Đình Hoàng Xá: Độc đáo những mảng chạm khắc

KTĐT - 

Dinh Hoang Xa: Doc dao nhung mang cham khac

KTĐT - Đình Hoàng Xá (thôn Hoàng Xá, xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa) có thể gọi là ngôi đình mang giá trị nghệ thuật đặc biệt trong giai đoạn đỉnh cao của nghệ thuật đình làng Việt Nam vào cuối thế kỷ XVII.

Đình ở ven làng, lấy tên làng gọi đình, mặt ngoài hướng Tây - Tây Bắc. Đình thờ vị Thành hoàng làng là Quý Minh - một trong Tam vị Đức Thánh Tản, biểu hiện của sự sinh sôi, hạnh phúc, phồn thịnh.

Vào cuối thế kỷ XVII, đình Hoàng Xá được xây dựng theo kiểu chữ nhất, nghĩa là chỉ có một tòa hình chữ nhật với ba gian hai chái lớn, thờ theo lối ngang, ban thờ được thờ trên gác lửng trong không gian giữa hai cột cái và hai cột quân phía sau của gian giữa. Dần dần về sau, theo nhu cầu tín ngưỡng và sự phát triển của tế lễ theo lối "Hương đảng tiểu triều đình" mà đình Hoàng Xá được chuyển hóa kết cấu thành kiểu hình chữ công, tạo thêm một hậu cung lớn nhằm thâm nghiêm hóa vị thần, biến tòa đình chính thành tòa Đại bái. Trên tinh thần này, chức sắc trong làng cũng lấy quỹ làng để dựng thêm hai tòa Tả Hữu vu bốn gian tường hồi bít đốc, phía ngoài là cổng Nghi môn trụ, để tạo nên một hệ thống như ngày nay.

Đình Hoàng Xá mở đầu bằng Nghi môn tứ trụ, cửa giữa là hai trụ vuông lớn mà đầu đỉnh đắp hai lân chầu. Tuy nghệ thuật không cao nhưng ý nghĩa của lân vẫn là tượng trưng cho tầng trên, cho trí tuệ với chức năng kiểm soát tâm hồn kẻ hành lễ. Chúng là hình tượng nhắc nhở con người phải có lòng thành và kính cẩn trước thánh thần. Liền trụ là tả hữu nghi môn với mái giả hai tầng như biểu tượng cho âm dương đối đãi.

Tiếp sau cửa, một sân rộng dẫn vào Đại bái (tòa đình chính) theo phong cách kiến trúc thế kỷ XVII. Nhìn bề ngoài, mái đình vốn xấp xỉ hai phần của toàn độ cao vì xưa đình không có tường bao nhằm tạo sự chiêm ngưỡng kết cấu và các mảng chạm được rõ ràng. Cũng như nhiều đình khác, trước đây Hoàng Xá có sàn kết cấu bốn hàng chân bằng gỗ lim. Cột cái lớn vừa phải với đường kính xấp xỉ 60cm, cột quân có đường kính xấp xỉ 40cm, với bốn vì nóc kiểu chồng rường, nhưng phần "cốn" nối giữa cột cái và cột quân của gian giữa cũng theo kiểu chồng rường có ken gỗ tạo mảng trang trí, các gian bên chỉ có ba nách, kèo và ván mỏng. Hai đầu hồi có bốn bộ cốn phần nào tương tự cốn dân giã nhưng lớn hơn.

Hầu như chạm khắc có giá trị cao đều nằm ở tòa Đại bái với đề tài chủ yếu là rồng, mà thông qua đó như thấy ước vọng cầu mưa của dân cư nông nghiệp. Tuy nhiên, nổi lên hơn là các mảng chạm về hoạt cảnh, khiến cho người xem bị chìm vào sự náo nức của ngày hội, vào những thú vui thanh tao của già làng bên bàn cờ bầu rượu. Đó là những thuyền đua trong nét phác thảo mà chứa đựng vẻ đẹp đột ngột, dẫn người xem đến cảm nhận: con thuyền như bơi mãi trong dòng tâm tưởng, vượt qua bến nước trần gian để khẳng định một dòng truyền thống. Cùng với đó là những tiên nữ vang điệu múa thái hòa, là sự rộn rã của sới vật, là cảnh đi săn, là sự náo nức của tiếng trống, tiếng đàn với dàn nhạc công…

Trong Hậu cung còn sập thờ, khám thờ lớn ngai vị, bàn thờ, rồi kiệu và bát bửu, sắc phong (từ thời Quang Trung đến Khải Định) cùng hoành phi câu đối. Tất cả hợp lại tạo cho đình Hoàng Xá một vẻ đẹp mang tư cách một chỉnh thể nghệ thuật hoàn chỉnh.

Thục Trinh

Tin mới