Một thời vang bóng
"Sớm muộn rồi xí nghiệp gốm Thổ Hà cũng sẽ được mở lại. Vấn đề chỉ là thời gian nữa thôi. Hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn. Nhưng dù có phải đánh đổi tất cả, tôi cũng quyết phải làm bằng được, để truyền nghề cho đời con cháu. Vì nếu không, khi thế hệ chúng tôi khuất đi, gốm Thổ Hà rất có thể sẽ bị thất truyền." - Ông Trịnh Đắc Tân chia sẻ. |
Về Thổ Hà hôm nay, nhìn quang cảnh tiêu điều, lòng người không khỏi hoang vắng, nao nao một nỗi buồn hoài cổ về một làng gốm truyền thống từng lừng lẫy một thời!
Thổ Hà là một ngôi làng nhỏ, thuộc xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Gốm Thổ Hà đã có lịch sử hơn 1.000 nghìn năm trước. Từ thế kỷ XI, đã xuất hiện Thổ Hà Trang, chuyên sản xuất gốm. Thổ Hà cùng với Phù Lãng, Bát Tràng, đã tạo nên ba thương hiệu nổi tiếng nước ta về nghề làm gốm truyền thống.
Theo sự chỉ dẫn của những người dân địa phương, chúng tôi đã tìm đến nhà cụ Cáp Trọng Tuất- một nghệ nhân cao tuổi nhất ở Thổ Hà hiện nay, người đã gắn bó cả cuộc đời với những vui buồn, thăng trầm của làng gốm nơi đây.
Cụ Tuất cho biết: Thời điểm đầu năm 1960, ở Thổ Hà có tới 18 hộ tư sản, 42 địa chủ, 800 công nhân chuyên sản xuất gốm. Rồi sau đó, do quá trình cải tạo công thương nghiệp, nghề gốm Thổ Hà bắt đầu trầm lắng từ đó.
Sau này, do cơ chế thị trường, với những đòi hỏi cao về mẫu mã, chất lượng nên gốm Thổ Hà không còn đủ sức cạnh tranh với với các thương hiệu khác. Những lò gốm ở đây cũng dần tắt lửa. Đến nỗi, có một thời, người làm gốm Thổ Hà phải chuyển sang làm tiểu sành để kiếm sống qua ngày. Dấu tích hiện nay vẫn còn ở đây là có rất nhiều bức tường được xây bằng tiểu sành. Khi nghề làm tiểu cũng không đủ kế sinh nhai thì họ chuyển sang làm đủ các nghề: Buôn bán, xây dựng, mở hiệu tạp hóa, tráng bánh đa...
Cũng theo cụ Cáp Trọng Tuất: Gốm Thổ Hà là loại gốm thuần bản chất nội địa. Người Thổ Hà cũng là người mang nghề gốm đi truyền cho nhiều nơi khác trong nước. Năm 1825, cụ Xuân Biền, đã mang nghề làm gốm Thổ Hà đến truyền dạy cho làng Hương Canh. Năm 1885, 9 cụ nghệ nhân ở Thổ Hà đã đến và lập ra làng Lò Chum, ở Thanh Hóa. Nhưng đến năm 1985, khi Hợp tác xã gốm Thống Nhất và Xí nghiệp gốm Thổ Hà chính thức bị giải thể vì năng lực sản xuất yếu kém đã chấm dứt sự "vang bóng một thời" của nghề gốm nơi đây. Cả những dấu vết xưa của làng nghề này cũng bị xóa sạch.
Trước nguy cơ thất truyền của nghề truyền thống tổ tiên để lại, cụ Tuất cùng các nghệ nhân tâm huyết đã mở một lò sản xuất gốm nhỏ với hy vọng nhen nhóm lại ngọn lửa làm gốm nơi đây. Nhưng chẳng được bao lâu lò gốm này cũng "tắt lửa" vì thiếu vốn và không đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
Cũng như bao nghệ nhân khác từng một thời gắn bó mồ hôi và nước mắt với nghề truyền thống này, cụ Tuất chia sẻ: "Ở Thổ Hà bây giờ vẫn còn nhiều những nghệ nhân xưa. Ai cũng đau đáu một nỗi niềm là một ngày nào đó, sẽ gây dựng lại được thương hiệu gốm Thổ Hà. Để các cụ có thể truyền lại nghề cho con cháu thì lúc nhắm mắt xuôi tay mới yên lòng mà đi được."
Giữa lúc ngọn lửa những lò gốm Thổ Hà tưởng chừng đã tắt hẳn thì có một người đàn ông đã dám đứng lên để biến nỗi niềm ấy của các nghệ nhân Thổ Hà thành hiện thực. Đó là người đàn ông với một nỗi niềm đau đáu tìm về xưa cũ để nối nghiệp cha ông.
|
Ông Trịnh Đắc Tân, người đang nuôi khát vọng phục dựng lại làng gốm Thổ Hà. |
Người "giữ lửa" gốm Thổ Hà
Với niềm khát khao đau đáu, với sự quyết tâm đến tột cùng, mong rằng một ngày không xa, người ta sẽ lại được thấy thương hiệu gốm Thổ Hà xuất hiện trên thị trường. Người ta sẽ lại tấp nập tìm về Thổ Hà để mang gốm vào Nam, ra Bắc, hay đến những nơi xa xôi trên thế giới. Đó là điều tôi đọc được trong ánh mắt của người đàn ông vừa quay bánh đa, vừa ngâm ngợi hai câu thơ mà ông tự làm để động viên mình:"Cuộc sinh nở nào chẳng đớn đau/Cây trụi lá cho ngày mai trĩu hạt". |
Người đàn ông đó là Trịnh Đắc Tân. Ông sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống làm gốm 9 đời. Từ nhỏ, cậu bé Tân đã sớm được làm quen với bàn xoay và chuốt những sản phẩm gốm đơn giản. Tình yêu với nghề truyền thống của cha ông cũng bắt đầu từ đó.
Năm 1973, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng thanh niên Trịnh Đắc Tân đã gác lại đam mê làm gốm lên đường cầm súng chiến đấu bảo vệ đất nước. Năm 1978, ông Tân xuất ngũ, về lại quê hương. Nhưng ông không thể nối nghiệp nghề gốm của cha ông ngay được vì lúc này gốm Thổ Hà đang "lao đao" vì không đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Hơn nữa, gánh nặng mưu sinh nuôi gia đình, các con ăn học khiến ông phải tạm gác lại nỗi niềm đau đáu của mình.
Mười năm sau, khi kinh tế gia đình đã dần ổn định, ông Tân bắt đầu thực hiện khát vọng và niềm đam mê của mình là khôi phục lại làng gốm Thổ Hà, gìn giữ nghề truyền thống của cha ông. Ông đã dành khoảng hơn 10 năm, từ năm 1990 đến những năm 2000, để học hỏi kinh nghiệm từ các bậc lão làng của gốm Thổ Hà, và khăn gói lên đường "tầm sư học đạo" ở nhiều nơi. Nghe tin ở đâu có nghệ nhân làm gốm cao tay, dù ở xa mấy ông cũng tìm đến nơi học hỏi. Ở đâu còn giữ được những sản phẩm của gốm Thổ Hà ngày trước, ông lặn lội đến xem bằng được.
Sau mười năm, ông nắm vững được nhiều cách thức, phương pháp làm gốm. Một mình ông bây giờ có thể đảm đương được bất kì công đoạn nào của quy trình sản xuất gốm.
Năm 2005, ông Tân cũng một số nghệ nhân tâm đắc đã mạnh dạn xin giấy phép của chính quyền địa phương để mở Hợp tác xã sản xuất gốm. Sự kiện này đã trở thành tâm điểm chú ý của người dân nơi đây. Không ít người ngờ vực, hoài nghi, thậm chí cho rằng ông Tân là người có "vấn đề" khi quyết định mở lại lò gốm. Vì bây giờ với họ, gốm Thổ Hà, chỉ còn là "một thời vang bóng", không ai còn nghĩ đến việc phục dựng lại nữa.
Đến năm 2006, niềm vui vỡ òa với ông Tân, cùng mọi người khi Hợp tác xã gốm Thổ Hà chính thức ra đời. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang thì bao khó khăn ập đến: Thiếu vốn, thiếu mặt bằng, thiếu chuyên gia, nhân công có tay nghề... Vì thế, đến năm 2009, lò gốm này đã tạm thời ngừng hoạt động. Thêm một lần nữa, ông Tân tạm gác lại nỗi niềm đau đáu với gốm. Hiện nay, cũng như bao người khác trong làng, ông đã chuyển sang làm nghề tráng bánh đa. Nhưng không lúc nào ông nguôi khát vọng mở lại xí nghiệp gốm Thổ Hà một lần nữa.
Vợ ông tâm sự, từ ngày nghỉ làm gốm, lúc nào ông cũng như người mất hồn. Ông lầm lũi, ít nói hơn, và... làm thơ nhiều hơn. Vì có chút vốn liếng chữ nghĩa, nên ông thường hay làm thơ, viết bài cho các báo, tạp chí của tỉnh Bắc Giang cũng như ngoài Hà Nội.
Ông tâm sự nhiều lúc không biết tìm đến ai để chia sẻ nên ông đành gửi gắm vào những vần thơ. Ông còn mang cho chúng tôi xem một tập thơ chép tay của ông nói về khát vọng một ngày không xa, gốm Thổ Hà sẽ lại được gần xa biết đến.
Hai năm nghỉ làm ở nhà, phải làm bánh đa để có tiền trang trải cho gia đình, lòng ông lúc nào cũng như lửa đốt. Ông muốn mở lại xí nghiệp gốm càng sớm càng tốt. Các cụ nghệ nhân trong làng ngày càng khuất núi nhiều, ông sợ nghề gốm nơi đây rồi sẽ bị thất truyền.
Nhưng khi ông đem những nỗi lòng đó chia sẻ với mọi người thì ai cũng cho ông là "đồ gàn dở". Vì họ nghĩ rằng gây dựng lại gốm Thổ Hà là điều không tưởng. Chỉ có ông vẫn kiên định một niềm tin rằng nhất định gốm Thổ Hà sẽ sống lại.
Ông cùng anh em trong họ và những nghệ nhân tâm huyết vẫn tích cực chuẩn bị cho sự ra đời của xí nghiệp gốm tại Thổ Hà. Ông chạy ngược chạy xuôi, hết lên tỉnh lại ra Hà Nội để vận động nhà tài trợ, để vay vốn, để xin cấp mặt bằng... cho xí nghiệp.
Cuối cùng, sau hơn hai năm ngược xuôi vất vả, niềm vui đã trở lại với ông Tân và mọi người khi có nhà tài trợ đồng ý sẽ đầu tư vốn cho xí nghiệp. Hơn nữa, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cũng quyết định sẽ cung cấp mặt bằng, giúp ông đào tạo nhân lực và tạo mọi điều kiện để ông hoàn thành ước vọng của mình.
Theo Vũ Viết Tuân/GĐXH