(THO) - Ngày 24-6, tại xã Vĩnh Hùng, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã phối hợp với UBND huyện Vĩnh Lộc tổ chức lễ động thổ dự án tu bổ, tôn tạo Khu lăng mộ Triết vương Trịnh Tùng.
Tới dự lễ có đồng chí Lê Đình Thọ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cùng đại diện các ban, ngành cấp tỉnh và đông đảo con cháu dòng họ Trịnh trong cả nước, bà con nhân dân xã Vĩnh Hùng.
Thành tổ Triết vương Trịnh Tùng là vị Chúa đầu tiên của các Chúa Trịnh. Ông là người có công lớn đối với nhà Lê. Sử sách chép, nếu sự nghiệp trung hưng nhà Lê (chống nhà Mạc) được Nguyễn Kim khởi xướng từ năm 1533 và Thái vương Trịnh Kiểm đứng mũi chịu sào và Nam triều cũng chỉ có thể gây dựng làm chủ được hai trấn từ Thanh Hóa trở vào, thì chỉ trong già nửa thời gian ấy, Trịnh Tùng đã đưa công nghiệp “phò Lê” dang dở của cha về đến đích vẻ vang, oanh liệt. Ông đã kết thúc mỹ mãn sự nghiệp trung hưng đầy gian truân, “ca khúc khải hoàn” đưa Vua Lê trở lại ngai vàng nơi đế đô Thăng Long.
Là người mở nền “thái bình cho trăm họ”, an dân, dựng lại nguyên khí Đại Việt... ông được Vua Lê phong Bình an vương. Ông cũng là người đã tạo lập nên thể chế chính trị đặc biệt trong lịch sử dân tộc: Lưỡng đầu chế “Vua trị vì – Chúa chấp chính”. Tuy là cơ chế phân quyền nhưng lại thống nhất và phù hợp với tình thế đất nước lúc bấy giờ. Vì vậy ông đã có những cống hiến to lớn cho dân tộc Việt trên cả hai phương diện bảo vệ và xây dựng đất nước. Ông mất vào ngày 20-6 năm Quý Hợi (1623), hưởng thọ 74 tuổi. Triều đình đã tôn phong Miếu hiệu là Thành tổ Triết vương, an táng tại quê nhà Sáo Sơn, Biện Thượng (nay là xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc). Di tích lăng mộ Triết vương Trịnh Tùng đã được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Việc bảo tồn, tôn tạo Khu lăng mộ Triết vương Trịnh Tùng nhằm xây dựng nơi yên nghỉ vĩnh hằng và tưởng nhớ, tôn vinh một vị Chúa đã có công lao to lớn trong lịch sử xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; đề cao văn hóa, lễ hội truyền thống và thuần phong mỹ tục của dân tộc, đồng thời tạo nên một điểm tham quan du lịch, góp phần phát triển văn hóa và du lịch tâm linh, tín ngưỡng của địa phương. Công trình do Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư 13 tỷ đồng, quy mô 11.000 m2, bao gồm xây dựng tôn tạo lăng mộ, nhà bia, cổng tứ trụ, hậu chẩm, tượng chầu, sân, hồ bán nguyệt, tường rào, cây xanh và các công trình hạ tầng kỹ thuật khác.
.Tô Hà
Ý kiến bạn đọc