Trung tâm Xúc tiến Đầu tư tỉnh Sóc Trăng
 
 
 
 
 

 
Liên kết Website
Skip portlet Portlet Menu
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Huyện Mỹ Xuyên
Tổng quan về huyện Mỹ Xuyên
(08/06/2011)

Huyện Mỹ Xuyên là một huyện đồng bằng nằm ở phía Nam của tỉnh Sóc Trăng có vị trí giáp ranh như sau: phía Bắc giáp Thành phố Sóc Trăng, huyện Mỹ Tú và huyện Châu Thành; phía Đông giáp huyện Trần Đề; phía Tây giáp huyện Thạnh Trị, Mỹ Tú và tỉnh Bạc Liêu; phía Nam giáp huyện Vĩnh Châu và tỉnh Bạc Liêu.

Mỹ Xuyên có 10 xã và 01 thị trấn, tổng diện tích tự nhiên 37.077,41 ha, bằng 11,20% diện tích tự nhiên của tỉnh. Nằm tiếp giáp với Thành phố Sóc Trăng, địa bàn huyện lại có tuyến đường Quốc lộ 1 chạy qua với tổng chiều dài 28,5 km và hệ thống đường thủy trên sông Mỹ Xuyên, Mỹ Thanh; đây chính là các yếu tố quan trọng tạo cho Mỹ Xuyên các lợi thế đặc biệt trong việc giao lưu kinh tế, văn hóa với các địa phương lân cận.

Địa hình huyện Mỹ Xuyên tương đối bằng phẳng, cao độ trung bình 0,5 – 1,0 m so với mặt nước biển, thấp dần từ Đông sang Tây và hướng Đông Nam – Tây Bắc. Địa hình thấp tập trung ở phía Bắc của huyện như Thạnh Quới, Thạnh Phú, Đại Tâm,… với địa hình bằng phẳng, Mỹ Xuyên rất thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, tuy nhiên hạn chế chủ yếu là địa hình bị chia cắt khá mạnh bởi sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, phần nào gây trở ngại cho xây dựng kết cấu hạ tầng và giao thông đi lại đường bộ, đất đai phần lớn là đất bãi bồi ven sông nhiều nơi bị nhiễm mặn vào mùa khô, một số nơi bị úng ngập vào mùa mưa. Để đáp ứng yêu cầu sản xuất, huyện cần được đầu tư nhiều cho xây dựng, nâng cao các công trình thủy lợi.

Sau đây là một số lợi thế và tiềm năng phát triển của huyện:

* Lợi thế tiềm năng về tài nguyên đất đai:

Trên địa bàn huyện Mỹ Xuyên có các nhóm đất sau:

Một là, nhóm đất mặn chiếm 64,62% diện tích đất tự nhiên, đất này có thành phần cơ giới nặng (hàm lượng sét trên 40%), thoát nước kém, thường có tầng Gley mạnh ở độ sâu khác nhau, độ phì tiềm tàng khá cao.Tầng đất mặt khá giàu hữu cơ, dung tích hấp thụ từ trung bình đến khá, hàm lượng kali và cation trao đổi trung bình, lân tổng hợp nghèo đến trung bình. Mặn là yếu tố hạn chế đối với việc sử dụng vào mục đích đất nông nghiệp, nhưng lại có lợi thế cao về phát triển nuôi trồng thủy sản mặn và lợ; nếu được quản trị tốt kết hợp với bố trí cơ cấu sử dụng đất hợp lý và quan tâm đúng mức với các biện pháp bảo vệ và cải tạo môi trường thì đem lại hiệu quả cao và lâu bền.

Hai là, nhóm đất cát chiếm 3,32% diện tích đất tự nhiên, đất có độ phì tiềm tàng không cao nhưng lại thích hợp với nhiều loại rau - màu, rất thuận lợi cho đa dạng hóa trồng trọt và là một trong quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp.

Ba là, nhóm đất phèn chiếm 12,78% diện tích đất tự nhiên, nằm ở vị trí thấp trũng. Đất phèn được hình thành do sản phẩm bồi tụ phù sa và vật liệu sinh phèn (xác thực vật hoặc sét chứa lưu huỳnh), có thành phần cơ giới nặng (hàm lượng sét chiếm 40 – 56%), thoát nước yếu hầu hết các phẫu diện đất đều có tầng đất bị Gley mạnh, có thể cải tạo sử dụng vào đất nông nghiệp, đặc biệt là nuôi trồng thủy sản.

Bốn là, các loại đất khác chiếm 19,28% diện tích đất tự nhiên, gồm đất thổ cư, đất xây dựng, sông, kênh, rạch, đất cây lâu năm,…

* Lợi thế tiềm năng về tài nguyên nước:

Sông Mỹ Thanh chảy ngang qua địa phận huyện Mỹ Xuyên đã cung cấp nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất trên địa bàn toàn huyện thông qua hệ thống kênh rạch. Ngoài ra, Mỹ Xuyên còn có nhiều ao hồ được phân bố rộng khắp trên địa bàn, nơi dự trữ nguồn nước mặt vào mùa khô.

Nguồn nước ngầm được khai thác sử dụng cho việc sinh hoạt của nhân dân trong huyện bằng giếng khoan. Chất lượng nước phụ thuộc vào độ sâu của giếng khoan. Trong đó, tầng sâu đến 30 m nước bị nhiễm mặn, độ mặn khoảng 1g/lít và nhiễm bẩn hữu cơ cao. Chất lượng phụ thuộc vào nước mặt, như vậy tầng nước ngầm sâu dưới 30 m ít được khai thác sử dụng; tầng sâu 80m – 200 m chất lượng nước khá tốt, được khai thác sử dụng cho sinh hoạt, tính chất lý, hóa, sinh trong nước như sau: pH = 7 – 8,5, hàm lượng sắt từ 0,1 – 0,8 g/lít, độ mặn 100 – 200 mg/lít; tầng sâu 300 m chất lượng tốt hơn nhưng khai thác tốn kém nên ít được khai thác.

Nhìn chung, tài nguyên nước của huyện Mỹ Xuyên rất dồi dào, chất lượng nước tương đối tốt ít bị ô nhiễm vì thế có giá trị rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, nếu được khai thác và sử dụng hợp lý sẽ đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp, đời sống của nhân dân, góp phần không nhỏ cho sự nghiệp phát triển kinh tế của huyện Mỹ Xuyên nói riêng và của tỉnh Sóc Trăng nói chung.

* Lợi thế tiềm năng về tài nguyên nhân văn, du lịch:

Mỹ Xuyên có truyền thống lịch sử đấu tranh cách mạng hào hùng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ, vùng căn cứ cách mạng tập trung ở xã Hòa Tú và Gia Hòa, truyền thống vẻ vang luôn là hào khí cho nhân dân huyện Mỹ Xuyên bước vào sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh. Toàn huyện có ba dân tộc chính là Kinh (chiếm 59,51%), Hoa (chiếm 2,10%) và Khmer (chiếm 38,37%); ngoài ra còn có một số dân tộc khác chiếm 0,02%. Các phong tục tập quán truyền thống của từng dân tộc tạo nên đời sống văn hóa, tinh thần của người dân đa dạng. Sự kết hợp khéo léo giữa thiên nhiên và tài năng lao động, sức sáng tạo của con người đã tạo cho Mỹ Xuyên một vùng đất trù phú, cảnh quan đa dạng. Với truyền thống lịch sử lâu đời, người dân nơi đây đã tạo dựng và để lại cho thế hệ ngày nay nhiều di sản văn hóa tinh thần mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc./..

Hoàng Thọ

Đầu trangIn bản tin
 
 
 
 
 
 
 
Tìm kiếm
Skip portlet Portlet Menu
 
Lễ hội Đua ghe ngo
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Cổng thông tin điện tử " Sóc Trăng-Tiềm năng & cơ hội đầu tư" do Trung tâm XTĐT Sóc Trăng trực tiếp quản lý,
dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thường trực Ban Chỉ đạo Xúc tiến Đầu tư Thương mại & Du lịch tỉnh Sóc Trăng
Địa chỉ: Số 21 Trần Hưng Đạo, phường 3, Thành phố Sóc Trăng
Điện thoại: (079) 2211 679 - Fax: (079) 3828 339 - Email: soctrangipc@yahoo.com
@ Ghi rõ nguồn "Trung tâm Xúc tiến Đầu tư tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ website này.