Trang chính  | Diễn đàn  | Giá quảng cáo  | Liên hệ   Liên hệ  
   Trang chủ
Diễn đàn
Tin tức nổi bật
Tin tức trong tỉnh
Thông tin tuyển dụng
Công nghệ thông tin
Kiến thức phổ thông
Tổng quan về An Giang
Địa danh An Giang
Đặc sản An Giang
Tra từ điển
Nhập từ cần tra:

Tra theo từ điển


 
Tra cứu số Điện thoại

 Số Thuê bao  



Tin tức Site được cập nhật vào: 2012-11-18 19:01:44
Thất Sơn - “kỳ quan” ở đồng bằng
15/07/2011

Tỉnh An Giang có hai huyện miền núi là Tịnh Biên và Tri Tôn nằm giáp biên giới Campuchia. Nơi đây có bảy ngọn núi (Thất Sơn) với nhiều truyền thuyết rất kỳ bí còn lưu truyền đến ngày nay.

Từ thị xã Châu Đốc đi về hướng Tây nam 6 km, ngọn núi mà du khách bắt gặp đầu tiên là núi Sam, nơi có miếu Bà Chúa Xứ rất linh thiêng, hàng năm đón gần 4 triệu lượt khách du lịch đến hành hương. Tuy nhiên, núi Sam không nằm trong quần thể Thất Sơn, và điểm nhấn của hành trình du lịch vùng bảy núi là núi Cấm với nhiều truyền thuyết liên quan đến vua Gia Long. Đến đây, ngoài việc hành hương chiếm bái tại các chùa chiền, miếu tự nổi tiếng linh thiêng, du khách còn được ngắm cảnh núi non hùng vĩ và thưởng thức món nước thốt nốt ngọt lịm của người dân tộc Khmer.

Đường lên Thất Sơn - núi Cấm


Từ thị xã Châu Đốc, du khách đi về hướng Tây nam theo tỉnh lộ 948 khoảng 35 km thì tới núi Cấm, “lãnh địa” quan trọng của vùng Thất Sơn. Trên đường đi, xe chạy qua những ruộng lúa trên cao và những làng mạc hoang sơ lẩn khuất trong các rặng thốt nốt của người dân tộc Khmer.

Thất Sơn là tên gọi chung bảy ngọn núi huyền thoại ở tỉnh An Giang gồm: núi Cô Tô (Phụng Hoàng Sơn), núi Két (Anh Vũ Sơn), núi Cấm (Thiên Cấm Sơn), núi Dài (Ngọa Long Sơn), núi Dài Nhỏ hay núi Năm Giếng (Ngũ Hồ Sơn), núi Tượng (Liên Hoa Sơn) và núi Nước (Thủy Đài Sơn).


Ngũ Hồ Sơn – núi “năm giếng”

Trước khi đến núi Cấm, du khách sẽ đi ngang qua thị trấn Nhà Bàng, huyện Tịnh Biên, ở đây có Ngũ Hồ Sơn, mà dân trong vùng quen gọi là Núi Dài Nhỏ hay núi Năm Giếng. Với độ cao trên 268m, đây là ngọn núi cao đứng hàng thứ tư trong Bảy Núi. Đường lên đỉnh Ngũ Hồ Sơn không một bóng người, bị chắn ngang bởi vồ đá chông chênh, phải bám dây leo để bò lên và phải chặt cây mở đường. Với du khách đi núi, thăm cảnh đẹp thông thường, điểm đầu tiên nên khám phá là khu vực năm giếng được tạo thành bởi năm hốc đá đầy ắp nước nằm san sát nhau như năm cái giếng. Đặc biệt, nước trong lòng đá tiết ra quanh năm, thậm chí có lúc còn tràn qua miệng giếng chảy thành dòng xuống mặt đất. Dân gian thường hay kể, trên đỉnh Thất Sơn hầu hết đều có “giếng Tiên” được cấu tạo từ mạch nước núi đá chảy ra vừa tích tụ, vừa xói mòn, nhưng không nơi đâu tập trung một chỗ như núi Dài Nhỏ.

Anh Vũ Sơn – núi Két

Anh Vũ Sơn hay núi Két là ngọn núi nhỏ cao khoảng 252m so với mặt biển, thuộc xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên tỉnh An Giang. Từ xa xa, ngước nhìn lên đã thấy đầu “Ông Két” khổng lồ nằm ở lưng chừng núi. Đá núi đã cấu tạo nên dáng hình kỳ vĩ cho Anh Vũ Sơn. Đi theo những bậc tam cấp đá quanh co, du khách bắt đầu chinh phục ngọn núi có nhiều huyền thoại này.

Núi Két có trên chục địa điểm tham quan hấp dẫn. Từ dưới lên, du khách sẽ lần lượt viếng các điểm như: mỏ Ông Két, điện chư vị Năm non bảy núi, điện Trúc Lâm, sân Tiên, giếng Tiên, điện Ngọc Hoàng, điện Phật thầy, điện Chiến sĩ, điện Ba cô, điện Huỳnh Long, điện U Minh điện Phật mẫu ... Mỏ Ông Két nằm ở độ cao khoảng chừng hơn trăm mét, đi bộ khoảng 20 phút. Đứng trên mỏ Ông Két giữa trời xanh bao la lộng gió, có cảm giác như núi Anh Vũ đang bồng bềnh trôi, bởi những đám mây sương luôn bay lướt qua với thiên hình vạn trạng. Phía trước mặt theo hướng mỏ Ông Két là núi Dài hùng vĩ. Phía sau lưng mỏ Ông Két là điện thờ chư vị “Năm non bảy núi”, được hiểu như là những bậc tiền nhân đã có công khai hoang vùng Thất Sơn, từ buổi nơi đây còn là một vùng rừng núi hoang vu với nhiều thú dữ và lam sơn chướng khí.

Theo tài liệu lịch sử, Thất Sơn thuộc xứ Đàng Trong từ năm 1759, lúc vùng đất này được khai phá. Cũng từ đó, nhiều đạo sĩ đến nương náu ở núi Két để tu luyện, trong số đó, có ông Đoàn Minh Huyên được tín đồ tôn xưng là Đức Phật Thầy Tây An, người khai sáng đạo Bửu Sơn Kỳ Hương.

Lên đến mỏ Ông Két, du khách sẽ cảm thấy tan đi những mệt nhọc bởi nhiệt độ ở đây thường vào khoảng 18 - 24oC, nên dù giữa trưa trời nắng gắt nhưng vẫn cảm thấy mát lạnh. Một điều kỳ thú là trên đỉnh núi Két lại có “giếng”, dân gian gọi là “Giếng Tiên”. Nước ở giếng trong vắt, mát lạnh. Cho đến giờ, người ta vẫn chưa biết được vì sao mà có giếng này, và nước trong giếng có từ đâu? Một điểm tham quan gây ấn tượng mạnh khác là điện U Minh, nơi thờ Diêm Vương, vị chúa tể của cõi âm. Qua những ngõ ngách thâm u sâu trong lòng núi để vào điện U Minh, bước vào cửa du khách sẽ thấy hai con mãng xà đá khổng lồ đang giương mắt, phùng mang trông rất dữ tợn. Trung tâm điện U Minh rộng chừng 40m2, giữa điện có tượng Địa Tạng Vương (Diêm Chúa), thấp hơn về bên trái là Phán Quan đang tra sổ sinh tử, dưới bệ là Ngưu Đầu, Mã Diện cầm binh khí đứng hầu. Ở điện U Minh còn có một cái hang rất sâu khoá kín, tương truyền có thể thông qua núi Tà Lơn bên Campuchia (?)

Phụng Hoàng Sơn – chim phụng hoàng sải cánh

Phụng Hoàng Sơn hay núi Cô Tô thuộc xã Cô Tô, huyện Tri Tôn, có hình dáng như con chim phụng hoàng đang xoãi cánh bay giữa đồng bằng mênh mông. Có điều ở vạt núi chếch về phía tây, được ví là đuôi chim phụng, đang bị lở lói từng ngày bởi những tiếng nổ mìn rung chuyển núi rừng từ những công trường khai thác đá ngày đêm. Chẳng biết đến lúc nào thì ngọn núi hình chim phụng hoàng rồi sẽ chỉ còn trong sách vở!

Chỉ mất vài chục phút xe ôm, khách đã tới Sân Tiên, ở độ cao 298m, sau đó cuốc bộ theo lối mòn đến đỉnh Cô Tô. Lên đến chóp đỉnh Cô Tô, du khách sẽ chạm tay vào cột mốc bêtông ở độ cao 614m. Xuống núi, tới vồ Hội - một phiến đá rộng rãi, chênh vênh trong khuôn viên chùa Bồng Lai, đây là nơi hành hương của khách thập phương, cũng là điểm lý tưởng để ngắm toàn cảnh vùng biên giới Tây nam với núi Dài, núi Cấm phía bắc, núi Tà Lơn phía tây và huyện lỵ Tri Tôn phía nam.

Liên Hoa Sơn – núi voi

Núi Tượng (Liên Hoa Sơn) ở thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn chỉ cao 145m và chu vi 3.825 m. Nhiều người cho đây là một phần trong Thất Sơn. Từ xa núi trông giống hình dạng con voi nên có tên là Núi Tượng. Trước năm 1870, vùng núi này hãy còn hoang vu, nhưng kể từ năm này, nhờ ông Ngô Lợi, người khai sáng đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa (gọi tắt là đạo Hiếu Nghĩa), đưa một số đệ tử vào khai hoang lập thôn ấp, sau này trở thành làng An Định, An Hòa, An Thành, An Lập, rồi dựng chùa Tam Bảo, chùa Phi Lai khiến nơi đây ngày một trở nên đông đúc.

Thủy Đài Sơn – núi nước

Núi Nước (Thủy Đài Sơn) cũng nằm trong thị trấn ba Chúc huyện Tri Tôn , là ngọn núi nhỏ nhất trong Thất Sơn. Núi cao 54 mét, chu vi 1.070m, nằm giữa những cánh đồng rộng lớn, cách núi Tương khoảng 600m. Nhiều người tin rằng, mặc dù ở vùng này có nhiều núi cao hơn, trải dài hơn nhưng núi Nước được người xưa đặt tên và đưa vào Thất Sơn, có thể do sự tác động bởi những quan niệm thần bí, siêu nhiên trong dân gian ... Khi chưa có đê bao chống lũ, vào mùa nước nổi (khoảng tháng 8 đến cuối tháng 10 âm lịch), chung quanh núi này là một biển nước mênh mông, đỏ hồng phù sa. Do vậy, núi có tên là núi Nước.

Ngay chân núi có chùa Linh Bửu, do Ngô Lơi, giáo chủ đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, cho xây dựng vào ngày 9/6/1884 (năm Giáp Thân). Tương truyền trên đỉnh núi, thuở xa xưa ai đó đã chôn sâu một trụ đá khắc chữ Tàu để trấn ếm long mạch, nhưng sau này đã được Ngô Lợi cho đào lên phá hủy, và sau nữa người ta dựng lên ở đỉnh một con rùa bằng đá và xì măng.

Ngọa Long Sơn – núi Rồng

Núi Dài (Ngọa Long Sơn) cũng nằm trên địa bàn huyện Tri Tôn, đỉnh núi gần như bằng phẳng trải dài hơn 8km, nên khó xác định đâu là điểm cao nhất. Dù trên núi có hai di tích lịch sử quốc gia là điện Trời Gầm và đồi Ma Thiên Lãnh, nhưng Ngọa Long Sơn vẫn là con rồng đang yên ngủ bởi chưa khai thác du lịch được. Xưa kia trên núi Dài từng đầy rẫy thú dữ. Tương truyền vào năm 1819, khi Thoại Ngọc Hầu đưa quân xuống đóng trại tại Ba Chúc, chuẩn bị đào kênh nối Châu Đốc - Hà Tiên, đêm xuống tuy người đông nhưng lúc nào cũng phải nổi lửa hoặc đánh động để xua đuổi cọp thường lảng vảng xung quanh.

Huyền thoại Thất Sơn còn nói tới con nưa chín mũi (giống như trăn nhưng mũi có tới chín lỗ nhỏ) hết sức hung dữ, có con thân mình to bằng cây cột nhà! Đường lên núi Dài có thể nói là gian truân nhất trong số các ngọn núi vùng Thất Sơn. Càng lên cao cây cối càng dày đặc, che khuất hẳn lối đi, phải cố gắng lắm du khách mới chinh phục đĩnh núi có độ cao là 578m.

Núi Cấm - “nóc nhà” đồng bằng sông Cửu Long

Núi Cấm, người địa phương thường gọi núi Ông Cấm, tên chữ là Thiên Cấm Sơn, từ xưa được tôn vinh là ngọn núi hùng vĩ, linh thiêng và kỳ bí nhất trong Bảy Núi. Theo truyền tụng, lúc Nguyễn Phúc Ánh bị quân Tây Sơn truy bắt phải lên núi lánh nạn, để dấu tung tích, quan quân phải cấm dân lai vãng và phao tin trên núi rừng già hiểm trở, thú dữ ngày đêm rình rập giết hại người lên núi. Một giả thuyết khác cũng khá thuyết phục đó là ngài Đoàn Minh Huyên tức Phật Thầy Tây An từng cấm các đệ tử không được xâm phạm núi thiêng vì sợ ô uế. Cấm Sơn còn mang trong mình biết bao truyền thuyết kỳ bí: chuyện các vị đạo sĩ tu đắc đạo thành Tiên, chuyện người khai sơn đả hổ, chém mãng xà thu phục ác thú, chuyện những người ngậm ngải tìm trầm, tìm kho báu biến thành “xà niêng” điên dại...

Có hai con đường lên núi Cấm, một là đường bê tông bên sườn núi dành dài 6 km cho xe ô tô chở khách từ khu Du lịch Lâm Viên tới chùa Vạn Linh, và một lối nhỏ năm xưa dọc theo rừng với nhiều ngã rẽ vào chùa chiền, miếu mạo, thắng cảnh chung quanh. Men theo lối nhỏ sau hai tiếng đồng hồ rong ruổi trên những bậc đá gập gềnh, chật hẹp giữa không gian yên tĩnh và khí hậu lúc nào cũng mát mẻ, cây cối thưa dần, chẳng bao lâu du khách thoát khỏi cánh rừng. Đặt chân đến độ cao 535m, nhìn hướng Đông du khách sẽ bắt gặp tượng đức Phật Di Lặc nặng đến 600 tấn trắng tinh, cao vút nổi bật giữa chốn trời xanh, tác giả là nhà điêu khắc Thụy Lam. Thật khó tin giữa chốn thâm sơn cùng cốc, địa hình phức tạp như vậy mà người ta có thể xây dựng một tượng đài cao đến 33,60 m và khá nghệ thuật. Tượng phật Di Lặc ở núi Cấm đã được Trung tâm sách kỷ lục (Vietbooks) công nhận là tượng lớn nhất Việt Nam. Để hoàn thành bức tượng Phật sinh động này, các nghệ nhân đã phải thi công suốt ba năm.

Chùa Vạn Linh - núi Cấm


Thật khó tin giữa chốn thâm sơn cùng cốc, địa hình phức tạp như vậy mà người ta có thể xây dựng một tượng đài cao đến 33,60 m và khá nghệ thuật.


Dưới chân Thất Sơn - núi Cấm là dải đồng ruộng bát ngát


núi Cấm Két



Chinh phục Thất Sơn






Lên núi Cấm, du khách nên đến chiêm bái tại chùa Vạn Linh, ngôi chùa có quần thể kiến trúc đẹp có một không hai. Trên đỉnh núi Cấm còn có Hồ Thủy Liêm rộng 6,7 ha đẹp như tranh thủy mặc nuôi khoảng 200 tấn cá lớn nhỏ với hơn 50 chủng loại. Các loại hoa ly ly, cúc đồng tiền, lay ơn, đỗ quyên... từ xứ lạnh Ðà Lạt mới trồng thử nghiệm đã nở tràn trên núi.

Đến vồ Bò Hông, mỏm đá lớn trên chóp đỉnh Thiên Cấm Sơn ở độ cao 710m - điểm cao nhất của miền Tây Nam bộ, một vùng không gian bao la rộng lớn hiện ra trước mắt. Núi Cấm có 5 cái đỉnh cao (dân địa phương gọi là vồ) hay còn gọi là 5 non: Vồ Thiên Tuế Đông, Vồ Bồ Hong (Điện Bồ Hong) Tây, Vồ Bà (Điện Bà) Nam, Vồ Ông Bướm Bắc, Vồ Đầu Tây Bắc. Do vậy, câu cầu nguyện của của khách hành hương Bửu Sơn Kỳ Hương như sau: "Nam mô chư vị Sơn Thần năm non, Bảy Núi... ". Chinh phục Thiên Cấm Sơn đồng thời là ngọn núi cuối cùng trong quần thể Thất Sơn.

Tới núi Cấm, du khách đừng bỏ qua món bánh xèo núi, có hương vị thơm là lạ của gạo “lúa sóc” - loại lúa địa phương của đồng bào dân tộc Khmer trồng sát chân núi, mỗi năm một vụ, ăn kèm với gần 20 loại rau rừng như lá sung, cát lồi, tàu bay, ngành ngạnh, đọt bứa, kim thất, lá vông ....

Trên đỉnh Cấm Sơn, có thể phóng tầm nhìn sang những ngọn núi trong dãy Thất Sơn huyền bí, những cánh đồng như ô cờ trải dài xanh rì, nối sang đất bạn Campuchia. Vào ngày trời trong, cả Hà Tiên, Rạch Giá... cũng nằm trong tầm mắt. Từ độ cao 716 m (so mặt nước biển), nhìn ngắm hàng loạt công trình dân sinh, giao thông, du lịch, dân cư ... trên đồi núi cheo leo uốn khúc mới cảm nhận được sức người và quyết tâm “phá núi mở đường” của An Giang để con người có thể chiêm ngắm những kỳ quan mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng.

Tuy được gọi là Bảy Núi, nhưng thật ra nơi đây là một quần thể gồm có 37 hòn núi cao, thấp có một không hai ở Tây Nam bộ. Trập trùng Thiên Cấm Sơn, hùng vĩ núi Két, huyền bí núi Dài … Bên cạnh đó là đồi Tức Dụp, còn có tên là “Ngọn đồi 2 triệu USD”, với những chứng tích lịch sử oai hùng thời chống Mỹ, rừng tràm Trà Sư và lễ hội đua bò độc đáo của người Khmer. Đến đây, khi ăn chén cơm từ gạo Nàng Nhen cổ truyền, bánh xèo Núi Cấm, nước thốt nốt ngọt lịm - những món ngon độc đáo của địa phương, bạn sẽ cảm nhận sâu sắc sức quyến rũ của vùng đất này.

Hồng Thạnh (Theo www.dulichtamlinh.net)



 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email


Những bản tin khác:



Lên đầu trang


Tin vắn


Các đơn vị có nhu cầu đăng thông tin tuyển dụng xin vui lòng liên hệ để được đăng miễn phí

Những bài mới
Cty Long Bình cần tuyển nhân viên
Thông xe đường lên Núi Cấm
Cựu cầu thủ bóng đá giết người, lãnh án 20 năm tù
Cù lao Giêng (An Giang) – Điểm du lịch hấp dẫn
Công ty TNHH Angimex – Kitoku tuyển dụng, hết hạn 26/11
Những món ăn khoái khẩu nguy hại cho trẻ
Cá sấu nguy hiểm hơn cá mập 168 lần
Cty CP TM DV Thang Long tuyển dụng Tài xế, hết hạn 20/10
Công Ty TNHH MTV Hoàng Thiên Hà tuyển Kế toán
Về vùng Bảy Núi xem đua bò
Độc đáo “xóm chuột” nổi danh miền Tây
Công Ty Cổ Phần Bệnh Viện Phụ Sản Vuông Tròn tuyển Kế toán trưởng
Công ty TNHH Gia Đình Thần Tình Yêu tuyển dụng
Trường Ngoại ngữ Quốc tế Âu Việt Úc tuyển dụng
Công ty Cổ phần Tư vấn & Đầu tư Phát triển An Giang tuyển Nhân viên lái xe, hết hạn 15/10
[Những bản tin khác]
Xem bài theo ngày
Tháng 12 2012
T2T3T4T5T6T7CN
          1 2
3 4 5 6 7 8 9
10 11 12 13 14 15 16
17 18 19 20 21 22 23
24 25 26 27 28 29 30
31            
<< <  > >>
Quảng cáo

  Trang chính  | Diễn đàn  | Giá quảng cáo  | Liên hệ

Trang thông tin Tuổi trẻ An Giang © 2005-2012
Thông tin được tổng hợp từ các Báo điện tử và các website tiếng Việt
Nếu có các thắc mắc và góp ý liên quan đến website xin vui lòng liên hệ ĐT: 0902 777 186 Email: [email protected]