Từng là kinh đô cổ của vương quốc Chămpa với quy mô và bề thế của một Trung tâm Thiền viện Phật giáo bậc nhất khu vực Đông Nam Á; nhưng nay Đồng Dương chỉ còn là một phế tích lẫn trong cỏ cây hoang dại...
Tầm vóc của một kinh đô?
Sử sách có chép, vào năm 875, “do lòng tin vào đức Phật”, vị vua Indravarman II của vương triều Indrapura đã cho xây dựng tại khu vực này (nay là làng Đồng Dương, xã Bình Định Bắc, Thăng Bình, Quảng Nam) một tu viện Phật giáo (Vihara) đồ sộ và tráng lệ lấy tên là Laksmindra – Lokesvara để làm nơi “trú ngụ” của Phật (Buddhapara). Như vậy, “bản thân Đồng Dương – Indrapura, nơi vừa là hoàng cung, vừa là đền miếu thờ thần Phật”.
Theo khảo tả của H.Parmentier và L.Finot (thuộc Viện Viễn Đông Bác Cổ Đông Dương) trong 2 năm (1901 và 1902) thì Trung tâm Phật giáo Đồng Dương “là một cấu trúc dài 1.330m chạy dài theo hướng đông – tây. Trong khu vực này, có một đền thờ chính nằm ngay trong một vành đai hình chữ nhật dài 326m, rộng 155m. Từ đó, một con đường dài 763m chạy tới một khu rộng hình chữ nhật (dài 300m, rộng 240m). Tiếp theo, theo hướng đông – tây là những thánh đường nằm trong các khu khác nhau”. Và cũng trong các lần khai quật khảo cổ học về sau, các nhà khoa học đã phát hiện và thống kê có 229 hiện vật, bao gồm: tượng Phật Thích Ca, tượng Bồ Tát, tượng La Hán, tượng Thiên Thần Hộ Pháp và có cả những tượng thần Siva; nhưng đẹp nhất, đặc sắc nhất và hoàn hảo nhất vẫn là tượng Phật Bồ Tát Tara (Laksmindra – Lokesvara) đứng bằng đồng cao 1,14m được phát hiện năm 1978, là đỉnh cao của nền nghệ thuật Đông Nam Á (hiện được trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng).
Quy mô và tầm vóc của Trung tâm Phật giáo Đồng Dương qua mô hình phục chế của Henry Parmentier.
Sức ảnh hưởng của Phật viện Đồng Dương được đánh giá suốt hơn 5 thế kỷ tồn tại (875 - 1471), là trung tâm nghiên cứu, truyền bá Phật học có tầm cỡ trong khu vực Đông Nam Á. Những cứ liệu sau đây đã chứng minh: năm 982, vua Lê Đại Hành sau đi bình Chiêm thắng lợi đã đưa về nước vị sư Thiên Trúc (Ấn Độ) đang hành đạo thuyết giảng tại đây; năm 1069, vua Lý Thánh Tông cất quân đi đánh Chămpa đã bắt được Thiền sư Thảo Đường (Trung Quốc); năm 1301, sư tổ Trúc Lâm Yên Tử cùng với tăng sĩ Đại Việt ghé thăm và có 9 tháng lưu lại nơi đây để tu đạo;...
Chạnh lòng
Với những giá trị về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật, năm 2001, Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã ra quyết định công nhận Phật viện Đồng Dương là di tích cấp quốc gia cần được bảo vệ. Đồng thời, Bộ cũng đã cử nhiều đoàn chuyên gia trong và ngoài nước về nghiên cứu thực địa và ra thông cáo nghiêm cấm mọi hoạt động xâm lấn trong khu vực đã khoanh vùng di tích. Qua khảo sát, các nhà khoa học đã nhận định đây là di tích quý hiếm bậc nhất của nền văn hóa cổ Chămpa còn sót lại ở miền Trung. Từ đó, Nhà nước cũng đã bỏ ra hàng tỷ đồng để cố cứu lấy những gì tạm gọi là còn của di tích này. Thế nhưng, sau 10 năm được công nhận, dự án trùng tu, tôn tạo khu di tích Phật viện Đồng Dương vẫn còn nằm trên giấy!
Những thanh đà chống đỡ tạm bợ đang bị mục nát cùng thời gian.
Về lại Phật viện Đồng Dương hôm nay, chúng tôi không khỏi xót xa trước cảnh hoang tàn của một di tích cấp quốc gia. Đường đi đến khu Phật viện Đồng Dương gập ghềnh, vắng vẻ. Phật viện nằm “lọt thỏm” giữa một khu rừng keo, bạc hà bạt ngàn, âm u. Muốn đi vào khu trung tâm Phật viện phải vượt qua đám dây leo chằng chịt, cỏ tranh, cây cối mọc ngang dọc. Vào đến nơi, nhìn cổng tháp Sáng đứng xiêu vẹo cùng những thanh đà chống đỡ bằng gỗ đã bị gãy mục từ lâu, đan xen với đó là những cành cây keo, bạc hà; tháp bị sụn phần đế, phải nêm vào những lớp gạch để giữ chân đế.
Ông Trà Tấn Tôn (74 tuổi, tổ 6, thôn Đồng Dương, Trưởng tộc nhánh II tộc Trà ở Đồng Dương) cảm thán với chúng tôi: “Trước năm 1968, khu Phật viện vẫn còn khá nguyên vẹn. Giai đoạn 1968 – 1972, do đây là căn cứ cách mạng, Mỹ đã tiến hành thả bom xuống khu vực này. Từ đó, nhiều tháp của Phật viện bị sụp đổ... Phật viện Đồng Dương là xương máu mà bao đời tổ tiên tộc Trà xây dựng nên, nhưng đã lâu lắm rồi không thấy một cơ quan chức năng nào để ý đến chứ chưa nói gì đến việc phục dựng hay làm lại tháp Đồng Dương. Nếu cứ để thực trạng này diễn ra như vậy, liệu mai đây con cháu có còn nhìn thấy di tích hay không?”
Những thanh đà chống đỡ tạm bợ đang bị mục nát cùng thời gian.
Theo ông Nguyễn Thượng Hỷ, nguyên Trưởng phòng nghiệp vụ của Trung tâm Quản lý Di tích và Danh thắng Quảng Nam, và đồng thời cũng là người nhiều năm gắn bó với dự án trùng tu các tháp Chăm ở Quảng Nam cho hay: “Tính cấp thiết phải có những biện pháp hữu hiệu để khoanh vùng di tích và giữ gìn cổng tháp Sáng. Lãnh đạo xã nên nghiêm cấm người dân tự ý trồng cây vào khu vực khoanh vùng di tích, đồng thời phải xây dựng một rào chắn để giữ nguyên hiện trạng di tích mang ý nghĩa khảo cổ học này”.
Rời tháp Đồng Dương, chúng tôi cảm thấy chạnh lòng trước sự suy tàn, hoang vắng của một di tích cấp quốc gia. Nhìn cổng tháp Sáng đang cố “ngoi mình” để chống chọi với sức tàn phá của thiên nhiên và con người chợt thấy... xót thương. Phật viện Đồng Dương đang rất thiết tha nhận được sự quan tâm hơn nữa của cơ quan chức năng trước những giá trị văn hóa lịch sử, nghệ thuật trên mảnh đất Quảng Nam đang dần bị “xóa sổ”!
Theo Dương Văn Út - CAĐN
Get the Flash Player to see this player.