TP - Sau hơn bốn chục năm ở triều đình nhà Lý để giúp vua bình Chiêm, phá Tống và điều hành chính sự cho quốc gia được yên ổn, đến năm 1082, Lý Thường Kiệt được biệt phái vào cai quản trấn Thanh Hóa để bảo vệ vùng đất phên dậu quan trọng ở phía nam của Tổ quốc. Lúc này ông đã 63 tuổi.
>> Kỳ 1
19 năm Tổng trấn
|
Tượng đài Lý Thường Kiệt trong khu Đại Nam Quốc tự ở Bình Dương. Ảnh: Hữu Vinh |
Tài kinh bang
Theo các tài liệu sử sách mà chúng ta biết được thì Thái úy Lý Thường Kiệt có 19 năm làm tổng trấn Thanh Hóa (từ 1082 đến 1101). Trong 19 năm ấy, với quyền lực tối cao và mang danh là Thiên tử nghĩa đệ (em kết nghĩa của vua), Lý Thường Kiệt được hoàn toàn quyết định mọi việc ở trong trấn. Là một trung quân sáng suốt, khoan hòa và đức độ cho nên ông luôn là người mang lại lợi ích cho dân ở trấn mình cai quản.
Vị đại sư Hải chiếu Pháp bảo – một người làm việc dưới quyền ông trong những năm làm tổng trấn Thanh Hóa đã từng chứng kiến tận mắt những việc ông làm cho nên mới có những lời ngợi ca cụ thể hết lời trong bia Linh Xứng núi Ngưỡng Sơn (nay là xã Hà Ngọc, Hà Trung, Thanh Hóa) như:
“Thái úy trong thì sáng suốt khoan hòa, ngoài thì nhân từ giản dị. Những việc đổi dời phong tục, nào có quản công. Làm việc thì siêng năng, sai bảo dân thì ôn hậu, cho nên dân được nhờ cậy.
Khoan hòa giúp đỡ quân chúng, nhân từ yêu mến mọi người, cho nên nhân dân kính trọng. Dùng oai vũ để trừ bọn gian ác, đem minh chính để giải quyết ngục tụng, cho nên hình ngục không quá lạm. Thái úy biết dân lấy ấm no làm đầu, nước lấy nghề nông làm gốc, cho nên không để lỡ thời vụ.
Tài giỏi mà không khoe khoang, nuôi dưỡng cả đến người già ở nơi thôn dã, cho nên người già nhờ đó mà được an thân. Phép tắc như vậy có thể gọi là cái gốc trị nước, cái thuật yên dân, sự đẹp tốt đều ở đây cả. Giúp chính sự cho ba triều, dẹp yên loạn biên tái, chỉ khoảng vài năm mà tám phương yên lặng, công thật to lớn” (1).
Sự làm việc công minh, rạch ròi cho dân của ông còn được bia chùa Hương Nghiêm, núi Càn Ni (nay thuộc làng Phủ Lý, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa) dựng vào năm 1124 ghi chép một cách rất cụ thể như sau: “Năm Tân Mùi (1091), có hai chàng phó ký lang họ Thiền và họ Tô tâu xin lại khoảnh ruộng đất của tiên tổ là quan Bộc Xạ (tức hào trưởng Lê Lương hồi thế kỷ X – P.T)…
Do đó mùa thu năm ấy, Thái úy Lý Công đến tận nơi cho chuộc ruộng đất, lập bia đá và chia ruộng cho hai giáp. Rồi ông lại tới đầm A Lôi, chia một nửa đầm cho giáp Bối Lý, một nửa đầm cho giáp Viên Đàm.
Thái úy còn truyền bảo lần nữa cho hai giáp biết, không được lấy một lá lau, một ngọn cỏ ở hai bên bờ đầm. Ngay lúc đó lại ra lệnh giao về cho dòng dõi nhà họ Lê” (2).
Trong thời gian làm tổng trấn Thanh Hóa, ngoài sự chú trọng đến việc nông tang, cày bừa, cấy hái làm sao cho không bị mất mùa, Lý Thường Kiệt còn rất chăm lo đến việc đào kênh dẫn nước và mở mang thêm nhiều làng xóm, ruộng đồng.
Truyền thuyết ở làng A Đô (nay thuộc xã Yên Trung, huyện Yên Định, Thanh Hóa) đã nói về việc Lý Thường Kiệt là người trực tiếp chỉ huy việc đào vét kênh nhà Lê (tức kênh đào thời Tiền Lê, thế kỷ X, mà sử sách chép là kênh Đồng Cổ) để nối sông Mã với sông Lương qua địa bàn này và chính ông là người cho lập ra trang A Đô. Vì vậy mà ở đây mới có đền thờ ông và phu nhân là bà Tạ Thuần Khanh như ở trên đã nói.
Qua sự ghi chép của bia chùa Báo Ân núi An Hoạch (nay thuộc làng Nhồi, xã Đông Hưng, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa) dựng năm 1100, chúng ta được biết Lý Thường Kiệt có thể là người đầu tiên mang lại nghề đục đá cho dân làng Nhồi.
Trong 19 năm ấy (1082-1101), với sự có mặt của Lý Thường Kiệt, sự giao thoa văn hóa giữa Thăng Long kinh kỳ với xứ Thanh phên dậu càng có điều kiện để phát triển một cách thuận lợi. |
Tấm bia đó nói rất rõ ràng rằng: “Ở phía tây nam huyện, có một quả núi lớn và cao gọi là núi An Hoạch, sản xuất nhiều đá đẹp, đó là sản vật quý giá của mọi người. Sắc óng ánh như ngọc lam, chất biếc xanh như khói nhạt. Sau này đục đá làm khí cụ, ví như đẽo thành khánh, đánh lên thì tiếng ngân muôn dặm; dùng làm bia, văn chương để lại thì còn mãi nghìn đời. Thế là Thái úy Lý Công sai một thị giả là Giáp thủ Vũ Thừa Thao xuất lĩnh người hương Cửu Chân, dò núi tìm đá trong mười chín năm”(3).
Theo chúng tôi thì việc Thái úy Lý Thường Kiệt sai Giáp thủ Vũ Thừa Thao xuất lĩnh người hương Cửu Chân, dò núi tìm đá trong mười chín năm (tức mười chín năm Lý Thường Kiệt làm tổng trấn Thanh Hóa, từ 1082-1101) chính là việc cho đi tìm những thợ đục đá lành nghề, mà rất có thể đó là những người Việt gốc Chăm (gồm những tù binh mà thời bình Chiêm của Lê Hoàn ở thế kỷ X và của Lý Thái Tông cùng Lý Thường Kiệt mang về (năm 1065) để khai khẩn đất hoang, lập ra các trang ấp ở Thanh Hóa và nhiều nơi trong nước). Sở dĩ có nhận định như vậy vì ở làng Nhồi hiện nay vẫn có một nhóm cư dân khá đông mang tên họ Lôi, tức họ Lồi gốc Chăm Pa.
Cũng theo sự ghi chép của bia chùa Báo Ân núi An Hoạch, chúng ta biết tất cả những nghĩa cử cho dân của Lý Thường Kiệt trong suốt 19 năm làm tổng trấn Thanh Hóa đã làm cho các “châu mục đều ngưỡng mộ” và “muôn dân đều mến đức chính” (lời văn bia).
Để tỏ lòng biết ơn trời, phật, vua và công đức của Lý Thường Kiệt mà nhân dân xứ Thanh đã tự chọn đất và góp công, góp của để xây dựng ở khu vực núi An Hoạch (tức núi Nhồi) một ngôi chùa với một cái tên đầy ý nghĩa - đó là chùa Báo Ân.
Rất tiếc là sử sách cổ của nước ta (như Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư…) đều không chép một cách cụ thể, rõ ràng về hành trạng của Lý Thường Kiệt trong 19 năm cai quản trấn Thanh Hóa, nhưng rất may là nhờ các tấm bia thời Lý còn lại (như bia chùa Báo Ân dựng năm 1100, bia chùa Hương Nghiêm núi Càn Ni dựng năm 1124, bia chùa Linh Xứng núi Ngưỡng Sơn dựng năm 1126) và tấm bia đền Ngọ Xá (tức đền Lý Thường Kiệt) dựng vào năm Tự Đức thứ 29 (1876) do Nhữ Bá Sĩ soạn dựa trên cơ sở tham khảo, sưu tầm các tài liệu sử Việt, sử Tống và truyền thuyết dân gian, chúng ta không những biết được khá đầy đủ về thân thế sự nghiệp của Lý Thường Kiệt nói chung, mà còn biết được khá kỹ về công lao to lớn của ông đối với xứ Thanh.
Phát triển, hưng thịnh Phật giáo
|
Ảnh Đền thờ Lý Thường Kiệt (Hà Trung, Thanh Hóa) được trưng bày tại Viện Bảo tàng lịch sử Việt Nam Ảnh: Phạm Yên |
Cũng từ những bia ký đã nêu và đối chiếu với các tài liệu sử sách có liên quan, chúng ta thấy Lý Thường Kiệt trong thời gian trấn trị ở Thanh Hóa (1082-1101), ngoài việc làm cho vùng đất phên dậu của đất nước được yên ổn, vững mạnh, ông còn có công rất lớn trong việc phát triển chùa chiền và làm cho đạo Phật ở đây hưng thịnh hơn bao giờ hết.
Như lời Hải Chiếu đại sư nói trong bia Linh Xứng thì ông “Tuy thân vướng việc đời, mà lòng vẫn hướng về đạo Phật”. Và chính vì có tấm lòng và tư tưởng hướng Phật ấy mà đã thôi thúc ông chuyên làm những điều thiện đối với dân, với nước.
Về việc phát triển Phật giáo, trong thời gian chưa làm tổng trấn Thanh Hóa, Lý Thường Kiệt đã giúp sư Đạo Dung sửa chữa lại chùa Hương Nghiêm ở giáp Bối Lý (nay thuộc xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa) theo lời thỉnh cầu của Thái Phó Lưu Công (tức Lưu Khánh Đàm - vị quan đồng triều với Lý Thường Kiệt, người Ngũ huyện giang - Cửu Chân) vào năm 1077 (tức là năm Lý Thường Kiệt vẫn còn ở Thăng Long).
Còn trong thời gian làm tổng trấn ở Thanh Hóa (1082-1101), Lý Thường Kiệt chính là người trực tiếp xây dựng chùa Linh Xứng ở núi Ngưỡng Sơn. Vì vậy dân địa phương còn gọi tên là chùa Lý Thái Úy (tức chùa Lý Thường Kiệt).
Bia chùa Linh Xứng soạn lúc Lý Thường Kiệt đang còn ở Thanh Hóa, nhưng mãi 21 năm sau khi ông mất mới dựng. Đó là năm 1126 (tức là năm Thiên phù duệ vũ thứ bảy Bính Ngọ). Bia này đã chép khá tường tận quá trình tìm đất và xây dựng chùa Linh Xứng như sau:
“Nhân lúc rảnh việc triều chính, ông thầy của Thái hậu (tức phu nhân Ỷ Lan) là Trưởng lão Sùng Tín bỗng từ kinh sư đến quận này, mở mang giáo hóa, khơi thông mọi tập tục khác lạ, răn điều ác, chỉ điều thiện, khác nào một trận mưa ráo thấm nhuần cây cỏ, không ai là không hớn hở vui tươi.
Thế là Thái úy cùng Trưởng lão ngược dòng lên cửa Phấn Đại, dừng thuyền ở núi Long Tỵ (tức núi Hàm Rồng, đối diện với núi Ngọc hiện nay - P.T).
Xem đá trắng mà ngọc châu lấp lánh, dòm thác nguồn mà xiêm áo lung linh. Do đó Thái úy khuyên dựng đoản đình ở ngay chân núi, xây tường lớn ở chốn non cao. Trưởng lão hỏi rằng:
- Núi này đẹp nhưng đã mở mang mất rồi, còn có nơi nào thanh u, nổi tiếng đẹp đẽ hơn, mà xưa kia đã từng nghe nói, thì xin hãy dẫn đi.
Thái úy trả lời:
- Trưởng lão thực là một người có thể thực hành được đạo Phật, thỏa được tính sáng, mở được lòng mê, bằng cách tùy theo cái căn tính lanh lợi hay ngu đần mà chỉ cho phép “đốn” hay phép “tiệm”.
Rồi đó, Thái úy lại dẫn những người tùy tùng, dời thuyền đi về phía tây, qua dòng sông trong Nam Thạc (tức sông Lèn – P.T), đến ấp nổi Đại Lý (nay thuộc xã Hà Ngọc, huyện Hà Trung – P.T).
Dạo bước bến đò, đưa mắt xem xét, thấp thoáng thấy ở trong quận, cách quận lỵ (chỗ Văn Lộc, huyện Hậu Lộc bây giờ, P.T) chừng năm dặm có hòn núi trơ vơ gọi là Ngưỡng Sơn.
Chân núi quanh co bên bờ nước, đâu phải núi đồi dĩ hỗ, lại không vách đứng tường cao. Bóng lan ngùn ngụt, sắc thúy đậm đà, quanh quất làng xa, bao quanh điện Bắc. Gò ao khắp núi, hình thế lạ kỳ.
Trước đây có một ẩn sĩ riêng xây am trong ấy và đi duyên hóa mọi phương, tuy đã mở mang, nhưng tịnh giới chưa được nghiêm ngặt. Thái úy lại dẫn bộ thuộc theo lối tắt trèo lên, chỉ thấy cây cỏ rợp trời, ráng mây vương vất.
Thái úy bồi hồi dạo bước, trên dưới ngắm trông. Thế là vì tấm lòng ưa thích sự vui vẻ, thương xót quần sinh mà ý nghĩ kinh doanh trỗi dậy. Thái úy bèn bảo rằng:
- Cái mà kẻ sĩ người nhân ưa thích là núi, là sông; cái mà thế đại lưu truyền là danh, là đạo. Nếu mở núi mà làm cho “đạo” và “danh” rạng rỡ thì không đáng quý hay sao.
Thế là phát cỏ rậm, bạt đá to, thày bói nhằm phương, thợ hay dáng kiểu; quan thuộc góp tiền, sĩ dân đổ tới. Kém sức thì bào, thì gọt; sành nghề thì dựng thì xây. Chùa Phật thênh thang ở giữa; phòng chay rộng rãi hai bên.
Trang nghiêm chính giữa thì Ngũ tri Như lai sắc vàng rực rỡ, ngồi trên tòa sen trồi lên mặt nước. Quanh tường thì thêu vẽ dung nghi đẹp đẽ của cực quả mười phương cùng với mọi hình tướng biến hóa, muôn hình vạn tượng, không thể kể xiết.
Phía sau xây ngôi tháp báu gọi là tháp Chiêu Ân, chín tầng chót vót, giăng mắc rèm the, cửa mở bốn bên, bao quanh con tiện. Gió rung chuông bạc; hòa nhịp chim rừng. Tháp báu nắng soi; long lanh vàng diệp. Quanh thềm lan can; đầy sân hoa cỏ.
Trước cửa chính, trong treo chuông vàng, một tiếng chày kinh, ngân vang khắp chốn. Thức tỉnh u mê; phá tan niềm hôn tục. Khuyên bảo việc lành, răn điều ác. Thẳng ngay phía trước một đường hai ngả, khởi mương và dẫn nước chảy xuôi.
Bên dòng nước dựng xây đình nhỏ, san sát thuyền bè qua lại, dừng chèo tạm nghỉ. Hoặc Hoàn Bang, Chân Lạp xa tới mà quỳ gối ngắm xem; hoặc nước lạ phương xa qui phục mà cúi đầu dập trán. Cái nhà nát của kẻ trưởng giả quê mùa mà hóa thành vương xá lớn”(4).
Như vậy, qua đoạn văn bia vừa dẫn, chúng ta có thể hình dung được quy mô bề thế của chùa Linh Xứng - một trung tâm Phật giáo lớn của xứ Thanh thời Lý được xây dựng ở ngọn núi sát kề sông Đại Lại (tức sông Lèn, nhánh sông Mã, còn gọi là sông Lèn, hay sông Nga...) - con đường thủy quan trọng trong nghìn năm phong kiến.
Từ phía nam tới, thuyền ghe qua sông Mã, sông Lèn, qua chùa Linh Xứng rồi vào sông Hoạt, sông Tống và kênh nhà Tiền Lê để đến cửa Thần Phù và ra Thăng Long.
Vì vậy, mà từ Tiền Lê và Lý trở đi, mỗi lần ra Bắc để cống nạp cho Đại Việt, các nước nhỏ khác ở phương Nam đều phải đi qua đây, như văn bia nói là đều phải “quỳ gối ngắm xem” hoặc “cúi đầu dập trán” trước ngôi chùa Linh Xứng nổi tiếng khắp miền gần, xa vậy.
Rõ ràng, qua việc xây dựng chùa Linh Xứng, Lý Thường Kiệt muốn chứng tỏ cho các nước lân bang ở phía Nam phải kính phục trước một công trình kiến trúc Phật giáo nguy nga, bề thế ở vùng đất phên giậu phía nam của Đại Việt.
Dấu ấn nghìn năm
Có thể nói, dấu ấn của Lý Thường Kiệt - nhân vật lịch sử kiệt suất, vĩ đại của dân tộc trong 19 năm ở trấn Thanh Hóa quả là rất đậm nét. Trong 19 năm ấy (1082-1101), với sự có mặt của Lý Thường Kiệt, sự giao thoa văn hóa giữa Thăng Long kinh kỳ với xứ Thanh phên giậu càng có điều kiện để phát triển một cách thuận lợi.
Thái úy trong thì sáng suốt khoan hòa, ngoài thì nhân từ giản dị. Những việc đổi dời phong tục, nào có quản công. Làm việc thì siêng năng, sai bảo dân thì ôn hậu, cho nên dân được nhờ cậy. Khoan hòa giúp đỡ quân chúng, nhân từ yêu mến mọi người, cho nên nhân dân kính trọng. |
Với những tài liệu sử sách và bia ký còn lại, chúng ta cũng được biết nhiều nhân vật tên tuổi như thái phó Lưu Khánh Đàm và các vị đại sư như Sùng Tín, Đạo Dung và nhiều người khác đã mang sắc thái văn hóa Thăng Long vào xứ Thanh và giúp Lý Thường Kiệt mở mang khai trí những vùng đất còn “mộc mạc”, “thuần phác” thành những nơi rực rỡ đền đài, chùa phật, v.v…
Và ngược lại khi Lý Thường Kiệt trở về triều (1102), ông lại tuyển chọn nhiều nhân tài xứ Thanh ra Thăng Long để phục vụ triều đình.
Sau khi rời xứ Thanh chỉ vài năm, đến năm 1105, vị anh hùng kiệt xuất Lý Thường Kiệt qua đời, thọ 86 tuổi.
Ngay sau khi ông qua đời, miếng đất mà lúc sinh thời ông tự chọn để làm Thọ thân đường ở ngay núi Ngưỡng Sơn (nơi kề giáp với chỗ ngôi chùa Linh Xứng mà ông xây dựng) đã trở thành một ngôi đền quốc tế để thờ ông mãi mãi.
Và cho đến hôm nay, nơi đền thiêng vẫn khói hương nghi ngút. Đã qua rồi gần mười thế kỷ, nhưng hình ảnh và công lao của Lý Thường Kiệt vẫn còn sống mãi trong tâm thức, tình cảm của người dân xứ Thanh.
Và núi Ngưỡng Sơn với chùa Linh Xứng và đền Lý Thường Kiệt - nơi đã từng có sự giao thoa điển hình giữa văn hóa Thăng Long với văn hóa xứ Thanh hồi thế kỷ XI chính là một quần thể di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật rất có giá trị mà Nhà nước xếp hạng.
Rồi đây, với sự hỗ trợ thiết thực của Nhà nước và Ban kỷ niệm nghìn năm Thăng Long cùng sự cố gắng nỗ lực của Thanh Hóa, khu di tích thắng cảnh này chắc chắn sẽ được phục dựng lại như xưa để tỏ lòng tri ân thành kính đối với anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt.
(1) Thơ văn Lý - Trần, tập I, S.đ.d. 362
(2) Thơ văn Lý - Trần, tập I, S.đ.d. 126
(3) Thơ văn Lý - Trần, tập I, S.đ.d. 309
(4) Thơ văn Lý - Trần, tập I, S.đ.d. 362-363.