Lại Đà nửa đầu TK 20 : Ký ức về làng Việt hay sự trở lại giấc mơ
Làng Lại Đà là một trong 4 làng thuộc xã Đông Hội, huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội. Làng có lịch sử lâu đời, truyền thuyết cho hay làng xuất hiện đồng thời với Kinh thành Cổ Loa, như vậy là đã có hơn ngàn năm tuổi. Trong xứ Kinh Bắc thuộc phủ Từ Sơn - địa danh cổ có tới 274 làng.
Kiến trúc sư với nông thôn
Hướng tới “ Ngày Kiến trúc Việt Nam -27/4 “, giới kiến trúc sư cả nước có nhiều hoạt động thiết thực với mong muốn thu hút sự quan tâm của xã hội đối với KT và phát huy mạnh mẽ hơn vai trò, trách nhiệm của giới KTS đối với cộng đồng. Một nhóm KTS , họa sĩ đã gặp nhau và cùng chung ý tưởng “ hoạt động vì cộng đồng “ . Đề tài nhóm định hướng nghiên cứu là một làng quê ngoại ô Hà Nội đang trong quá trình đô thị hóa .
Có thể dễ nhận thấy nhiều đồ án nghiên cứu kiến trúc nông thôn gần đây trươt theo hai hướng : hoặc nặng về nội dung khai thác các quỹ đất nông nghiệp còn lại để kinh doanh bất động sản, hoặc miên man những tản văn hoài niệm về những ký ức cây đa bến nước lũy tre con cò …..
Xác định cho mình một hướng đi có tính sáng tạo , nhóm đã thực hiện việc mô tả làng quê với thời điểm lùi về quá khứ 100 năm : đề tài làng Lại Đà nửa đầu thế kỷ 20 đã được thực hiện với sự trợ giúp kỹ thuật của các chuyên gia trong nước và quốc tế thuộc Trung tâm Hành động vì sự phát đô thị ( ACCD ) .
Với mục đích mô tả chân thực nhất mô hình định cư , sử dụng nước , cấu trúc không gian , mối liên hệ giữa kiến trúc , cảnh quan với văn hóa lịch sử …để làm cơ sở cho các bước nghiên cứu mô hình cho tương lai nông thôn phát triển hài hòa .
Làng Lại Đà bên sông Đuống
Làng Lại Đà là một trong 4 làng thuộc xã Đông Hội, huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội. Làng có lịch sử lâu đời, truyền thuyết cho hay làng xuất hiện đồng thời với Kinh thành Cổ Loa, như vậy là đã có hơn ngàn năm tuổi. Trong xứ Kinh Bắc thuộc phủ Từ Sơn - địa danh cổ có tới 274 làng. Những thay đổi đơn vị hành chính từ thời Nguyễn sang thời Pháp thuộc quy mô phủ huyện nhỏ dần nhưng làng thì không đổi.
Bản đồ lưu trữ cho thấy quy mô định cư của làng từ năm 1911 đến 2011, trải qua 100 năm không có biến động lớn về đất đai, nhưng số dân trong làng tăng lên rất nhiều. Đầu TK 20, mới có vài chục hộ ( khoảng 100 nhân khẩu ), những năm 1950 đã là gần 100 hộ với 300 nhân khẩu.
Lại Đà 2011 có 507 hộ, 2001 nhân khẩu sống trong làng có diện tích 17 Ha . Đất ruộng có 93,6 Ha, nhưng chỉ mươi năm tới đất làng chắc làm đô thị hết. Hiện đã có 6 doanh nghiệp BĐS đánh tiếng lấy đất ruộng làng …Sớm muộn thì 80 Ha đã vào tầm ngắm đô thị hóa . may ra làng giữ lại 13 ha làm đất chuyển đổi cây trồng thôi,
Lại Đà trong bản đồ huyện Đông Ngàn 1911 và hình phóng to (trên ) và hiện nay bên dòng sông Đuống
Những hoài niệm về làng :
Từ xa xưa Lại Đà đã là một làng tổ chức chặt chẽ quy củ. Tổ chức làm thuỷ lợi, lập hệ thống kênh mương tưới tiêu kết hợp vận tải thuỷ từ làng ra đồng và ngược lại rất hiệu quả, dẫn đến sản xuất nông nghiệp đạt năng xuất cao. Cây rau cần là đặc sản, đã là nông sản hàng hoá từ sớm, làm bỏng ngô, kẹo mật đã làm cho thu nhập của dân làng cao hơn chung quanh.
Người trong làng học hành đỗ đạt, đầu óc doanh thương phát triển, đi xa lập nghiệp thành đạt, nhiều người vẫn hướng về quê hương, nhiều người làm làng vinh dự.
Nhằm Phát huy truyền thống văn hóa lịch sử của làng, cũng là cách lưu giữ ký ức , bóng dáng về làng quê yêu dấu ngày 01/12/2010 cán bộ địa phương, dân làng và các cụ cao tuổi đã nhóm họp để bàn chuyện lập hồ sơ phục nguyên làng Lại Đà.
Cơ sở tư liệu bản đồ do Nha Địa chính Đông Dương lập năm 1911 – cách đây 100 năm, kết hợp với các tư liệu ảnh cũ, hiện trạng công trình kiến trúc còn lại và ký ức của những người cao tuổi.
Những địa điểm quan trọng của làng được đánh dấu qua phỏng vấn, đi thực địa, vẽ phục dựng, xâu chuỗi các mối quan hệ thông tin. Những địa điểm quan trọng là đình, chùa, nghè, 5 cổng làng, 15 cổng xóm, văn chỉ, điếm tuần, nhà Hội đồng và các nhà thờ họ ( kể cả các chi , cành…), đền miếu của làng/ xóm. Hệ thống hồ đầm, ao ngoài, ao trong và 5 giếng làng cũng được xác định trên bản đồ và thực địa.
Các KTS trình bầy lập hồ sơ phục nguyên Làng Lại Đà với các cụ cao tuổi và lãnh đạo địa phương ( 1/12/2010)
Cuộc khảo sát ghi lại hình ảnh các ngôi nhà cổ còn sót lại trong làng trải trên 15 xóm cùng với danh tính của các chủ nhân, dòng họ chủ nhân các ngôi nhà ấy.
Những di tích Cách mạng, hầm nuôi giấu cán bộ tiền khởi nghĩa. Những dấu tích còn lại của cuộc chiến đấu anh dũng của du kích thôn Lại Đà chống lại trận càn ác liệt của 500 lính Âu Phi nay 27/3/1947 cũng được ghi chép .Hệ thống hào chiến đấu chui qua các ngõ xóm , xuyên qua các mảnh sân vườn tạo thành lối liên thông an toàn , du kích có thể vận động chiến linh hoạt từ đầu Xóm 1 đến xóm 14 .
Hàng chục cuộc khảo sát , gặp gỡ với các cụ cao tuổi của làng , các cán bộ địa phương và đại diện các dòng họ đã cung cấp nhiều thông tin bổ ích , làm tăng độ tin cậy tư liệu .Công việc tiến hành liên tục trong 4 tháng ( từ tháng 12/2010 đến đầu tháng 4/2011)
Gặp gỡ cụ Nguyễn Phú Sơn , đại diện nhọ Ngô Bá , ông Ng Phú Hoành ….
Ghi chép , quay hàng ngàn thức phim , chụp cũng cỡ hàng ngàn bức ảnh , vẽ ghi tư liệu kiến trúc địa phương , tổ chức phỏng vấn hàng trăm lượt người –là những nhân chứng lịch sử , văn hóa , cách mạng của làng …. để phục dựng hình ảnh toàn bộ làng với khung cảnh nửa đầu thế kỷ 20 , sau dựng sa bàn tỷ lệ 1/500 đưa về làng trưng bầy trong Đình đúng dịp hội làng ( 11 tháng 3 năm Tân mão –tức 13/4/2011)
Bản vẽ phối cảnh làng Lại Đà và mô hình tỷ lệ 1/500 với khung cảnh làng ban đêm
Mô hình làng Lại Đà –xã Đông Hội , huyện Đông Anh
KTS. Trần Huy Ánh