Tam quan đình đẹp quá. Tiếc là hơi ít ảnh. Hôm nào rảnh em phải tranh thủ về đó mới được.
Nhìn ảnh chụp bên trong nghi môn (tam quan) thì có lẽ đình được tu sửa vào khoảng cuối thế kỉ 19, đầu thế kỷ 20 nên vì kèo và trang trí mang dáng dấp thời Nguyễn.
Dưới đây là một bài viết trên Tạp chí Di sản về đình So
Đình So thuộc làng So, xã Cộng Hoà, huyện Quốc Oai, Hà Nội, thờ ba vị Đại vương họ Cao có công theo Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 xứ quân. Được xây dựng vào năm 1673 dưới đời Vua Lê Gia Tông, đình So được coi là một trong những ngôi đình đẹp nhất xứ Đoài.
Bản thần tích đình So kể rằng: Vào năm Nhâm Thìn (932) ở làng Vạn Tư, huyện Gia Định, phủ Thuận An, xứ Kinh Bắc có vợ chồng ông Cao Hiển và bà Lã Thị Ả sống bằng nghề chài lưới trên sông. Ông bà tu nhân tích đức, chuyên làm việc thiện cứu người, vậy mà ngoài tuổi ngũ tuần, vẫn chưa có con nối dõi. Một hôm, ông bà sắm hương hoa đến ngôi miếu thiêng trên đất Long Sơn thuộc địa đầu trang Sơn Lộ cầu tự. Cảm tấm lòng thành kính, Thủy thần đã cho đầu thai vào nhà họ Cao một bọc nở ra ba người con trai khôi ngô tuấn tú. Hôm đó vào ngày mồng 8 tháng Hai năm Quý Tỵ (933). Cha mẹ rất yêu quý đặt tên cả ba người là Hiện. Lớn lên cả ba anh em đều tinh thông văn võ. Lúc bấy giờ có loạn 12 sứ quân, cha mẹ đều đã qua đời, ba anh em liền ra giúp Đinh Bộ Lĩnh, một người làm Chỉ huy sứ, một làm Đô úy, và một làm Hiệu úy, tất cả đều làm tướng cầm quân đi đánh dẹp.
Vượt sông Thanh Quyết, các ông đánh thành Thường Vệ, vây thành Bảo Đà, đánh thành Quèn (xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai) rồi đóng đồn doanh ở Sơn Lộ Trang. Một hôm bỗng được tin Đinh Bộ Lĩnh bị vây hãm ở Bối Khê, tình thế vô cùng nguy cấp, lập tức ba ông mang quân đi giải vây. Dân trang Sơn Lộ mang bún bánh ủng hộ, lại chọn 300 tráng đinh đi theo các ông làm thần tử. Vào trận, ba anh em tả xung hữu đột chém được Chánh tướng Đỗ Thanh Long và hàng vạn sĩ tốt, giải thoát cho Đinh Bộ Lĩnh. Thắng trận, các ông trở về trang Sơn Lộ, mổ trâu tế cáo trời đất, cùng các bô lão mở tiệc khao thưởng quân sĩ. Nhưng các ông ở trang Sơn Lộ không lâu. Bỗng một hôm có dải lụa đỏ sà xuống doanh trại rồi bay đi, ít phút sau, ba ông cùng hóa, đó là ngày mồng 10 tháng Chạp năm Mậu Thìn (968). Được tin, Vua Đinh vô cùng thương xót, lệnh cho dân Sơn Lộ xây đền thờ phụng và phong cả ba vị là Nguyên soái Đại vương.
Đình được dựng bên một hồ nước rộng khoảng 3ha tạo ra một cảnh quan hài hoà, bộ mái xoè rộng và uốn lượn về phía đầu đao làm ngôi đình giống như một bông hoa sen lớn soi bóng xuống mặt hồ. Trước đình có tam môn và sân rộng 2.500m2. Tam quan có kiến trúc 2 tầng, 3 gian, 4 mái, hai bên còn có cổng ra vào, ngày thường không mở, cửa đóng then cài. Khách đến tham quan thường vào đình từ con đường bên phía UBND xã Cộng Hòa hay con đường nằm phía bên phải đình, bắt đầu xuống xe đi bộ từ nơi có những bậc thang “Hạ Mã”, nơi các cụ già ở làng vẫn kể là “nơi xuống ngựa” xưa kia. Các họa tiết trang trí và chạm khắc trên nóc tam quan vô cùng đẹp và tinh xảo, đặc biệt là hình ảnh lưỡng long triều nguyệt ở trên cao và bốn con linh thú nằm ngoan lành dưới chân những cột gỗ.
Lưỡng long triều nguyệt
Đình làng có 7 gian, 2 chái, 4 mái rộng lợp ngói, đầu đao bốn góc uốn quanh, mái đao cong vút như mũi hài, kiêu hãnh và lộng lẫy. Bên trong đình các cột gỗ lim lớn nhỏ xếp thành 6 hàng ngang, 10 hàng cột, có 32 cột lim lớn một vòng tay người ôm không xuể và 32 cột lim nhỏ bao quanh, sau điện thờ là “cung” chỉ mở cửa khi có hội. Đình làng So một năm có ba lễ lớn. Hội làng diễn ra trong ba ngày bắt đầu từ ngày 8-2 Âm lịch. Lễ khao quân tổ chức vào ngày 10-7 Âm lịch, còn ngày Thánh hóa được làm vào ngày 10-12 Âm lịch hằng năm.
Mặt sàn bằng gỗ lim, hiên có bờ tường thấp. Bao quanh đình là các cánh cửa bức bàn, có chấn song con tiện, kết hợp hài hòa giữa gạch và gỗ. Vào những ngày hội hè đình đám, các cánh cửa ở mặt trước và hai bên hông sẽ được mở chéo ra, bên trong đình trải chiếu hoa trên nền, các cụ lại cùng nhau nâng chén rượu, chén trà, chuyện trò về lịch sử đáng tự hào của ngôi đình làng danh tiếng.
Cây đại thụ trơ gan cùng tuế nguyệt
Bộ khung đình có kết cấu bằng các vì gỗ theo kiểu chồng rường giá chiêng, các chi tiết như đầu kè, đầu dư, ván nong, các vì kèo, vì vỏ cua đều được chạm trổ hoa văn rồng, mây, ly, nghê, hoa lá vô cùng tinh xảo và sống động. Bậc cấp cửa chính của đình có hai con rồng đá được tạc rất nghệ thuật và tinh xảo phục hai bên.
Trong đình còn giữ được nhiều hoành phi, câu đối, nội dung ca ngợi công đức của Thần như "Vạn cổ anh linh", "Long đức thiên tiên"; trong số này có một đôi câu đối của Tiến sĩ Nghiêm Xuân Quảng (đỗ khoa thi năm 1895) người làng Tây Mỗ, huyện Từ Liêm soạn. Tại hội Thánh đản mồng 8 tháng 2 Âm lịch, Kẻ So có tổ chức thi lợn. Lợn của giáp nào nuôi to nhất có dáng đẹp thì được giải. Ngày mồng 10 tháng 7, Kẻ So mổ trâu bò tế Thần ở miếu Thượng trên núi Rồng. Vào ngày Thánh hóa mồng 10 tháng Chạp, có lệ cúng cỗ chay. Mỗi giáp sửa một mâm cỗ chay toàn là bánh dày nhân mật. Bánh dày hình bầu dục dài 30cm, đường kính 7cm, ở giữa có nhân đậu đãi ngào mật. Bánh dày Kẻ So để được lâu, nhân mật không bị chảy đến nay người làng vẫn giữ được bí quyết chế biến.
Do bảo lưu được nhiều giá trị lịch sử và văn hóa, năm 1980 đình So đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng bảo tồn.