Tin liên quan
Đọc nhiều
Giao thoa âm nhạc, múa Đại Việt - Chămpa qua nghệ thuật chạm khắc chùa Hoa Long
Lịch sử đã từng in dấu sự tiếp xúc và giao lưu văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng giữa Đại Việt và Chămpa trên đất xứ Thanh này.
Điêu khắc tiên nữ ở chùa Hoa Long. Ảnh: H.M.T
Trong quá trình “Nam tiến” Lê Đại Hành, Lê Thánh tông, Nguyễn Hoàng... những người con Thanh Hóa đã từng hành binh bảo vệ miền biên viễn của quốc gia Đại Việt và đưa lưu dân Thanh Nghệ vào Chămpa, Lâm Ấp để khai khẩn đất đai, lập nghiệp trên vùng đất mới. Trong quá trình tiếp xúc ấy văn hóa, tôn giáo Đại Việt đã có ảnh hưởng ít nhiều đến văn hóa, tín ngưỡng Chămpa và ngược lại. Cũng chi phối bởi quy luật giao lưu và tiếp biến văn hóa này. Trong những lần Nam tiến năm 1069, 1074, triều đình nhà Lý đem theo về kinh đô nhiều nam nữ nghệ sĩ Chiêm Thành, làm nhà riêng cho ở để tiếp tục nghệ thuật ca múa. Một số không ít các cung nữ, hậu phi triều Lý được tuyển chọn trong số những ca nữ duyên dáng Chiêm Thành. An Nam Chí Lược cũng chép là năm 1060 vua Lý Thánh tông chuyển âm các ca khúc và tiết cổ âm Chiêm rồi sai nhạc công ca hát và năm 1202 vua Lý Cao tông sai người soạn ca khúc mới gọi là Chiêm Thành Âm. Nhạc Chiêm Thành với nguồn gốc văn hóa Ấn Độ, không những truyền sang Việt Nam đời nhà Lý; từ buổi xa xưa hơn, nền nhạc ấy còn được “triều cống” sang Tàu và ảnh hưởng đến Nhật Bản. Trong sự tiếp xúc, giao lưu giữa quốc gia này với quốc gia khác, việc tiếp nhận ảnh hưởng văn hóa lẫn nhau thường xảy ra và là quy luật tất yếu. Trong quá trình “Nam tiến” với sự ảnh hưởng, giao lưu Chăm-Việt đã làm phong phú thêm cho âm nhạc Đại Việt, thể hiện rõ tinh thần dung hợp văn hóa là nền tảng cho sự hòa hợp và đoàn kết các dân tộc anh em trên đất Việt trong lịch sử và cả hôm nay.
Người Chăm có một nền âm nhạc dân gian truyền thống rất phong phú, được hình thành và phát triển rất sớm. Với người Chăm âm nhạc là ngôn ngữ rất thiêng liêng, cao cả và trong sáng, làm phương tiện giao lưu giữa con người với thần thánh. Bởi vậy trong lễ hội, đón rước, nghi lễ của người Chăm bao giờ cũng có âm nhạc và múa. Tiếng nhạc như quyến rũ, thôi thúc mọi người đến với buổi lễ. Âm nhạc trở thành linh hồn của buổi lễ của người Chăm thờ các vị thần Bàlamôn giáo và thờ Đức Phật.
Khảo sát các bức chạm khắc ở Hoa Long tự, bắt gặp nhiều đồ án trang trí và chạm khắc mang hơi thở của văn hóa, tôn giáo Chămpa hòa quyện và gặp gỡ trong tâm thức của người Việt trong việc phụng thờ Phật.
Chùa Hoa Long cấu trúc theo hình chữ công (J) chuôi vồ, đó là kiến trúc cổ còn lại rất hiếm gặp trên đất tỉnh Thanh. Bước vào tòa Thiêu hương, bắt gặp nhiều mảng chạm khắc với chủ đề tứ linh, tứ quý, cảnh sinh hoạt dân gian, mục đồng thổi sáo... Đặc biệt, gần chính giữa tòa Thiêu hương có bức chạm gỗ hình một nhạc công gẩy đàn, ngồi trên mình bò, tà áo dài buông chùng phủ xuống thân bò. Nhạc công gương mặt hồng hào, mắt lim dim như thả hồn hướng về cõi Niết Bàn, cổ có ngấn, tai dài như tai Phật. Nhạc công tay trái đưa ra phía trước ôm lấy cây đàn với bầu đàn hình chữ nhật, cần đàn vươn cao và cuộn lại phía chót đỉnh cần, tay phải nhạc công hơi khuỳnh, tấu lên khúc nhạc làm tăng thêm vẻ linh thiêng của cõi Phật. Theo Lược sử âm nhạc Việt Nam xuất bản năm 1993 của Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thụy Loan, nói về sự xuất hiện và phát triển của âm nhạc Phật giáo Việt Nam như sau: “... Sự hưng thịnh của Đạo giáo, nhất là của Phật giáo từ thời Đinh, Lê, nhất là dưới thời Lý - Trần, chắc chắn kéo theo sự phát triển và nở rộ của các thể loại ca nhạc gắn với các tôn giáo đó. Ngoài các kiểu ngâm, tụng, đọc kinh Phật giáo, có thể đã xuất hiện thêm nhiều hình thức hát nhà chùa khác: Kể hạnh, múa hát chạy đàn, hát chầu tại các đền miếu. Bên cạnh trống, chiêng thường được sử dụng trong các hội hè, lễ nghi truyền thống, Phật, Đạo đã góp thêm những mõ, tiu, cảnh, chuông như những nhạc khí điểm xuyết và đệm cho những điệu tụng kinh, kệ và hát thờ. Âm nhạc – như một chất xúc tác không thể thiếu được trong các hình thức đồng bóng gắn với tín ngưỡng nguyên thủy của cư dân Lạc - Việt, ngày càng phát triển theo thời gian. Ngoài những lời khấn và tiết điệu của bộ gõ, dần dần nảy sinh những bài ca, điệu nhạc đi kèm theo các vũ điệu giúp con người thoát xác để “nhập thân với các đấng thần linh...”.
Hình tượng nhạc công chơi đàn này rất giống với các bức phù điêu tạc trên đá trong các ngôi chùa thời Lý như chùa Thái Lạc, chùa Phật Tích, chùa Long Đọi..., do ảnh hưởng Ấn Ðộ giáo của người Chăm. Hình ảnh nhạc công cỡi bò tấu nhạc chùa Hoa Long thời Trần, xã Vĩnh Thịnh, xứ Thanh này rõ ràng có sự giao thoa văn hóa, tôn giáo giữa Chămpa và Đại Vịệt. Bức chạm nhạc công gẩy đàn ở chùa Hoa Long nằm trong motip Nữ thần đầu người mình chim - Kinnari, nhạc công được điêu khắc trong các đền tháp Bàlamôn giáo Chămpa đã được các nghệ nhân tái hiện lại ở ngôi chùa Việt xa xôi và khuất nẻo này. Nhạc công cỡi bò, tấu nhạc phải chăng hình tượng đó muốn mô tả Bò thần Nandi, vật thiêng của Bàlamôn giáo, khi vào Chămpa được người Chăm gọi bằng tên khác. Bò thần Nandi biến thành bò thần Kapin và trở thành vị thần có nhiều quyền năng trong tâm thức dân gian Chăm?
Tại Thượng điện của chùa, hiện ra trước mắt là nhang án thờ Phật. Bệ thờ hình chữ nhật. Kích thước dài 3,1m; rộng 1,1m; cao 1,1m ghép lại từ nhiều phiến đá được chia thành hai tầng. Phần chân bệ thờ tiếp giáp với mặt đất trang trí hình sóng nước chồng xếp thành 3 lớp dâng cao, tiếp trên các ngọn sóng lao xao dâng trào là đồ án những dây cúc leo cách điệu. Thân bệ thờ chia làm 9 ô gần vuông, các ô không đều nhau. Về chạm khắc chính giữa là hình khóm sen cách điệu, các bông hoa và lá sen vươn ra tựa hồ như đang tỏa hương, khoe sắc làm ngát thơm nơi Phật điện. Bốn ô ở hai cạnh của bệ thờ chạm hình 8 thiếu nữ duyên dáng, uyển chuyển, hai tay dơ cao ngang đầu, lòng bàn tay để ngửa như đang đón đợi và nhận lấy giáo lý từ bi bác ái của đạo Phật hay hứng lấy những giọt nước Cam lồ của Phật Bà Quan Âm cứu khổ, cứu nạn chúng sinh. Hình ảnh các thiếu nữ được tạc trên bệ thờ sôi động tràn đầy sức sống với bộ ngực căng tròn, bụng nở, bắp đùi thon thả, trang phục mỏng, mềm mại thả dài xuống gót chân lượn lờ theo bước nhảy hai chân khuỳnh ngang một chân trụ vững, chân kia nhón gót như đang quay tròn theo nhịp quay của thân và tay. Năm ngón tay búp măng nõn nà mềm mại thể hiện năm hoạt động của vũ trụ: Sáng tạo, Bảo toàn, Phá hủy, Hóa thân, Giải thoát với khuôn mặt trái xoan thanh tú, thánh thiện hướng lên Tam bảo Phật, tóc bụt (từng lọn xoắn) búi gọn ra sau; cổ dài ba ngấn, thân hình tròn lẳn, thắt dáng lưng ong. Hai tay đưa lên ngang mặt với những ngón tay hình búp măng mở ra hòa theo điệu múa thiêng... các trinh nữ dường như đang từ bệ đá bước ra nhập vào cuộc sống trần tục... Những hình ảnh sống động và kỳ bí ấy đã thể hiện tư duy thẩm mỹ, sự lý tưởng hóa cao độ trước cõi Niết bàn về vẻ đẹp của những người trinh nữ qua mỗi nét chạm của nghệ sĩ dân gian Chăm - Việt, hình tượng đó rất gần gũi với bệ thờ của người Chăm Trà Kiệu, có niên đại từ giữa đến cuối thế kỷ X. Cách thể hiện các thiếu nữ này tương tự như như các Apsara trên đài thờ vũ nữ Trà Kiệu.
Nghệ thuật điêu khắc Chăm thấm đậm ảnh hưởng Ấn Độ giáo. Với ngoại hình Chămpa phảng phất nhưng dễ nhận biết nội tâm của các thiếu nữ kia biểu hiện lúc bay bổng sảng khoái, lúc trầm tĩnh ưu tư, lúc trăn trở day dứt nhưng mang đậm tâm hồn Việt. Với nét chạm tài hoa, điêu luyện của các nghệ nhân dân gian, không chỉ là người mà cả đến cỏ cây, hoa lá cũng rung rinh, sống động. Một niềm khao khát cuộc sống đến cuồng say được gửi gắm qua hình tượng các vũ nữ múa các động tác hướng lên Phật pháp. Bức chạm vũ nữ hát múa dâng Phật chùa Hoa Long cũng có nét tương đồng với bức phù điêu mô tả thiếu nữ hát múa trước Phật đài ở chùa Thái Lạc, tỉnh Hưng Yên. Ở nước ta, hình tượng Tiên nữ - Apsara xuất hiện từ thời Lý cho đến thời Mạc do ảnh hưởng Ấn Ðộ giáo của người Chăm và người Việt đã tiếp thu đưa vào trong chùa qua hình tượng Tiên nữ múa hát dâng hoa gắn liền với các sự kiện trong cuộc đời của đức Phật như đản sinh, đắc đạo, nhập Niết bàn...
Âm nhạc có vai trò rất quan trọng trong đời sống tâm linh và sinh hoạt cộng đồng của người Chăm và người Việt. Về nhạc cụ gõ: Người Chăm có trống Ginang, hình dáng giống với trống của người Việt nhưng lớn hơn. Loại trống này được ngư dân làng Bạch Câu, Nga Bạch, huyện Nga Sơn gọi là Trống Vả (dùng tay để vỗ trống) thường sử dụng trong hát chúc hay hát kể nhật trình trên biển. Trống cơm, tương truyền do người Chăm, binh lính của nghĩa quân Tây Sơn truyền cho và được người dân xứ Thanh sử dụng trong hội hè, đình đám. Về nhạc cụ gõ bằng đồng thì có chiêng, đồng bào Mường và Thái tỉnh Thanh sử dụng phổ biến. Người Chăm dùng chiêng trong dàn nhạc cổ truyền với một chiếc chiêng hòa âm với nhạc cụ khác và sử dụng phổ biến trong nhạc lễ.
Về bộ hơi, người Chăm có kèn Saranai: Kèn Saranai cũng giống với kèn của người Việt tỉnh Thanh sử dụng trong phường bát âm và nhạc tang lễ. Taliak - sáo ngang Chăm ngày nay không còn phổ biến. Ở Thanh Hóa, sáo ngang là nhạc cụ trong dàn nhạc lễ, đệm cùng với nhạc cụ khác hoặc độc tấu. Về nhạc cụ dây bật và kéo thành tiếng của người Chăm là đàn Kanhi, tương tự đàn nhị của người Việt. Người Chăm có Rabap Kadauh (đàn bầu), đàn Champi (đàn tranh) nhưng đã thất truyền. Nhưng hai loại nhạc cụ này rất phổ biến ở tỉnh Thanh.
Nhạc cụ truyền thống của hai dân tộc Chăm và Việt có nhiều loại rất giống nhau đó là kết quả của sự giao lưu, tiếp biến văn hóa một cách tự nguyện giữa hai dân tộc.
Người Chăm sở hữu một kho tàng dân ca có quan hệ mật thiết với dân ca người Việt và các làn điệu dân ca của các dân tộc khác. Tình ca của người Chăm là những bài dân ca giao duyên của đôi lứa yêu nhau. Thể thơ gieo vần giống thơ lục bát cổ của người Việt: Thương em anh đến chẳng xong/ Dạo khắp cánh đồng để dạ nhớ ai. Đặc biệt là những bài dân ca hát Vãi chài của người Chăm rất gần gũi với điệu hát Trống vả, hò sông biển... của ngươi Việt tỉnh Thanh ở Bạch Câu (Nga Sơn), Hải Bình, Hải Thanh (Tĩnh Gia)...
Xứ Thanh là vùng đất gắn liền với lịch sử dân tộc và in dấu văn hóa, tôn giáo các thời đại đã qua. Nói về sự giao thoa âm nhạc giữa Chămpa và đại Việt trên đất này có thể mượn lời Giáo sư Trần văn Khê nhận định: “Nhờ ở địa thế lân bang và sự tiếp xúc trường cửu với Chiêm Thành, một quốc gia chịu ảnh hưởng nền văn minh tối cổ của Ấn Độ, mà giá trị âm nhạc Việt Nam được tài bồi phong phú”. “... Về âm nhạc ta thấy rằng từ nhà Lý đến nhà Nguyễn, âm nhạc Chiêm Thành cứ ngấm ngầm tiêm nhiễm vào âm nhạc ta, tiếng vọng của nó một ngày một thêm vang động...”.
{name} - {time}
- 2021-04-22 16:00:00
Lễ hội Mai An Tiêm và truyền thuyết ông tổ nghề trồng dưa hấu
- 2021-04-22 15:59:00
Vua Hùng trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng người Việt
- 2018-05-22 08:19:12
Nơi lưu giữ văn hóa vùng miền xứ Thanh
Kết quả và những vấn đề đặt ra trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Gặp người anh hùng phá bom nổ chậm mở đường cho Chiến dịch Điện Biên Phủ
Nâng cao năng lực lãnh đạo của chi bộ đảng nông thôn miền núi
Làng sen quê Bác: Quê chung
Ngăn chặn tà đạo
Từ làng... lên phố
Con ngỗng tự phụ
Hè về
Thực hiện lời dạy của Bác, xây dựng Đông Sơn trở thành huyện kiểu mẫu