Làng Gỗ Mỹ Nghệ Đồng Kỵ - Thương Hiệu Được Khẳng Định

  • PDF.
Chia sẻ bài viết này trên LinkhayChia sẻ bài này lên Yume
Đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ (nay là phường Đồng Kỵ, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh) không chỉ nổi tiếng ở trong nước mà đã vượt ra ngoài lãnh thổ, vươn đến nhiều nước trên thế giới.
 
Cứ 30 hộ có 1 giám đốc
 
Mới đến đầu làng, chúng tôi đã bắt gặp những chiếc ô tô tải lớn, nhỏ nối đuôi nhau đến mua hàng, khiến cho con đường làng trở nên nhỏ bé, chật chội. Vào các gia đình trong làng, chúng tôi cảm nhận được không khí làm việc khẩn trương, cả chủ lẫn thợ đều tất bật.
 
alt
 
Mời khách chén trà nóng, ông Ngô Xuân Tạo, Chủ tịch UBND phường vui vẻ " chào hàng" : “Giờ đây, đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ đã trở thành thương hiệu nổi tiếng ở khắp mọi miền đất nước và được khách hàng ở nhiều nước trên thế giới ưa chuộng. Vào những ngày áp tết, nhiều cơ sở sản xuất trong làng phải làm việc suốt ngày đêm mới đủ hàng bán”.
 
Ông Ngô Xuân Tạo cho biết, nghề làm gỗ mỹ nghệ là cha truyền con nối. Ông cũng không nhớ rõ người làng làm gỗ mỹ nghệ từ bao giờ, chỉ biết những đứa trẻ mới lớn đã được bố mẹ dạy cho cách đục đẽo, chạm chổ. Hiện nay, trong làng, vẫn giữ được ngôi đền cổ hơn 300 năm tuổi, được làm bằng gỗ với những đường nét chạm khắc tinh xảo, do 36 người thợ của làng  tạo nên.
 
Ngày trước, người thợ Đồng Kỵ đi làm ở khắp nơi, ai thuê làm gì làm đó, từ giường tủ, bàn ghế đến cả làm tượng phật… Đến đầu những năm 1980, khi nhu cầu của thị trường ngày càng tăng, người làng bắt đầu mở cơ sở sản xuất gỗ mỹ nghệ ngay tại làng.
 
Gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ được làm hết sức khéo léo, cầu kỳ từ khâu chọn nguyên liệu, làm đồ ngang (xẻ gỗ thành tấm theo kích cỡ đã định trước) đến khâu chạm khắc và hoàn thiện. Người thợ với đôi bàn tay khéo léo tỉ mỉ chạm khắc những nét hoa văn độc đáo hay hình những con rồng, con phượng…, tạo thành những sản phẩm gỗ mỹ nghệ có đường nét tinh xảo. Đặc biệt, đồ gỗ mỹ nghệ  Đồng Kỵ thường được làm theo mẫu mã cổ nên có súc hút lớn đối với khách hàng.
 
Khi làng nghề ngày một phát triển thì mô hình kinh tế hộ gia đình trở nên chật hẹp, không đáp ứng được nhu cầu đi lên của làng nghề. Nhiều gia đình trong làng đã chuyển từ sản suất quy mô nhỏ thành các công ty với quy mô lớn. Đến nay, cả phường Đồng Kỵ đã có hơn 160 công ty, hợp tác xã chuyên sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ. Tính ra, cứ 30 hộ có 1 giám đốc. Thậm chí, có gia đình cả bỗ lẫn con đều là giám đốc.
 
Năm 2003, một khu công nghiệp rộng hơn 10 ha được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất của làng nghề. Thế nhưng, chỉ trong một thời gian ngắn diện tích khu công nghiệp đã được lấp đầy. Đến bây giờ, chỉ đủ để trưng bày sản phẩm, không đủ diện tích để sản xuất.
 
“Sắp tới, chúng tôi chủ trương xây dựng thêm một khu công nghiệp rộng hơn 70 ha để đáp ứng nhu cầu phát triển của làng nghề. Với khu công nghiệp này, làng nghề gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ sẽ có điều kiện phát triển hơn nữa”, ông Ngô Xuân Tạo tin tưởng .
 
alt
 
Hàng năm, các công ty du lịch đã đưa hàng chục lượt khách nước ngoài từ khắp mọi nơi trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Anh, Hà Lan...đến tham quan và tìm hiểu làng nghề, nhiều người nước ngoài đã đặt mua sản phẩm gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ. Bên cạnh đó, nhiều gia đình, công ty trong làng nghề đã đặt văn phòng giao dich ở nước ngoài để giới thiệu sản phẩm. Cứ như thế, gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ không chỉ phổ biến ở thị trường nội địa mà còn vươn xa sang cả các thị trường nước ngoài.
 
Về giá trị kinh tế của làng nghề, ông Ngô Xuân Tạo đưa ra những con số đầy ấn tượng. Năm 2009, tổng giá trị kinh tế từ gỗ mỹ nghệ ở Đồng Kỵ đạt khoảng 2.000 tỷ đồng, trừ chi phí cả làng nghề thu về 500 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người năm 2009 là 35 triệu đồng (tương đương 2000 USD). Hiện làng nghề đang giải quyết việc làm cho 5.000 lao động tại địa phương và khoảng 7.000 lạo động địa phương khác.
 
Chữ tín là hàng đầu
 
Tham quan cơ sở sản xuất gỗ mỹ nghệ của anh Nguyễn Văn Thưởng, một trong những triệu phú trẻ của làng nghề, chúng tôi được anh Thưởng cho biết, từ khi còn bé anh đã bị cuốn hút bởi những đường nét hoa văn trên gỗ mỹ nghệ được chạm khắc từ đôi bàn tay khéo léo của bố anh. Khi mới 12 tuổi anh đã được bố mẹ truyền dạy cách làm gỗ mỹ nghệ.
 
Năm 2006, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự (lúc đó 26 tuổi) anh đã dồn hết số tiền mình có và vay thêm ngân hàng, thuê 500 m2 đất mặt đường để mở cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ. Cũng trong năm đó, anh mạnh dạn dấn thêm một bước, mở văn phòng giới thiệu sản phẩm tại Quảng Châu, Trung Quốc để thuận tiện cho việc giao dịch với khách hàng Trung Quốc và các nước khác.
 
alt
 
Đến nay, hơn 60% sản phẩm gỗ mỹ nghệ của anh được tiêu thụ ở thị trường Trung Quốc và các nước trong khu vực Đông Nam Á. Một số khách hàng ở châu Âu đã tìm đến cơ sở của anh để tham quan và đặt mua sản phẩm, đồng thời, những khách hàng này còn khuyến khích anh mở văn phòng giao dịch tại Châu Âu.
 
Theo anh Thưởng, để có thể đứng vững trên thị trường quốc tế phải giữ được chữ tín với khách hàng. Muốn vậy, phải giao hàng đúng thời hạn và điều quan trọng là sản phẩm phải có chất lượng tốt, đáp ứng được nhu cầu thị hiếu của khách hàng. Để có được sản phẩm chất lượng cao, anh tận tay chọn mua từng khúc gỗ, cẩn thận hướng dẫn thợ chạm khắc từng nét hoa văn. Anh luôn trực tiếp kiểm tra các lô hàng trước khi giao cho khách hàng. Năm 2009, cơ sở của anh thu về hơn 650 triệu đồng và giải quyết việc làm cho hơn 10 lao động với mức lương từ 1,8 triệu đồng – 6 triệu đồng/tháng.
 
“Gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng là vì được làm thủ công, bằng đôi tay tài hoa của người thợ, theo dáng cổ xưa nên chứa đựng vẻ đẹp độc đáo riêng. Những ngày cận tết, mỗi ngày tôi bán được 4- 5 bộ sản phẩm gỗ mỹ nghệ, thu về gần 100 triệu/ngày”, anh Nguyễn Văn Thưởng chia sẻ.
 
So với các cơ sở khác trong làng nghề thì cơ sở sản xuất của anh Thưởng chỉ ở mức trung bình, 50% số hộ trong làng ( khoảng 600 hộ) có quy mô sản xuất và thu nhập như vậy. Số hộ có tổng thu nhập 40, 50 tỷ đồng từ đồ gỗ mỹ nghệ đến hàng chục hộ, cá biệt có gia đình còn thu đến cả trăm tỷ đồng.
 
Nguồn:
Nguyễn Thắng, Làng gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ - Thương hiệu được khẳng định, http://baodientu.chinhphu.vn