Đình Trường Lưu được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2008 tại quyết định số 360/QĐ-UBND của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tỉnh.
Trường Lưu là vùng có nền văn hoá lâu đời, là trung tâm văn hoá lớn ở Nghệ Tĩnh vào cuối Thế kỷ XVIII. Trường Lưu có một hệ thống đền, đình, miếu mạo… trong đó đình Trường Lưu là một công trình văn hoá tiêu biểu.
Tương truyền đình làng Trường Lưu trước kia được làm Bằng gỗ Rú Đò (Trà Sơn), tranh hèo, chưa được chạm trổ. Đến năm 1780, thám hoa Nguyễn Huy Oánh cùng dân làng sửa sang lại đình.
Đình làng Trường Lưu trước đây gồm 3 toà Hạ điện, Trung điện, Thượng điện nay chỉ còn Hạ điện mới được tu sửa và Thượng điện mới được phục dựng lại năm 2005. Đình Trường Lưu là nơi dân làng cử hành lễ hội hàng năm vào ngày 12 tháng 6.
Trong phong trào Cần Vương, đình làng Trường Lưu là nơi tu nghĩa của hơn 1000 quân Cần Vương, nơi xuất phát tiến quân đánh các đội quân lê dương và quân triều đình nhà Nguyễn Kéo về càn quét ở vùng Đức Thọ và huyện Can Lộc.
Trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931, đình làng Trường Lưu là nơi làm việc của thôn Bộ Nông, nơi bọn hào lý phải mang triện đồng, sổ sách nộp cho chính quyền cách mạng.
Ngày 12/6/1938 (Âm lịch) nhân lễ Kỳ Phúc, chi bộ Đảng Trường Lưu đã lãnh đạo 60 nông dân mang yêu sách đến đình làng trực diện đấu tranh với hào lý, buộc chúng phải cam kết thực thi nguyện vọng của nhân dân.
Ngày 17/8/1945, đình làng Trường Lưu lại chứng kiến lễ ra mắt của Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời của làng do ông Trần Huy Tùng làm chủ tịch.
Năm 1947, đình làng Trường Lưu được tỉnh chọn là làm địa điểm tổ chức "Ngày thương binh" và là nơi diễn ra cuộc mít tinh đầu tiên của tỉnh phát động toàn dân chăm sóc thương binh, bệnh binh và các gia đình liệt sĩ.
Đình làng Trường Lưu được đánh giá là một công trình kiến trúc cổ có giá trị tiêu biểu về mặt nghệ thuật, bên cạnh đó đình còn là một địa chỉ đỏ, nơi từng chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng không chỉ của nhân dân xã Trường Lưu mà còn của nhân dân huyện Can Lộc và cả tỉnh Nghệ Tĩnh.