 vị phục vụ tại Bùi Chu, như vậy giáo phận Bùi Chu có 44 vị thánh đại diện 514 tôi tớ Chúa và khoảng 16,500 người đã chết để làm chứng cho Chúa thuộc hàng giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân trong giáo phận Bùi Chu.
Từ năm 1640-1954, Bùi Chu là vùng truyền giáo. Sau đó, vào năm 1960, giáo phận Bùi chu được Tòa Thánh nâng lên bậc giáo phận chính tòa. Tuy có diện tích nhỏ nhất, nhưng giáo phận Bùi Chu có số giáo hữu đông nhất trong Giáo Hội Việt Nam. Qúa trình lịch sử này được tóm lược như sau:
Năm 1659, Tòa Thánh chính thức thành lập hai giáo phận tại Việt Nam thì vùng đất Bùi Chu đã có đông giáo hữu thuộc giáo phận Ðàng Ngoài do các thừa sai dòng Tên phục vụ, từ năm 1676 thêm các cha Ða Minh.
Ngày 19-2-1670, Ðức cha P. Lambert de la Motte lập dòng cho hai chị Phaolô và Anê tại họ Bắc Câu, xứ Kiên Lao. Cũng năm 1670, Kiên Lao là giáo xứ có đông giáo hữu nhất trong giáo phận Ðàng Ngoài và cha Simon Kiên (nguyên quán) phục vụ rồi qua đời tại đây (1671-1673).
Năm 1679, giáo phận Ðàng Ngoài được chia làm hai: Tây Ðàng Ngoài do Ðức cha Jacques de Bourges cai quản, giáo phận Ðông Ðàng Ngoài do Ðức cha F. Deydier Phan cai quản. Suốt thời gian 1679-1848, tòa giám mục thường được đặt tại Lục Thuỷ Hạ (nay là Liên Thủy), Trà Lũ, Trung Linh, Bùi Chu.
Năm 1848, Tòa Thánh chia đôi giáo phận Ðông Ðàng Ngoài: một giữ tên cũ giáo phận Ðông và một lấy tên giáo phận Trung do Ðức cha Domingo Marti Gia coi sóc. Gọi là Trung vì nó nằm giữa giáo phận Ðông và Tây. Giáo phận mới tuy hẹp đất nhưng số giáo hữu đông gấp ba lần giáo phận cũ. Giáo phận Ðông có 45,000 tín hữu, giáo phận Trung có tới 139,000 tín hữu.
Năm 1858, Ðức cha Valentin Berrio Ochoa Vinh và cha chính Emmanuel Riano Hòa dâng giáo phận cho Ðức Trinh Nữ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội và hứa sẽ xây dựng một nhà thờ khang trang để kính Ðức Mẹ. Sau nhiều lần xây dựng, đến thánh Phú Nhai hiện nay (xức dầu thánh hiến trọng thể vào ngày 7-12-1933) là chứng tích tình Mẹ che chở giáo phận và lòng yêu mến của toàn thể con cái Bùi Chu đối với Ðức Trinh Nữ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội.
Ngày 3-12-1924, tất cả các giáo phận ở Việt Nam đều được Tòa Thánh đổi tên theo địa hạt hành chính nơi đặt tòa giám mục, nên giáo phận Trung được đổi thành giáo phận Bùi Chu do Ðức cha Pedro Munagorri Trung coi sóc.
Năm 1936, Tòa Thánh chia giáo phận Bùi Chu thành hai: một giữ tên cũ Bùi Chu do Ðức cha Ðôminicô Maria Hồ Ngọc Cẩn coi sóc, một lấy tên giáo phận Thái Bình.
Năm 1960, giáo phận tông tòa Bùi Chu được nâng lên giáo phận chính tòa do Ðức cha Giuse Phạm Năng Tĩnh coi sóc.
Sắc chỉ thành lập
Việc thành lập giáo phận Bùi Chu đã được Tòa Thánh chính thức ban sắc ba lần:
- Trước hết, ngày 5-9-1848 với Sắc lệnh Apostolatus Officium, Ðức Giáo Hoàng Piô IX công bố chia giáo phận Ðông Ðàng Ngoài thành hai: giáo phận Trung (Bùi Chu) gồm hai tỉnh Hưng Yên, Thái Bình và 2/3 tỉnh Nam Ðịnh. Phần còn lại mang tên cũ là giáo phận Ðông.
- Ngày 3-12-1924, lễ Thánh Phanxicô Xaviê, bổn mạng các xứ truyền giáo, thể theo nguyện vọng của các đấng bản quyền Ðông Dương, qua Sắc Lệnh Ordinarie Indosinensis, Ðức Giáo Hoàng Piô XI đã đổi danh xưng địa dư ra danh xưng địa phương: giáo phận Trung ra Bùi Chu, giáo phận Ðông ra Hải Phòng, giáo phận Tây ra Hà Nội.
- Ngày 9-3-1936, một biến cố lịch sử vẻ vang, cũng Ðức Giáo Hoàng Piô XI đã ban Sắc Proecipuas inter Apostolicas quyết định chia giáo phận Bùi Chu, lấy lãnh thổ tỉnh Thái Bình và Hưng Yên để thành lập giáo phận Thái Bình. Phần còn lại vẫn giữ nguyên tên giáo phận Bùi Chu và được trao cho hàng giáo sĩ bản quốc coi sóc. Thế là lịch sử giáo phận Bùi Chu đã sang trang mới.
B. Ðịa Lý và Dân Số
Ranh giới: Giáo Phận Bùi Chu biện nay nằm gọn trong tỉnh Nam Ðịnh, bao gồm sáu huyện (Xuân Trường, Giao Thủy, Hải Hậu, Nam Trực, Trực Ninh, Nghĩa Hưng) và khu vực xứ Khoái Ðồng, thành phố Nam Ðịnh. Phía Ðông Bắc là giáo phận Thái Bình, phía Tây Bắc là sông Ðào nối sông Hồng với sông Ðáy phân ranh giới với giáo phận Hà Nội, và phía Tây Nam là giáo phận Phát Diệm và phía Ðông Nam là biển Ðông (vịnh Bắc Bộ). Diện tích 1,350 km2.
Dân cư: Tổng dân số địa phương trong 6 huyện và khu vực xứ Khoái Ðồng, thành phố Nam Ðịnh, thuộc giáo phận Bùi Chu là 1,336,400 người. Số giáo dân Công giáo là 380,130 người, chiếm tỷ lệ 28,44%. Giáo phận thuộc khu vực đồng bằng Bắc Bộ nên 100% là dân tộc Kinh.
Nghề nghiệp: Dân chúng Bùi Chu có khoảng 84% làm nông nghiệp, 5% làm muối và đi biển, 11% làm nghề thương mại, cơ khí kỹ nghệ, tiểu thủ công nghiệp...
Những con sông cần nhớ: hai con sông Hồng và sông Ðáy tựa như hai cánh tay khỏe bao bọc lấy giáo phận Bùi Chu, cung cấp nước và phù sa cho những cánh đồng phì nhiêu màu mỡ. Nhờ thế tạo nên khu vực rất trù phú, dân cư đông đúc, sống hiền lành chất phác. Ðây thật là môi trường thuận lợi cho việc đón nhận và phát triển Tin Mừng. Ngoài ra, con sông Ninh Cơ, một nhánh của sông Hồng, nằm giữa giáo phận, tuy không lớn bằng hai sông trên nhưng có vai trò rất quan trọng. Ngoài việc đưa nước và phù sa đến tất cả các huyện, nó còn là trục giao thông rất thuận tiện nữa. Những con sông trên đều in đậm dấu vết những cuộc hành trình rao giảng Tin Mừng của các nhà truyền giáo.
C. Các nhà thờ và đền thánh
- Nhà thờ Chính Tòa Bùi Chu: Nhà thờ được xây dựng từ thời Ðức cha Wenceslao Onate Thuận (1884), chiều dài 78m, rộng 22m, cao 15m. Trải qua hơn 100 năm, ngôi nhà thờ này vẫn đứng vững với những cột gỗ lim và những đường nét hoa văn, thật xứng đáng là nhà thờ mẹ của các nhà thờ trong giáo phận.
- Ðền thánh Phú Nhai với diện tích 2,160m2, dài 80m, rộng 27m, cao 30m, tháp cao 44m, được xây theo lối kiến trúc Gothic thật nguy nga tráng lệ. Ðây là biểu tượng lòng yêu mến Ðức Mẹ của con cái Bùi Chu.
- Ðền Các Thánh Tử Ðạo Quần Phương dành kính các thánh tử đạo nói chung và cách riêng các thánh tử đạo quê hương Bùi Chu. Ðền Thánh dài 60m. rộng 21m, cánh 37m, cao 18m, tháp 34m. Ðền Thánh như là một lời hứa âm thầm của con cháu Bùi Chu rằng: sẽ cương quyết tiếp bước cha ông, sống đức tin, làm chứng cho Tin Mừng giữa dòng đời.
- Ðền thánh Ninh Cường nằm trên mảnh đất phù sa mầu mỡ cạnh bờ sông Ninh Cơ, nơi đây vinh dự được đón vị truyền giáo Inikhu theo Khâm Ðịnh Việt Sử đã ghi. Năm 1998, Ðức cha Giuse Maria Vũ Duy Nhất đã xức dầu thánh hiến và nâng lên Ðền Thánh để cảm tạ và ghi ơn Ðức Mẹ Mân Côi đã phù trợ giáo phận được bình an trải qua những ngày sóng gió bão táp.
- Ðền thánh Kiên Lao và Sa Châu được Ðức cha Giuse Maria Vũ Duy Nhất xức dầu hiến thánh nâng lên Ðền Thánh năm 1997. Ðền thánh Kiên Lao dành riêng để kính Thánh Gia Thất, còn Ðền thánh Sa Châu dành để kính Thánh Giuse Công Nhân.
(dựa theo Niêm Giám 2005 của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam)