Bạn đang xem:

Đình Lỗ Giao

04/01/2013 14:20

Đình Lỗ Giao thuộc thôn Lỗ Giao, xã Việt Hùng, huyện Đông Anh. Từ trung tâm Thủ đô Hà Nội, qua cầu Chương Dương, cầu Đuống theo Quốc lộ 2 đến ngã tư Biến thế Đông Anh rẽ phải theo đường Cao Lỗ, qua trung tâm huyện, rẽ trái theo đường Việt Hùng, đến ngã tư Việt Hùng rẽ trái khoảng 1km vào địa phận thôn Lỗ Giao là đến di tích.

Đình Lỗ Giao thờ ba vị thành hoàng có công với dân với nước là Cao Sơn và Quý Minh – hai vị tướng có công giúp Hùng Duệ Vương đánh giặc đem lại thái bình cho đất nước, được phong là “Thượng đẳng phúc thần”; “Cao Sơn linh ứng đại vương” và “Quý Minh linh ứng đại vương”.

dinhlogiao

Vị thần thứ ba là Ả Nương, là tướng tài của Hai Bà Trưng đánh đuổi giặc Hán, thu phục 65 thành trì, mở đầu nền độc lập tự chủ chủa đất nước Việt vào năm 40 sau Công nguyên. Bà được suy tôn làm Đức Thánh Bà và các triều vua về sau phong và là “Ả Nương Chinh Tĩnh phu nhân” và “Linh Ứng Diệu Thông Âm Phù Trận Thuận phu nhân”.

Đình Lỗ Giao tọa lạc trên một khu đất rộng thoáng mát phía Bắc của làng. Đình có kết cấu kiểu chữ “Đinh”, gồm đại đình và hậu cung. Đại đình gồm 5 gian 2 dĩ. Hậu cung 3 gian chạy dọc được thiết kế theo lối truyền thống.

Giá trị nổi bật của di tích là các mảng chạm khắc trên các bức cốn, đầu dư, côn chồng, xà trường, mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII – XVIII. Đặc biệt phải kể đến các mảng chạm trên các bức cốn mang đậm nét nghệ thuật tạo hình thời Hậu Lê. Các bức cốn được trang trí cả hai mặt bằng kỹ thuật chạm lồng, chạm nổi, chạm bóng kênh tạo ra nhiều lớp với các đề tài đa dạng phong phú, đặc sắc như tứ linh, tứ quý, rồng cuốn thủy, phượng vũ, rồng chầu.

Có thể nói đây là một trong số ít ngôi đình ở huyện Đông Anh còn giữ được những mảng chạm khắc vào dạng cổ nhất của huyện Đông Anh nói riêng và Hà Nội nói chung.

Bên cạnh các giá trị về mặt kiến trúc, đình Lỗ Giao còn lưu giữ nhiều di vật quý như 16 đạo sắc phong có niên đại từ thời Lê đến thời Nguyễn, gồm 2 đạo niên hiệu Cảnh Hưng 46 (năm 1785), 2 đạo niện hiệu Thiệu trị 4 (năm 1844), 12 đạo còn lại thuộc các niên đại Tự Đức (1848-1883), Đồng Khánh, Duy Tân, Khải Định (1886-1924) 33 (năm 1880) và một khánh đá có niên hiệu Chính Hòa 7 (năm 1686). Ngoài ra còn rất nhiều đồ thờ tự khác như hoành phi, câu đối, án gian, ngai thờ, bát bửu, giá văn, kiệu bát cống, kiệu long đình … Tất cả đều mang dấu ấn nghệ thuật của các thời kỳ lịch sử.

Hàng năm, dân làng Lỗ Giao và các làng quanh vùng tổ chức lễ hội vào ngày 10 tháng Tám để ôn lại truyền thống lịch sử, giáo dục cho thế hệ trẻ lòng biết ơn đối với những người đã có công với dân với nước từ thời đại các Vua Hùng; đồng thời cũng là dịp gặp gỡ giao lưu của các thế hệ con em Lỗ Giao sống xa quê về với tổ tiên, tháp nén hương thơm tỏ tấm lòng thành kính đối với các bậc tiền liệt.

Với những giá trị về lịch sử và kiến trúc nghệ thuật, năm 1998 Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cấp bằng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật.

Nguyễn Thị Hạnh

Gửi phản hồi


9 × 7 =