Trang chủ Góp ý Trang liên kết Liên hệ Cấu trúc trang
Hôm nay, thứ 6 ngày 21/11/2014

Đăng nhập

Liên kết sở ban ngành

Tỷ giá ngoại tệ

  Giá vàng 9999

ĐVT: tr.đ/lượng  
LoạiMuaBán
SJC35.27035.410
  

Tỷ giá

 Mua Bán
AUD 18218.13 18488.28
EUR 26489.76 26801.68
JPY 178.72 182.11
USD 21335 21385

Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong website của chúng tôi?

  • Giới thiệu
  • Kinh tế - Xã hội
  • Album ảnh
  • Văn bản pháp luật
  • Mục tin tổng hợp

Thông tin truy cập

  • 2734

Tin tức sự kiện » Bản tin Huyện

Giá trị lịch sử của Cố đô Hoa Lư

 

Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng (Khu Di tích Lịch sử - Văn hóa Cố đô Hoa Lư). Ảnh: Mạnh Thắng
Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng (Khu Di tích Lịch sử - Văn hóa Cố đô Hoa Lư). Ảnh: Mạnh Thắng
Hoa Lư là kinh đô của nước Việt Nam từ năm 968 đến năm 1010. Kinh đô Hoa Lư tồn tại được 42 năm, trong đó 12 năm đầu là triều Đinh (968-980), 29 năm kế tiếp là triều Tiền Lê (980-1009) và năm cuối (1009-1010) là triều Lý.

Năm 1010, Vua Lý Thái Tổ dời kinh đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Thăng Long (Hà Nội), Hoa Lư trở thành Cố đô. Hoa Lư là kinh đô có quy mô lớn do chính người Việt tự thiết kế và tổ chức xây dựng. Nó khẳng định lòng dũng cảm, trí thông minh, sáng tạo và ý thức độc lập, tự chủ của người Việt ở thế kỷ X.
 
Một công trình kiến trúc thành lũy vĩ đại
 
Các triều Vua Đinh và Vua Lê đã dựa theo địa hình tự nhiên cho đắp 10 đoạn tường thành nối các núi đá, dựng nên thành Hoa Lư với diện tích hơn 300 ha. Tại đây, nhà Đinh và nhà Lê đã cho xây cung điện, đặt triều nghi, đắp thành, đào hào, dựa vào thế núi xây dựng một công trình phòng ngự kiên cố như một pháo đài hiểm, biệt lập với bên ngoài. Kinh đô Hoa Lư được bao quanh bởi hàng loạt núi đá vòng cung, cảnh quan hùng vĩ. Khoảng trống giữa các sườn núi được xây kín bằng đất ken gạch, chân thành có gạch bó, đắp cao từ 8-10 m, hiện vẫn còn dấu vết của nhiều đoạn tường thành.
 
Vua Đinh Tiên Hoàng đã biết khai thác triệt để thiên nhiên phục vụ cho con người. Lối kiến trúc này tiết kiệm tối đa sức người, sức của. Có thể nói, kinh đô Hoa Lư là một quân thành vững chắc do thiên nhiên và con người làm nên. Phía Bắc thành nằm bên sông Hoàng Long nên đường giao thông thủy rất thuận tiện.
 
Khu vực Thành Ngoại, nay thuộc địa phận thôn Yên Thượng, Yên Thành, xã Trường Yên, là cung điện chính, nơi Vua Đinh cắm cờ nước, hiện là đền thờ Vua Đinh, Vua Lê. Trước cung điện có núi Mã Yên, tương truyền, Vua Đinh Tiên Hoàng lấy núi này làm án.
 
Khu Thành Nội rộng hơn, ăn thông với Thành Ngoại bằng một ngách núi, gọi là Quèn Vòng với những cầu Đông, cầu Rền… bằng đá, làm nơi nuôi trẻ em và kho chứa. Bên ngoài thành có nhiều trạm gác bảo vệ.
 
Kinh thành nằm giữa những quả núi lớn bao bọc xung quanh, mang nặng tính chất quân sự, vị trí kín đáo, thuận lợi cho việc phòng thủ, tiến công, lại xa biên thùy, phương Bắc khó có thể tìm hiểu, mở những đợt tấn công chớp nhoáng.
 
Phía Đông Bắc thành có núi Cột Cờ, xua là nơi Vua Đinh cắm cờ nước, gần đó là nơi Vua đứng để duyệt thủy quân trên sông Sào Khê. Phía Đông Nam khu Thành Ngoại còn có động Am Tiên trên lưng chừng núi, xưa là nơi Vua Đinh nuôi nhốt hổ báo để trừng trị những kẻ có tội, còn ngay dưới chân núi là Ao Giải, nơi Vua nuôi giải để ném những kẻ có tội xuống ao cho giải ăn thịt. Ngoài ra còn có hang Muối, hang Tiền… là nơi Vua cất giữ lương thực, ngân khố…
 
Tất cả núi sông và khu vực thành cổ nhấp nhô do thiên tạo và nhân tạo, giống như một vịnh Hạ Long trên cạn đã hình thành một quần thể kiến trúc trang nghiêm, đồ sộ, khoáng đạt mà không một kinh đô cổ nào có được. Thành Hoa Lư có hai vòng: Thành Ngoài (Thành Ngoại) và Thành Trong (Thành Nội).
 
Thành Ngoài rộng khoảng 140 ha, thuộc địa phận hai thôn Yên Thượng và Yên Thành, xã Trường Yên, có 5 đoạn tường thành nối các dãy núi tạo nên vòng thành khép kín.
 
Đây là cung điện chính mà khu vực Đền Đinh, Đền Lê nằm ở trung tâm. Vết tích nền móng cung điện thế kỷ X đã được phát hiện bởi đợt thám sát, khai quật của Viện Khảo cổ học. Trong số hàng trăm hiện vật cổ tìm thấy tại đây, có những viên gạch lát nền có trang trí hình hoa sen tinh xảo, đặc biệt loại lớn có kích thước 0,78m x 0,48m. Có những viên gạch còn hằn dòng chữ “Đại Việt quốc quân thành chuyên” (gạch chuyên xây dựng thành nước Đại Việt). Có những ngói ống có phủ riềm, nằm sâu dưới đất ruộng, khi khai quật còn lành nguyên và cả những chì lưới, vịt… làm bằng đất nung.
 
Suốt 42 năm tồn tại (968-1010), kinh đô Hoa Lư là trung tâm chính trị, văn hóa của Nhà nước độc lập,tự chủ của nước ta ở thế kỷ X. Đó cũng là nơi tạo thế và lực cho dân tộc ta bước sang một thời kỳ phát triển rực rỡ dưới các thời kỳ Lý - Trần trong các thế kỷ tiếp theo.
 
Nơi gắn liền với sự nghiệp dựng nước, giữ nước và yên nghỉ vĩnh hằng của Vua Đinh, Vua Lê
 
Ngay trước Đền Đinh, trên đỉnh Mã Yên Sơn cao tới 265 bậc là lăng mộ Vua Đinh, nơi nhân dân ta đưa thi hài Vua lên an táng để con người bất tử đó vẫn như còn ngồi trên yên ngựa để cứu dân, cứu nước. Lăng mộ Vua Đinh Tiên Hoàng được đặt ở chính giữa núi, nơi võng xuống thấp mà dân gian hình dung là cái yên ngựa. Lăng xây bằng đá, có một bệ thờ trên đặt một lư hương cũng bằng đá. Trước lăng một tấm bia đá có đề chữ: “Đinh triều, Tiên Hoàng để chi lăng, Minh Mạng nhị thập nhất niên ngũ nguyệt, sơ nhị nhật phụng sắc kiến”. Mặt sau bia cũng có đề “Hàm Nghi nguyên niên cửu nguyệt, nhị thập tứ nhật trùng tu tiên đế lăng”. Qua bia đá, người đời sau biết được lăng được xây dựng từ năm Minh Mạng thứ 21 và đến năm Hàm Nghi thứ nhất có trùng tu lại.
 
Lăng mộ Vua Lê Đại Hành nằm dưới chân Mã Yên Sơn đi về hướng Nam. Hai bên lăng có hai quả núi mà theo các nhà phong thủy cho là “Long chầu, hổ phục”. Lăng cũng được xây bằng đá như lăng Vua Đinh. Trước lăng cũng có bia dựng từ đời Minh Mạng.
 
Lăng Vua Đinh và lăng Vua Lê đều xây từ năm 1840 (đời Minh Mạng thứ 21) và được trùng tu vào năm Hàm Nghi thứ nhất (1885).
 
Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng ở làng Trường Yên Thượng, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư trên khuôn viên rộng 5 ha, thuộc Khu di tích lịch sử - văn hóa Cố đô Hoa Lư. Đền quay về hướng Đông, trước mặt đền là núi Mã Yên.
 
Đền được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ 17, theo kiểu “nội công ngoại quốc”. Đền Đinh Tiên Hoàng là một kiến trúc độc đáo trong nghệ thuật chạm khắc gỗ của các nghệ sỹ dân gian Việt Nam ở thế kỷ 17-19.
 
 
Đền Vua Lê Đại Hành: Đền còn có tên gọi là đền Hạ. Nằm cách đền Vua Đinh 500 m. Đền soi bóng xuống nhánh sông Hoàng Long. Trước mặt đền là núi Đèn, sau lưng là núi Đìa. Đền Vua Lê quy mô nhỏ hơn đền Vua Đinh, nhưng cũng có ba tòa: Bái Đường, Thiên Hương, Chính Cung - thờ Lê Hoàn, bên phải là Lê Long Đĩnh, bên trái là Hoàng thái hậu Dương Vân Nga. Nét độc đáo ở đền thờ Vua Lê Đại Hành là nghệ thuật chạm gỗ thế kỷ 17 đã đạt đến trình độ điêu luyện, tinh xảo.
 
Ngoài các công trình trên, Cố đô Hoa Lư còn có các di tích lịch sử khác, như núi Cột Cờ, sông Sào Khê, đền thờ công chúa Phất Kim.
 
Tồn tại 42 năm với 6 vị vua của 3 triều được ghi tên trong sử sách, Hoa Lư là kinh đô của Nhà nước Đại Cồ Việt ở thế kỷ X. Đây từng là một thành trì quân sự, một trung tâm văn hóa lớn, là nơi sản sinh nghệ thuật sân khấu chèo. Kinh đô Hoa Lư có một vai trò lịch sử đặc biệt, dù chỉ tồn tại trong non nửa thế kỷ; vị hoàng đế đầu tiên của nước Việt thống nhất đã xây dựng kinh đô Hoa Lư dựa trên địa thế hiểm trở, tận dụng điều kiện tự nhiên với các vách núi đá vôi và hệ thống sông ngòi làm thành quách, tạo một “quân thành” phòng ngự vững chắc, phù hợp với bối cảnh lịch sử của buổi đầu lập quốc. Cố đô Hoa Lư có một giá trị lịch sử đặc biệt quan trọng không chỉ riêng của Ninh Bình mà còn của cả nước.
 
Hang động Tràng An xưa chính là hệ thống phòng thủ phía Nam của kinh thành Hoa Lư (còn gọi là thành Nam). Đây là hệ thống núi non, sông suối kỳ vĩ được quy hoạch thành một trong những khu du lịch sinh thái lớn nhất cả nước. Nhưng có thể quả quyết nói rằng, không có khu du lịch sinh thái nào của nước ta đến thời điểm hiện nay như Khu du lịch sinh thái Tràng An lại có Cố đô Hoa Lư làm điểm tựa cho sự phát triển bền vững. Chính Cố đô Hoa Lư đã tạo nên các giá trị lịch sử vô giá cho Khu du lịch sinh thái này và chính Khu du lịch đó sẽ góp phần không nhỏ để những giá trị vô giá đó trở thành sức mạnh vật chất trong thời kỳ đổi mới và phát triển.
 
PGS.TS Nguyễn Văn Nhật
(theo baoninhbinh.org.vn)

 

Các tin khác


Diện tích: 139.7 Km2

Dân số (2009): 103.900

Liên kết ảnh