Diệc Cổ Tùng Lâm

| 30/12/2013 | 0 Comments

Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 47 |TRẦN ĐÌNH SƠN

diec-co-tung-lamVăn hóa Phật giáo số 44 (1-11-2007)  có bài “Hiện trạng Diệc Cổ Tùng Lâm giữa lòng thành Vinh” của tác giả Phan Ngọc Thiện. Bài viết đã làm cho những ai quan tâm đến di sản, di tích văn hóa, lịch sử đất nước hiện nay phải ngậm ngùi xót xa. Để cung cấp thêm tư liệu về danh thắng vùng đất thiêng Nghệ An đang bị điêu tàn quên lãng. Chúng tôi phiên dịch công bố bài văn bia “Sắc Tứ Diệc Cổ tự bi ký” sau đây:

Chùa đứng riêng biệt về phía đông Bắc thành tỉnh (Nghệ An), thuộc đất Trường Ấp, Châu Hoan xưa, từ lâu đời ấp này có một am tranh. Sau khi Triều Nguyễn đóng đô ở Phú Xuân (Huế), thiết lập tỉnh Nghệ An làm trấn lớn bên phải Kinh kỳ, am thuộc về trại binh ở ngoài thành giữ gìn thờ phụng. Trước đây các vị quan lớn cai quản địa phương mỗi khi gặp hạn hán lâu ngày, đến am cầu nguyện tức thì ứng nghiệm. Đầu tiên tướng công Nguyễn Đức Cửu thay mái tranh và làm rộng ra. Tiếp theo tướng công Nguyễn Đăng Giai (1) lại sửa chữa rồ treo bảng ghi”Diệc Cổ Tự”(2). Tên chùa bắt đầu từ đó, có sư tăng cư trú lo việc đèn hương lâu dài, nhưng nhìn quanh chùa bốn bề vẫn ao hổ, cỏ sậy như cũ. Nhân duyên chưa đủ nên còn chờ đợi thời cơ chăng!

Dịp may! Hội Cẩm Trà nghe tiếng tìm thăm chốn lan nhã này, trong đó có thượng nhân Thanh Hoán. Ngài quê ở xã Dương Hồi, phủ Đại An, tỉnh Nam Định, sinh trong họ lớn, tuổi nhỏ đã xuất gia. Kinh theo chính tông Lâm Tế, làm người nối pháp của tôn sư Quảng Thọ ở Thanh Hóa, ngài thường tham học ở các trường  Tổ Bắc Hà, giới đức đầy đủ, hạ lạp cao, văn học giỏi cùng các bạn tu hành từng trải sâu sắc. Đến được chùa này, ngài vui mừng như đã  có nhân duyên từ trước vậy.

Sau ngày Ngài dừng gậy thiển ở đây, trên từ các quan lớn của tỉnh; dưới khắp thân hào, thiện tín ai nấy d9ey632 kính mộ. Chế quân Hà  tướng công dũng rất lưu ý nhân viện thuộc quyền lo việc vận động sửa chữa điện Phật, tiền đường, xây hai lầu chuông khánh. Trưng bày đầy đủ tượng pháp, đồ thờ cúng. Làm thêm bảy gian nhà Tổ, kiến tạo tam quan có gác cao. Phía trước xây hồ, phía sau đào giếng, trong dựng hành lang, ngoài làm nhà khách. Tường bao hoa cỏ ngát hương, cổ thụ chen nhau từng lớp xanh ngắt; trở thành một cảnh quan to lớn của non sông. Người lễ bái, ngước mắt thấy trang nghiêm ca ngợi: thực sự rực rỡ như rừng cây quý bên nước Phật. Khách tham quan, cảm thấy thích thú, đầu óc thư thái cho rằng: huy hoàng như ngôi chùa vàng trong cung vua vậy. Bấm đốt tay vừa mới hơn 10 năm mà quang cảnh Phật đài rạng rỡ. Một phen đổi mới, nếu không có nhân duyên to lớn làm sao thành công được?

Kịp đến mùa xuân này, triều đình ban biển ngạch: “Sắc Tứ” cho chùa, cấp giới đao độ điệp chứng nhận trú trì, thật là ơn huệ đặc biệt. Ơn nước thấm nhuần, gần xa từ Bắc vào Nam đều nghe biết khiến mọi người luôn miệng ngợi khen sự kiện vinh diệu này. Nhà chùa làm hiển dương đạo pháp được rạng rỡ như thế?

Nên biết rằng, nếu lấy việc xưa mà xem xét việc nay thì nay đã khác xưa rồi. lấy ngày sau mà xem xét việc ngày nay, thì nay là cơ sở cho ngày sau đó. Danh tiếng của chùa ở sau thành (Nghệ An) nhờ có thiện duyên đầy đủ mà gây dựng được, nhưng rốt ráo cũng nhờ Phật, Tổ gia hộ mới  thành tựu được như vậy!

Thơ xưa có câu:

Trời chiều ráng đỏ thế giới vàng

Trăng khuya cảnh Phật càn khôn ngọc

Dùng lời thơ ấy để ca ngợi “Diệc Cổ Tự” cũng rất thích hợp vậy.

Minh rằng:

Núi Hồng sông Lam

Đất thiêng khí vượng

Chung đúc chùa xưa

Cảnh giới rực rỡ

Ân Phong trú trì

Giới đao độ điệp

Thông suốt Chánh pháp

Vô ngại đèn tâm

Phước lành không cùng

Thấm khắp Tăng chúng

Lễ Phật đản mồng tám tháng Tư, năm Canh Ngọ (1930).

Phật tử ở thành đô Nam Phong Mai Khôi Hy, rửa tay bái ghi.

Tiến sĩ khoa Tân Sửu (1901) nguyên Đốc học tỉnh Hải Phòng Nguyễn Văn Tinh kinh duyệt (3).

Kinh ghi tên các quan đóng góp công đức:

– Phụ chánh thân thần Thái Tử  Thiếu Phó Cần Chánh Điện Đại Học sĩ Phò Quang Hầu Tôn Thất tướng công.

– Tổng đốc An Tịnh Nguyễn Khoa An Chu đại nhân

– Tả Quân Đô Thống Phu Đô Thống Phạm đại nhân

Thừa dương trú xứ sơn môn:

– Thanh Vinh, Thanh Sinh, Thanh Đăng, Thanh Ký, Thanh Tập.

– Pháp tử: Thanh Ân, Thanh Toại.

– Pháp Tôn: Thanh Chúc, Thanh Anh, Thanh Văn

Các vị chấp sự kính ghi”

 

KHẢO XÉT:

1- Nguyễn Đăng Giai: Tự Toản Phu, người Lệ Thủy tình Quảng Bình, đậu hương tiến (cử nhân), năm 1820 làm quan trải 3 triều  Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, từng giữ chức Tổng Đốc An Tỉnh, Sơn Hưng Tuyên, Hà Ninh. Sau về Kinh đô thăng Thượng thư bộ Hình sung Tổng tài Quốc sử quán. Năm 1854 làm Bắc Kỳ kinh lược rồi mất tại Hà Nội, được liệt vào Đền Hiền Lương. Ông làm một Nho sĩ nhưng rất ngưỡng mộ Phật giáo, quy y thọ tại gia Bồ tát giới có pháp danh là Đại Phương. Ông chủ trì việc xây dựng chùa Báo Ân (Hà Nội), chùa Diệc (Nghệ An), viết văn bia chùa Từ Hiếu (Huế)…

2-Diệc Cổ tự:  Theo truyền thuyết dân gian thì chùa được xây dựng trên gò đất chôn xác lòi chim Diệc do trời sai xuống giúp dân làm mưa trong lúc hạn hán, nên chùa được đặt tên là Diệc để kỷ niệm truyền thuyết này. Cũng có người giải thích tên chùa theo Nho học,mượn ý câu:“ Diệc bộ diệc xu”, nghĩa là rập khuôn theo kẻ khác hay học trò học theo kẻ khác hay học trò học theo mọi sự dạy bảo của thầy.

Tuy nhiên chúng ta thấy trong bi ký có ghi rõ chính Tổng đốc Nguyễn Đăng Giai trùng tu chùa rồi treo biển đề “Diệc Cổ Tự”, tên chùa chính thức có từ đó. Nguyễn Đăng Giai  là một Phật tử uyên thâm kinh điển chắc chắn phải chọn đặt tên chùa mang ý nghĩa sâu xa giáo lý nhà Phật. Theo chúng tôi “Diệc”  ở đây hàm ý diệc hữu, diệc không môn, tức pháp môn quán các pháp nhân duyên sinh diệt, cũng có cũng không để phá trừ phiền não thiên chấp có không tương đối để vào pháp môn đệ nhất nghĩa đế. Tức pháp môn song chiếu có – không hiển bày lý trung đạo. Xưa Tôn giả Ca Chiên Diên từ Diệc hữu diệc không môn mà tu chứng Thánh quả A la Hán

3- Nguyễn Văn Tính: Người xã Cựu Hào, huyện Vụ Bản, tình Nam Định. Sinh nm8 1861, thi đỗ tiến sĩ khoa Tân Sửu triều vua Thành Thái năm 1901. từng giữ chức Đốc học tình Hải Dương, Hải Phòng rồi từ quan về quê ẩn dật.

Hy vọng tương lai gần đây mọi duyên lành tụ họp đầy đủ để tôn tạo Diệc Cổ Tùng Lâm tại vùng đất thiêng liêng. Điều này không chỉ là mơ ước của riêng đồng bào Phật tử Nghệ An mà còn là niềm hãnh diện chung của dân tộc độc lập hòa bình.

Diec-co-tung-lam

Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 47 |TRẦN ĐÌNH SƠN

(Visited 332 times, 1 visits today)

Tags: , , ,

Category: Cảnh Chùa, Trần Đình Sơn, Văn Hoá

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *