Từ thị xã Bắc Kạn, vượt qua hơn 70km đường đèo dốc chúng tôi tới thôn Pác Ngòi (xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) khi trời chập tối. Cũng như Bó Lù hay bất cứ bản làng nào, Pác Ngòi mang nét hoang vu, e ấp như một đặc trưng vốn lẽ của người dân tộc, nhưng Pác Ngòi có khác hơn bởi sự xuất hiện của khá đông khách du lịch gồm cả tây lẫn ta.
Theo bố trí của cô bạn hồi học đại học, nay là cán bộ Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Bắc Kạn chúng tôi nghỉ tại nhà nghỉ Thế Sang, một trong những khu nhà sàn to đẹp ở Pác Ngòi. Khác với sự tưởng tượng của tôi về những ngôi nhà sàn lụp sụp thì ở Pác Ngòi lại khang trang, sạch sẽ, ngăn nắp, với những tấm biển treo bên ngoài viết bằng hai thứ tiếng Việt – Anh (Nhà nghỉ/Guest house, Homestay). Nhà sàn ở đây có ngăn làm các ô nhỏ, giữa nhà là nơi có thể sinh hoạt tập thể hoặc ngủ đêm dành cho những nhóm khách du lịch có số lượng từ 20-40 người. Bên cạnh có nhà vệ sinh, phòng tắm được xây dựng hiện đại nhưng không làm mất đi nét truyền thống.
Trong câu chuyện ngắt quãng bởi thi thoảng có du khách đăng ký vào nghỉ đêm, chị Sáu chủ nhà nghỉ Thế Sang kể cho chúng tôi hay: Trước đây người dân thôn Pác Ngòi sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp, chài lưới, nên cuộc sống khá vất vả. Nhưng vài năm trở lại đây khi người dân bắt đầu biết làm du lịch thì cuộc sống khấm khá hơn rất nhiều. Trung bình mỗi năm một gia đình có nhà nghỉ ở đây đón tiếp từ 400 – 1.500 lượt du khách, như vậy trừ chi phí cũng dư ra tới vài chục đến cả trăm triệu đồng. Gia đình nhà chị Sáu bắt đầu đầu tư vào nhà nghỉ này từ năm 2009, với số tiền tầm 600 triệu đồng. Nhưng với giá như thời điểm hiện tại, phí ngủ đêm tại Pác Ngòi từ 50.000 – 70.000/người/ngày, tùy thuộc số lượng khách cộng với giá mỗi bữa ăn từ 120.000 – 150.000 đồng tùy từng các món ăn thì mỗi năm nhà chị với việc đón được khoảng 400 khách (chủ yếu là khách nước ngoài, họ nghỉ vài ba ngày) cũng thu về gấp nhiều lần so với làm nông nghiệp.
Chị Sáu cho biết thêm: Khách du lịch đến Pác Ngòi rất thích được tham gia sản xuất cũng như sinh hoạt cùng gia đình người dân ở trong thôn như cùng bà con thôn bản thu hoạch hoa màu, dệt vải, trồng rau; thích ăn cơm chung mâm gia đình với các món ăn đặc trưng của người Tày được chế biến từ gà đồi, cá suối, cây, củ quả nuôi trồng tự nhiên; thích xem đội văn nghệ thôn trình diễn các bài hát then truyền thống của người Tày…Bởi thế nên mỗi nhà nghỉ ở Pác Ngòi đều có thuyền đưa du khách thăm quan hồ Ba Bể, lên rừng thăm bản người Dao, người Mông, xem đội văn nghệ thôn mượt mà với các câu hát then truyền thống của người Tày…
Trò chuyện với trưởng thôn Hứa Văn Canh, được biết, Pác Ngòi hiện có 86 hộ, trong đó có 11 hộ có dựng nhà nghỉ phục vụ du khách. Đi đầu là gia đình ông Ngôn Văn Toàn (nhà nghỉ Khánh Toàn), tiếp sau là các hộ gia đình ông Thơ, ông Sào, ông Thụ, ông Sáu, ông Bảo…Ban đầu chỉ là do du khách lỡ độ đường xin nghỉ chân ở lại, sau do khách muốn được nghỉ lại sinh hoạt cùng gia đình ngày càng nhiều (đặc biệt là khách nước ngoài), nên các hộ đã chủ động xây sửa nhà cửa để đón khách. Đến nay, nhiều gia đình ở đây đã trở lên sung túc.Và cũng chính nhờ hoạt động du lịch cộng đồng đã giúp cho Pác Ngòi khang trang, đổi mới. Các gia đình trong thôn biết phát triển các nghề phụ trợ cho du lịch như: nấu rượu, dệt thổ cẩm, buôn bán dịch vụ…
Ông Canh cho biết thêm, dù có sự giao thoa văn hóa và chịu ít nhiều tác động từ hoạt động du lịch nhưng nét văn hóa truyền thống từ bao đời của đồng bào Tày Pác Ngòi vẫn được gìn giữ. Đây là điều quý giá nhất mà người Pác Ngòi cần nâng niu, trân trọng.
Rời Pác Ngòi khi mặt trời bắt đầu lấp ló, trở về thành phố lúctrời cuối thu chập choạng tối…vẫn ồn ào, nóng nực, tôi bỗng thấy nhớ đêm Pác Ngòi êm đềm, im lìm nhưng thanh thản bên những dải núi vắng nhưng rất đỗi bình yên và lòng người thì mênh mang đến lạ. Lòng tự dặn lòng sẽ trở lại Pác Ngòi vào một ngày cuối năm./.
Nguồn: VEN |