Thứ tư, 05/12/2012 - 23:01:35

Đình Lỗ Hạnh


  •  


    Đình Lỗ Hạnh

    Trong hệ thống đình ở Bắc Giang đình Lỗ Hạnh có số tuổi cao nhất hiện nay. So với hệ thống đình cả nước, đình Lỗ Hạnh chỉ đứng sau tuổi của đình Tây Đằng- Hà Tây. Qua những chữ đề niên đại trên những bức cốn, các nhà nghiên cứu đã thống nhất xác định đình Lỗ Hạnh được vào niên đại Sùng Khang, thời Mạc, năm Bính Tý 1576.

    Đình Lỗ Hạnh thuộc xã Đông Lỗ- Hiệp Hoà. Đình là nơi thờ chung của năm làng Chằm,Chúng, Khoát, Chùa và Hạnh. Đình ở phía sau khu dân cư, theo truyền thuyết  là nằm trên thế lưng Rùa, quay hướng Tây, trông ra các thế đất cờ, loa, nghiên, bút.

    Mặt bằng đền Lỗ Hạnh được bố cục theo kiểu chữ Công, hậu cung mới nối thêm về sau, hai dãy tả vu hữu vu cũng mới thêm vào, nhưng đã bị phá.

    Đại đình 5 gian 2 trái với 8 vì kèo, 6 hàng chân cột, cộng lớn nhỏ là 48 cột. Cột đình Lỗ Hạnh vẫn còn dấu vết lỗ mộng của sàn đình đã bị phá dỡ. Nền đình dài 23,5 mét, rộng 12,3m, chiều cao từ xà nóc xuống là 6,6m, từ điềm máI xuống là 2,1m. Nền đình cao hơn sân 0,7m.

    Đình Lỗ Hạnh có kết cấu vì kèo không giống nhau, các vì gian giữa đều theo nối chồng giường giá chiêng, các vì gian ben làm theo nối kẻ chuyền giá chiêng. Con giương trên xã nách gian giữa chồng nhau tạo thành cốn dọc. Con giương chồng trên xã đùi gian hồi thành cốn ngang. Cốn dọc cốn ngang đâu là chỗ trang trí cho các nghệ nhân chạm khắc trổ tài hoa.

    Hoa văn chạm khắc đình Lỗ Hạnh không nhiều nhưng khá đặc sắc. Đầu dư chạm đầu rồng như vừa chui từ cột ra, không nhìn thẳng đuôi mà quay mặt chầu về gian giữa cười ngộ nghĩnh, hả hê. Ngoài ra trong đình còn nhiều hình rồng, đều sừng ngắn, mũi thú, thân dài và mảnh, rõ ràng dấu ấn của thời Mạc. Đề tài con nghê cũng được sử dụng tư thế ngồi, nằm, bò. Con phượng được chạm khắc với nhiều chất hiện thực, gàn với hình con gà chứ chưa bị hoa mỹ như phượng múa sau này. Rồi con hổ đầu quay lại mạnh mẽ, con hươu ngậm cành lộc, con chim đang rỉa râu cho nghê, con cá hoá long… Tất cả đều đơn giản nhưng vẫn sống động và gần gũi với người xem.

    Hình người được chạm khắc trên đình Lỗ Hạnh không nhiều lắm, và đơn lẻ chưa thành cảnh sinh hoạt hay cá minh hoạ tích truyện. Hình phụ nữ thường được thể hiện mặc áo ngắn ống tay rộng, để lộ cánh tay tròn lẳn mền mại, ngang lưng thắt bao tết múi trước bụng, đầu khăn buông rủ, áo ngoài không cài khuy để lộ áo trong, váy rộng loà xoà từng nếp. Các nhân vật nữ có mặt, tay và thân rất người nhưng thay đổi chân bằng cái đuôi cá. Có cô lại mọc cánh ở vai như cánh chim. Ngoài các vị tiên nữ, tiên cá cưỡi rồng, phượng, lại có thiếu nữ gẩy đàn đáy. Nhân vật nam ít chất thần tiên hơn thường cởi rần đóng khố ngồi trên mình rồng, lồ lộ vẻ chất phác, hồn hậu.

    Hoa, lá, mây được sử dụng trang trí đều được cách điệu, đơn giản hoá lên ưa nhìn.

    Đình Lỗ Hạnh do hai hiệp thợ phạt mộc và đục chạm. Từ ngày khởi dựng đến nay, đình đã được nhiều lần trùng tu, sửa sang, thêm tắt. Vào thời Nguyễn, ngoài công mộc,công nề đình đã có bàn tay người thợ sơn mài tham gia. Bên cạnh các cột gian giữa được sơn quang đồ nét nền son đỏ nét thiếp vàng vẽ rồng mây long vân khánh quấn quanh, nay đã bong tróc, phai mờ cả, đình Lỗ Hạnh hiện nay vẫn còn giữ được hai  bức tranh sơn mài “Bát tiên” gắn ở gian giữa trước cửa hậu cung.

    “Bát tiên” thể hiện 8 nàng tiên đứng trên mây toả, mỗi cô mang một thứ nhạc cụ sáo, nhị, đàn tỳ bà, đàn nguyệt. Dáng điệu các cô đứng tự nhiên, thanh thoát. Mặt trái xoan hơi quay nghiêng, mắt lá răm, mũi thanh, môi chúm chím. Tách từng cô một cũng thành bức tranh. Để nguyên bốn cô một bên, trông dịp dàng như một ban nhạc đang tấu thờ thánh. Bộ tố nữ 8 nàng này không chỉ bằng mấy mầu sơn truyền thống: son, vàng, then… mà còn dùng thêm các mầu xanh lơ, xanh đen, tím, trắng, trắng hồng…đầy chất hội hoạ.

    “ Bát tiên” không chỉ là một tác phẩm hội hoạ đáng quý, mà còn là một hiện vật  giá trị trong lịch sử sơn mài Việt Nam.

    Tuy mang số tuổi thọ cao nhất tỉnh, đình Lỗ Hạnh hôm nay, sau đợt trùng tu lớn gần đây, càng tràn trề sức thanh xuân, đang mở rọng cửa đón khách thập phương tới dâng hương tưởng niệm Phương Dung công chúa và Cao Sơn đại vương, hai vị thần được thờ ở đây, từng có công giúp Hùng Vương đánh giặc.

    Nguồn tin: Sở TTTT Bắc Giang

    Thời gian nhập: 20/05/2010

    Số lần xem: 1206

Các tin khác

[Trở về]