Điểm trường hạ cuối cùng nhóm phật tử chúng tôi tới cúng dường, là chùa Cổ Lễ ở thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định.
Khoảng 7 giờ 40 phút một sáng cuối
tuần đầu Tháng 8, nhóm phật tử 4 người chúng tôi về với chùa Cổ Lễ, đúng
vào những ngày mưa bão. Cơ duyên lớn, suốt dọc đường, đến khi chiếc xe 7
chỗ dừng bánh trước lối vào cổng chính nhà chùa, trời chỉ lác đác mưa.
Cơn bão số 6 đang hoành hành những tỉnh miền Bắc, trong đó Nam Định được
coi là tâm điểm, đã tạm lánh đâu đó; nhường chỗ cho một buổi sáng bình
yên, trong lành, chỉ còn cảnh quan vừa được tắm mát sau mưa…
Cổng vào chùa Cổ Lễ nhìn từ đường quốc lộ
Đường chính về chùa
Con đường trước lối vào cổng chính còn đẫm nước mưa...
Mưa vẫn rơi, cho những sắc màu tươi thắm mãi...
Bước vào khoảng sân chính trước cổng,
tôi có phần ngạc nhiên và hơi thất vọng, khi chẳng thấy khung cảnh quen
thuộc của kiến trúc nhà chùa, chỉ có 1-2 gian nhà, như kiểu của một văn
phòng công ty nào đó vừa chuyển đi?! Nhưng, tôn tượng Đức Phật Di Lặc
bằng đồng, chắc vừa đúc xong, đặt ngay lối cổng vào, với nụ cười rạng
ngời, từ ái đã xoa dịu hoàn toàn những hồ nghi trong tôi.
Tôn tượng đức Phật Di Lặc mới hoàn thành
Một góc sân trước lối vào cổng chính
Chẳng kịp mông lung, tiếng chị phật tử
cùng đoàn: Thường Nguyên ơi, nhanh nhanh cùng chị mang gạo vào nào, còn
2 bao nữa thôi… Hai chị em khệ nệ khuân bao gạo 50kg, qua lối đi ngắn
áp lưng gian nhà văn phòng, đi chừng 20m, phía tay phải có lối nhỏ
dẫn vào bên trong. Đây mới thực sự là chùa Cổ Lễ, tôi sững người, choáng
ngợp dù tầm mắt chỉ bao quát một phần kiến trúc nhà chùa…
Qua lối nhỏ, vào khuôn viên chính nhà
chùa, theo phía tay phải chừng 20-25m dẫn ra khoảng sân rộng có ao
sen nhỏ, nơi có “Vườn Quán Âm” lộ thiên và Tháp chuông 3 tầng. Thi
thoảng trời vẫn lớt phớt mưa, từng hạt mưa nhí nhảnh, men theo lòng lá
sen, cùng nhẹ nhàng rơi xuống…
Một không gian nghiêm tịnh, tĩnh lặng
và sâu lắng bao trùm, không khí thanh mát lạ thường, khiến tôi thấy
người thật sảng khoái. Thời gian không nhiều, trước cơ hội hiếm có, tôi
tranh thủ tác nghiệp ngay. Không chần chừ, tôi tới tháp chuông, một hơi
leo lên tầng 3. Từ nơi gác mái tầng cao nhất, đủ tầm bao quát những góc
ảnh cần thiết, thỏa trí “ống kính máy ảnh” đang vô cùng háo hức…
Mải mê nơi tháp chuông, khi tôi xuống
thì mọi người đi đâu cả, tự tin đi dọc theo dãy hành lang dài, tới
khoảng sân phía sau, hai bên phải trái nơi cuối sân đều có cổng dẫn lối
đi tiếp… Qua “đường hầm” nhỏ, thêm một lần ngỡ ngàng, tôi lặng người
trước những kiến trúc cổ kính, vẻ đẹp nghiêm tịnh đến mê mẩn. Một quần
thể kiến trúc đặc trưng văn hóa Phật giáo hiện ra, khiến tôi có cảm giác
như lạc vào một “mê cung”, nơi thánh tích Phật giáo với nhiều điển tích
gắn liền với lịch sử dân tộc mà lần đầu tôi được chiêm ngưỡng…
Những hình ảnh của quần thể Di tích
kiến trúc nghệ thuật Phật giáo, được Bộ Văn hóa xếp hạng Di tích lịch sử
cấp Quốc gia ngày 18/1/1988:
Vườn Quán Âm lộ thiên
Toàn cảnh tháp chuông nhìn từ bên ngoài
Chuông đồng ở tầng thứ nhất của tháp chuông. Bên dưới như một "giếng trời" thu nhỏ
Một vài góc kiến trúc chùa Cổ Lễ nhìn từ gác mái tầng 3 của tháp chuông
Toàn cảnh khuôn viên mặt trước tháp chuông
Đỉnh Tháp Tổ nhìn từ tháp chuông
Tôn tượng Quán Thế Âm Bồ Tát nơi vườn Tháp nhìn từ gác mái tháp chuông
Vườn Tháp tổ phía sau tháp chuông
Bảo tháp cố Đại lão Hòa Thượng Thích Thuận Đức
"Hành lang La Hán" dẫn lối ra khuôn viên phía sau của chùa Cổ Lễ (nhà chùa không đặt tôn tượng 18 Vị La Hán, mà mỗi bên hành lang treo 9 bức tranh từng Vị La Hán)
Qua một bên "đường hầm nhỏ", ngay trước tầm mắt là lối lên Động Sơn Trang
Chuông đồng 78 tuổi (đúc năm 1936), nặng 9000 kg, sừng sững giữa ao như thách thức không gian và thời gian
Toàn cảnh tháp “Cửu Phẩm
Liên Hoa” cao 32 mét, hai bên cầu lối dẫn tới tháp là 2 ao nước nhỏ mát rượi
Chùa Cổ Lễ hiệu “Thần Quang Tự”, là
công trình văn hóa kiến trúc Phật giáo. Qua Thành Nam Định - Đò Quan 15
km về phía Tây thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Chùa xây
dựng từ thế kỷ thứ 12 thời Lý Thần Tôn, thờ Phật và Đức Thánh Tổ Nguyễn
Minh Không. Đức Thánh Tổ Nguyễn Minh Không sinh đầu thế kỷ 12, hương
quán tại làng Điền Xá, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.
Thuở thiếu thời, Ngài chuyên làm nghề
chài lưới của cha ông, năm 29 tuổi xuất gia đầu Phật.Ngài đã “Văn - Tư -
Tu đốn Tức Minh Tâm kiến tính quán càn khôn”, và Ngài còn là nhà Y sư
nổi tiếng, đã cứu chữa cho vua Lý Thần Tôn khỏi bệnh nan y và được nhà
vua phong làm “Lý Triều Quốc Sư”. Ngài cùng Thiền Sư Giác Hải và Thiền
Sư Từ Đạo Hạnh kết nghĩa anh em sang Tây vực (Bắc Ấn Độ), tầm học phép
“Tam vô lậu” đắc “Giới - Định - Tuệ viên dung nhập Thánh siêu phàm du
nhật nguyệt”. 3 Thiền sư sau khi đắc lục trí thần thông trở về nước, Đức
Thánh Tổ Từ Đạo Hạnh trụ trì chùa Sài Sơn, Đức Thánh Tổ Nguyễn Minh
Không trụ trì chùa Thần Quang, Đức Giác Hải Thiền Sư trụ trì chùa Diên
Phúc. Từ đó 3 vị Thiền Sư trở thành “Nam Thiên Tam Vị Thánh Tổ”.
Sau đó Ngài vượt Tống quyên đồng đem về đúc “An Nam Tứ Khí” - 4 bảo vật quý ở nước ta:
1- Tượng Phật cao hơn 4 mét ở chùa Quỳnh Lâm, Đông Triều, Quảng Ninh.
2- Chuông Qui Điền nặng 1000 kg ở Lục Đầu Giang, Phải Lại, Hải Dương.
3- Tháp “Báo Thiên” cao 9 tầng ở Hà Nội.
4- Đỉnh Phổ Minh nặng 1000 kg ở Tức Mặc, thành phố Nam Định.
Chùa Cổ Lễ trước đây là một ngôi chùa
kiến trúc cổ bằng gỗ. Trải qua thời gian phong hóa của nắng xói, mưa mòn
và mối mọt cho nên ngôi chùa cổ xưa đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Năm
1902, Đệ Nhất Sư Tổ Phạm Quang Tuyên tuổi cao đức trọng về trụ trì. Ngài
đã trùng tu, tái thiết lại ngôi chùa này theo kiến trúc mới “Nhất Thốc
Lâu Đài”. Quy mô rộng lớn, thật là một nền kiến trúc văn hóa Phật giáo
trứ danh.
Phía trước chùa có cây tháp “Cửu Phẩm
Liên Hoa” (9 tầng hoa sen) cao 32 mét, có tòa “Phật Giáo Hội Quán” và
Quan Âm Đài hai bên có Phủ Đền, Cầu Núi và hai dãy hành lang dài dài
theo chùa. Tòa Chính cung cao 29 mét thờ Phật và Đức Thánh Tổ Nguyễn
Minh Không bằng gỗ Bạch Đàn (gỗ Trầm Hương trắng). Về thiết kế xây dựng
chùa do Đức Sư Tổ Phạm Quang Tuyên sáng chế, nguyên vật liệu nội địa:
Vôi, gạch, cát, mật, muối… xây dựng lên.
Năm 1934, Hòa Thượng Phạm Thế Long kế
vị trụ trì, Hòa Thượng là Phó chủ tịch Quốc hội nước CHXH Việt Nam khóa
VII, Phó chủ tịch Phật giáo châu Á và Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam ở chức
vụ cao. Năm 1936, Hòa Thượng đúc quả chuông đồng to, cao 4 mét 20,
đường kính 2 mét 03, nặng 9000 kg.
Từ năm 1947 đến năm 1981
(1947-1949-1972-1975-1978-1981), chùa Cỗ Lễ liên tục làm lễ cởi áo cà sa
cho trên 35 vị Tăng Ni khoác áo chiến bào xông ra trận diệt giặc cứu
nước.
Chùa Cổ Lễ là công trình kiến trúc văn
hóa Phật Giáo và dân tộc, chùa được Bộ Văn Hóa xếp hạng “Di tích lịch
sử” Quốc gia, là trụ sở Phật Giáo huyện Trực Ninh và là cơ sở trường hạ
Phật Giáo tỉnh Nam Định.
Trong quá trình hàn gắn vết thương
chiến tranh, xây dựng phong cảnh, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước,
sự hỷ cúng của phật tử thập phương hằng tâm, hằng sản góp phần tôn tạo
chùa trở thành danh lam thắng cảnh, đảm bảo tự do tín ngưỡng cho nhân
dân.
Chùa Cổ Lễ
Trụ Trì
Thượng tọa: Thích Tâm Vượng
Thường Nguyên