LÀNG ĐÔNG YÊN
 

Buổi tập hát quan họ ở làng Đông Yên

 

Đông Yên còn gọi là làng Đông Khang, dưới thời Lê có tên gọi là Đông Khang trang. Từ thời Nguyễn cho đến trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 gọi là Đông Yên (Đông An), là một xã thuộc tổng Phong Quang, huyện Yên Phong, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Đông Yên được nhập vào Đông Phong thuộc huyện Yên Phong, Tỉnh Bắc Ninh. Từ đó đến nay tên làng xã “Đông Yên” vẫn không thay đổi.
 
Đông Yên nằm ở phía nam của xã Đông Phong có con đường tỉnh lộ 286 (16) chạy qua. Đây là đường giao thông quan trọng nối huyện Yên Phong với tỉnh lỵ. Lịch sử, truyền thuyết và các di tích khảo cổ học bên bờ sông Ngũ Huyện Khê đã minh chứng cho tính cổ xưa và lịch sử lâu đời của các làng xóm nơi đây. Đông Yên là một điểm cư dân lớn, cả làng có 475 hộ với 2000 nhân khẩu. Tổng diện tích đất tự nhiên: 2.002.050 m2. Làng có địa giới hành chính như sau: Phía bắc giáp thôn Phong Xá, xã Đông Phong, phía nam giáp sông Ngũ Huyện Khê, phía đông giáp làng Ngô Khê và Châm Khê thuộc xã Phong Khê, phía tây giáp làng Chi Long thuộc xã Long Châu. Cư trú trong làng là các dòng họ Nguyễn Hữu, Nguyễn Như, Nguyễn Văn, Nguyễn Bá, Ngô Trọng, Ngô Bá...Đây là những dòng họ lớn, đến đây sinh sống từ lâu đời. Họ sống chủ yếu bằng nghề trồng trọt và chăn nuôi. Ngoài ra còn có nghề làm hàng sáo góp phần ổn định cuộc sống.
 
Vốn là một làng cổ có lịch sử lâu đời nên tổ chức làng xóm ở đây rất qui củ, chặt chẽ. Làng Đông Yên xưa có 3 xóm: Xóm Đình, xóm Chùa và xóm Đông. Xung quanh làng là các luỹ tre dày khoảng 4m, ngoài luỹ tre là một hệ thống hào nước sâu khoảng 1,5m, rộng khoảng 6 --->10m. Ra vào làng theo 4 cổng: Cổng đình (tiền), cổng giếng (cổng tây), cổng đông và cổng sau. Làng Đông Yên xưa có 6 giáp: Đông, Nam, Đoài nội, Đoài ngoại, Bắc nội, Bắc ngoại. Mỗi giáp cử ra một ông Xôn để cùng với lý trưởng, phó lý thực hiện việc làng. Hàng năm ở đông yên có các tiết lệ sau: ngày12 tháng  giêng: Ngày sinh Đức Thánh. Ngày 20 tháng giêng: Ngày giỗ quan lớn có công xây dựng đình. Ngày 8 tháng tư âm  lịch: Ngày hoá đức Thánh Mẫu. Ngày 28 tháng 12: Ngày hóa Đức thánh. Ngày 10 tháng 9: Vào đám. Đình chùa là hai địa điểm diễn ra các tiết lệ trên. Ngoài ra trong làng còn có nghè Đức Thánh ở cuối làng – tương truyền đó là nơi đặt lăng mộ Lê Phụng Hiểu, đền Mẫu ở cạnh chùa, Từ Vũ họ ngô. Đình Đông Yên còn gọi là đình Đông Khang, là ngôi đình nổi tiếng được lưu truyền trong dân gian. 
 
Thứ nhất là đình Đông Khang
Thứ nhì Đình Báng, vẻ vang đình Diềm.
 
Đình được xây dựng vào năm Đinh Sửu (1697) làm bằng gỗ lim  chở từ trong Thanh Hóa ra. Đáng tiếc ngôi đình bị phá huỷ trong thời kỳ tiêu thổ kháng chiến. Ngôi đình hiện nay được xây dựng lại vào năm 2003. Hiện vật giá trị nhất còn lại là 13 đạo sắc phong, sắc có niên đại sớm nhất là vào năm 1783 và muộn nhất vào năm 1909. Đình Đông Yên thờ Thành hoàng là Lê Phụng Hiểu. đặc biệt xưa nơi đây hàng năm mở hội thi nói khoác. Tương truyền hội làng Đông Yên bắt đầu từ ngày 10 đến 18 tháng 9 âm lịch, trong những ngày đó đồng thời mở hội thi nói khoác, kéo dài vui vẻ suốt 9 ngày đêm. Đặc biệt năm nào cũng vậy, có cả quan huyện về dự và nhiều khi còn làm giám khảo. Người đoạt giải nhất được phong “ thủ khoa”, ngoài tặng phẩm bằng hiện vật còn được phong chức “ phó phét” được dân làng kính nể. Dòng họ  có “phó phét” sẽ được miễn phu phen tạp dịch. Theo qui định cuả làng, các dòng họ đều được cử đại diện đến thi. Chính vì vậy trước ngày hội, các dòng họ đã phải tổ chức thi nội bộ để chọn đại diện. Bởi vậy mà không khí thi nói khoác có khi kéo dài hàng tháng.
 
Chùa Đông Yên ( Hưng Long tự ) được xây đựng từ bao giờ không ai còn nhớ, chỉ biết rằng, theo hiện vật duy nhất của ngôi chùa cổ xưa là tấm bia đá “Hưng Long tự bi”dựng năm 1698 ghi việc tu sửa chùa, tượng phật. Tiếc rằng ngôi chùa cổ bị phá huỷ cùng với đình làng. Năm 1972 nhân dân địa phương xây dựng ba gian chùa để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng dân làng, đến năm 1991 làm thêm ba gian tiền đường, phía ngoài nối liền với toà Thượng điện tạo thành một toà liên kết có bình đồ kiến trúc chữ Đinh. Đông Yên còn có từ vũ Ngô tướng công nằm ở phía nam của làng,  thuộc xứ đồng Cổng Đình. Người được thờ ỏ đây là một vị tướng công họ Ngô(Ngô Văn Trọng) có công với dân với nước được phong tới chức Thượng Trung Hầu . Khu Từ Vũ rộng khoảng 400m2. Tại đây còn nhiều hiện vật có giá trị như :Một cổng đá, 2 chó đá, 1 hương án chạm khắc hoa văn rồng  chầu mặt nguyệt . Đặc biệt tại đây còn 1 tấm bia đá tứ diện dựng năm 1692 ghi việc thừa tự hậu thần họ Ngô. Cùng với Từ Vũ làng , họ Ngô còn có nhà thờ  là nơi tưởng niệm Ngô Tướng Công ,tại đây còn gia phả, sắc phong.   
    
Hội làng Đông Yên xưa được tổ chức vào ngày 12 tháng giêng. Tương truyền đó là ngày sinh của đức Thành hoàng làng Lê Phụng Hiểu. Vào những năm được mùa, hội  kéo dài đến 20 tháng giêng, thường niên hội tổ chức trong 3 ngày từ 12 đến 14 tháng giêng với sự chuẩn bị chu đáo. Từ ngày 8 tháng chạp năm trước, các giáp cử ra một ông Xôn để cùng với lý trưởng, phó lý lo việc tổ chức hội. Các ông Xôn  có trách nhiệm lo lễ vật và tổ chức hội.  Dân đinh trong làng được phân theo  bàn  để lo việc chung bao gồm: Bàn các cụ gồm những người từ 50 tuổi trở lên. Bàn quan viên gồm lý trưởng, phó lý... quan viên Xôn từ 18 tuổi đến 49 tuổi. Lễ hội dược diễn ra với các nghi thức trọng thể. Đám rước với đầy đủ cờ quạt, siêu đao, bát biểu, ngựa thần, kiệu long đình, kiệu bát cống, đặt bài vị Thành hoàng làng. Đi sau là các cụ quan viên ăn mặc chỉnh tề. Rước từ đình theo đường làng sang đền Mẫu, nơi thờ bà Lê Tố Nương mẹ Đức thánh với ý nghĩa bái lạy đức mẫu, rồi sau đó rước về đình đi qua Từ Vũ mời quan lớn Ngô Tướng Công về dự hội, sau đó đám rước trở về đình làm lễ tế. 
 
Bên cạnh những nghi thức tế, làng mở các trò chơi: Vật, đi cầu đốt pháo, hát Quan họ, hát Tuồng... Trong đó hát Quan họ là sinh hoạt văn hoá trọng tâm, bởi vì Đông Yên là một trong 49 làng Quan họ gốc. Theo lời kể của dân làng Đông Yên thì trước đây Quan họ Đông Yên kết bạn với Quan họ làng Đào Xá và Quan họ làng Châm Khê. Vào ngày hội Quan họ Đông Yên mời các bọn Quan họ Châm Khê và Đào Xá sang dự hội và ca hát. Trước khi bước vào cuộc hát chính thức, bao giờ cũng vậy, cứ từng bọn Quan họ sở tại với một bọn Quan họ Châm Khê hay Đào Xá lần lượt vào đình lễ thần, sang chùa lễ phật. Xong, cứ từng tốp, một bọn nam hát đối đáp với một bọn nữ ở sân chùa. Cứ như vậy cho đến chiều tối. Đặc biệt vào những năm làng mở hội lớn. Các bọn Quan họ Châm Khê, Đào Xá lại được mời về nhà hát đối đáp. Cuộc hát càng về đêm càng náo nhiệt và sôi nổi.Vào những năm 50 - 60 của thế kỷ XX, Đông Yên có những nghệ nhân nổi tiếng hát Quan họ từng được Bộ văn hoá mời biểu diễn như cụ bà Nguyễn Thị Quất ( cụ Lê). Đáng tiếc vì nhiều lý do từ lâu Đông Yên không duy trì đựơc tục chơi Quan họ, nhưng trong tâm trí người dân nơi đây vẫn tự hào với truyền thống Quê hương. Ngày nay các thế hệ người dân nơi đây vẫn cùng nhau xây dựng phát triển kinh tế nông nghiệp đồng thời chú trọng phát triển các ngành nghề khác như xây dựng, làm nón, làm hàng sáo...góp phần nâng cao đời sống. Song song với sự phát triển kinh tế, Đông Yên luôn quan tâm đến việc phát triển văn hoá xã hội, nhiều năm liền làng liên tục đạt danh hiệu làng văn hoá cấp tỉnh. Đình chùa được xây dựng, tu bổ ngày một khang trang. Điều ghi nhận nữa ở Đông Yên là phong trào khuyến học ngày càng được nâng cao, đến nay làng có một tiến sĩ, 7 thạc sĩ, 66 người có trình độ đại học. Đặc biệt là làng mới thành lập một đội văn nghệ quần chúng. Hy vọng một ngày gần đây tục hát Quan họ ở Đông Yên được hồi phục và phát triển./.