Không có khái niệm “chùa Một Cột”
Một điều
trước hết mà chúng tôi có thể nhận định rằng, khái niệm “chùa Một
Cột” dùng để định danh cho kiến trúc một cột kia là một sản phẩm do
người sau gán đặt. Đó là một cái tên hoàn toàn dân gian, theo kiểu
mô tả cụ tượng “thấy gì gọi thế”. Việc dân gian hóa tên gọi ấy đã
được thực hiện từ khá sớm vào cuối thế kỷ XVII. Cứ liệu là tấm bia
mang tên Nhất Trụ tự bi mang số hiệu 20917 (Viện Nghiên cứu Hán
Nôm), có niên đại Cảnh Trị năm thứ 3 (1665), do Hòa thượng Tỳ khưu
Lê Tất Đạt soạn. Bia có đoạn như sau: “Khi vua Lý Thánh Tông chưa
có hoàng tử, thường hương khói cầu tự ở đây. Một hôm ngài mộng thấy
Phật Quan Âm dắt lên trên lầu, bế một đứa trẻ đặt vào lòng ngài.
Tháng đó Hoàng thái hậu liền có mang hoàng tử. Vua bèn làm
thêm ngôi chùa Diên Hựu ở bên hữu chùa Một Cột, để mở mang
việc thờ phụng, để tỏ rõ sự tôn sùng.”1 Từ tên văn bia,
cho đến đoạn in đậm ở trên, chúng ta thấy người soạn không nắm rõ
lịch sử, chức năng và ý nghĩa của kiến trúc này. Ông gọi đó là
“chùa Một Cột” và còn dịch ngược sang tiếng Hán là “Nhất Trụ tự”,
và coi chùa Diên Hựu là công trình xây dựng sau, đi kèm với “chùa
Một Cột”.
Về nguồn gốc
tên gọi này, Phạm Đình Hổ trong Vũ Trung tùy bút (bản
R.1609 Thư viện Quốc gia) cho biết: “Chùa Diên Hựu ở thời Lý tục
gọi là chùa Một Cột”2. Thực ra, ở đây, Phạm Đình Hổ cũng
đã nhầm khi ông tin vào “tục danh” của dân gian mà gọi là “chùa Một
Cột”. Nhưng, câu văn của ông cho chúng ta biết ba thông tin khả
thủ: (1) Kiến trúc này vốn có tên chữ là “Diên Hựu tự”; (2) Chùa
Diên Hựu dựng từ đời Lý; (3) cái tên “Một Cột” kia chỉ là cái tên
dân gian mà thôi. Sở dĩ nói là khả thủ bởi chúng ta sẽ thấy nó
trùng khít với một số sử liệu đương thời về ngôi chùa này như trình
bày dưới đây.
Khảo khắp các
sử liệu, nhà nghiên cứu Trần Thị Kim Anh trong bài “Chùa Diên Hựu-
Một Cột - lịch sử và biểu tượng”3 đã công bố những tư
liệu gần như đồng đại với thời điểm xây dựng di tích này, ví dụ như
Đại Việt sử ký toàn thư (biên soạn từ thế kỷ XII-XVII) và
các tư liệu bi ký (tiêu biểu như văn bia Đại Việt quốc Lý gia đệ tứ
đế Sùng Thiện Diên Linh tháp bi (năm 1121) đời vua Lý Nhân tông,
bài thơ Diên Hựu tự của Trúc Lâm đệ tam tổ Huyền Quang Lý Đạo Tái).
Tất cả các tư liệu thời Lý - Trần đều ghi chùa có tên chữ
là “Diên Hựu”, không hề có tên “Nhất Trụ tự”.
Theo các mô tả mặt bằng
cảnh quan di tích của các tư liệu trên thì cái mà được đời
sau gọi là “chùa Một Cột” kia chỉ là một đơn nguyên kiến trúc nằm
trong tổng thể kiến trúc của chùa Diên Hựu mà thôi. Điều
này chúng ta có thể thấy rõ khi khảo sát thực địa: kiến trúc “một
cột” nằm trong khuôn viên chùa Diên Hựu, ở mé Tây của tử cấm thành
Thăng Long.
Vậy “một cột” là kiến
trúc gì? Chúng ta sẽ thấy rõ tên của kiến trúc này qua sử liệu sau
đây trong Đại Việt sử ký toàn thư (thế kỷ XVII): ghi năm
Kỷ Sửu, niên hiệu Thiên Cảm Thánh Vũ năm thứ 6 (1049), “Mùa đông
tháng 10, dựng chùa Diên Hựu. Trước đây vua (Lý Thái Tông) nằm mơ
thấy Phật Quan Âm ngồi trên đài sen dẫn vua lên đài. Đến khi tỉnh
dậy nói lại với quần thần, có kẻ cho là điềm bất tường. Có vị thiền
sư là bậc mẫn tuệ khuyên vua làm chùa, dựng cột đá giữa mặt đất,
làm Quan Âm liên hoa đài ở đỉnh cột như đã thấy
trong mộng, cho các sư đi vòng quanh tụng kinh cầu cho vua được
trường thọ. Cho nên đặt tên như vậy”4.
Tuy nhiên, theo chúng
tôi cái tên “Quan Âm liên hoa đài” là cách định danh của các sử
quan Nho gia từ đời Lê trở về sau. Cách định danh này có lẽ dựa
trên những gì hiện tồn ở kiến trúc này vào thời điểm đó. Những mô
tả trên rất khác so với những thông tin trong nguồn sử liệu sớm
nhất mô tả về công trình này, đó là văn bia Đại Việt quốc Lý
gia đệ tứ đế Sùng Thiện Diên Linh tháp bi (khắc năm 1121).
Văn bia này chỉ ghi vị thần được thờ phụng là Năng Nhân tức
đức Thích Ca Mâu Ni5.
Như vậy, có thể nhận
định rằng “chùa Một Cột” là cách gọi của dân gian dành cho
kiến trúc “liên hoa đài” - một đơn nguyên kiến trúc thuộc tổng thể
mặt bằng của chùa Diên Hựu. Cho nên, gọi “đài” là “chùa” đã là một
cái sai, gọi “Thích Ca liên hoa đài” thành “Quan Âm liên hoa đài”
là cái sai thứ hai. Hơn nữa lại đồng nhất “chùa một cột thờ Quan
Âm” thời Lê với chùa Diên Hựu thờ Phật Thích Ca Mâu Ni lại càng sai
nữa6. Vì thế, chúng tôi đề nghị rằng nên phân
tách các tầng lịch sử của kiến trúc này cũng như tín ngưỡng trong
đó.
Vào thời Lý, kiến trúc là Thích Ca liên hoa đài, tín ngưỡng là thờ
Phật Thích Ca. Từ đời Lê về sau chuyển thành “Quan Âm liên hoa
đài”, tín ngưỡng thờ Phật Quan Âm. Tuy nhiên, cần nhận định lại lần
nữa, dù liên hoa đài đó đặt tượng gì đi chăng nữa thì đó không phải
là chùa, mà kiến trúc một cột đó chỉ là một phần thuộc khuôn viên
chùa Diên Hựu mà thôi. Các cơ quan quản lý văn hóa hữu quan nên có
những điều chỉnh cho đúng sát với thực tế lịch sử. Bởi chúng ta,
nếu sơ xuất ở một vài chi tiết sẽ dẫn đến nhiều sai lầm khác có
tính hệ thống.
Nguồn gốc và ý nghĩa biểu
tượng của “liên hoa đài”
Liên hoa đài là một dạng thức kiến trúc Phật giáo, chức năng là để
sùng phụng, thờ cúng đức Phật hoặc chư vị Bồ Tát. Về mặt từ nguyên,
“đài” trỏ loại công trình được xây cao, để có thể nhìn ra bốn phía
(tứ vọng). “Đài sen” là dạng kiến trúc truyền thống trong các tín
ngưỡng thuộc Phật giáo có mặt trong nhiều nền văn hóa Đông Á. Phật
Thích Ca tọa trên tòa sen báu là hình tượng biểu trưng đa nghĩa,
vốn có nguồn gốc sâu xa trong văn hóa Ấn Độ cổ đại, cụ thể là trong
văn hóa Hindu giáo như sẽ trình bày dưới đây.
Trước tiên là về biểu tượng hoa sen trong Hindu giáo. Hoa sen
thường được tôn vinh cùng với thần Vishnu, thần Brahma và một số vị
thần khác. Nó là biểu tượng của cái đẹp thuần khiết, không chút bụi
tục, nó siêu việt khỏi thế giới ô trọc. Thần Vishnu được miêu tả
với “đôi mắt hoa sen” là vì thế. Các kinh điển Ấn Độ thường khắc
họa hình ảnh hoa sen sinh ra từ bùn lầy tăm tối và bừng nở ngoài
ánh sáng, nó được coi như biểu tượng cho sự thăng hoa của tinh
thần. Tranh tượng Hindu cũng thường tô điểm hình ảnh thần Vishnu
ngủ mơ màng trên lưng rắn Naga đang bồng bềnh khắp mặt đại dương
sinh-hóa, từ cuống rốn của thần mọc lên một đóa sen và từ đó nở ra
thần Brahma. Thần Brahma được mệnh danh là thần sáng tạo, là vị chỉ
huy, quyền năng vô cùng, chính vị thần này đã điều hòa các nghiệp
kiếp cho chúng sinh, và là người sinh tạo ra thế giới muôn loài…
Du nhập vào văn hóa Phật
giáo, hình ảnh hoa sen cũng luôn đi liền với Bồ Tát hay đức Phật.
Hoa sen là loài hoa mang biểu tượng cao quý nhất của Phật giáo. Vì
hoa sen biểu trưng cho Phật tính vốn sẵn có trong mỗi chúng sinh.
Khi Đức Phật đản sinh ở vườn Lâm Tỳ Ni, dưới tán hoa Vô Ưu, ngài đã
ung dung bước đi bảy bước trên bảy hoa sen mầu nhiệm: “Bảy đóa sen
vàng nâng gót ngọc, Ba ngàn thế giới lễ Như Lai”. “Theo quan điểm
của Phật giáo, hoa sen - Thích Ca Mầu Ni ngự trên đó - là bản thể
của Đức Phật, không bị bùn lầy của samsāra tác động. Vật châu báu
trong hoa sen (mani padme) là vũ trụ chứa đựng dharma (pháp), là ảo
ảnh hình thức, hay là Mâyâ, mà từ đó nhô lên Niết bàn”7.
Đến đây có thể nhận định
rằng liên hoa đài là một biểu tượng tích hợp các quan niệm
khác nhau về thế giới trong văn hóa tâm linh cổ Á Đông. Từ Hindu
giáo, hoa sen là phương tiện tạo tác ra thần Brahma, và sinh thành
thế giới. Đến Phật giáo, hoa sen là loài hoa thiêng sinh ra Đức
Phật và cao hơn nó là biểu tượng của Phật tính. Trong đời sống tâm
linh Việt Nam qua nhiều thế kỷ, thờ Thích Ca có thể nói là tín
ngưỡng từng tồn tại với những tầm mức đậm nhạt khác nhau. Với
Thích Ca liên hoa đài ở chùa Diên Hựu qua ghi chép trong
văn bia chùa Đọi, chúng ta biết rằng ở thời Lý, tín ngưỡng này
đã lên đến địa vị tối cao, trở thành một tín ngưỡng của hoàng gia,
cao hơn nữa Phật Thích Ca đã trở thành một vị thần bảo hộ quốc gia,
nối dài mạch nước. Ngôi chùa có đơn nguyên kiến trúc Thích Ca
liên hoa đài được đặt tên “Diên Hựu” chính là vì vậy.
Thích Ca liên hoa đài
ở chùa Diên Hựu theo chúng tôi không chỉ đơn thuần là một chiếc đài
dùng thể sùng phụng đức Thích Ca. Muốn hiểu đến tận cùng ý nghĩa
biểu tượng của nó có lẽ chúng ta phải đặt mình vào bối cảnh văn hóa
Phật giáo thời kỳ này. Tuy nhiên, hướng nghiên cứu này sẽ được
chúng tôi triển khai trong một bài viết khác.
---
* Viện
Nghiên cứu Hán Nôm
1. Trần Thị Kim Anh, “Chùa Diên Hựu- Một Cột- lịch sử và biểu
tượng”, Tia sáng số 7/2012. Trong bài này, tác giả
cho rằng kiến trúc một cột là một dạng kinh tràng của Mật tông. Đây
cũng là một giả thuyết đáng lưu ý.
2. Chuyển dẫn theo Trần Thị Kim Anh. Bđd.
3. Chuyển dẫn theo Trần Thị Kim Anh. Bđd.
4. Chính Hòa thứ mười tám (1697). Đại Việt sử ký toàn thư.
Nội các quan bản. Bản khắc in. Bản kỷ - Quyển II, Kỷ nhà Lý.
Tr.37a.
5. Bản dịch. 1998. Tập 1. Ngô Đức Thọ dịch chú, Hà Văn Tấn hiệu
đính. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội. tr.268.
Nguyên văn là “kim tướng chi Năng Nhân” nên dịch là “Phật Thích Ca
Mâu Ni tướng vàng”. Sách Phạm võng kinh thuật ký ghi: “Thích Ca Mâu
Ni, đại Đường phiên là Năng Tịch, trước kia phiên là Năng Mãn, cũng
gọi là Năng Nhân. Thích Ca có nghĩa là Năng: tài năng, năng lực,
bậc anh hùng. Mâu Ni có nghĩa là nhân, nhân từ. Cho nên đức Phật
Thích Ca Mâu Ni còn gọi là Năng Nhân”. [Kim Cương Tử (chủ biên).
1998. Từ điển Phật học Hán Việt. Nxb KHXH. Hà Nội.
tr.497]. Bản dịch của Đỗ Văn Hỷ dịch là “pho tượng sắc vàng”
[Nguyễn Huệ Chi (chủ biên). Thơ văn Lý Trần. Nxb KHXH, Hà Nội.
405]. Đỗ Bằng Đoàn dịch là “tượng Quan âm bằng vàng” [Đỗ Bằng Đoàn,
Đỗ Trọng Huề. Những đại lễ và vũ khúc của vua chúa Việt Nam. Nxb
Văn học. 1992. Hà Nội. tr.148-151].
6. Những người trước đây từng đưa ra ý kiến tương tự với chúng tôi
có lẽ là nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ Chu Quang Trứ, trong mục CHÙA
MỘT CỘT ông đã viết “Thực ra, chùa là một cụm kiến trúc gồm chùa
Diên Hựu và Liên Hoa Đài (lâu nay thường gọi lầm là chùa Một Cột”.
Ông chỉ lầm ở một điểm, đây không phải là “cụm kiến trúc” mà là một
“tổng thể kiến trúc”. [Xem Hữu Ngọc (chủ biên). Từ điển văn hóa
cổ truyền Việt Nam. Nxb Thế Giới. Hà Nội. 2002. tr.162].
Xem thêm Chu Minh Khôi. Liên Hoa Đài - hồn vía Thăng Long xưa.
http://giacngo.vn
7. Jean Chevalier và Alain Gheerbrant.1997. Từ điển biểu tượng
văn hóa thế thế giới. Nxb Đà Nẵng. tr. 811.