Giác Ngộ Online

Chùa Cầu trái tim của phố Hội

Chuyến du xuân năm Kỷ Sửu, chúng tôi chọn  Hội An làm điểm dừng chân. Ngày đầu ở    phố Hội, chúng tôi đến chùa Pháp Bảo - một  ngôi chùa có hơn 200 năm tuổi nằm trong khu phố cổ Hội An để lễ Phật, cầu minh niên vạn sự cát tường, bắt đầu cho cuộc hành trình khám phá di sản văn hóa thế giới.

Nằm trầm mặc khép mình bên dòng sông Thu Bồn (còn gọi là sông Hoài) thơ mộng, đô thị cổ Hội An ra đời vào cuối thế kỷ XVI và đã một thời (thế kỷ XVII - XVIII) từng là nơi chứng kiến nhiều cuộc giao thoa văn hóa lớn trong lịch sử dân tộc Việt Nam, một trung tâm giao thương lớn có thể sánh với Kinh kỳ (Hà Nội) và Phố Hiến (Hưng Yên).

pho-co.jpg

pho-co-2-a.jpg

pho-co-2-b.jpg

Quần thể di tích Hội An có tất cả gần 1.310 di tích các loại, nhiều nhất là các di tích có kiến trúc cổ, gồm:  đình, chùa, lăng, miếu, cầu, hội quán, mộ, giếng và nhà thờ họ tộc. Đáng chú ý nhất là chùa Cầu, miếu Quan Thánh, chùa Quan Âm, hội quán Phúc Kiến. Nhà cổ cũng là mảng di tích quan trọng, với khoảng 1.048 căn nhà có tuổi thọ hàng trăm năm, đó là loại nhà hình ống xuyên suốt từ phố nọ đến phố kia. Hầu hết đều làm bằng gỗ quý, trong nhà treo hoành phi, câu đối với những nét chạm khắc hoa văn rất tinh tế và cầu kỳ. Có thể nói, Hội An là một bảo tàng sống, là một di tích sống vì đang có cư dân sinh sống. Các ngôi nhà cổ thuộc sở hữu tư nhân nên việc Hội An được gìn giữ, bảo quản khá tốt cho đến ngày nay là do ý thức của người dân phố cổ. Đây cũng là điểm đặc trưng của đô thị cổ Hội An so với các di tích khác ở nhiều nơi trên thế giới. Chính vì thế, khu phố cổ đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới cần quan tâm nhất trong công tác bảo tồn. Đến Hội An, ngoài việc cảm nhận sự thân thiện và thưởng thức các món ăn truyền thống của người dân xứ Hội, du khách còn chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính và tĩnh lặng của những ngôi nhà với mái ngói phủ rêu xanh; những căn nhà gỗ đã tồn tại từ hơn 300 năm tuổi. Rêu trên mỗi căn nhà ở phố Hội có hàng thế kỷ. Rêu mới mọc chồng lên rêu cũ. Mùa tiếp mùa. Nói như nhà thơ Chế Lan Viên: “Hội An chẳng là quê/ mà là hương khổ thế”. Rêu chính là hương của Phố, cứ vậy mà tái sinh theo mùa. Ngắm nhìn những hàng rêu xanh trên mái phố ta cảm thấy dường như giữa màu xanh rêu lộng lẫy ấy nếu đến gần sẽ thấy cả ngàn hoa dại li ti đang nở đủ các sắc màu, đôi khi thoáng nắng lên với màu áo mới. Dường như hoa cũng ngập ngừng theo khi bắt gặp nụ cười khép vội của những người bộ hành vừa đi qua, bỏ lại thinh không một chút bồi hồi.

phoco-2.jpg

phoco-2-c.jpg

phoco-2-d.jpg

Một biểu tượng nổi bật tồn tại hơn gần 5 thế kỷ qua của đô thị cổ Hội An, đó là chùa Cầu. Nếu đến Hội An mà không vãng cảnh chùa Cầu thì coi như chưa từng đến phố Hội. Chùa Cầu là di tích kiến trúc rất đặc biệt, mang đậm nét Việt. Với người dân Hội An, chùa Cầu là linh hồn của phố Hội. Chùa Cầu nằm vắt ngang một lạch nước sâu chảy ra sông Thu Bồn, tiếp giáp đường Nguyễn Thị Minh Khai và Trần Phú trong khu phố cổ. Cầu làm bằng gỗ, mái lợp ngói che cả phần cầu và phần chùa, phần gỗ được chạm trổ tinh vi. Chùa Cầu do các thương nhân người Nhật xây dựng. Tuy nhiên cho đến nay, niên đại xây dựng chùa Cầu vẫn chưa được xác định rõ ràng. Theo thư tịch cổ nước ta, chùa Cầu được ghi nhận vào năm 1617, tức vào đầu thế kỷ XVII và đã trải qua nhiều lần trùng tu (vào các năm 1817, 1865, 1915, 1986). Đây cũng là công trình kiến trúc duy nhất mang dấu tích Nhật Bản còn lại tại khu phố cổ này. Chùa Cầu được làm bằng gỗ dài 18m có kiểu kiến trúc như chiếc cầu bắc ngang, có mái che bằng ngói âm dương, ở giữa là lối đi qua lại, hai bên có hành lang hẹp để làm nơi nghỉ mát với bảy gian bằng gỗ. Mặt chính của chùa hướng ra bờ sông Hoài. Hai đầu cầu có tượng thú bằng đá đứng chầu, một bên tượng Chó và bên kia là tượng Khỉ. Chánh điện chùa thờ Bắc Đế Trấn Võ - vị thần bảo hộ xứ sở, ban niềm vui và hạnh phúc cho con người, thể hiện văn hóa tín ngưỡng dân gian và khát vọng thiêng liêng mà con người gửi gắm cùng trời đất nhằm mưu cầu vạn sự tốt lành. Tại cửa phía Đông của chùa có ghi hai câu đối bằng chữ Hán: “Thiên cẩu song tinh an cấn thổ. Tử vi lưỡng tỉnh định khôn thân.” (tạm dịch: Hai sao thiên cẩu ở yên nơi đất cấn. Hai tướng tử vi định được chốn quả khôn). Và ở cửa phía Tây có hai câu đối ghi: "Ngoạn nguyệt khách du châu vĩ điện. Khán hoa nhân đáo mã đề lôi” (tạm dịch: Khách ngắm trăng thuyền nhanh như chớp. Người xem hoa vó ngựa sấm vang). Trên cửa chính ngôi chùa có tấm biển lớn chạm nổi ba chữ Hán: “Lai Viễn Kiều”. Tương truyền, vào năm 1719, chúa Nguyễn Phúc Chu trong trong chuyến thăm và thị sát cảng Hội An, thấy chùa Cầu mang vẻ đẹp đặc biệt nên đặt tên chiếc cầu là Lai Viễn, với ý nghĩa rằng “cây cầu của những người từ phương xa tới” ám chỉ những nhà buôn từ các nước đến buôn bán ở Hội An được người Việt xứ Đàng Trong xem như bạn bè và được đón tiếp ân cần với một đường lối mở cửa giao thương.

phoco-3.jpg

Đến Hội An vào những đêm 30 hay 14 âm lịch, du khách có thể khám phá thêm về nét đẹp lung linh và huyền ảo của khu phố cổ.  Đêm phố cổ không có tiếng động cơ gầm rú, cũng chẳng có những thương hiệu rực rỡ đèn màu, cả không gian và thời gian đều lắng đọng trong những nếp nhà gỗ cổ xưa. Tất cả như đang lặng lẽ tồn tại để con người hoài niệm về một thời quá khứ. Khung cảnh và ánh sáng kỳ ảo trên sông Hoài tạo thành những dãy hoa đăng lung linh và kỳ ảo tạo ra sức cuốn hút kỳ lạ với tao nhân mặc khách. Không quá trang nghiêm như một cố đô Huế, không quá sôi động như Sài Gòn - Chợ Lớn, Hội An mang một vẻ thuần khiết, thu hút những tâm hồn ưa chuộng lãng mạn của những ngày xa xưa.

phoco-4.jpg

Đêm và gió lạnh đã bao trùm mấy con đường nhỏ, chỉ còn những nhịp điệu của tiếng guốc về muộn gõ lốc cốc trên đường hay những âm thanh vọng về của những ai đang hát bên chùa Cầu: “Ai đi phố Hội chùa Cầu. Để thương để nhớ để sầu cho ai. Để sầu cho khách vãng lai. Để thương để nhớ cho ai chịu sầu”. Tôi chợt nghĩ rằng, chẳng bao giờ phố cổ già đi trong những âm thanh và nhịp điệu ấy…

Bài, ảnh Giang Phong  




© 2008-2012  Bản quyền thuộc về Báo Giác Ngộ