thông tắc cốnghut be phot
Get Adobe Flash player
  • SỞ VĂN HÓA THỂ THAO VÀ DU LỊCH BẮC GIANG - SỐ 74. NGUYỄN THỊ LƯU - TP. BẮC GIANG - TỈNH BẮC GIANG
Liên kết

Thông kê truy cập
  • Tổng số lượt: 121356799
  • Số người đang xem: 3
  • Trong ngày: 122
  • Trong tuần: 27386
  • Trong tháng: 235283
  • Trong năm: 14356799
Trang chủ

Thái Sơn vùng đất địa linh nhân kiệt

( 16:31 | 05/10/2009 ) Bản để inGửi bài này qua Email

Xã Thái Sơn thuộc dải đất trung du của phía tây huyện Hiệp Hòa. Nơi này chủ yếu là đồi gò và những cánh đồng rộng phẳng, những xóm làng bình dị. Núi Y Sơn nghiêng mình soi bóng xuống dòng sông Cầu nước chảy lơ thơ. Những thôn xóm tạo lập ven sườn núi hay trên những bãi đất cao ven sông, bốn bề là ruộng lúa, bãi màu xanh ngắt, tạo thành một bức tranh sơn thuỷ hữu tình.

 Ngọn Y Sơn sừng sững như bức tường thành, dòng sông Cầu uốn khúc quanh co tựa luỹ hào thiên nhiên bao bọc, tạo nên một vùng núi sông cẩm tú, làm cho Thái Sơn từ xưa đã là một nơi "Địa linh nhân kiệt". Thời nhà Đường, khi Cao Biền sang đô hộ nước ta đã ngó tới đây và ghi vào sách phong thuỷ: " nơi đây có một trong năm ngôi đất đế vương ở Việt Nam" và có nói tới Ngũ Thắng (Phúc, Đức, Hùng, Thường, Danh) nhưng chính huyệt lại ở Chèo- Quế Trạo. Cho nên, dân Chèo rất thích câu:" Đệ nhất Việt Nam / khả xưng Quế Trạo…" và coi đó là tuyên ngôn của vùng đất địa linh nhân kiệt này.

      Thiên thời địa lợi, nhân hoà đã tạo nên cho Thái Sơn một vùng đất với bề dày lịch sử và những nhân tài ở mọi thời kỳ lịch sử của dân tộc. Bia Từ vũ bi ký đặt ở Quế Sơn, xã Thái Sơn được xây dựng vào năm Canh Thìn, niên hiệu Chính Hoà (1690 đã ghi rõ xưa dân đã tôn thờ 8 vị danh nhân của 2 xã Quế Trạo và Quế Sơn gồm:

- Nhập nội Thái truyền Mai Quốc công.

- Minh nghĩa công thần Dương Quốc công.

- Thám hoa khoa Mậu Tuất Hoàng Sầm(1538).

- Tiến sĩ khoa Kỷ Mùi Nguyễn Kính(1559).

- Đĩnh Quận công Ngô Công Mỹ.

- Thái Sơn hậu Ngọ Công Văn.

- Phúc an hầu Ngọ Công Tuấn.

- Phương Quận công Ngọ Công Quế.

Đây là những nhân tài ở tại vùng đất này đã có nhiều công lao đóng góp cho các triều đình phong kiến và được ghi nhận trong đó có nhiều vị tên tuổi đã nổi danh được lưu truyền và nhân dân ngưỡng vọng tôn thờ:

+ Hoàng Sầm người xã Thù Sơn, nay thuộc thôn Quế Sơn, xã Thái Sơn, huyện Hiệp Hoà. Sinh năm Nhâm Thân (1512). Tương truyền ông sinh ra trong một gia đình nghèo đến nỗi chỉ có mỗi mảnh vải che thân. Ngoài 20 tuổi mới được đi học, do không có tiền ăn học nên phải đi ăn vay. Chuyện kể như thế này: giữa trưa Hoàng Sầm lên đình Chèo đánh 3 hồi trống, dân thấy lạ kéo đến rất đông xem có chuyện gì xảy ra, Hoàng Sầm thấy dân làng đã đến đông đủ mới chắp tay cung kính mà thưa rằng: " Tôi biết tôi học được nhưng do nhà nghèo quá đến nỗi không có lương ăn, xin dân làng cho tôi vay lương ăn, sau này tôi thi đỗ sẽ về trả ơn dân làng, nhược bằng nếu không đỗ thì tôi xin làm đầy tớ hầu dân". Dân làng nghe thấy thế cho rằng ông là người có chí lớn nên đã chấp thuận cho vay. Đến ngày đi thi, ông lại phải xin gánh thuê hành lý cho người cho người cùng ứng thi mới có cái ăn đến trường thi. Năm 27 tuổi ông đỗ Hội Nguyên, thi Đình được ban Đệ nhất giáp tiến sỹ cập đệ tam danh (Thám hoa) khoa Mậu Tuất niên hiệu Đại Chính thứ 9 (1538) đời Mặc Đăng Doanh. Làm quan đến chức Lễ bộ tả thi lang, tước Hoành Phúc bá, sau được phong Hoành Phúc hầu. Sau khi nhà Mạc thua trận chạy lên Cao Bằng (lúc đấy ở làng Chèo có quan Nguyễn Kính theo đi) thì ông không đi theo mà ở lại quê nhà mở trường dạy học. Sau khi ông mất học trò gom góp xây lăng mộ cho ông bằng chất liệu đá ong.

  + Nguyễn Kính người làng Quế Trạo, nay là thôn Quế Sơn, xã Thái Sơn, huyện Hiệp Hoà. Sinh năm Nhâm Ngọ, niên hiệu Quang Thiệu thứ 7 (1522). Năm 38 tuổi thi đỗ Đệ tam đồng Tiến sỹ xuất thân khoa Kỷ Mùi, niên hiệu Quang Bảo thứ 5 (1559) đời Mạc Phúc Nguyên. Nguyễn Kính được giao trọng trách đi sứ nhà Minh năm 1580, khi về nước được triều Mạc thăng chức Thượng thư bộ Lễ, Tước Hương sơn hầu, rồi về trí sĩ và mất tại quê nhà.

 + Ngọ Công Văn: người làng Thái Thọ, nay thuộc xã Thái Sơn, huyện Hiệp Hoà. Sinh vào khoảng đầu thế kỷ XVII, làm quan triều Lê Trung Hưng. Được triều đình phong tặng Hiển cung đại phu, chức Lạng Sơn xứ Tán trị thừa chánh sứ tư tham nghị, tước Thái Sơn nam. Sau được gia phong Vũ liệt tướng quân, Tham đốc thần vũ Tứ vệ quân vụ, tước Thái Sơn hầu. Theo truyền thuyết ở địa phương, ông là ông nội của Phương quận công Ngọ Công Quế. Mộ phần táng ở cánh đồng trước làng Thái Thọ.

 + Ngọ Công Tuấn: người làng Thái Thọ, nay thuộc xã Thái Sơn, huyện Hiệp Hoà. Chưa rõ năm sinh, năm mất. Được triều đình nhà Lê phong tặng: Hiển cung đại phu, Thái Nguyên xứ Tư tham tán trị thừa chánh sứ, Tư tham nghị Phúc an tử Ngọ Công Tuấn. Sau được gia phong Huân tướng quân, Tham đốc thần vũ Tứ vệ quân vụ sự, tước Phúc an hầu. ông làm quan khoảng nửa cuối thế kỷ XVII (1660 - 1690). Chính sử không thấy ghi chép gì về ông, nhưng Từ vũ xã Thái Sơn , huyện Hiệp Hoà có tấm bia đá tạo năm Chính Hoà thứ 11(1690) do tiến sĩ khoa Ất Sửu Nguyễn phủ soạn đã ghi ông là bậc tiên hiền của quê hương Quế Trạo. Theo truyền thuyết ở địa phương thì Ngọ Công Tuấn là con của Thái Sơn hầu Ngọ Công Văn và là cha của Phương quận công Ngọ Công Quế

 + Ngọ Công Quế: người làng Thái Thọ, nay thuộc xã Thái Sơn, huyện Hiệp Hoà. Năm Quý Tỵ niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 9 (1713) làm Trấn thủ cai quản xứ Thái Nguyên. Huân phong Đặc tiến phụ quốc thượng tướng quân, Tư lễ giám, Tổng thái Giám, Bắc quân Đô đốc phủ, Đô đốc thiêm sự, gia phong tặng Tả đô đốc Phương quận công, Ngọ tướng công huý Công Quế. Theo tấm bia đá ở từ chỉ Linh Quang (Lăng Quế quận công), ông văn võ toàn tài, tính cách ôn hoà, khoan dung lại sẵn lòng hiếu đễ, được người đời tôn kính, bề trên rất sủng ái tin cẩn. Có nhiều công lao trong việc dẹp loạn, được ban thưởng rất hậu. Ông đã đem tiền ruộng cấp cho dân địa phương, giúp tạo dựng, tu sửa đình chùa. Cho nên ông được tôn làm hậu thần ở đình, được lập từ chỉ Linh Quang để tôn thờ cùng tiên tổ họ Ngọ

 + Ngô Công Mỹ: người thôn Thái Thọ (tên Nôm là làng Cả), nay thuộc xã Thái Sơn, huyện Hiệp Hoà. Cụ tổ là một vị công thần khai quốc được tôn là bậc tiên hiền của quê hương Quế Trạo xưa. Cha là Thái bảo An Hoà hầu Dương quý công, tự Phúc Tâm (Dương Phúc Tâm), mẹ họ Ngô, hiệu Từ Chính. Như vậy ông là người họ Dương nhưng không hiểu vì lý do gì đã lấy theo họ mẹ là Ngô Công Mỹ. Theo bia đá dựng ở am Hiển Khánh (còn gọi là lăng Chúa Đôi), được biết vào năm Ất Mùi, niên hiệu Thịnh Đức thứ 3 (1655) ông làm quan trong phủ chúa Trịnh, chức Chánh vương phủ, phó vương phủ lưỡng triều, Chưởng Thái giám, tổng quản Kinh Bắc, Hiệp Hoà, Thái Nguyên, kiêm Tri thị nội Thư tả vệ môn Đĩnh quận công. Ngô Công Mỹ sau được tặng chức Đô đốc đồng tri Đĩnh quận công. Có nhiều công lao dẹp loạn, 2 lần được đi sứ phương Bắc. Được triều đình trọng thưởng nhiều tiền, ruộng. Ông đã đem bổng lộc ấy cấp cho địa phương. Dân địa phương ghi nhớ công lao đã lập am Hiển Khánh để tôn thờ và là nơi yên nghỉ ngàn thu của ông. Nay am Hiển Khánh đã trở thành phế tích. Trên phế tích này vẫn còn lăng tẩm và tượng ông bằng đá xanh, cùng các di vật khác như: sấu đá, bia đá, gạch ngói…

Đặc biệt tấm bia Hiển Khánh am bi có bài minh, trong đó câu thứ nhất của bài minh này có nhắc tới danh từ Việt Nam quốc hiệu nước ta. Tấm bia này được khắc dựng từ năm 1655.

Một nhân vật nữa ở vùng đất này phải kể đến là: Tổng thái giám, Tham đốc đề Quận công Phó trì nội Thư tả binh Hiệp Quận công Hoàng Công Phụ.

Theo các cụ truyền lại: Xóm Trên (xóm Hàm Long) gần sông Cầu (sông Như Nguyệt) là mảnh đất giống đầu con rồng, nơi đây có gò Dây, làng Bến, bến Vạn. Trong đó bến Vạn nằm giữa gò Dây và làng Bến. Theo truyền thuyết thì ông quan lớn họ Hoàng sinh ra ở nơi khác, để bè chuối trôi sông dạt về bến Vạn, họ Hoàng đem về nuôi. Cậu bé khôn lớn khác thường, lúc mọc răng thì biết nói. Từ nhỏ đã nổi tiếng thông minh lanh lợi, ham học hỏi. Khi người còn nhỏ muốn đi học nhưng nhà nghèo không có tiền mua giấy bút nên lấy lá chuối lật ngửa làm giấy viết. Do chăm chỉ học hành nên khi có kỳ thi người ra ứng thí đã đỗ ngay (thi đỗ vào thời Hậu Lê). Sau khi đỗ đạt ông ra sức phò vua giúp nước lập được nhiều công lớn cho triều đình. Một hôm vua ngự giá đi chơi ngoại thành cho người hộ giá theo hầu. Đang đi bỗng thấy một con chim diều hâu bay liệng trên đầu vua người liền giương cung bắn chết ngay trước mặt vua. Vua thấy thế rất ngạc nhiên hỏi rằng: con chim nó bay liệng mừng vua sao ngươi lại bắn nó? Người cung kính trả lời nhà vua rằng: Diều hâu là loài ác điểu dám bay trên đầu bệ hạ nên thần mới bắn nó. Vua nghe thấy thế lấy làm ưng lắm liền phong cho người chức Đặc tiến phụ quốc thượng tướng quân thượng trụ quốc minh mẫn chính trực quả cảm trung dũng hàng quận Công. Lúc bấy giờ giặc cướp nổi lên khắp nơi, muôn dân trong cảnh lầm than,  vua bèn cử ông đem quân đi dẹp loạn. Sau khi đánh thắng giặc về đến sông Lục Đầu thì bị bắn lén nên đã hi sinh, hưởng thọ 39 tuổi. Ông mất nhà vua cho cho quân lính đem thi hài về quê mai táng. Về tới bến Vạn thì đưa lên vườn Rãng (xóm Hàm Long) để mai táng. Khi ông đã mồ yên mả đẹp thì người cận vệ của ông đã rút kiếm tự sát để cùng ông được an nghỉ dưới suối vàng và thi hài được mai táng ở ngay bên cạnh. Họ Hoàng Đăng cử người trông coi mộ và hương khói cho đến tận ngày nay.

             Có thể nhận thấy rằng vùng đất Thái Sơn một miền quê nhỏ song có rất nhiều đóng góp  về nhân tài cho đất nước ở mọi thời kỳ lịch sử. Các bậc tiền nhân xưa không những làm rạng rỡ cho quê hương Thái Sơn mà còn làm rạng rỡ và là niềm tự hào chung cho mảnh đất Bắc Giang. Những tryền thống quý báu đó ngày nay vẫn được tiếp tục phát huy trong và là niềm tự hào để lớp con cháu ngày nay phấn đấu noi theo trong công cuộc xây dựng quê hương đất nước.

Phương Anh

 

bigone