Núi Sam
Núi Sam có tên khác Vĩnh Tế Sơn hay Ngọc Lãnh Sơn cao 284 m[1] có chu vi 5.200m[2], là một núi nằm trong vùng Bảy Núi, trước thuộc xã Vĩnh Tế, nay là phường Núi Sam, thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang (Việt Nam).
Mục lục |
[sửa] Tên gọi, vị trí
Vĩnh Tế Sơn: Vua Minh Mạng cho đặt tên núi Sam là Vĩnh Tế Sơn, để ghi công của Thoại Ngọc Hầu đã hoàn thành việc đào kênh Vĩnh Tế (1819–1824).
Học Lãnh Sơn: Học nghĩa là con sam, sơn nghĩa là núi. Giả thuyết cho rằng gọi là núi Sam vì hình thù của núi giống như con sam, mà đầu quay về hướng Tịnh Biên. Cũng có tài liệu khác cho rằng thuở xa xưa, khi quanh núi Sam hãy còn là biển cả, các loài sam biển tập trung sống ở nơi đây.
Vị trí núi: Phía Tây Bắc có tuyến kênh Vĩnh Tế chạy dọc biên giới Campuchia. Phía Tây Nam giáp xã Thới Sơn, Nhơn Hưng thuộc huyện Tịnh Biên. Phía Đông Bắc và Đông Nam giáp phường Châu Phú A, Châu Phú B của thị xã Châu Đốc.
[sửa] Thắng cảnh, di tích
Trước đây, núi Sam có nhiều cây phượng vĩ và huỳnh mai mọc từ các hốc núi. Vào mùa trổ bông, cảnh núi toàn một màu đỏ thắm rất tươi đẹp và rực rỡ.
Trên đỉnh, còn dấu tích một bệ đá, nơi tượng Bà Chúa Xứ Núi Sam ngự, trước khi được đem về miếu. Bệ đá có chiều ngang 1,60 m; dài 0,3 m, chính giữa có lỗ vuông cạnh 0,34 m, loại trầm tích thạch màu xanh đen, hạt nhuyễn. Gần tháp cao của Pháo Đài, cũng là nơi Trương Gia Mô (1866-1929), một nho sĩ của phong trào Duy Tân, đã gieo mình xuống vực sâu, tự kết liễu một cuộc đời bế tắc vào một đêm cuối năm 1929.
Trên và quanh núi Sam có rất nhiều chùa miếu, trong đó nổi tiếng nhất là Miếu Bà chúa Xứ, Chùa Tây An, lăng Thoại Ngọc Hầu, Chùa Phước Điền (còn gọi Chùa Hang) là những hạng mục trong Khu di tích lịch sử - Văn hoá núi Sam đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam công nhận là di tích cấp Quốc gia.
[sửa] Lợi ích khác
Đá ở núi Sam chủ yếu là đá hoa cương, nên từ năm 1890, người Pháp đã cho khai thác để làm đường. Sau năm 1975, để bảo vệ môi trường và cảnh quan du lịch, chính quyền tỉnh đã cấm việc khai thác đá.
Núi Sam là một điểm cao chiến lược. Ở đỉnh có thể quan sát, kiểm soát cả một vùng biên giới rộng lớn từ thị xã Châu Đốc đến tận tuyến Tịnh Biên, từ cánh đồng Bảy Núi qua huyện Châu Phú. Do vậy, trước 1975, trên đỉnh núi có một đồn lính, tên gọi là Pháo đài. Sau này, người ta đã cho xây dựng ở gần đó, một trạm tiếp sóng các đài thuộc Đài truyền hình Việt Nam.
Ngoài ra, bên chân núi còn có tuyến quốc lộ 91 chạy qua dài 8 km, thuận lợi cho việc giao thông và phát triển kinh tế vùng.
[sửa] Thông tin liên quan
[sửa] Giới thiệu bia Vĩnh Tế Sơn
Bia Vĩnh Tế Sơn là một trong ba di tích lịch sử[3], loại bia ký nổi tiếng ở Việt Nam dưới chế độ phong kiến còn lưu lại đến ngày nay.
Bia Vĩnh Tế Sơn được tạc bằng đá, cao ngang đầu người, khắc 730 chữ Hán, do Thoại Ngọc Hầu cho soạn, được dựng vào tháng 9 năm Minh Mạng thứ 9 (1828), tức sau khi kênh Vĩnh Tế đã đào được 4 năm.
Trước đây vì đứng trơ trọi giữa trời lâu năm, bia bị ngã đổ và bị lấy đi nơi khác. Có lẽ vì sợ hư hại thêm và thất lạc lần nữa, nên hiện nay bia Vĩnh Tế Sơn (?) bị gắn chặt vào bức tường dầy của Sơn Lăng. Khác với bia Thoại sơn còn khá tốt, tấm bia này vì thời gian, vì mưa nắng nên đã bị rạn nứt và chữ khắc đã không còn đọc được. Toàn văn bia ký giờ đây có được là nhờ Trần Hữu Thường (1844-1921), đỗ tú tài thời Tự Đức, biên chép và dịch lại.
Ngoài ra, tra trong sách Đại Nam nhất thống chí, phần "An Giang tỉnh", mục "Sơn xuyên", thì thấy có câu:..."nhà vua sắc cho quan hữu tư địa phương dựng bia (Vĩnh Tế Hà) ở bờ sông". Nhưng đến nay vẫn chưa tìm được [4].
Ngày làm lễ dựng hai tấm bia trên rất có thể cùng ngày với việc cải táng tập thể các binh, dân đã tử nạn trong việc đào kênh, và cũng là ngày Thoại Ngọc Hầu đã đứng ra chủ tế lễ cúng trọng thể, tuyên đọc một bài văn tế có tên: "Thừa đế lịnh, tế cô hồn Vĩnh Tế tân kinh", còn được gọi là "Tế nghĩa trủng văn" cho những vong hồn này [5].
[sửa] Trích văn bia
- Địa giới Châu Đốc xưa kia là khu vực của Phiên man (Cao Miên). Nhờ triều đình khai thác cõi Nam, mới cho đất ấy nhập vào bản đồ. Nghiêm đặt đồn doanh để khống chế nước phiên. Phía sau đồn có núi, mà lời tục thường quen gọi núi Sam.
- Nơi đây chầm ao, rừng rú mênh mông rậm rạp, cũng là chỗ Thổ dân, Khách trú, người Lào nương ngụ. Tuy có cảnh đẹp chuyện hay, nhưng cũng vẫn là một nơi rừng sâu, đá loạn, nổng gò mà thôi…
- Từ ngày dẹp cỏ gai trở đi, rành rành chân núi trắng phau, trọi trọi ngọn tre xanh ngắt, cảnh núi trở nên tươi đẹp, sừng sững vọt lên. Ngắm dòng nước biếc bên bờ cao, ruộng vườn vây quanh chân núi, hơi lam tuôn cuốn lẫn khói nấu cơm, chùa chiền trên chót hương tỏa mây lồng, thật không kém gì phong cảnh trung châu vậy.
- Năm trước đây, thần (Thoại Ngọc Hầu) phụng mạng xem sóc việc đào kênh Đông Xuyên, vua đã lấy danh tước thần nêu lên bên bờ kênh núi Sập mà đặt tên núi Thoại (tức Thoại Sơn). Đến nay, hoàng ân lại xét đến lòng thần, cho là biết tề gia hợp hòa khí, lại hạ cố đến vợ thần là Châu Thị Tế là Vĩnh Tế Sơn rằng có đức dày trong đường lễ giáo, bên trong biết giúp đỡ chồng, một lòng trung thành bền chặt, có chút công lao, nên xuống lệnh ban cho tên núi Sam là Vĩnh Tế Sơn...
- Đến nay, ánh sáng sớm sương tan, bóng chiều tà ráng rọi, cây rậm rạp khoe xanh, cỏ là đà phô thắm. Bụi sạch trên đường, lên cao ngắm nghía, dòng sông trải lụa, khách đi qua buông chèo nhàn ngoạn, tay trỏ non xanh cùng nói với nhau: Đây là núi Vĩnh Tế, do vua ban tên đó!…[6]
[sửa] Chú thích
- ^ Theo website Bách khoa toàn thư
- ^ Ghi theo Địa chí An Giang tập I. Và cũng theo tài liệu này, núi chỉ cao 228m.
- ^ Hai bia kia là bia Vĩnh Lăng ở Thanh Hóa và bia Thoại Sơn ở Núi Sập (An Giang). Theo [1] và Địa chí An Giang tập II, UBND tỉmh An Giang ấn hành, 2007, tr.314.
- ^ Việc tìm kiếm tấm bia Vĩnh Tế Hà khiến GS. Nguyễn Văn Hầu đã phải than thở: "Tôi đã tìm và cho đào nhiều chỗ khả nghi, nhưng chỉ thấy được những mảnh bia khác chứ không có một vết tích gì về bia Vĩnh Tế Hà ở bên bờ sông ấy (Nguyễn Văn Hầu, Thoại Ngọc Hầu và những cuộc khai phá miền Hậu Giang, NXB Hương Sen, Sài Gòn, không ghi năm xuất bản, tr.209 - 211".
- ^ Theo nguyễn Văn Hầu, sách đã dẫn tr.200-201
- ^ Theo Nguyễn Văn Hầu, sách đã dẫn, tr. 400 – 402.
[sửa] Liên kết ngoài
-
- Núi Sam trên web Người viễn xứ.
- Giả thuyết về tên gọi của Núi Sam trên web Du lịch An Giang.
- Trương Gia Mô trên web Bến Tre.
Loạt bài về non nước ở An Giang | |
---|---|
Sông Vàm Nao • Rạch Ông Chưởng • Kênh Vĩnh Tế • Kênh Thoại Hà • Bảy Núi • Núi Dài • Núi Dài Năm Giếng • Núi Cấm • Núi Sam • Núi Tượng • Núi Két • Núi Nước • Núi Cô Tô • Núi Sập • Núi Ba Thê ... |