Chùa So: Danh thắng xứ Đoài, Hà Nội (Hà Tây cũ)
Nguồn: website HNM
Cập nhật: 02/06/2009, 09:50:14

Từ quận Hà Đông, đi hơn 10km nữa tới bờ sông Hát, qua Cầu Quan là tới núi Rồng. Từ đây rẽ trái đi khoảng 1km nữa là tới chùa làng So, tên chữ Lạc Lâm Tự, nay thuộc xã Tân Hòa, huyện Quốc Oai, Hà Nội.


Chùa So tọa lạc ở lưng chừng núi Phượng, xa trông như con phượng khổng lồ. Hai bên chùa là hai cánh phượng, tạo thành hai xóm dân là xóm Hồ và xóm Chợ. Tọa lạc giữa một vùng non xanh nước biếc, cảnh trí hữu tình, chùa So dựng theo kiểu "nội công ngoại quốc" có 57 gian gồm tiền sảnh, tam bảo, hành lang, nhà tổ. Tam quan chùa nằm ở gần chân núi xây kiểu chồng diêm 2 tầng 12 mái dựng năm Mậu Dần (1698) đời vua Lê Hy Tông. Trên ba cửa vòm cuốn đắp nổi các chữ Hán bằng nề vôi. Cửa giữa đề "Đại giác quan"; cửa bên phải có chữ "Sơn hà như tại" (sông núi như có cả ở nơi này); cửa bên hữu có chữ "Thị nhân giác lộ" (bảo cho mọi người biết từ đây là con đường giác ngộ).

 

Từ tam quan lần theo 80 bậc đá là tới tiền sảnh 7 gian, ở hai đầu hồi có gác chuông, gác trống xây hình tháp 8 mái cong cao vút. Trên đỉnh có bình nước cam lồ gắn với triết lý nhân sinh của nhà Phật và tạo dáng cho kiến trúc thêm mềm mại. Tiền sảnh và phật điện được nối với nhau bằng một tòa thiêu hương. Phật điện hình vuông 4 mái, tường xây gạch ống, phía ngoài để trần. Toàn bộ kiến trúc bào trơn đóng bén không chạm trổ cầu kỳ. Kiến trúc phật điện chùa So tựa như phật điện chùa Hun ở Côn Sơn, khiến ta nghĩ đây là di tích đời Trần. Đăng đối với phật điện là hai dãy hành lang nơi đặt tượng 18 vị La Hán. Trải thời gian mưa nắng, nay một dãy hành lang đã bị đổ nát, 18 tượng La Hán nay chỉ còn 13. Tượng La Hán chùa So to như người thật, từ vẻ mặt, nếp áo, dáng đứng đã mô tả sống động mọi cảnh đời. Cũng như chùa Tây Phương, tượng La Hán chùa So ẩn chứa nhiều giá trị nghệ thuật độc đáo.

 

Theo văn bia, chùa Lạc Lâm có thể được khởi dựng từ rất sớm, được trùng tu vào các năm 1698, 1773, 1846. Chùa còn giữ được một số di vật có niên đại đời Lý, Trần và Lê.

 

Tại gian chính tiền sảnh còn 3 viên đá tảng hình vuông, mỗi cạnh 0,8m, giữa là hình chân cột, xung quanh chạm 16 cánh sen, nét chạm mang phong cách nghệ thuật đời Trần. Chùa có 82 pho tượng Phật. Tài nghệ của người xưa thể hiện tinh tế ở các tượng Như Lai, Thích Ca, tượng Phật Bà nghìn mắt nghìn tay, các pho thập điện và tượng hậu… Nét độc đáo hiếm có là bệ sơn của ba pho Tam thế được tạc bằng đá mối, màu đá đỏ tím. Đỡ bệ sen và tượng Phật là con lân ngậm hạt châu. Có nhà nghiên cứu cho rằng đây là di vật đời Lý. Tại vườn chùa có 5 ngôi tháp cổ. Trong số này có ngọn tháp đá bốn tầng vừa đổ. Tầng tháp trên cùng có khắc ba chữ Hán "Sùng Ân tháp"; ở tầng thứ hai, có ba mặt còn thấy được đều có khắc chữ Phật. So với tháp sư Huyền Quang ở Côn Sơn, ngôi tháp này có quy mô nhỏ hơn nhưng lại giống về đường nét nghệ thuật đời Trần.

 

Ở đầu tòa tiền sảnh có bia đá tạo thời Thiệu Trị (1846) lời văn mô tả dáng vẻ chùa: "Trước chùa có Hát giang lượn vòng quanh núi. Vào thời Lý có người phương Bắc đến, thấy nơi đây có lâu đài cao ngất, sắc tượng trang nghiêm. Dân ở đây tụ tập quanh núi dần dà thành vạn nhà. Ở nơi thắng cảnh này, cây cối âm u, chim kêu ríu rít, buổi sáng có sương phủ như khói, chiều có ráng mây. Mỗi lần ngắm cảnh ấy thì trong lòng có trăm niềm vui đến, nhân đó mới gọi là chùa Lạc Lâm. Nhân ngắm cảnh chùa vua có làm bài thơ bằng quốc âm".

 

279 năm đã qua đi, bài thơ Nôm của vua Lê Dụ Tông khắc trên gỗ quý vẫn còn đó. Biển gỗ có khung chạm nổi rồng chầu mặt trời, nét chạm thanh mảnh mềm mại. Ở góc phải biển gỗ đề "Ngự đề Lạc Lâm tự thi". Dòng lạc khoản ghi ngày 17 tháng 7 năm Vĩnh Thịnh 13 (1717). Bài thơ như sau:

 

Mảng vui Thiên Phúc cảnh thiên thành,

Ngoạn thưởng âu cơ thích tính tình.

Thán thán nhân cơ trông vời vợi,

Dồn dồn đạo ngạn bước thênh thênh.

Trời xuân vằng vặc hoa cài cửa,

Gió thụy hưu hưu nguyệt dãi mành.

Công quả tĩnh phương buồm thuận tới,

Tiệc vầy ngâm ngợi khúc thăng bình.

 

Chùa Lạc Lâm danh thắng xứ Đoài còn tiềm ẩn nhiều giá trị văn hóa, nơi đây còn là di tích lịch sử. Vào những năm 1883 đến 1885 chùa So là nơi ở của thủ lĩnh Dương Hữu Quang. Ông đóng vai "thầy Tự" ở chùa So, bí mật tuyển 5.000 người trong vùng khởi nghĩa chống Pháp ở vùng Hà Nội - Sơn Tây. Dương Hữu Quang người huyện Thanh Oai, làm Tri huyện Thọ Xương ở Bắc thành, sau giữ chức Binh phòng tỉnh Sơn Tây, có tài quân sự, hoạt động ráo riết trị bọn hào phú, bọn làm tay sai cho Pháp.     

                                                     

 

 
Số lần đọc: 1662Printer