Khám phá thú vị về Bà Chúa Kho ở Hà Nội

(Kiến Thức) - Giữa Hà Thành đô hội cũng hiển hiện một Bà Chúa Kho, nhưng khác với xứ Kinh Bắc, Bà Chúa Kho thành Thăng Long không có chuyện vay - trả. 

Nhiều người những tưởng Bà Chúa Kho chỉ có trên một ngọn núi xứ Kinh Bắc. Nào ngờ, giữa Hà Thành đô hội cũng hiển hiện một Bà Chúa Kho, một nữ viên quan trông coi lương kho quốc khố hẳn hoi. Nhưng khác với xứ Kinh Bắc, Bà Chúa Kho thành Thăng Long không có chuyện vay – trả.
Nằm ẩn mình thầm lặng cuối một con ngõ nhỏ đường Đê La Thành, đình Bà Chúa Kho như tách biệt hẳn với những ồn ào chốn đô hội. Từ bục cổng trở vào, không gian làng lẫn không gian tâm linh hiện rõ mồn một. Hồ nhỏ mà đồ rằng, xưa hình bán nguyệt vẫn còn đó. Những cột phương đình án trước bậc tam cấp màu đá xanh vào hậu cung cũng đủ cho khách biết, nơi này thờ một thần nhân đầy những công trạng.
Thần nhân đời Trần
Cụ từ Nguyễn Bá Ngọ, người nối tiếp cụ Bá Be trông sóc ngôi đình cổ này dễ cũng vài năm. Rành chuyện làng chuyện nước lại sẵn vốn Hán học nên cụ dựa vào thần phả của đình mà kể lai lịch gốc tích nữ thánh Bà Chúa Kho.
Bà Lý Thị Châu, người làng Võ Trại trong kinh thành Thăng Long, ngày nay là phường Giảng Võ. Cha bà là ông Lý Quýnh lấy vợ làng Võ Trại sinh ra Lý Thị Châu. Ông Lý Quýnh lúc bấy giờ làm chức Điện hộ binh lương, chuyên giữ kho lương quân lính đời nhà Trần.
Bà Lý Thị Châu được học hành chu tất tại trường Bích Câu xưa nên văn võ toàn tài. Năm 22 tuổi, bà lấy một viên quan Thái bảo họ Trần làm chức Đốc bộ ở Châu Hoan (tức Nghệ An và Hà Tĩnh ngày nay).
Kham pha thu vi ve Ba Chua Kho o Ha Noi
Hậu cung đình Bà Chúa Kho. 
Năm 1285, một đạo quân Nguyên hùng mạnh do Toa Đô chỉ huy đánh vào nước ta từ phía Chiêm Thành hòng thâu tóm Châu Hoan. Chồng bà không ngăn được sức giặc mạnh đành rút quân về giữ vùng Diễn Châu (Nghệ An) củng cố lại lực lượng.
Trong tình thế nước sôi lửa bỏng, phận nữ nhi như bà Lý Thị Châu cũng không thể rủ màn che trong phòng mà tự nguyện chỉ huy quân sĩ bảo vệ kho lương, lo liệu hậu cần để chồng yên tâm đánh giặc. Cuối tháng 5/1285 nhà Trần đánh đuổi giặc Nguyên khỏi bờ cõi. Vợ chồng bà được triệu về kinh, chồng giữ chức cai quản quân kinh đô, vợ coi sóc kho phủ Phụng Thiên.
Cuối năm 1287, quân Nguyên lại chia 3 đạo đánh Đại Việt. Chồng bà Lý Thị Châu được lệnh ngăn giặc phía sông Hồng. Thế giặc mạnh, ông nhận nhiệm vụ tử chiến chặn hậu để vua quan rút lui an toàn. Thái bảo họ Trần hy sinh lẫm liệt trong trận đánh này.
Tin chồng tử trận, kinh thành sắp thất thủ nhưng bà Lý Thị Châu vẫn bình tĩnh lệnh quân sĩ chuyển toàn bộ lương thực, của cải đem đi cất giấu rồi lấy một chiếc khăn hồng thắt cổ tự vẫn.
Kham pha thu vi ve Ba Chua Kho o Ha Noi-Hinh-2
Hồ bán nguyệt trước đình Bà Chúa Kho. 
Quản trưởng quốc khố công chúa
Cụ Nguyễn Bá Ngọ cho hay: “Theo tích cũ truyền lại, khi bà Lý Thị Châu tự sát thì trời đất nổi cơn cuồng phong. Tấm vải phủ mặt bà bay về Đồng Hịch (tức khu vực Bộ Y tế bây giờ - PV). Dân làng mới lập tại đó một miếu thờ”.
Năm 1288, quân Nguyên bị phản công phải rút lui. Khi xét thưởng, bà được triều đình truy tặng “Quản trưởng quốc khố công chúa”. Đồng thời, nhà vua lệnh cho lập đền thờ bà ở Giảng Võ (Hà Nội) và Diễn Châu (Nghệ An) và 20 nơi khác mà bà đã cùng chồng đóng quân. Những nơi lập đền thờ bà Lý Thị Châu được miễn 5 năm đóng thuế.
Từ đó bà Lý Thị Châu được tôn là Bà Chúa Kho. Những nơi thờ tự bà được cấp 13 đạo sắc phong, được chứng minh lai lịch, chức tước, công trạng rõ ràng. Đình Bà Chúa Kho ở Hà Nội được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa năm 1994. Diện tích ngôi đình trước kia rộng đến 10.000m2, nay chỉ còn khoảng trên 1.600m2.
Nhiều người hiểu lầm
Ông Vũ Hồng Thanh, Phó Chủ tịch UBND phường Giảng Võ kiêm Trưởng ban Di tích đình Bà Chúa Kho cho biết, rất nhiều người hiểu lầm về Bà Chúa Kho ở Hà Nội và Bắc Ninh. Có người cho rằng, hai bà là một; lại có người phân biệt bà giả bà thật.
Theo ông Thanh, không có Bà Chúa Kho giả hay thật. Hai Bà Chúa Kho thờ ở hai nơi khác nhau đều là thật. Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh là thời nhà Lý, bà có công giúp triều đình coi kho lương thực tại Núi Kho (Bắc Ninh). Bà đã “thác” trong cuộc chiến chống quân Tống và được nhà vua phong là Phúc Thần.
Còn Bà Chúa Kho ở Hà Nội là thời nhà Trần, được nhà vua phong là “Quản trưởng quốc khố công chúa” vì có công trông coi lương thực, quốc khố trong cuộc chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược.
“Rất nhiều người đến đây và tranh luận về điều này. Rất khó để giải thích cho mọi người hiểu về hai Bà Chúa Kho là khác nhau. Tuy nhiên, dựa vào những tư liệu lịch sử và thần phả để lại thì chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng, hai Bà Chúa Kho đều là những vị nữ tướng thần nhân của hai thời kỳ”, ông Thanh cho biết.
Kham pha thu vi ve Ba Chua Kho o Ha Noi-Hinh-3
Đình còn giữ được hai con nghê đá từ xa xưa. 
Không vay – trả
Cụ Nguyễn Bá Ngọ, người trông coi đình Bà Chúa Kho cho hay: “Ở đây không có chuyện khách thập phương lễ đầu năm vay, cuối năm trả. Đình cũng cấm đốt vàng mã và đốt hương tràn lan. Nạn buôn thần bán thánh không có đất sống ở đình này nên việc viết sớ cũng hoàn toàn không có”.
Đình Bà Chúa Kho ở Hà Nội từ xưa đã nổi tiếng linh thiêng. Tuy nhiên, cách hành lễ mỗi nơi mỗi khác, làm được vậy có lẽ cũng do cách quản lý và ý thức của người đi lễ. Đình Bà Chúa Kho ở Hà Nội chỉ là nơi người dân đến cầu lộc, cầu an, chứ tịnh không có chuyện vay – trả bao giờ.
“Do những biến thiên thăng trầm của lịch sử đất kinh thành mà đình cũng không giữ lại được nhiều những hiện vật xưa cũ. Hiện tại, trong đình chỉ còn giữ được một số hiện vật nhỏ mà thôi. Còn số nhiều là đồ mới sau những lần trùng tu, tôn tạo”, cụ Ngọ cho biết.
Ngoài hậu cung còn nguyên vẹn thì hai con nghê đá án ngữ trước cửa vào hậu cung là linh vật xưa của đình còn sót lại. Ngoài ra, một số chân cột đình Giảng Võ cũng tồn tại và được coi là di vật cổ chứng minh sự ra đời của ngôi đình thiêng. Ngoài ra, một số đồ thờ như chuông đồng cũng coi là cổ nhưng không khớp với sự ra đời của ngôi đình này.
“Theo tôi được biết thì mộ Bà Chúa Kho Lý Thị Châu ở trong Hoàng thành Thăng Long. Còn đình thờ chỉ là di tích, nơi sinh quán của bà mà trước đây triều đình nhà Trần cho dân làng xây dựng để tưởng nhớ công ơn của nữ tướng”.
Cụ Nguyễn Bá Ngọ
“Hằng năm, vào ngày 12/2 âm lịch là ngày sinh của bà, dân làng Giảng Võ tổ chức 2 ngày tế lễ rất long trọng. Chúng tôi cũng đang xây dựng phương án đền bù cho người dân để mở rộng di tích, trả lại khuôn viên cho đình”.
Ông Vũ Hồng Thanh (Trưởng ban Ban Quản lý di tích)
Trần Thái

>> xem thêm

Quang Minh - Hồng Đào “đối đầu” vì “chàng rể” Đình Hiếu

Bình luận(0)

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu