Làng biệt thự cổ bị lãng quên

(LĐ) - Có một ngôi làng cổ kính, thâm trầm với nhiều toà biệt thự kiến trúc kiểu thuộc địa Pháp tuyệt đẹp nằm ngay ở Hà Nội mà hầu như không mấy ai nhắc đến. Những ngôi nhà mà từ hơn nửa thế kỷ hoặc gần một thế kỷ trước, nó vừa mới được trang hoàng khánh thành đã bị bỏ hoang.

Làng đẹp đến mức, đều đặn mỗi khoá thực tập, các thế hệ sinh viên kiến trúc, mỹ thuật ở các trường đại học của Hà Nội vẫn rủ nhau về ngồi ở các góc làng quyến rũ này để lấy cảm hứng và chọn nguyên mẫu (phong cảnh) sáng tác.

Mỗi lần về làng Cựu (xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội), tôi cũng đều thấy lưu luyến, ngẩn ngơ. Bởi, ở bất cứ đâu, nếu có một vài dáng dấp “biệt thự Pháp” ở Sa Pa, Đà Lạt, Mẫu Sơn, Tam Đảo thế này, cũng xứng đáng để du khách trải lòng mình thăm ngắm - huống hồ làng Cựu lại cả một rừng “điền trang thái ấp” của những người giàu có trong “buổi giao thời của lịch sử” (được xây dựng khoảng những năm 1920 cho đến năm 1945) như thế. Nhưng, cái đáng nói hơn, đáng nao lòng hơn ở làng biệt thự, lại chính là số phận gợi nhiều ưu tư của những con người đã xây nên “làng nhà Pháp” vừa khánh thành đã bị bỏ quên này.

Làng ra đời nhờ... thần lửa

Làng Cựu nổi tiếng từ thời nước ta còn thuộc Pháp là làng thợ may “đệ nhất Hà thành”. Buôn vải bán áo, mua một bán mười, họ phục vụ cái việc “trưng diện” cho người Pháp và giới giàu có nói chung ở Hà Nội, với các thương hiệu đến nay còn vang lừng trong ký ức của nhiều người, như “Phúc Mỹ”, “Phúc Hưng”. Họ giàu đến mức chiếm lĩnh toàn bộ thị trường may mặc ở Hà Nội (có biệt tài may comlê), ai cũng có dãy nhà dãy cửa hiệu ở Hà Nội rồi mở rộng thị trường vào tận Sài Gòn - Chợ Lớn. Ai cũng về làng xây biệt thự nguy nga. Tới mức, ông Chu Văn Luận - một nhà buôn giàu khét tiếng ở làng Cựu - còn “tài trợ” cho làng mình biến thành khu dân cư ăn chơi bậc nhất nông thôn Việt Nam thế kỷ 20, với mỗi ngõ ngách trong xóm được “cung tiến” một cái cột đèn bêtông, có mỏ neo sắt, treo một cái đèn bão Hoa Kỳ sáng bằng dầu hoả suốt đêm.

Những biệt thự to đẹp tại ngôi làng điệp trùng các kiến trúc Pháp ở Vân Từ.     Ảnh: Đ.D.H
Những biệt thự to đẹp tại ngôi làng điệp trùng các kiến trúc Pháp ở Vân Từ. Ảnh: Đ.D.H

Ông Chu Văn Luận và các thương gia thành đạt của làng tôi còn xây cả một cái trường mang tên cụ Huỳnh Thúc Kháng ở đầu làng, nhằm đào tạo con em học thật giỏi. Và, khi thi công toà nhà của cánh các ông chủ hiệu may nổi tiếng Phúc Mỹ, Phúc Hưng, họ bèn phải chuyển “cục” tiền khổng lồ về gửi ở trên huyện cơ mà. Tức là tiền nhiều, lúc giao thời nhố nhăng, để ở nhà thì sợ cướp, để ở Hà Nội thì xa, họ bèn nhờ “nha quan” với lính canh cẩn mật ở huyện giữ tiền hộ. Cứ hết tiền, người nhà lại lên đó ký với thủ quỹ lấy tiền về thi công tiếp.

Kiểu sống của các thương gia làng Cựu bấy giờ, thường là: bố mẹ mở cửa hiệu nổi tiếng, con cái học trường Tây, ra trường theo gót chính phủ thuộc địa mà công tác. Giàu thì tậu nhà Hà Nội, còn tiền, về xây từ đường hoặc “điền trang thái ấp” ở chốn quê bần hàn xưa, vừa là để mở mày mở mặt với xóm mạc, cũng là để du hí cuối tuần. Ngôi nhà của cụ Hàn Thăng rộng vài trăm mét vuông, kiến trúc thuần Việt, cột lim, hoành phi, câu đối, sân gạch Bát Tràng, xây từ đầu thế kỷ 20, có lẽ là ngôi nhà không có “chất” của biệt thự Pháp hiếm hoi của làng Cựu. Còn phải nói, những thương hiệu của “Làng May Tây” nổi tiếng như Thuận - Thịnh, Toàn - Thuận Anh, Toàn - Thuận Em, Phúc Hưng, Phúc Mỹ... đã làm nhà bề thế, cầu kỳ tới mức nào. Có nhà thờ... con tôm vắt ngang qua cổng; có nhà làm cầu cong cong như cầu Thê Húc, bắc từ toà nhà nọ sang toà nhà kia, ở giữa là ngõ xóm xanh um hoa trái, các kiến trúc trang trí tuyệt kỹ kiểu như toà lâu đài thời Trung cổ nào đó. Vào làng, hỏi nhà ai, người ta chỉ ngay, nhà “ở cổng có đắp con công”, “trước hiên có con phượng (hoặc con nghê)”; “lối vào có hàng chữ Hán, hai bên đắp đôi câu đối Tàu”..., những cung cách trang trí, kiến trúc đó đã tạo nên thương hiệu cho từng ngôi nhà, từng chi nhánh trong các tộc họ ở làng Cựu. Với bà con, đó là một niềm tự hào lớn.

Làng Cựu có kiến trúc đẹp đã được sinh ra từ bàn tay… thần lửa. Bởi, trước, làng này bị Tây đốt cháy trụi. Ruộng ít, không có nghề phụ, lại đông con, thế là các cụ “đẩy” con đi kiếm kế sinh nhai tứ tán. Ví như nhà ông Phúc Mỹ - Phúc Hưng sau này quá nổi tiếng, có 5 anh em, bố mẹ họ đặt toàn những cái tên cũ xấu xí gắn với các con vật cho dễ nuôi, gồm: Hươu (cả Hồng), Nai (Phúc Mỹ), Cừu (Phúc Hưng), Cáo (Bùi Văn Cao, sau này tự đổi Cáo thành Cao). Đàn con Hươu, Nai, Cừu, Cáo của hai người nông dân ít ruộng, nghèo khó, bị cháy nhà đã được bố mẹ rứt ruột quyết tâm cho ra đi tìm con đường sáng. Mỗi người  nhận 10kg gạo và mấy đồng tiền, bố mẹ thả đi bộ ra khỏi làng vào Hà Thành mà lặn ngụp với đời. Thế là họ ra đi và thành những ông chủ nổi tiếng, cứ là giàu nứt đố đổ vách. “Coi như thần lửa đã san ủi, giải phóng mặt bằng cho các ngôi nhà Tây đẹp rờ rỡ hai ba tầng của quê tôi mọc lên”, ông Trần Văn Côn, gần 70 tuổi, người làng Cựu ví von.

Vừa ra đời đã bị... “lãng quên”

Dường như sự hoang phế kia dẫu buồn song cũng có vẻ đẹp u hoài riêng của nó. Một khu làng cổ đẹp, nhưng có lẽ nó đẹp như thế mà không bị phá tan hoang, cải tạo cơi nới để mai một từng ngày như các làng du lịch đông đúc Đường Lâm, hay Cự Đà (cùng ở vùng Hà Tây cũ như làng Cựu)…, là bởi vì làng Cựu… được “bỏ quên”.

Trong một chiều mưa tháng Bảy âm lịch u hoài, các bô lão làng Cựu hôm nay ngồi thống kê những ngôi nhà giàu nứt đố đổ vách, những toà ngang dãy dọc đẹp như điền trang thái ấp của các hầu tước Châu Âu thời cũ đang “ngự” ở quê mình. Nhà ông Xã Vình, một nhà buôn gỗ lạt giàu có ở Thủ đô hồi trước cách mạng Tháng Tám đẹp một cách cầu kỳ nhất. Nhà cao, rộng, cột lớn, lối ngõ thênh thang lát đá tảng xanh, hai toà nhà ở hai bên tả hữu của ngõ được nối với nhau bằng cái cầu bêtông cong cong, trang trí theo lối kiến trúc Pháp - Việt cầu kỳ. Các “linh vật” được đắp tạc dọc cổng và cầu bêtông trên cao, ven các hành lang, các toà nhà rất công phu. Toà “biệt thự” được coi là khổng lồ nhất ở làng Cựu, lại vẫn do ông Chu Văn Luận, một cư dân của làng làm nghề kinh doanh các lò vôi, đồn điền vùng phía nam Hà Nội đầu tư, thiết kế. Ông Luận giàu có quyết định xây một toà nhà khổng lồ, làm “Trường học Huỳnh Thúc Kháng”, chắp cánh ước mơ cho con em làng Cựu tiếp tục giỏi giang.

Trường xây xong, vật liệu thừa, xây thêm cái nhà mẫu giáo, cái trạm xá. Khu nhà sau bỏ hoang, sau cách mạng xã tận dụng làm trường học, làm trụ sở uỷ ban, làm nhà mẫu giáo, và hiện nay, “dinh thự” bị bỏ hoang bề thế ngay đầu làng, khiến ai đi qua cũng phải trầm trồ ngạc nhiên hoặc dừng lại rồi ngỡ ngàng… muốn chụp ảnh. Đẹp nhất vẫn là nhà của cụ Hàn Thăng. Đó là một toà biệt thự mang dáng dấp đại quan, mái cổ, cửa bức bàn, cột gỗ to lim, nền nhà tôn cao, sân thấp mà rộng bát ngát, toà ngang dãy dọc như ở chốn “tam cung lục viện”.

Các toà nhà bề thế đến mức, sau này, nhiều người giàu có xây biệt thự trong làng bị quy địa chủ, nhà của “đại quan”, “đại địa chủ” bị “chia cắt”, nhiều người bị thu hoặc tự nguyện hiến nhà cho nhà nước - các “toà nhà Pháp” được “xẻ” ra, chia cho nhiều nông hộ mỗi gia đình một hạng mục mà ở; rồi vì ngại ở nhà to quá, bà con bèn phá rỡ các biệt thự cao tầng ra, lấy vật liệu xây được rất nhiều ngôi nhà!

Trở lại câu chuyện với làng Cựu và các bậc túc nho của làng đang nói về lý do tại sao “làng biệt thự bị bỏ quên”. “Không có ai bỏ quên cả, nó chỉ rêu mốc và hoang phế như vậy thôi. Nhà nào cũng cửa đóng then cài, dù mỗi tuần có người vẫn dọn dẹp. Nhà nào cũng tuềnh toàng như chủ nhân bỏ đi từ nảo nào, nhưng hằng ngày họ vẫn ở đấy, chỉ có điều nhà năm toà bảy lớp, họ chỉ ở một góc thôi, các góc còn lại cho mưa gió dập vùi” - cụ Khánh nói. Ngay từ hồi xây dựng, cách đây gần 100 năm, hầu hết các ông chủ đều tính: nếu thất thế mới về làng vui thú điền viên, nhược bằng đời còn phù hộ làm ăn phát đạt thì dĩ nhiên họ sẽ  cứ ở Thủ đô làm nghề may comlê với lại váy đầm cho ông Tây và những người “nhập làng Tây”, con cái tiếp tục phát mả làm anh ký, anh thông hoặc loong toong cho Chính quyền thuộc địa. Các toà biệt thự khang trang ở làng Cựu bị cháy nghèo khổ xưa, với họ, chỉ như nhà thờ, như cái cõi để nhớ về buổi bần hàn, để họ có “nhà nghỉ cuối tuần” nơi thôn ổ mà thôi. Bấy giờ, nhiều người có xe tay riêng, có phu kéo riêng, như xe hơi có lái xe riêng bây giờ vậy.

Nhưng, mọi chuyện bắt đầu từ cái thở dài và ba chữ “buổi giao thời”! Bấy giờ, “nhập làng Tây”, nhiều người cung phụng chính phủ thuộc địa, thân Pháp, phục vụ áo xống cho người Pháp, con cái học trường Tây, làm việc với Tây, cách mạng nổ ra, nhiều người cũng… tút sang Tây. Không phải ai cũng “ra đi” cả, nhưng đúng là làng Cựu có số người ở Mỹ, Pháp, Canada…, nhiều đến kỷ lục. Đấy là chưa kể một loạt những nhân vật tăm tiếng trong chính quyền Sài Gòn cũ. Nghĩa là họ phất lên nhờ buổi giao thời, có ngôi nhà hoành tráng đang xây, mới hoàn thiện tầng 2, thì chiến tranh nổ ra, vĩnh viễn ngôi nhà dở dang ở đó; nghĩa là, họ quên cái làng mình từng chăm chút các ngôi biệt thự đẹp kia, cũng vì “thời thế thế, thế thời phải thế”. Chiến tranh  nổ ra. Sau cách mạng Tháng Tám, lại đánh Pháp, lại cải cách ruộng đất, lại có cuộc di tản của nhiều người thân với ngoại bang hồi năm 1975.

Làng biệt thự đã bị bỏ hoang ngay khi đang xây dựng dở dang, đang trưng diện kiến thiết dở dang, hoặc mới vừa trang hoàng “đưa vào sử dụng” được ít năm. Nhưng, nhiều người giàu có gốc làng Cựu đã trở thành người yêu nước, quyên tiền cho Chính phủ hồi kháng chiến khó khăn, họ vẫn ở Hà Nội, vẫn không ở trong các biệt thự của mình giữa làng. Họ coi đó như từ đường, vẫn coi sóc từ… xa, hoặc cho họ hàng ở nhờ quét tước, hoặc hiến một phần cho cách mạng. Họ không bán vì họ không thiếu tiền. Và, vì người Việt không mấy ai nỡ bán từ đường của mình cả.

Những kiến trúc phủ rêu phong, mơ màng thôn ổ mà cũng không kém phần… quý tộc ở làng biệt thự xã Vân Từ luôn khiến người ta cảm hoài, xao xuyến về về một không gian đẹp. Đến làng Cựu, để ngẫm nhiều hơn về những điều không chỉ gói gọn trong cái làng vùng chiêm trũng ấy. Hoá ra, với làng biệt thự kia, việc bị lãng quên, nó cũng có cái giá trị tích cực riêng của nó. Nếu tôn vinh xứng tầm được cho di sản kiến trúc và những câu chuyện lịch sử đáng nói ở làng Cựu, có lẽ, không chỉ chúng ta, mà cả những chủ nhân bỏ tiền xây dựng “làng biệt thự” kia cũng sẽ cảm thấy mát lòng mát dạ, sẽ được ngậm cười ở nơi xa xôi đó. Cái gì của lịch sử, xin cứ mạnh dạn trả nó về cho lịch sử.

Ghi chép của Đỗ Doãn Hoàng

 
 

Lượt xem: 6604

Lên đầu trang

Tiêu điểm
Xem nhiều
 


Tra cứu điểm thi 2014
Nhập số báo danh
Tra cứu
Loading
Tuyển sinh 2014 TRA CỨU OPAC TRA CỨU OPAC
Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang truy cập : 1843
Lượt truy cập : 19264422
Locations of visitors to this page
 
Trường Đại học Văn Hoá Hà Nội - Hanoi University Of Culture
Địa chỉ: 418 Đường La Thành - Quận Đống Đa - Hà Nội - Việt Nam
Tel:(84-4)38511971 * Fax:(84-4)35141629 * Email daihocvanhoahanoi@huc.edu.vn 

bao phu nu, bao moi,